|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ thế giớiGrayson Perry (phần 4): sống đời thôi thúc, làm điều mình yêu 01. 03. 16 - 6:55 pmHoa Gruber(Tiếp theo bài trước) Đến cuối năm 1990, vững vàng hơn nhiều về kinh tế, Perry mở rộng các hình thức sáng tác: điêu khắc kim loại, tranh in và thảm dệt. Sáng tác bằng các hình thức mới này đề cập những vấn đề rộng lớn hơn, phản ánh con người và xã hội đương đại thông qua những chủ đề nóng bỏng như giai cấp, sự chi phối của xã hội tiêu thụ, tôn giáo và chiến tranh. Tranh khắc
Thảm in Còn series 6 tấm thảm này kể chuyện về cuộc đời của Tim Rakewell, con đường ông ta leo lên các bậc thang xã hội, từ nghèo khó đến triệu phú. Series kết thúc bi thảm bằng tai nạn của Tim. Bên cạnh thi thể của Tim là chiếc xe đắt tiền méo mó và cô vợ siêu người mẫu. Tim chết bên lề đường, trong tay một người xa lạ như muốn nói lên sự vô nghĩa của mọi cố gắng thành công vật chất mà ông ta theo đuổi.
Tấm thảm dệt “The Walthamstow Tapestry” cao 3 mét, dài 15 mét là một thể hiện hoành tráng mức độ mà các thương hiệu chi phối cuộc sống chúng ta từ khi sinh ra cho đến khi chết. Các thương hiệu lấp đầy tấm thảm, bao vây các nhân vật rất khác nhau, sống và làm những việc khác nhau, nhưng họ đều phải đi theo một con đường máu xuyên suốt. Ai cũng bắt đầu từ bụng mẹ, vượt qua rừng nhãn hiệu và cuối cùng là thành một bộ xương.Đáng ngạc nhiên là dường như nghệ sĩ có nguồn nhãn hiệu vô tận để phủ kín tấm thảm dài rộng của mình. Các nhãn hiệu chi chít khắp nơi cho cảm giác về sự đầy ứ đến bão hòa của chúng trong môi trường sống đương đại. Chả có gì là thuyết giáo hay phán xét trong tác phẩm này. Không phải là một đòn tấn công vào xã hội tiêu thụ kiểu tinh thần cao thượng, chỉ là một phác thảo chân dung nhân loại trong thế giới ngày nay. Khác với các bình gốm mà Perry tự tay làm từ đầu đến cuối, các tấm thảm được hoàn thành trong một xưởng dệt. Nghệ sĩ sử dụng photoshop và bảng vẽ trên máy tính tạo ra các hình vẽ. Các hình này được chuyên gia nghệ thuật kỹ thuật số điều chỉnh, rồi được gửi đến một xưởng, nơi có khung cửi được điều khiển bằng kỹ thuật số dệt. Thường thì một tấm thảm được dệt xong trong vòng vài giờ. Tranh in lụa Tác phẩm in trên lụa này thể hiện mối lo ngại tinh thần của thời đại chúng ta: việc một số người da trắng chọn chuyển sang đạo Hồi, từ bỏ các giá trị văn hóa da trắng. Một cô gái da trắng đội khăn trùm đầu kiểu Hồi giáo ở chính giữa bức tranh. Bức tranh khá là cân xứng. Cô gái ở chính giữa, một tay với sang những người bạn mới, một tay vẫn nắm những người bạn cũ. Bên trái cô là thánh địa Mecca, bên phải là trung tâm thương mại, đời sống phương Tây tượng trưng bởi các thương hiệu. Màu đỏ và đen chứng tỏ mức quyết liệt của lựa chọn, nhưng dường như cô gái không từ bỏ bên nào. Hai tay cô vẫn nắm chặt những người bạn ở cả hai thế giới. Nếu như bên trên, cô lựa chọn cuộc sống tâm linh đặc biệt thì ở bên dưới và sâu trong nội tâm, cô vẫn không thay đổi. Phải chăng tác phẩm muốn nói với chúng ta rằng, chỉ khi chúng ta công nhận tính nhân loại chung ở bên dưới các lớp đặc thù khác nhau chồng chất, thì mới có thể hy vọng rằng trong tương lai không còn chiến tranh giữa “ Hồi giáo” và phương Tây. Điêu khắc Điêu khắc của Perry thường có khổ khiêm nhường, nhiều chi tiết, mang tính thủ công kỹ xảo, khéo léo. “Cha chúng ta” (2007) và “Mẹ chúng ta” (2009) lại là các bức tượng nhỏ miêu tả hình ảnh của những người giống như thợ thủ công lưu động rán sức vác lôi đủ thứ cồng kềnh trên lưng và trên ngực.
“Bình Rosetta” và tâm sự của Perry về công việc của một nghệ sĩ thay cho lời kết. “The Rosetta Vase” (2011), tiêu đề này bản thân nó đã là một châm biếm hài hước về quan niệm có một loại chìa khóa giải mã để hiểu được quá trình sáng tác của người nghệ sĩ. Một mặt bình là cái cây đại diện cho những người có thẩm quyền định nghĩa nghệ thuật: hào hứng với cái mới, “sùng bái hiện đại”… Giới nghệ thuật hiện ra như một sản phẩm xã hội giống bất cứ sản phẩm nào khác. Choán gần hết mặt kia của bình là hình giải phẫu cơ thể học của nghệ sĩ, anh ta trông giống như một đứa trẻ to đầu. Trên các bộ phận của hình này có ghi “tò mò”, “ hài hước”, “tài năng” và cả “ngạo mạn”, “kiêu hãnh”, “tay nghề cao” khi có vẻ để “bán” tác phẩm. Perry miêu tả giới nghệ sĩ mà ông nằm trong đó với cùng sự nhạo báng trìu mến ông dành cho các nhóm xã hội khác. Không có giải mã nào về quá trình sáng tác nghệ thuật, nhưng tâm sự của Perry hé mở cho ta chút ít về công việc của ông. “Nếu như được hỏi về công việc của mình như một nghệ sĩ thì tôi trả lời: việc của tôi là làm điều tôi muốn.” Grayson Perry là người nghệ sĩ theo đuổi ý thích, nỗi ám ảnh và mong muốn của riêng mình. Các tác phẩm của ông cho thấy nghệ sĩ thể hiện đến cùng bức xúc và những mảng đen tối của vô thức. Trong đời tư, ông mặc áo váy đàn bà, chấp nhận bị nhạo báng, giễu cợt và trở thành trơ ra trước những lời sỉ nhục. Trải nghiệm nặng nề đó lại làm nên sức mạnh sáng tạo độc đáo của ông.Ông hiểu ra một điều là rung cảm thẩm mỹ cần phải rời xa sự an toàn phù hợp với trào lưu “ thú vị” đương thời (thường giả trang trong các tư tưởng mới mẻ). Thích mặc trang phục nữ cũng góp phần vào việc lựa chọn vị trí nghệ sĩ ngoài lề của ông. Sáng tác của Perry tiếp nhận ảnh hưởng truyền thống làm gốm của Nhật, Trung Hoa, Hồi giáo, Châu phi và châu Âu, cũng như từ nghề thủ công của nữ giới, từ nghệ thuật của các dân tộc và bộ lạc…, nhiều hơn là các dòng chủ đạo của nghệ thuật đương đại. Ông không chạy theo xu hướng thịnh hành cũng như cám dỗ của thị trường, như ông nói: “Nếu nghệ sĩ bị chi phối bởi ý thích của các nhà sưu tập thì họ trở thành những dây chuyền sản xuất và nếu tôi mà như thế thì giờ tôi vẫn còn đang làm bình đựng hài cốt”. “Một trong các vai trò của tôi với tư cách nghệ sĩ là làm một mẫu thử”. Perry đã làm đúng như thế. Cuộc đời và sáng tác của ông chẳng phải thử nghiệm về việc dám sống đúng là mình sao? Ông đã khai thác đến cùng các lớp vỉa khao khát của mình, rồi từ đó quan sát những tầng vô thức của xã hội. “Phần lớn sự nghiệp của tôi được thực hiện nhờ kết quả của việc đào sâu vào vô thức của cá nhân tôi và cộng đồng, đem những gì tôi nhận thức được ra ngoài ánh sáng”. Thể hiện hàng loạt vấn đề cá nhân, xã hội, chính trị có ảnh hưởng sâu xa đến cuộc sống của chúng ta, Perry vừa là một nhà nhân chủng học, một triết gia và một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ đơn thương độc mã đi con đường của mình, ngược với dòng thời đại, tạo dựng nên một vương quốc phấp phới cờ “Thẩm mỹ”, “Nghề thủ công” và “Trang trí”. Lãnh thổ của Perry, tưởng như ở bên ngoài bờ cõi của nghệ thuật chính thống, lại nổi lên như một trong những đỉnh cao của giới nghệ thuật, một hòn đảo đơn độc, rực rỡ, kì dị và lộng lẫy đến nhức nhối giữa một biển nghệ thuật đương đại, nơi mà “Ý tưởng vẫn là Vua”. Ý kiến - Thảo luận
16:45
Wednesday,2.3.2016
Đăng bởi:
DTMinh
16:45
Wednesday,2.3.2016
Đăng bởi:
DTMinh
Gộp lại 4 phần bị chia nhỏ thì một họa sĩ tài năng đã xuất hiện trực diện trước chúng ta. Tôi thích cái cách Hoa Gruber viết về hội họa. Không màu mè thán từ, không ca tụng hay phỏng đoán. Cảm xúc được tiết chế. Bức chân dung nghệ sĩ cô đọng trong vài dòng cuối bài thực sự mô tả một tình yêu thuần khiết dành cho Grayson Perry:
15:16
Wednesday,2.3.2016
Đăng bởi:
candid
Mấy cái tranh và thảm ở phần này xem thích, còn thú thật mấy cái bình ở các phần trước xem không hiểu gì.
...xem tiếp
15:16
Wednesday,2.3.2016
Đăng bởi:
candid
Mấy cái tranh và thảm ở phần này xem thích, còn thú thật mấy cái bình ở các phần trước xem không hiểu gì.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Gộp lại 4 phần bị chia nhỏ thì một họa sĩ tài năng đã xuất hiện trực diện trước chúng ta. Tôi thích cái cách Hoa Gruber viết về hội họa. Không màu mè thán từ, không ca tụng hay phỏng đoán. Cảm xúc được tiết chế. Bức chân dung nghệ sĩ cô đọng trong vài dòng cuối bài thực sự mô tả một tình yêu thuần khiết dành cho Grayson Perry:
“Một nghệ sĩ đơn
...xem tiếp