Gẫm & Bình

Đi xem triển lãm nghệ thuật cấp phường ở Úc (phần 2): Xem tranh…. từ trong nôi 29. 10. 15 - 5:10 am

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 1)

TTCT – Tư bản thì thực dụng, tranh lại không nằm ngoài qui luật kinh tế thị trường. Đặc biệt trong một triển lãm kết hợp để bán tranh như thế này các họa sĩ cũng đem ra những gì hợp với thị hiếu và túi tiền hơn là những thứ quá “sâu sắc”. Định giá hợp lý, niêm yết rõ ràng, không mặc cả kì kèo, thuận mua thì vừa bán. Ai muốn mua thì ra bàn ban tổ chức đặt cọc, nhiều tranh như vậy nhưng đến hôm triển lãm cuối cùng dấu đỏ đã đánh chi chít trên hầu hết những mác tên tranh. Ông cán bộ phường và đại diện tổ chức từ thiện ngồi cười mãn nguyện lắm: “Anh cứ nhìn những dấu đỏ thì thấy đấy, đang tiến triển rất tốt!”.
 

Steve Harris, Tĩnh lặng ở Coorong, acrylic, $8950

 

Chi tiết tranh

 

Ron Brown, “Hoa poppy tươi tốt”, chất liệu tổng hợp, $1200. Poppy là loài hoa có thể chiết xuất ra thuốc phiện. Loài hoa này được dùng cho rất nhiều biểu tượng, nhưng ngày nay, tính biểu tượng nổi bật nhất của nó là tưởng niệm. Sau Thế chiến thứ nhất, các nước thuộc Khối thịnh vượng chung Anh dùng loài hoa đỏ này để tưởng nhớ đến những người lính đã hi sinh trên chiến trường. Hằng năm vào ngày “Thương binh liệt sĩ” (Rememberance Day) ở Úc, ai ai cũng cài một bông hoa này (hoa giả bằng vải) lên ngực áo, kể cả người Úc ở nước ngoài. Hình tượng hoa poppy xuất hiện rất nhiều trong văn học nghệ thuật và thiết kế tại Úc, ngay triển lãm này cũng rất nhiều tranh vẽ nó.

 

Kurt Saifert, “Kate Of The Union”, chất liệu tổng hợp, $4500. Kate là Kate Middleton, vợ của hoàng tử Anh William, một biểu tượng thời trang có ảnh hưởng rất lớn ở Anh Quốc, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand. Union Jack là tên gọi quốc kỳ của Vương Quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ai-len. Nó đã trở thành biểu tượng của đế chế Anh và văn hóa Anh trên toàn cầu. Lá cờ là sự hợp nhất từ các lá cờ của các vùng lãnh thổ trong vương quốc. Năm ngoái, nếu Scotland trở thành một quốc gia độc lập, lá cờ này sẽ buộc phải thay đổi và dẫn đến hàng chục lá cờ của các nước (bao gồm Úc), các đơn vị, các tổ chức trên khắp thế giới đang dùng Union Jack phải thay đổi theo. Sau rất nhiều tranh cãi và đấu tranh của những người theo Chủ nghĩa Cộng hòa thì Nữ Hoàng Anh vẫn yên vị là nguyên thủ quốc gia (trên lý thuyết) của Liên bang Úc và hoàng gia Anh vẫn cực kỳ được dân Úc yêu thích kiểu… những ngôi sao truyền hình.

Người Úc bị người nước ngoài đành giá là rất lười. Một cuộc khảo sát nhanh của một tờ báo với những người trên tàu điện đi làm về cho thấy: 40% người được hỏi công nhận người Úc lười, 25% khác chọn đáp án: “Không có câu trả lời vì lười suy nghĩ ”. Thế nên những người Úc lớn lên tại Úc thích nhất ba thứ: thể thao, du lịch và nghệ thuật. Ba thứ ai mà chẳng thích hưởng thụ nếu có tiền. Lương ở Úc trả theo tuần nên càng kích thích tiêu dùng, cứ nhận được tiền là họ tiêu ngay lập tức. Người Anh cứ nói bọn Úc dày ăn mỏng làm là vì thế.

