Nghĩa của tiếng Việt: Cứu cánh – do ta dùng sai chứ không ai cứu ai cả
16. 09. 15 - 7:21 am
Cùng học tiếng Việt
.
“Cứu”. Hình trên Internet
Khi bàn về từ tiếng Việt bị dùng sai so với nghĩa gốc, trước sau gì chúng ta cũng phải bàn về chữ “cứu cánh”.
Trong tiếng Việt hiện đại, chữ cứu chúng ta dùng có ba nghĩa, đến từ ba chữ Hán khác nhau.
Nghĩa đầu tiên bắt nguồn từ chữ Hán 救. Chữ cứu này nghĩa là giúp. Đây là chữ chúng ta dùng nhiều nhất, như cứu trợ, cứu hỏa, cứu tinh, cấp cứu... Nhiều khi chúng ta còn ghép vào với các từ Nôm để thành cứu giúp, cứu đói, cứu vớt…
Nghĩa thứ hai có chữ viết là 灸, nghĩa là đốt cỏ, hơ lên người để chữa bệnh. Chúng ta dùng chữ này trong ngải cứu, châm cứu…
“Cứu” trong tranh cổ. Có vẻ rất đau?
Nghĩa thứ ba có chữ Hán là 究. Đây là chữ cứu chúng ta dùng trong nghiên cứu, truy cứu. Nghĩa này là xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo, tới tận cùng. Chữ cứu thứ ba này cũng có thể mang nghĩa là tột cùng, tột bậc, hay các từ điển tiếng Anh hay dịch là extreme.
Giờ chúng ta cùng đến với siêu ví dụ của chữ cứu toàn bị dùng sai: CỨU CÁNH. Chữ cánh nghĩa là sau cùng (như trong sách vở đạo Công giáo có hay dùng chữ thời cánh chung). CỨU CÁNH do đó có nghĩa là tột cùng, không còn gì ở sau nữa. Từ này dùng rất nhiều trong triết học, tôn giáo và nghệ thuật. Trong các ngữ cảnh này, nó thường chỉ cái đích đến cuối cùng của một điều gì đó.
Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh – Kinh Tuệ giác qua bờ
Một bức thangka diễn tả đường đến Niết-bàn
Như câu của bài Tâm kinh Qua bờ trên thì Niết-bàn là mục đích cuối cùng của người thực hành đạo Phật. Theo Phật học thì đây mới là thứ quan trọng nhất mà người thực hành cần nhắm tới, còn tất cả những khái niệm ăn chay, tu hành, niệm Phật, thậm chí là vãng sinh vào Cực lạc, đều chỉ là các phương tiện để đạt được tới cứu cánh Niết-bàn. Nếu quá lệ thuộc vào những phương tiện này thì sẽ chẳng qua giờ tới được đích, ví như qua được bờ bên kia rồi mà cứ khư khư vác cái xuồng theo, không chịu bỏ xuống để đi cho nhẹ.
Trong thần học Ki-tô giáo, người ta lại cho rằng cứu cánh của thế giới này chính là Thiên Chúa, tức Thiên Chúa là mục đích của sự hiện hữu của toàn bộ thế giới này, “tất cả những người mang danh ta … ta tạo ra cho danh ta rạng ngời vinh hiển” (Isaia 43:7). Vì thế nên tất cả những gì người Ki-tô giáo làm đều nhằm để ngợi ca Thiên Chúa.
“Cứu cánh” hay được dùng sai với nghĩa “yếu tố giúp đỡ (cuối cùng) trong tình trạng hiểm nghèo”. Nguyên do là vì chúng ta lẫn lộn nghĩa thứ nhất với nghĩa thứ hai của từ cứu. Từ hợp với nghĩa này nhất (nhưng mang sắc thái tu từ) là “(vị) cứu tinh”. Vì chỉ là gần nghĩa và không có từ đúng hoàn toàn với nghĩa trên nên “cứu cánh” bị dùng sai rất nhiều, kể cả các phương tiện thông tin chính thống.
...xem tiếp