Gẫm & Bình

Nhân đọc về “Hoa vàng trên cỏ xanh”, bàn một chút về chủ nghĩa khoái lạ lạc (Exoticism) 03. 10. 15 - 10:47 pm

Kay Nguyễn

Hôm nay bắt gặp trên Soi bài viết về bộ phim Hoa Vàng Cỏ Xanh đang hot ngoài rạp, và đọc thêm một từ mới khá hay trong tiếng Việt là “chủ nghĩa khoái lạ lạc” (exoticism), thấy cái từ này hay quá – có thể nói là một từ mới toanh trong Tiếng Việt, nên xin lạm bàn thêm một chút về một chủ nghĩa thực ra là bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 nhưng lại mãi đến thập niên 1970 mới bắt đầu gây nhiều tranh cãi này. 

Gió thổi phồng tấm áo burkhas xanh: xưa từng một thứ thuộc “exoticism”, nay đã thành “cliché”, nhàm chán trong nhiếp ảnh. Ảnh của Derek Henry Flood, từ trang này

Từ lạ thành đẹp lạ

Trường phái/chủ nghĩa khoái lạ lạc có thể hiểu nôm na là “sự thu hút đến từ sự khác biệt”, một dạng “đẹp lạ” nếu nói theo văn nói của các bạn trẻ bây giờ, là một chủ nghĩa trong mỹ thuật và thiết kế cuối thế kỷ 19, khi phương Tây bắt đầu phát cuồng vì sự giao lưu văn hóa Đông-Tây bỗng dưng đột biến nhờ vào phát minh đầu máy hơi nước.

Chữ “exoticism” này đến từ chữ “exotic” có nghĩa là “độc đáo vì nó lạ”, tiếng Anh dùng từ khoảng cuối thế kỷ 16 mượn chữ của Hy Lạp, nhưng phải đến thời điểm cuối thế kỷ 19 chúng mới thực sự “đẹp lạ”. Thời điểm này, tiếng Pháp có một mỹ từ dành hẳn cho nó, “la fin de siècle”, tuy chỉ có nghĩa là “kết thúc của một thế kỷ” nhưng kết thúc của thế kỷ 19 này không giống các thế kỷ trước, nó phong vị ghê lắm, vì nó bao hàm một sự kích động, cuồng nhiệt đến chóng mặt của “những đứa con của cách mạng” – cách mạng khoa học kỹ thuật ảnh hưởng đến văn hóa nghệ thuật, của đầu máy hơi nước làm dân số bùng nổ, của dải quang phổ bảy màu làm thế giới chợt bừng sáng trong các tranh trường phái ấn tượng của viễn du không còn là đặc quyền của dân quý tộc hay thủy thủ như thời Columbus, Marco Polo… Các liên tưởng đi kèm “la fin de siècle” luôn luôn là 4 cột trụ “tự do”, “mỹ học”, “chân lý”, và “tình yêu”, đủ thấy phương Tây hân hoan như thế nào để đón chào thế kỷ 20. 

Toulouse-Lautrec miêu tả một cảnh trong đời sống “la fin de siècle”: “Au Salon de la rue des Moulins”, 1894, bột màu

  Tơ lụa, gia vị, gốm sứ, đồ mỹ thuật lẫn thủ công mỹ nghệ vào lúc ấy từ các nước châu Á xa xôi được nhập khẩu đến kinh đô ánh sáng. Các tiệm bán trà Á Đông mở ra. Các hoạ sĩ mắt xanh mũi lõ trầm trồ trước các bức tranh khắc gỗ của Nhật hoặc các bức thủy mặc của Trung Quốc. Thậm chí họ còn bắt chước cả style Á Đông đó. Van Gogh có đến mấy bức “cuồng Á Đông” như vậy, đơn cử “Chiếc Cầu Dưới Mưa” hay “Cây Mận Nở Hoa” vẽ theo kiểu của Hiroshige, không quên chua thêm vài câu tiếng… tào lao chắc Van Gogh cọp-pi lại mấy chữ Kanji thông dụng.

Vincent Willem van Gogh, “Blossoming Almond Tree”, khoảng 1880 – 1890

Nhưng khoái lạ lạc không nên bị hiểu nhầm với chủ nghĩa “phương Đông” (orientalism), mặc dù hai từ này xuất hiện cùng thời điểm và dường như “đẹp lạ” đều toàn do… phương Đông ảnh hưởng sang. Khoái lạ lạc có khi là chỉ các totem khắc gỗ của người Đông Phi, kiểu thiết kế “bộ lạc” (tribal art) của dân da đỏ… theo hệ quy chiếu của phương Tây. Túm lại, cái gì không phải xuất phát từ nền văn minh phương Tây (trưởng thành từ “cái nôi của văn minh Hi-La), thì họ gọi là “đẹp lạ” (exotic) – một cách gọi rất “lấy mình làm quy chiếu” và rất chủ quan. Và cái chủ nghĩa sử dụng những yếu tố từ nội dung đến chất liệu không có nguồn gốc mỹ cảm từ địa phương đó gọi là chủ nghĩa khoái lạ lạc. 

Jean-Léon Gérôme, “The Snake Charmer” (1880), minh họa vẻ đẹp bí ẩn và như hư cấu của phương Đông hương xa,“đẹp lạ”

Hèn chi trong tiếng Việt tìm mãi không thấy từ này cho đến khi đọc được trên Soi. Vì trong văn hóa Việt, cái gì xuất phát từ Phương Tây sẽ mang tính “to” chứ không mang tính “đẹp lạ”. Ví dụ nhé, cần tây là tại nó to hơn cần, khoai tây tại nó to hơn khoai lang, hành tây tại nó to hơn hành bình thường. Còn cái gì xuất phát từ chỗ khác phương Tây? Trừ Trung Quốc, nước ta không có du nhập thêm thứ gì ngoại lai nhiều nữa (có, nhưng đồng hóa sạch bách rồi, Bách Việt ta cũng ghê gớm lắm chẳng vừa!), và nếu là từ Trung Quốc, vì trải qua những 1000 năm đô hộ, nên chúng ta đã biến nó thành… của ta, và ta đã có từ “cổ truyền” rồi đấy thôi: Tết cổ truyền, Tết ta (thiệt ra tụi phương Tây gọi là… Chinese New Year – Tết Trung Quốc)… Tất cả đều do hệ quy chiếu văn hoá hết!

Nhưng cũng sẽ có các hệ quy chiếu rất loạn. Ví dụ mấy bạn học dịch thuật hay biết chữ “French window” (cửa sổ kiểu Pháp) là để chỉ cái kiểu cửa sổ ốm ốm cao cao mà Việt Nam mình cũng hiểu thế, nhưng tụi Pháp lại gọi đó là “la fenêtre anglaise” (cửa sổ kiểu Anh), hay như món khoai tây chiên tụi Mỹ gọi là “khoai tây chiên kiểu Pháp” (French fries), người Pháp gọi là “khoai tây chiên kiểu Bỉ” (frites belgique), người Bỉ gọi là… “khoai Tây chiên” (tại Bỉ nói tiếng Pháp, hehehe đâm hơi), vậy cuối cùng nước nào chiên khoai đầu tiên? – thôi đó lại là một bài viết khác. 

“French window” trong tranh của Henri Matisse

Từ đẹp lạ thành xấu xí

Quay lại chủ đề “khoái lạ lạc”. Tại sao một trường phái mỹ thuật cuối thế kỷ 19 khá sáng tạo, độc đáo, lại có thể mang thêm nghĩa tiêu cực trong phê bình nghệ thuật từ thập niên 1970 trở đi?

Xin thưa, đó chính là do thập niên 1970 loài người phát hiện ra sao chổi Chiron vốn chỉ sự hàn gắn vết thương và bình đẳng bác ái — ối chết quên mất chúng ta không đang ở chuyên mục chiêm tinh.

Chiron là bạn này đây. Hành tinh/sao chổi Chiron được Charles Kowal phát hiện vào 18. 10. 1977. Gọi là sao chổi vì theo dõi thì hành tinh này hành xử rất… sao chổi. Hình từ trang này

Nếu xét về lịch sử, thập niên 1970 là kết quả của các phong trào hippie trở về thiên nhiên, phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da đen, và chớ quên đại thắng mùa xuân năm 1975 của Việt Nam tươi đẹp chúng ta cũng là kết thúc luôn gần hai thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới và là thành công đầy tốn kém của chủ nghĩa xã hội mà khối Liên Xô luôn hậu thuẫn Việt Nam (thậm chí bây giờ còn có một thuyết âm mưu là khối Liên Xô tan rã do hết tiền mà tiền hết là do chi viện cho… Bắc Việt???)

Nói chung, đó là một thập kỷ xôn xao! Thập kỷ này cũng làm cho… tranh Gauguin rớt giá thảm hại, và nhà thiết kế Miuccia Prada trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Ý (ghê chưa, hèn chi Việt Nam thích xài Prada!). Chủ nghĩa khoái lạ lạc, mà Gauguin là một trong những tượng đài lớn, trở nên “không đúng đắn về mặt chính trị” nữa. Tại sao thế giới đại đồng, loài người bình đẳng không phân biệt nam nữ, màu da, giàu nghèo, lại có thể chấp nhận coi đồng loại là “đẹp lạ”? Đẹp thôi, không lạ nhé! Chúng ta một nhà cả, ai lạ vào đây! “Đẹp lạ”, exoticism, cùng với sự phán xét dành cho việc dựng nên các bảo tàng của người phương Tây thích chinh phục vùng đất mới, đã trở thành nghĩa xấu xí trong phê bình nghệ thuật, khi mọi thứ đều bị mang ra khỏi văn cảnh, khỏi vùng miền gốc gác của nó, và được phán xét theo hệ quy chiếu của một người khác, thường là người đến từ nền văn minh “cấp tiến” hơn; hoặc khi người bản địa cố tình dùng yếu tố “đẹp lạ” này để đạt được một mục đích nào đó đối với người khác (dụ dỗ chẳng hạn).

Paul Gauguin ,“Nevermore O Tahiti”, 1897

Nhưng sự thật thì tính kỳ thị vẫn ăn rất sâu trong gien của loài người. Họ thấy “khác người”, họ dị ứng hoặc họ bị thu hút không cưỡng lại được. Trong tiếng Anh còn có một từ chỉ một nỗi sợ hãi gọi là “nỗi sợ hãi người nước ngoài” (xenophobia), và một cái “chuẩn” được hiểu ngầm trong phương Tây thế này, cứ càng ở đáy tiến hóa thì người ta càng sợ cái lạ, còn văn minh rồi thì phải yêu cái lạ, ôm ấp nó, không thích cũng phải ráng nhận rằng “đẹp lắm mà không hề lạ” đâu, thế mới văn minh. Cả thế giới đang là nồi lẩu ngập ứ của những tư tưởng kiểu phương Tây ấy. Facebook cũng là một sản phẩm của cách “quan hệ xã giao” kiểu phương Tây, của anh Mark, mà đôi khi người Việt Nam như mình tiếp nhận nó cũng phải hết sức cẩn thận, vì trong văn hóa đồng sắc và hoàn toàn vắng bóng khái niệm “khoái lạ lạc” như Việt Nam, nhiều khi mình chỉ thấy nó “to” và “tiện”, “đẹp lắm và không hề lạ đâu”, rồi mình “đồng hóa” luôn và xài, thế thôi, thành ra bừa phứa.

Từ đó mới có lời khuyên chân thành mà không thiên vị từ một người yêu mến Soi: có ý kiến nào hay các bạn nên gửi Soi đăng, đừng lê la khẩu chiến trên Facebook chỉ bởi vì nó “to và tiện, đẹp lắm và không hề lạ đâu!” 

Vớt vát một cái hình cho nó đúng đầu bài. Đây là một cảnh trong “Hoa vàng trên cỏ xanh”. Cả phim là một thể thống nhất của việc sử dụng exoticism. Đến cảnh này ta người Việt còn thấy “exotic” nữa là “chúng nó”, đúng không nào?

 

Ý kiến - Thảo luận

15:49 Tuesday,6.10.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Bàn góp: Mình mới nghe khoai Tây chiên Bỉ đêm vừa chiên xong đóng hàng máy bay xuất liền sang Mỹ hoặc lung tung Âu để mấy tay thừa tiền sáng sớm có cái xài. Bây giờ hiểu thêm lý do. Thế này thì trái với lý thuyết sống lâu của người Nhật quá, cái gì cũng chỉ nên dùng trong vòng bán kính 1km!
Cảm ơn Kay Nguyễn giải thích quá hay nuôn, đỡ phải đi Tây học lý thuyết lằ
...xem tiếp
15:49 Tuesday,6.10.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Bàn góp: Mình mới nghe khoai Tây chiên Bỉ đêm vừa chiên xong đóng hàng máy bay xuất liền sang Mỹ hoặc lung tung Âu để mấy tay thừa tiền sáng sớm có cái xài. Bây giờ hiểu thêm lý do. Thế này thì trái với lý thuyết sống lâu của người Nhật quá, cái gì cũng chỉ nên dùng trong vòng bán kính 1km!
Cảm ơn Kay Nguyễn giải thích quá hay nuôn, đỡ phải đi Tây học lý thuyết lằng nhằng. Bạn viết về chiêm tinh làm mình ù huýt cả tai, chỉ có mấy cái hình vẽ minh họa các sao, các ngôi ấy là mình dùng được. Nhưng nỏ hiểu đã có lúc nào bạn giải thích tử vi Tầu có nguồn gốc từ đâu chưa nhỉ? 
0:04 Tuesday,6.10.2015 Đăng bởi:  azianphuong

Bài viết rất hay! Đọc được rất nhiều thông tin thú vị. :)
Có 1 phần nhỏ là khoai tây chiên vốn xuất phát từ khắp mọi nơi, nhưng Bỉ có một cách làm khoai tây chiên đặc biệt là chiên qua 2 lần, dùng mỡ bò để có được nhiệt độ cao, chiên lần 1 nhiệt độ cao, lần 2 thấp hơn. Kết quả khoai tây rất giòn, đậm vị, và cũng xuất phát từ cách cắt khoai thuôn
...xem tiếp

0:04 Tuesday,6.10.2015 Đăng bởi:  azianphuong

Bài viết rất hay! Đọc được rất nhiều thông tin thú vị. :)
Có 1 phần nhỏ là khoai tây chiên vốn xuất phát từ khắp mọi nơi, nhưng Bỉ có một cách làm khoai tây chiên đặc biệt là chiên qua 2 lần, dùng mỡ bò để có được nhiệt độ cao, chiên lần 1 nhiệt độ cao, lần 2 thấp hơn. Kết quả khoai tây rất giòn, đậm vị, và cũng xuất phát từ cách cắt khoai thuôn dài như ngón tay, cạnh hình chữ nhật, nên khoai tây chiên kiểu Bỉ rất đặc biệt. Bỉ lại nằm trong vùng nói tiếng Pháp, nhưng ở phía nam Bỉ ngoài tiếng Pháp hiện nay còn dùng tiếng Wallon cổ, tiếng Pháp thế kỉ 8 - 12 theo chân người Roman. Nên từ french fries là khoai Tây chiên Bỉ với từ french (tiếng Walloon) nghĩa là cách cắt khoai tây cạnh hình chữ nhật, thuôn dài như trên. Vô tình giống như tính từ French (thuộc về nước Pháp - France). Nên mọi người hay hiểu nhầm là khoai tây chiên kiểu Pháp.
Scots and English in the UK, or Asturianu and Tiếng Walloon cũng giống như tiếng Letzebuerguesh và German ở Luxembourg, Scots và English ở Anh. Vẫn còn đang tranh cãi là có coi nó là một phương ngữ (dialiect) của tiếng Pháp hay không? Cái này mình không rành vì tiêu chí của các nhà ngôn ngữ học để sắp xếp ngôn ngữ thì ngoài tầm hiểu biết của mình.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả