Nghĩa của tiếng Việt: Đào xuống rễ mà tìm chữ căn
05. 12. 15 - 6:39 am
Cùng học tiếng Việt
“Rễ sen (liên căn – củ sen), lá sen, đài sen”, tranh Trung Quốc thế kỷ 17. Hình từ trang này
1. Căn có nghĩa là rễ
Căn là từ Hán-Việt, có nghĩa gốc là rễ cây, rồi từ đó phát triển nghĩa lên thành “nền tảng, cốt lõi”.
Chúng ta có nhiều từ ghép có chữ căn Hán-Việt này.
– Căn bản vốn có nghĩa là rễ cây và gốc cây (bản là cái gốc cây). – Căn nguyên vốn có nghĩa là rễ cây và nguồn nước. – Thâm căn cố đế có nghĩa là rễ cây thì sâu mà cuống hoa (đế hoa, đài hoa) thì vững, chỉ tình trạng một hiện tượng đã tồn tại lâu, khó lòng thay đổi.
– Căn cơ là rễ cây và cái nền nhà. – Căn cứ có nghĩa là cái nền để dựa vào (cứ, như trong cứ điểm, cát cứ…). Trong tiếng Việt hiện đại, danh từ căn cứ có hai nghĩa, một là cái bằng chứng để dựa vào nhằm chứng minh một điều khác, hai là cái nơi chốn cụ thể tập trung lực lượng để làm việc gì đó (ví dụ chiến tranh).
Trong Phật giáo có thuật ngữ lục căn, tức là 6 cái cội rễ cấu tạo nên nhận thức và hành động là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Trong Toán học, chúng ta gọi ký hiệu này √ là dấu căn. Đó là do chúng ta dịch từ tiếng Tây, tiếng Pháp là racine và tiếng Anh là root, đều có nghĩa là rễ cây. Nếu 23 = 8, thì ta gọi 2 là căn hay rễ (bậc 3) của 8. Trong lịch sử toán học, người ta gọi một số x là rễ của một hàm số f(x) khi x gắn vào f(x) cho giá trị bằng 0. Cách dùng chữ rễ theo nghĩa này đã được nhà toán học al-Khwārizmī dùng từ thế kỷ 8-9 trong tiếng Ả-rập, mà khi phương Tây mang về đã dùng chữ Latin radix (là rễ) để dịch ra.
Nhà toán học al-Khwārizmī
2. Thẻ căn cước?
Hiện đang xôn xao vụ sắp có thẻ căn cước. Nhân tiện đây chúng ta cùng tìm hiểu về chữ này xem. Chữ căn trong căn cước có nghĩa là cái gót chân. Nó là một chữ Hán khác với chữ căn rễ cây ở trên, thường hay được đọc là cân hơn là căn. Cước là cái cẳng chân. Căn cước là cái thẻ luôn đi kèm theo người như cái gót chân và cái cẳng chân.
Felix Nussbaum, “Tự họa với thẻ căn cước Do Thái”, 1943
(Chú thích: phần nói về chữ “căn cước” này dựa theo giải nghĩa của từ điển Nguyễn Quốc Hùng, xuất bản 1975, Khai Trí, Sài Gòn. Tuy nhiên, cũng có từ điển giảng chữ “căn cước” dùng chữ căn rễ cây, thậm chí bản thân từ điển Nguyễn Quốc Hùng cũng có hai mục chữ “căn cước” dùng căn rễ cây và căn gót chân.)