Bạn có thể bắt chuyện với hầu hết người Úc về đề tài thể thao, đặc biệt là bóng bầu dục hoặc cricket. Người Việt Nam cũng hâm mộ thể thao cuồng nhiệt, nhưng dân ta thích ngồi xem hơn là đứng dậy chơi. Còn dân Úc thì cả hai đều khoái mà đặc biệt là cực kỳ siêng năng chơi thể thao, tập thể dục. Australia chỉ có hai mươi triệu dân nhưng luôn luôn đứng trong top ten số lượng huy chương ở Thế vận hội. Đặc biệt là bơi lội, có thể thấy rất nhiều tranh vẽ người đang bơi.
 

Freda Surgenor, “Bơi trong làn nước”, acrylic, $3800

 

Chi tiết tranh

Sau thể thao là đi du lịch. Không thể có một dân tộc nào đi du lịch khủng khiếp như người Úc. Riêng khách du lịch nội địa đã tiêu đến 66 tỉ dollar Mỹ (quá nửa GDP Việt Nam) chưa kể đi du lịch nước ngoài. Số lượng người xuất cảnh khỏi cửa khẩu của Úc thấp hơn nhiều so với Mỹ nhưng nếu chia tỉ lệ sẽ thấy nó nhiều đến thế nào. Chín triệu lượt người quốc tịch Úc (và định cư tại Úc) xuất cảnh một năm, nghĩa là cứ gặp hai người đi trên đường thì một trong hai người đấy năm nay sẽ đi nước ngoài. Vì vậy trong tất cả những chuyến bay thương mại bị tai nạn thời gian vừa qua, lúc nào tra danh sách hành khách cũng có người mang hộ chiếu Úc. Đọc báo Úc sẽ chỉ thấy chi chít quảng cáo của các công ty lữ hành. Đề tài phong cảnh miền quê Úc và phố thị Úc với châu Âu cực kỳ phổ biến.

George Haidar, “Ngày của ô ở Paris”, acrylic, $2800. Paris ngày mưa là đề tài muôn thuở của họa sĩ Úc. Người Úc luôn tự nhận rằng đất nước mình quê mùa và ai ai cũng ước mong một lần được đến với châu Âu hoa lệ để trở về có thể dõng dạc mà khoe với bạn bè mình: “Châu Âu lúc nhúc toàn người mà lại còn ở bẩn”.

Kế đến là nghệ thuật. Trẻ em Úc được may mắn thụ hưởng một nền giáo dục nghệ thuật rất bài bản và khoa học từ nhỏ nên khả năng cảm thụ và thói quen chi tiêu cho nghệ thuật cũng được hình thành rất sớm. Nếu nhìn những cái balô to như bao gạo của học sinh tiểu học Úc lúc chiều tan trường về, sẽ không phụ huynh Việt Nam nào dám ho he là cặp đi học của con mình ở Việt Nam là nặng. Tuy nhiên chứa cái gì trong ấy mới quan trọng. Ở Việt Nam nặng vì sách, còn ở đây nặng vì nhạc cụ, bảng màu, cọ với màu vẽ hoặc giày và dụng cụ thể thao. Môn nghệ thuật trong các trường cấp ba không học vẽ mà học lịch sử và cảm thụ nghệ thuật.

Giá vé vào cửa triển lãm là $18, sinh viên học sinh được giảm còn $16. Giá không hề rẻ nhưng không phải vì thế mà người xem không đông. Đặc biệt, miễn phí cho trẻ em… dưới 16 tuổi. Vậy nên đối tượng người xem rất đa dạng, và phần ngắm người đi xem cũng thú vị không kém ngắm tranh.
 

