Văn & Chữ

Nghĩa của tiếng Việt: Lãnh cổ áo, lãnh thời tiết 31. 12. 15 - 7:21 am

Cùng học tiếng Việt

1. Lãnh/lĩnh: từ cái cổ áo cho tới người đứng đầu

Lĩnh, hay chúng ta còn đọc bằng âm lãnh, là từ Hán-Việt, có nghĩa là cái cổ. Mở rộng nghĩa ra, nó còn có nghĩa là cái cổ áo. Nếu bạn tìm hiểu về trang phục cổ, sẽ hay gặp các chữ áo giao lĩnh (cổ áo giao chéo, như hình anh Marco Polo trong phim của Netflix), áo trực lĩnh (cổ thẳng), áo viên lĩnh (cổ tròn), vân vân.

Các kiểu cổ áo: giao lĩnh, trực lĩnh, viên lĩnh

 

Marco Polo mặc áo cổ giao lĩnh trong phim

Chúng ta ghép chữ lĩnh/lãnh cổ áo này với chữ tụ (nghĩa là tay áo) để thành chữ lãnh tụ, nghĩa là người đứng đầu (cổ và tay áo đều là các phần rìa của áo).

Ngoài ra, cái cổ là bộ phận quan trọng (vì nó giữ cái đầu), nên chữ lĩnh/lãnh, còn có nghĩa là phần quan trọng, cốt yếu, hoặc người điều khiển, đốc thúc. Ví dụ :
lãnh đạo: người dẫn đường
lãnh sự quán: cơ quan đại diện quốc gia ở nước ngoài nhưng không đặt ở thủ đô nước sở tại)
thống lĩnh/lãnh: cầm đầu tất cả mọi người, thống là mối tơ, nối kết tất cả mọi cái lại.

Từ trái sang: lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei của Iran, đang trao đổi với ngài Ali Akbar Hashemi Rafsanjani – nhà văn, cựu tổng thống Iran (1989 – 1997) và là người giàu nhất Iran. Sadegh Larijani – người đứng đầu hệ thống luật pháp, và Ahmad Jannati, người đứng đầu hội đồng tối cao của Iran. Ảnh hồi 2010 của Khamenei.ir

Lĩnh/lãnh ngoài ra còn có nghĩa là nhận lấy, chiếm lấy. Nghĩa này có lẽ bắt nguồn từ việc cái cổ là nơi tiếp nhận mọi thứ từ miệng, mũi đưa xuống. Chúng ta có các chữ lĩnh hội (tiếp nhận và hiểu), lãnh địa, lãnh thổ, lãnh hải (vùng đất, vùng biển của một quốc gia lấy được bằng cách khai phá, hoặc chiếm của quốc gia khác), lãnh/lĩnh vực (cõi riêng, khu vực chủ quyền).

Lãnh/lĩnh chỉ cái cổ là nơi toàn thân tụ lại, cho nên lãnh/lĩnh còn dùng để gọi các đỉnh núi nữa: Lĩnh Nam Chích quái là cuốn sách kể những truyện kì quặc ở phía Nam 5 ngọn núi Ngũ Lĩnh. Chữ Hán còn một chữ “Cảnh” để chỉ cái cổ là bộ phận giải phẫu học, có hình trụ nối với đầu (ví dụ: động mạch cảnh). Trong chữ Hán có rất nhiều trường hợp cùng nghĩa nhưng khác ý như vậy.

Âu Cơ đẻ trăm trứng thuộc tích họ Hồng Bàng, truyện đầu tiên trong Lĩnh Nam Chích Quái. Minh họa từ trang này

2. Lãnh tức là lạnh

Sau phần về chữ lĩnh/lãnh cổ áo, vài bạn trên facebook hỏi thêm về một chữ lãnh khác, như trong các từ ghép lãnh đạm, lãnh cảm.

Chữ lãnh này là một từ Hán-Việt khác, chỉ nhiệt độ thấp, hay chúng ta còn đọc bằng âm lạnh. Vì nghĩa lạnh lẽo thường dẫn theo nghĩa trống trải, nên lãnh còn mạng nghĩa là hiu quạnh, hoặc thờ ơ. Coi phim Tàu sẽ thấy phi tần thất sủng thường bị nhốt vô lãnh cung.

Nằm trong lãnh cung thì rất buồn… Hình từ trang này

Lãnh đạm: đạm có nghĩa là nhạt, không nhiều vị. Lãnh đạm nếu Việt hóa hoàn toàn sẽ thành lạnh nhạt. Chữ lãnh cảm các bạn có thể tự giải nghĩa.

Chúng ta không có nhiều từ ghép dùng chữ lãnh này lắm, có lẽ vì biến âm của nó là chữ lạnh đã được dùng thông dụng như một từ Nôm, bên cạnh từ rét.

Ngoài lề: người Triều Tiên có món mì lạnh nổi tiếng nấu . Món này tiếng Triều Tiên gọi là naengmyun.

Món mì lạnh. Hình từ trang này

Naengmyun vốn là âm đọc Hán-Triều của lãnh miến. Miến là mì, lãnh là lạnh. Kiểu biến âm l-n từ lãnh-naeng này giông giống biến âm ở miền Bắc nước ta nhỉ.

*
Các bạn xem thêm về các từ khác ở FB Cùng học tiếng Việt nhé

*

Cùng học tiếng Việt:

- Nghĩa của tiếng Việt: Đỗ và Đậu. Chưng và Chưng cất

- Nghĩa của tiếng Việt: Phù tang và Câu lạc bộ

- Nghĩa của tiếng Việt: Trẩy và Nhặt

- Nghĩa của tiếng Việt: “Khinh” và “Mọn”

- Nghĩa của tiếng Việt: “Nhũn như con chi chi”

- Nghĩa của tiếng Việt: “Muông” và “Mân côi”

- Nghĩa của tiếng Việt: “Ngoan” và “Thực dân”

- Nghĩa của tiếng Việt: “Tang bồng” và “Con ghệ”

- Nghĩa của tiếng Việt: Cam và Khổ và Hợp chúng quốc

- Nghĩa của tiếng Việt: Chữ “mặc” – mực vẽ, im lặng và bom nguyên tử

- Nghĩa của tiếng Việt 10: Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng

- Nghĩa của tiếng Việt: Lạp là hạt, là chạp, là sáp…

- Nghĩa của tiếng Việt: Dày thế mà gọi là “tiểu thuyết”? Bò bía nghĩa là gì?

- Nghĩa của tiếng Việt: Chiêm tinh với thiên văn, can đảm với gan ruột

- Nghĩa của tiếng Việt: vì đâu nên “tá”?

- Nghĩa của tiếng Việt: Cứu cánh –
do ta dùng sai chứ không ai cứu ai cả

- Nghĩa của tiếng Việt: Gác – từ trên lầu đến xưng hô lễ phép

- Nghĩa của tiếng Việt: “dâm bụt” hay “râm bụt”?

- Nghĩa của tiếng Việt: Điền kinh nghĩa là gì? Việt dã nghĩa là sao?

- Nghĩa của tiếng Việt: “Băng” – từ nước đá cho tới chuyện cưới hỏi

- Nghĩa của tiếng Việt: Đào xuống rễ mà tìm chữ căn

- Nghĩa của tiếng Việt: chữ “hộ” giúp đỡ, chữ “hộ” cửa nẻo

- Nghĩa của tiếng Việt: Tam Bành –
ba con ma của Đạo giáo làm người ta nổi giận

- Nghĩa của tiếng Việt: Lãnh cổ áo, lãnh thời tiết

- Nghĩa của tiếng Việt: Tằm-tang-tơ, bộ ba nối kết Đông-Tây

- Nghĩa của tiếng Việt: Vì sao lại gọi là nhiễm sắc thể?

- Nghĩa của tiếng Việt: Cộng hòa là thế nào? Đại Chủng viện là nơi làm gì?

- Nghĩa của tiếng Việt: bánh trưng hay bánh chưng?

- Nghĩa của tiếng Việt: Nguyên là gì, tiêu là gì, và Nguyên Tiêu là gì?

- Nghĩa của tiếng Việt: Đồng hồ –
nhỏ nước trước rồi mới hiện đại sau

- Nghĩa của tiếng Việt: Có phải cứ có vua thì gọi là “phong kiến”?

- Nghĩa của tiếng Việt: Hoàng, Đế, Vương, Vua, xưng gì thì cũng là.. vua

- Nghĩa của tiếng Việt: từ cắm (hoa) cho tới sáp nhập

- Nghĩa của tiếng Việt: Tên các nguyên tố hóa học trong tiếng Việt

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả