Trường phái

NGV (bài 4): Max Delany hỏi, Ai Weiwei trả lời 04. 02. 16 - 6:15 am

Đặng Thái st và dịch. Ảnh: Đặng Thái

Đây là bài đăng trên tạp chí Gallery số Tháng Một-Tháng Hai năm 2016 của NGV. Max Delany là chuyên viên cao cấp của bảo tàng, giám tuyển của triển lãm Andy Warhol/Ai Weiwei lần này. Ông vừa được lựa chọn làm giám đốc Trung tâm nghệ thuật đương đại Úc (nằm cách NGV mấy trăm mét), đánh bại hồ sơ xin việc của hàng chục ứng cử viên trong nước và quốc tế khác. Sau đây là cuộc đối thoại giữa giám tuyển và nghệ sĩ.

*

Max Delany: Chúng ta hãy bắt đầu với một công trình lớn mới hoàn thành gần đây nhất là “Phục chế đèn chùm đời Hán cho Hoàng đế, 2015” được cấu thành bởi hàng nghìn lăng trụ pha lê đan xen lẫn nhau. Ông có thể cho biết thêm một vài thông tin về hình thức của tác phẩm cũng như dấu ấn lịch sử và tính đương đại của nó?

Phục chế đèn chùm đời Hán cho Hoàng đế, 2015, thép, pha lê và đèn. Ngoài Xe đạp vĩnh cửu thì đây là tác phẩm thứ hai cho công chúng xem miễn phí ngay tiền sảnh NGV.

Ai Weiwei: Tất cả những cái đèn chùm tôi từng làm ra đều có liên quan đến những yếu tố lịch sử và dựa trên những nguyên mẫu cổ vật thật sự. Tôi từng làm một cái cho Triễn lãm nghệ thuật đương đại châu Á-Thái Bình Dương (1), lần ấy tôi thiết kế nó trông giống một cái boomerang, loại công cụ cổ truyền của Thổ dân châu Úc. Còn kết cấu của tác phẩm lần này lấy cảm hứng từ mẫu đèn lồng đời Hán. Vào thời đó, vua chúa thực sự tin rằng trần sao âm vậy. Họ cho chôn theo rất nhiều đồ tùy táng quý giá làm bằng kim loại, gốm sứ hoặc đá quý, kể cả quần áo làm bằng ngọc bích chẳng hạn. Họ tìm mọi cách để bảo quản thân xác vẹn nguyên sau khi chết, ngăn cản nó tan vào cát bụi bằng mọi giá. Những lăng mộ dưới lòng đất được thắp sáng bởi những đèn lồng thắp nến mà người ta gọi là “ánh sáng vĩnh hằng”, nhưng mà tôi biết chắc là sau khi đóng cửa lăng mộ lại, không có ôxi thì đèn sẽ tắt thôi.

Những cái đèn lồng thời Hán được thiết kế rất tinh xảo, làm bằng đồng với những phù điêu bằng vàng và chạm khắc hình ảnh những con vật nhỏ xinh. Chúng gây ân tượng rất mạnh với tôi. Chúng tôi quyết định sử dụng kiểu dáng đó cho chùm đèn tại NGV để phù hợp với cái cổng vòm và bức tường nước. Tôi cho rằng kiến trúc của bảo tàng (2) kết hợp với cái đèn sẽ tạo ra một trạng thái tâm lý kết nối cuộc sống thực tại của chúng ta với một cuộc sống tồn tại song song mà ta còn chưa biết.

Đua nở (chi tiết), sứ trắng, 2015.

MD: Ông được biết đến với sự gắn bó chặt chẽ cùng các di sản văn hóa, cam kết duy trì những nguyên liệu và nghề thủ công truyền thống. Đua nở, 2015 là một sắp đặt mới: một khu vườn với cả nghìn bông hoa làm bằng sứ trắng cao cấp. Ông có thể cho chúng tôi một cái nhìn cận cảnh vào ý tưởng phía sau tác phẩm và sự hợp tác trong quá trình sản xuất được không?

AW: Chúng tôi quyết định làm một vườn hoa trên mặt phẳng cho triển lãm của NGV. Vì kích thước tác phẩm rất lớn nên yếu tố kỹ thuật là cực kỳ phức tạp. Tuy nhiên chúng tôi có một đội ngũ thợ thủ công tay nghề rất cao làm việc tại studio, tổ tiên của họ là những người từng tạo ra các sản phẩm gốm sứ chất lượng tuyệt hảo để hoàng gia sử dụng.(3)

Tôi đã bén duyên với đồ sứ ngay từ khi bắt đầu thực hành nghệ thuật. Tôi làm ra sản phấm sứ đầu tiên của mình vào năm 1976. Còn những bông hoa sứ đầu tiên tôi làm là cho một triển lãm trên đảo Alcatraz để lấp đầy những bồn rửa mặt, bồn tắm và bồn cầu của tù nhân. Để có những bông hoa trông y như thật này, nghệ nhân phải sản xuất hoàn toàn bằng tay với nhiều kỹ thuật rất khó. Nhưng đồng thời nó cũng là một ẩn dụ: đấy không phải hoa thật, chúng chỉ có hình dạng của bông hoa mà thôi. Tôi sáng tạo ra chúng như một sự dâng hiến, thể hiện sự tôn kính những người vẫn còn đang chiến đấu cho tự do.

Một bông hoa mẫu đơn của Ngải Vị Vị được bày bán trong tủ kính. Số lượng có hạn: 99 bông, mỗi người chỉ được mua một bông, có kèm giấy chứng nhận. Đơn giá: $9000 (!!?)

Sau khi hộ chiếu của tôi bị tịch thu, chúng tôi đã tiến hành một dự án trong vòng hai năm. Chúng tôi đặt một bó hoa tươi vào giỏ xe đạp dựng trước cổng studio. Bắt đầu từ ngày 30.11.2013, mỗi ngày chúng tôi lại thay một bó hoa khác để nhắc nhở về những người đang sống dưới điều kiện quản thúc vì họ đã đấu tranh cho tự do ngôn luận và nhân quyền. Một phong trào trên mạng gọi là Những bông hoa vì tự do nhanh chóng phát triển. Mọi người gửi nhau ảnh những bông hoa với hashtag #flowersforfreedom nhằm hưởng ứng dự án của chúng tôi.

Giỏ xe đạp với hoa, sứ trắng, 2015

MD: Ông cũng có làm một số tác phẩm mới tương tự như những tác phẩm của Andy Warhol. “Bóng bay chim chóc, 2015” và “Bóng bay Caonima, 2015” là hai tác phẩm để đáp lại “Những đám mây bạc” của Warhol lần đầu triển lãm tại Phòng tranh Leo Castelli, New York vào năm 1966. Ông có thể chia sẻ về những quả bóng bay này không?

Người xem tương tác với Bóng bay chim chóc. Có một cái quạt thổi tung đám bóng bay đã bơm sẵn khí để dễ bay. Giấy dán tường cũng là tác phẩm.

AW: Andy Warhol là người mà tôi luôn ngưỡng mộ. Ông ấy không có một giới hạn nào trong giao tiếp với công chúng và ca ngợi sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Những quả bóng bay màu bạc của ông thực sự là một thứ biểu tượng, chúng thể hiện rõ rệt quan điểm thẩm mỹ của Warhol. Còn chúng tôi lại muốn dùng bong bóng để mang lại một thông điệp mới cho thời đại của chúng ta. Tôi lựa chọn con chim logo của Twitter vì khi tôi làm việc trên mạng thì Twitter có ý nghĩa rất lớn với tôi. Còn Caonima(4) là một hình thức nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Chính sách kiểm duyệt hiện nay của Trung Quốc không cho phép nhắc đến những từ này trên phiên bản Twitter tiếng Trung. Việc bỗng nhiên những từ này biến mất trong khi hằng ngày vẫn thường được sử dụng thật là điều đáng hổ thẹn. Vì vậy Caonima là một từ vựng mới nhằm tôn vinh quyền tự do ngôn luận và đồng thời còn là một sản phẩm trí tuệ của quần chúng.

Hình ảnh con Caonima trong video ca nhạc Dumbass (Thằng đần) của Ai Weiwei.

MD: Warhol từng sử dụng rất nhiều các phương tiện truyền thông khác nhau để có thể kết nối với công chúng ở phạm vi rộng nhất. Ông cũng sử dụng nhiếp ảnh, xuất bản phẩm, video, blog và các loại hình truyền thông xã hội (5) khác để truyền tải ý tưởng của mình. Ông nghĩ gì về điều này?

AW: Nghệ thuật đương đại luôn luôn biến đổi hình dạng và luôn luôn tự vấn tình trạng của chính nó. Truyền thông xã hội là một phương thức để kết nối, với một nghệ sĩ như tôi thì nó còn là một con đường nối liền giữa hiện thực, việc tìm kiếm những biểu đạt mới và các phương thức giao tiếp khác nhau. Nó ngày càng trở thành điều sống còn với nghệ thuật đương đại. Nó liên kết giữa con người cố hữu của chúng ta và thế giới nội tâm sâu kín mà ta muốn bộc lộ, đồng thời giúp những người khác có thể hiểu được dễ dàng hơn mối quan hệ ấy. Truyền thông xã hội là công cụ hữu hiệu nhất cho mục đích này.

Loti Smorgon, Andy Warhol, 1981, sơn công nghiệp và in lụa trên vải. Loti Smorgon mất năm 2013, thọ 94 tuổi, trước đó vào năm 2009, chồng bà là Victor Smorgon qua đời, thọ 96 tuổi. Hai người đều được nhận Huân chương của Nhà nước Australia vì những đóng góp to lớn cho nghệ thuật nước nhà. Chỉ riêng NGV đã nhận được quyên góp tiền mặt và tranh của ông bà trị giá khoảng 40 triệu đô.

MD: Những bức ảnh chụp lấy ngay và những tranh chân dung của Warhol không những ghi lại đời sống xã hội lúc bấy giờ mà còn tạo ra một dạng như kiểu tranh lịch sử. Gần đây ông cũng có hai dự án chân dung lớn đó là “Dấu vết”, 2014 và “Letgo”, 2015 (6) tập trung vào những nhà hoạt động cũng như những người ủng hộ nhân quyền và tự do ngôn luận. Ông có thể nói thêm về mối quan hệ giữa những chân dung, sự nổi tiếng, bất đồng chính kiến và quyền lực chính trị hay không?

AW: Những cái anh nêu ra có nhiều khác biệt rất lớn và chúng tạo thành những phạm trù khác nhau trong biểu hiện của con người. Là người thì xúc cảm của chúng ta liên quan mật thiết đến ham muốn, sợ hãi, lo lắng hoặc sự khao khát nội tại về công lý và công bằng. Trên hết tất cả, chúng ta luôn có những ý niệm về đúng và sai nhưng đồng thời cũng có những đánh giá thẩm mỹ về tỷ lệ, màu sắc, hình dáng và âm thanh. Toàn bộ những thành tố này hòa trộn với nhau để thể hiện con người chúng ta.

Hệ tiêu chuẩn của con người không phải là cái gì quá trừu tượng. Nó thực chất là sự hạnh phúc khi được làm người thôi. Andy Warhol và tôi làm việc với hai xã hội khác nhau. Chúng tôi đối mặt với hai xã hội và hai môi trường chính trị cực kỳ khác biệt. Tuy nhiên chúng tôi đều cố gắng đối diện với hiện thực của mình một cách chân thật nhất để vẽ ra những minh họa rõ ràng hơn cho thời đại của mỗi chúng tôi.

Nghiên cứu phối cảnh, Ngải Vị Vị, 1995-2011.

MD: “Xe đạp vĩnh cửu”, 2015 là một công trình rất ấn tượng ghép bởi 1500 khung xe đạp. Xin ông cho biết điều gì hay hoàn cảnh nào đã thôi thúc ông làm tác phẩm này?

AW: Một số tác phẩm của tôi ví dụ như Những hạt hướng dương, 2010 hoặc Xe đạp vĩnh cửu nêu lên câu hỏi về tính độc đáo hay là tính nguyên bản. Những tác phẩm này liên hệ với sự sản xuất và sự truyền tải thông tin. Tôi luôn luôn đam mê chủ đề này. Nó là một dạng ngôn ngữ hình thành từ nền sản xuất hàng hóa, tiến tới Cách mạng công nghiệp và rồi tới thế giới công nghệ số ngày nay. Nó là một phần của cuộc sống nhân loại đương đại.

MD: Tác phẩm xe đạp này có dáng dấp của một công trình kiến trúc, giống như một cái cổng vòm cổ xưa. Điều này có liên quan gì đến cá nhân nghệ sĩ hay không?

AW: Xe đạp vĩnh cửu liên quan đến tuổi thơ của tôi. Cái xe mang hiệu Vĩnh Cửu là vật phẩm sang trọng nhất anh có thể tìm thấy ở một ngôi làng nhỏ bé. Nó cũng liên hệ với Trung Quốc xã hội chủ nghĩa thời kỳ sơ khai. Khi anh còn trẻ, cái xe đạp mang ý nghĩa tự do cá nhân nhưng rồi ngày nay đã bị thay thế hoàn toàn bởi văn hóa xe máy, xe hơi. Ở Trung Quốc bây giờ chỉ những người nghèo nhất mới dùng xe đạp làm một phương tiện giao thông chính. Anh có thể xem tác phẩm như một tượng đài để tôn vinh văn hóa sản xuất hàng loạt.

Búa liềm, Andy Warhol, 1976, mực in trên vải lanh. Warhol làm tác phẩm này sau một chuyến đi đến Ý, nơi mà hình vẽ graffiti phổ biến nhất ở mọi nơi là hai biểu tượng của nước Nga Xô Viết. Trợ lý của Warhol mua cặp búa liềm từ một cửa hàng trên phố và ông sắp đặt chúng theo kiểu mẫu vẽ tĩnh vật.

MD: Ông có suy nghĩ gì về sự đối thoại giữa các tác phẩm của ông và của Warhol?

AW: Warhol là người mà tôi cho là một bảo vật độc đáo của thế kỷ trước, khoảng thời gian mà tôi gọi là “thế kỷ của người Mỹ”. Các tác phẩm của ông có tất cả những phẩm chất đương thời và đã tài hiện đầy đủ những huyền thoại của thời đại đó. Giá trị các tác phẩm của Warhol đã luôn bị đánh giá thấp lúc đó. Ông ấy đã đi trước thời đại đến vài thập kỷ. Tôi nghĩ là ngay cả bây giờ ông ấy vẫn là một trong những nhân vật quan trọng nhất ảnh hưởng tới nghệ thuật đương đại. Tôi luôn cảm thấy gần gũi với phong cách và thái độ sống của ông ấy. Điều đó càng làm cho tôi thấy mình thật vinh dự khi những tính chất tương đồng giữa tác phẩm của Warhol và của tôi được đem ra cân đong đo đếm tại NGV.

Chú thích của người dịch:

(1): Ngải Vị Vị đang nói đến 5th Asia-Pacific Triennale of Contemporary Art (APT5) tức là Triển lãm nghệ thuật đương đại châu Á–Thái Bình Dương lần thứ năm tổ chức tại Bảo tàng nghệ thuật bang Queensland. Trong danh sách chính thức của triển lãm này có ba nghệ sĩ Việt Nam là Lê Quang Đỉnh (Dinh Q Le), Tuấn Andrew Nguyễn và đạo diễn Việt Linh. Sáu năm sau, APT7 kỉ niệm 20 năm, mời rất nhiều, nên đông nghệ sĩ Việt Nam được đi hơn như Soi đã đưa tin.

(2): Ngải Vị Vị cũng là một kiến trúc sư. Ông là cố vấn thiết kế nghệ thuật cho sân vận động Tổ chim.

(3): Nghệ nhân Cảnh Đức Trấn làm ra loại sứ nổi tiếng với bốn tiêu chuẩn được coi là mẫu mực của nghề gốm sứ: trắng như ngọc, sáng như gương, mỏng như giấy, vang như chuông.

(4): Caonima trong tiếng Trung giản thể là 草泥马 (Thảo nê mã) nghĩa đen dịch sát là “Ngựa cỏ bùn” là một con vật tưởng tượng được cộng đồng mạng Trung Quốc đại lục dùng như một biểu tượng thách thức sự kiểm duyệt internet ngặt nghèo ở Trung Quốc. Hình ảnh của nó giống như con lạc đà không bướu Nam Mỹ (Alcapa). Tuy nhiên Caonima còn đồng âm (khác thanh điệu một chút) với câu chửi rất bậy và phổ biến trong tiếng Quan thoại (giống “Đê ma ma” ở Việt Nam).

(5): Truyền thông xã hội (social media) là những phương tiện truyền thông trên mạng máy tính hoạt động dựa vào sự kết nối, lan truyền và trao đổi thông tin giữa các cá nhân, tập thể. Nói đơn giản là các trang web và apps như YouTube, Wikipedia, Facebook, Twitter, LinkedIn…

(6): Trace ở nhà tù Alcatraz và Letgo ở NGV, Melbourne.

Ý kiến - Thảo luận

16:53 Thursday,4.2.2016 Đăng bởi:  rieng&chung
Vụ ĐCMM = đồng cỏ mênh mông, đá con mèo mướp... thú vị thật.
Từ nay em sẽ tập nói: "đừng có mộng mơ !!!", hoặc "đời có mấy M ???"

Bác Ngải Vị Vị giỏi đến đâu em chịu, nhưng với logic "tương tác" của các bác nghệ thuật, thì có lẽ mọi khía cạnh tương tác giữa nhận thức/hành động của cá nhân bác Ngải - với tư cách nghệ sĩ, với nhà nước/thể chế - c
...xem tiếp
16:53 Thursday,4.2.2016 Đăng bởi:  rieng&chung
Vụ ĐCMM = đồng cỏ mênh mông, đá con mèo mướp... thú vị thật.
Từ nay em sẽ tập nói: "đừng có mộng mơ !!!", hoặc "đời có mấy M ???"

Bác Ngải Vị Vị giỏi đến đâu em chịu, nhưng với logic "tương tác" của các bác nghệ thuật, thì có lẽ mọi khía cạnh tương tác giữa nhận thức/hành động của cá nhân bác Ngải - với tư cách nghệ sĩ, với nhà nước/thể chế - cái vừa như một cơ thể sống lại vừa giống một cỗ máy vô tri vô giác, tất cả cái đó đã là một tác phẩm "nghệ thuật", mà phần "thắng" và "lợi" sẽ thuộc về phía người nghệ sĩ, khi thời gian trôi đi đủ dài để có những thay đổi của thể chế. Quan trọng là người nghệ sĩ có đủ tài để giữ cho quá trình này dưới một số nguyên tắc nhất định hay không. Sa đà sang chửi bới lại thành ... vớ vẩn.
Có lẽ cỡ như bác Ngải sẽ làm được. 
14:23 Thursday,4.2.2016 Đăng bởi:  candid
Bọn trẻ con giờ nó bảo là ĐCMM là: đồng cỏ mênh mông, đá con mèo mướp, đường cong mềm mại...

Theo em cái hay của Ngải Vị Vị là ở chỗ tác phẩm của ông thú vị, hài hước, tạo hiệu ứng tốt và có tính tương tác với khán giả cao... chứ còn ông nào chả bức xúc, chả đòi tự do ngôn luận, chả bị kìm kẹp mỗi tội sản phẩm không ra gì thì có tuyên ngôn to đ
...xem tiếp
14:23 Thursday,4.2.2016 Đăng bởi:  candid
Bọn trẻ con giờ nó bảo là ĐCMM là: đồng cỏ mênh mông, đá con mèo mướp, đường cong mềm mại...

Theo em cái hay của Ngải Vị Vị là ở chỗ tác phẩm của ông thú vị, hài hước, tạo hiệu ứng tốt và có tính tương tác với khán giả cao... chứ còn ông nào chả bức xúc, chả đòi tự do ngôn luận, chả bị kìm kẹp mỗi tội sản phẩm không ra gì thì có tuyên ngôn to đến mấy cũng vứt đi mà thôi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả