Kể từ khi nhận giải Pritzker, phong cách của Zaha cũng thay đổi theo: thách thức hơn đối với những khả năng về mặt kỹ thuật. Thí dụ trong thiêt kế của bà cho Trung tâm Khoa học Phaeno (hình) ở Wolfsburg, Đức, đã hoàn tất vào 2005, mối liên hệ giữa những mặt ngang và mặt đứng bị phá vỡ, toàn bộ các mặt phẳng đòi hỏi phải kết thành một khối thống nhất để nâng đỡ cả tòa nhà.
Để giải được loại cấu trúc này, ở quy mô này đã phải dùng đến những đầu óc cực giỏi Toán của các kỹ sư xây dựng. Kết quả, một phần mềm được thiết kế riêng cho việc xây tòa nhà này, giúp các kỹ sư giải được nhanh những đòi hỏi do thân chủ đặt ra. Phong cách này có tên là Parametricism (thiết kế theo thuật toán), được đề xướng và đặt tên vào năm 2008, bởi một học trò và sau trở thành một cộng sự lẫn người mà Zaha yêu thương và gắn bó nhất: kiến trúc sư Patrik Schumacher. Trong ảnh: Zaha và Patrik Schumacher. Nguồn từ trang này
Đúng như Alan Yentob đã nói trong một phim tài liệu về Zaha Hadid của đài BBC, đại ý: “Trung tâm khoa học Phaeno ở Wolfsburg (hình) đánh dấu một bước thay đổi trong thực hành của Zaha. Đó là một bước nhảy vọt về ý tưởng, thoát khỏi những đường răng cưa lởm chởm, hướng đến những hình dáng hùng vĩ, uốn lượn như rắn, và tất cả đều trở nên dễ dàng hơn nhờ thứ mà ngày nay ta biết đến với cái tên parametricism.”
Cũng kể từ cuộc bùng nổ về phương pháp đó, Hadid đã trở thành một trong những kiến trúc sư nổi tiếng và quyền lực nhất trong 10 năm qua. Dự án đổ về tới tấp, trong đó có thể kể tới: Bảo tàng MAXXI (2010 – hình – công trình được giải Stirling Prize và có lẽ là thí dụ cuối cùng của Zaha cho phong cách Siêu việt bà theo đuổi thời kỳ đầu. Ảnh: Iwan Baan)
Evelyn Grace Academy, 2011 thuộc London, là một trường nhà giàu do ba nhà đầu cơ tài chính là Arpad Busson, Paul Marshall và Ian Wace thành lập, nhận rất ít học trò. Ảnh: Luke Hayes
London Aquatics Centre xây cho 2012 Olympic Games. Ảnh: John Walton/PA
Riverside Museum (Bảo tàng Bên sông, 2012), là công trình đoạt European Museum Academy Micheletti Award 2012
Galaxy Soho (2012) ở Beijing, là công trình bị ăn cắp trắng trợn
Công trình được giải “Design of the Year” 2014 – Trung tâm Heydar Aliyev. Ảnh: Iwan Baan
Nhưng Hadid cũng là một gương mặt gây nhiều tranh cãi. Những thành công của bà không phải đến một cách êm ả, không sóng gió căng thẳng. Thí dụ như thiết kế của bà cho sân vận động quốc gia ở Tokyo, tuy là thắng cuộc trong cuộc thi thiêt kế, nhưng không thể đưa vào xây dựng do chi phí nếu xây sẽ quá cao (khoảng 2 tỉ USD), vấp phải sự phản đối của người dân.
Năm 2014, công ty của Zaha liên tục bị truyền thông tấn công, khi đã tới lúc bớt say sưa những công trình lộng lẫy và kỳ vĩ của bà, người ta mổ xẻ những nhược điểm của chúng: bất chấp đắt đỏ, hình dáng là trên hết, công năng mới theo sau, hạn chế độ sử dụng, nặng nề và lạnh lẽo… Hadid đặc biệt bị chỉ trích (vô lý) về điều kiện làm việc của các công nhân xây dựng cho công trình của bà ở Qatar (hình)
Mặc cho những lời chỉ trích ác liệt, những công trình đánh mạnh vào thị giác của Zaha Hadid cũng như ảnh hưởng của chúng lên thế giới kiến trúc là không thể phủ nhận. Có lẽ, triết lý thiết kế của bà sẽ được tóm tắt đúng nhất bằng chính câu hỏi của bà: “Có 360 độ, sao ta cứ dính chặt vào một hướng?” Trong ảnh là công trình “Messner Mountain Museum Corones”, Ý. Ảnh của Werner Huthmacher