Nhà buôn – chủ gallery và tật xấu đáng yêu
09. 11. 10 - 12:52 pm
Lê Quảng Hàm phỏng dịch
"Một đôi cách để làm điều gì đó" - triển lãm ảnh của Chuck Close tại AGO
Ngài Jerry thân mến,
Tôi không ký tên thật dưới câu hỏi này đâu, bởi vì tôi là người buôn tranh có bộ sưu tập ở New York mà ngài từng ghé thăm. Lần đó ngài có nói với tôi về “một số thói xấu của những tay buôn tranh.” Tôi cứ băn khoăn mãi về câu nói này, và ngờ rằng ngài ám chỉ tôi chăng. Mà ngài đã bao giờ chỉ ra “thói xấu” đó như thế nào đâu.
[Ký tên] CưngƠiĐóKhôngPhảiLàTớ
*
Gửi CưngƠiĐóKhôngPhảiLàTớ,
Trong những năm qua, tôi đã từng nói về vấn đề “tật xấu của nhà buôn” với một số chủ gallery. Có lúc, tôi cố đưa ra một thông điệp, đôi khi cũng chỉ như lời phàn nàn thôi.
Phải nói rằng tôi quý những người kinh doanh nghệ thuật. Xét theo khía cạnh nào đó, trong thế giới nghệ thuật, họ cũng là những người dễ ưa. Thực sự mà nói, tôi thích cái lối họ [dũng cảm] chi tiền túi theo thị hiếu của mình, tạo ra vũ trụ thẩm mỹ của riêng mình, vừa hỗ trợ nghệ sĩ, thuê mướn người làm, mà họ nhọc lòng làm tất cả những điều này trong khi vẫn cho chúng tôi [những phê bình gia] cơ hội chiêm ngưỡng nghệ thuật miễn phí. Nhiều người trong số họ rất có tầm nhìn xa trông rộng.
Nhưng mà họ cũng làm những chuyện cực kỳ khó chịu.
Đối với tôi, nguyên tắc đầu tiên của một nhà buôn tranh là: “Đừng bao giờ hy vọng bán tranh cho mấy tay phê bình gia. Chớ đấy nhé.”
Tôi không thể kể hết tất cả nỗi chán chường cho bạn, mà nào chuyện đó có phải hiếm đâu. Hễ bước vào gallery, khi mình mới kịp ngắm nhìn tranh tượng được độ hai ba phút thì thế nào ông (hay bà) chủ cũng đã xuất hiện, tiến lại chào hỏi. Rồi ông (hay bà) chủ bắt đầu liến thoắng giải thích với mình về tác giả và tác phẩm. Ông (hay bà) này cứ day đi day lại một số điệp khúc (nghe chừng các nghệ sĩ mớm sẵn chăng), cứ như thể họ đang tua lại bài học thuộc lòng mà nghệ sĩ muốn ông (hay bà) này truyền đạt tới người xem rằng cần phải hiểu tác phẩm như thế như thế… “Ngài giám thủ X vừa ở đây xong, oai chưa, trong lúc mấy tác phẩm đang được gom lại để gửi đi tham dự Biennial Y đấy nhé. Đặc biệt là có cả những nghệ sĩ cũng thích những tác phẩm này đấy nhé, Chuck Close này, Chris Ofili này, Maurizio nữa này, và cả Klaus lẫn Brice đều mê nhé”. (Tôi định bảo: “bố Maurizio thì thứ gì chả khoái”, song lại thôi). Một số chủ gallery còn kể lể những ai đã mua tranh của họ, hội đồng nghệ thuật bảo tàng nào đang nhăm nhe, rồi thì tranh đã bán được giá ra sao…
Stephanie, 2003 của Maurizio Cattelan
Họ đã khiến tôi không còn là phê bình gia nữa, mà thành ra một người xem bình thường. Tôi chỉ muốn “xạc” ông nhà buôn rằng: “Hãy trật tự nào: tôi không xem tranh bằng tai đâu nhé.” Nhưng rồi tôi giữ miệng, vì “phê bình gia phải có thái độ trung lập chớ !?”. Tôi kể những điều này hoàn toàn không có gì ác ý, nếu không nói quá rằng các nhà buôn cứ hay “vơ vào” mọi thứ [mình còn “khuyết”]. Chưa kể các phê bình gia cũng chẳng thể xài được bất kỳ thông tin nào do các nhà buôn “tiết lộ”, bởi vì ông (hay bà) này sau đó thế nào cũng đi lòng vòng và phán những câu đại loại như “Những điều tay phê bình gia Jerry viết ra là những thứ mà tôi đã nói với hắn chứ đâu.”
Thật khó để ngăn chặn tình trạng [chủ gallery “tít” hơn phê bình gia] này, nhưng gần đây, tôi đã nói thẳng với các nhà buôn tranh rằng: “Tôi tin tôi là tay chuyên nghiệp. Tôi biết phải làm thế nào để xem tác phẩm nghệ thuật một mình chứ.”
Nếu tôi từng nói thế với bạn, CưngƠiĐóKhôngPhảiLàTớ ạ, xin bạn hãy bình tĩnh nhìn lại mình một chút.
Hãy cho tôi xem bạn trưng bày những gì. Nếu hay, tôi biết chứ.
Lễ Truyền tin - tượng đồng của Chris Ofili
*
(Nguồn: Artnet)
Chú thích thêm:
Trong nguyên bản, người hỏi ký là: ItAin’tMeBabe
Tôi tạm dịch là: CưngƠiĐóKhôngPhảiLàTớ