Một gia đình đưa con nhỏ đi xem tranh.

Rất nhiều bà mẹ khác mắt xem tranh, tay đẩy xe nôi có bọn chưa biết bò ngồi trong. Bọn mới biết đi thì được bế lên tay cho xem lòng vòng. Đứa nào biết nói thì bắt đầu được giảng giải những điều cơ bản như màu này là màu đỏ. Đặc biệt là đám đã đi học mẫu giáo thì được cho đi tự do (đã dặn dò không sờ vào hiện vật), muốn biết gì thì hỏi.

Một điểm đặc biệt, phụ nữ đi xem nhiều hơn hẳn đàn ông. Các bà trung niên và lớn tuổi rất nhiều. Có lẽ vì họ có nhiều thời gian rỗi hơn các ông chăng? Hay là bởi vì họ mới là người quyết định mua tranh hay không.

Họ mua tranh với nhu cầu rất thiết thực, treo để ngắm, chỗ nào trên tường nhà mình còn trống, mua tặng quà sinh nhật cô này chú kia, nhỏ to bàn bạc với nhau khắp các góc, ít thấy ai là người sưu tập chuyên nghiệp. Các bác ăn mặc bình thường lôi thôi, ít nói mới là các bác mạnh tay mua. Ví dụ bác áo xanh trong hình lúc sau ra làm hai bức, mỗi bức chín nghìn rưởi. Người Úc chịu chi hơn dân châu Âu nhiều. Ra sân bay ở Việt Nam mà thấy các ông bà Tây lỉnh kỉnh mấy bọc tranh thì rất có thể là người Úc. Tuy nhiên, họ chi tiền rất cẩn thận… kiểu Anh, khi đã cho từ thiện thì nghìn đô không tiếc nhưng bỏ ra dù chỉ một đồng để mua hộp sữa mà chất lượng không ra gì thì nhiều khả năng sẽ đâm đơn đi kiện.
 

Không phải vì triển lãm nhỏ, chất lượng thấp mà không có chuyên gia. Một số người làm nghệ thuật chuyên nghiệp túm năm tụm ba khen chê rất thẳng thắn, nghe họ nhận xét từng đường kim nét chỉ mới thấy ghê gớm. Ảnh chụp người toàn bộ là chụp trộm nên không rõ mặt.

 

Echo Wu, Sen trong nắng, mực tàu, $1200. Tranh thủy mặc cũng góp mặt trong triển lãm nhắm đến đối tượng là người gốc Hoa. Trong triển lãm này, ngoài người Tây da trắng thì chỉ có người Đông Á đi xem là hai. Người Đông Á là những dân tộc hiếm hoi được người da trắng công nhận là thông minh hơn họ. Rất nhiều người Hoa (gốc Trung Quốc, Đài Loan, Malay, Indo) sẵn sàng bỏ tiền cho nghệ thuật, họ là nhóm chủng tộc giàu có và văn minh nhất sau người da trắng ở Úc.

Mỗi người được phát một quyển giới thiệu khoảng 50 trang, giấy đẹp như tạp chí (quá nửa là quảng cáo) ghi tên tác giả, tác phẩm và giá tiền. Ai có ý định mua thì nhìn là biết vì thấy hí hoáy ghi chép, đánh đấu. Người chỉ xem mà không mua cũng nhiều, họ gật gù, chỉ trỏ, đăm chiêu, cười mỉm… nhưng đa phần là người lớn tuổi hoặc cặp vợ chồng, không biết thế hệ trẻ đi đâu hết cả? Ngoài các tác giả dự thi thì có cả khách mời là nghệ sĩ có tiếng. Mỗi tội tranh ông này người ta không xem, cũng không thấy ai ghi chép gì mấy.
 

Thierry B., “Những khoảnh khắc của tự do”, $18.000

 

Thierry B., “Anh vẫn yêu em” (vàng bên trái) $11000, “Khu vườn bí mật” (đỏ bên phải), $18000

Ngoài triển lãm thì còn hoạt động bên lề là mỗi ngày lại có một họa sĩ được mời đến nói về hội họa mà chủ yếu là hướng dẫn người xem cách vẽ cơ bản từ pha màu trở đi.
 

Người ngồi học hầu hết đầu đã hai thứ tóc (do nhuộm chứ thực ra tóc bạc hết rồi). Vẽ là một hoạt động được yêu thích của người già về hưu. Khi họ còn trẻ, nước Úc còn lạc hậu, lại làm nghề lao động chân tay không có điều kiện học như ngày nay, nên bây giờ đi học vẫn chưa muộn. Diễn giả hôm nay là họa sĩ David Chen, người đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc có bằng Cao học sư phạm nghệ thuật.

 

Cuối cùng là bàn của các nhà tài trợ nằm khiêm nhường… giữa lối đi. Trên bàn là các tờ rơi quảng cáo. Một cái hộp nhỏ để bỏ tên mình vào chờ ngày rút thăm trúng thưởng. Giải thưởng là một thùng 12 chai vang của một trang trại trồng nho. Ai cũng hí hoáy ghi tên, số điện thoại, email với hi vọng mình trúng thì người ta sẽ báo. Thể nào mấy tuần sau sẽ lại lầm bầm: “Sao chúng nó biết số điện thoại mà gửi tin nhắn rác chỉ đích danh mình nhỉ?”.

*

Bài đã đăng ở Tuổi Trẻ cuối tuần

Ý kiến - Thảo luận

20:54 Thursday,29.10.2015 Đăng bởi:  Dương Trần
Tiêu khiển lúc về hưu bằng bút lông và bảng màu chắc là thói quen chung của dân Đé chế Anh Cát Lợi. Ông Churchill thôi làm thủ tướng chuyển sang vẽ vời mà tranh của ổng cũng bán được hơn 600 ngàn bảng .
...xem tiếp
20:54 Thursday,29.10.2015 Đăng bởi:  Dương Trần
Tiêu khiển lúc về hưu bằng bút lông và bảng màu chắc là thói quen chung của dân Đé chế Anh Cát Lợi. Ông Churchill thôi làm thủ tướng chuyển sang vẽ vời mà tranh của ổng cũng bán được hơn 600 ngàn bảng . 
8:31 Thursday,29.10.2015 Đăng bởi:  candid
Em quen một thằng luật sư người Úc thì thấy đúng như bác nói là nó thích du lịch và ăn nhà hàng. Nói chuyện với nó mới biết hóa ra hộ chiếu Úc được miễn visa du lịch vào loại đứng đầu thế giới.

Về chuyện người già vẽ tranh thì không chỉ dân Úc mà dân Âu, Mỹ nhiều nước cũng thế. Em tham gia hội vẽ nghiệp dư toàn các cụ già về hưu mới tập vẽ. Mỗi nă
...xem tiếp
8:31 Thursday,29.10.2015 Đăng bởi:  candid
Em quen một thằng luật sư người Úc thì thấy đúng như bác nói là nó thích du lịch và ăn nhà hàng. Nói chuyện với nó mới biết hóa ra hộ chiếu Úc được miễn visa du lịch vào loại đứng đầu thế giới.

Về chuyện người già vẽ tranh thì không chỉ dân Úc mà dân Âu, Mỹ nhiều nước cũng thế. Em tham gia hội vẽ nghiệp dư toàn các cụ già về hưu mới tập vẽ. Mỗi năm 1 lần họ gặp nhau tại 1 nước để offline như đi họp tổ hưu. Trước kia do công việc em gặp nhiều người già ở các nước Âu, Mỹ, họ nói là khi họ về hưu là cơ hội để họ làm cái họ thích do không còn vướng bận con cái, công việc, trả nợ nữa. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả