Trực giác và sự im lặng của nghệ sĩ thị giác không thuyết phục được những ai thưởng thức hội họa chỉ bằng đọc chữ trên văn bản, có khi còn làm họ khó chịu, khi họ vẫn quy kết nghệ sĩ là giàu bản năng ít tri thức, thiếu lý tính.v.v…Tác phẩm nghệ thuật, theo họ, nhất thiết phải có triết lý mới ra tính tư tưởng.
Cảm xúc là công cụ tinh thần của họa sĩ trong im lặng không âm thanh, nên phần lớn họa sĩ với cảm xúc mạnh là thấy đủ và không lý luận, vì thế các bậc trí giả coi họ là thấp kém, là sợ lý thuyết v.v… Với chuyện này, nhiều họa sĩ thường nói ngắn với bạn bè: “Tao thích thế”.
Để rõ chỗ khác nhau giữa tư duy ngôn ngữ, văn tự, với tư duy hình tượng, biểu tượng, hãy thử tưởng tượng có một tấm tròn khổng lồ, một mặt chỉ toàn là văn tự thông thái ghi chép về mỹ học và lý luận phê bình nghệ thuật của con người, còn mặt kia là tất cả những tác phẩm hội họa tinh hoa của con người. Hãy tưởng tượng thêm người ngoài hành tinh chỉ xem chữ không thôi (giả định họ rất giỏi mọi văn tự và ngôn ngữ trái đất), liệu họ có thể hiểu được nghệ thuật hội họa của người trái đất không? Còn nếu như họ chỉ xem hình không thôi mà không đọc văn tự thì sao? Thì chắc hẳn họ hiểu tư tưởng nghệ thuật của con người hơn hẳn thông qua đọc chữ. Bởi với “ẩn dụ tấm tròn” chữ chỉ là hệ thống ký hiệu địa phương “trái đất”
“Ẩn dụ tấm tròn” trên cho thấy trò chơi hình tượng khác kênh với trò chơi văn tự. Đường thông sang nhau của hai trò chơi này đơn tuyến và khá hẹp.Nói mỹ học là khoa học tìm hiểu cái đẹp mà lại không cần thiết cho sáng tác của họa sĩ, vì mỹ học đối với sáng tác của họa sĩ có giá trị tương tự như bộ môn “văn bản học” hoặc “ngôn ngữ học” đối với nghiên cứu phê bình văn học. “Văn bản học” không quan trọng gì cho nhà văn, nhà thơ, cho người sáng tác văn học.
Mỹ học thủa ban đầu nằm trong nghiên cứu chân lý với bộ ba “Chân-Thiện-Mỹ”, cần cho khoa học nghiên cứu cái đẹp trong thơ ca múa nhạc, văn học, kịch nghệ, sau này thêm điện ảnh. Đến thế kỷ XVII, mỹ học tách rời khỏi triết học, trở thành bộ môn độc lập là “khoa học nghiên cứu cái đẹp” thì cũng chỉ khả dụng với phê bình và lý luận nghệ thuật, bởi nó là thứ khoa học của văn tự, không giúp cho sáng tác của họa sĩ, không nhất thiết cần cho tư tưởng hội họa mỹ thuật. Xin nhắc lại một ý viết từ phần mở đầu: “Một nghệ sĩ thị giác với tư duy hình tượng, biểu tượng và màu sắc, không nhất thiết phải hiểu biết mỹ học và các triết thuyết triết học”.
Hiện tại nền nghệ thuật của chúng ta đang trong tình huống bi hài, ở chỗ đã hình thành những nghệ sĩ tìm hiểu sâu kỹ về triết học và mỹ học, cầu tiến bộ để sáng tác cho tác phẩm có tư tưởng, biết đàm đạo sang trọng về mỹ học, mà không biết rằng khi đưa những hiểu biết triết học đó vào tranh, lập tức họ chỉ là họa sĩ minh họa cho triết học, vẽ dịch vụ cho triết học. Và hài hước ở chỗ, họ tuy không là tất cả, nhưng cũng tạo thành một khối đoàn kết chê bai những đồng nghiệp khác không có tư tưởng, không có triết lý xã hội trong tác phẩm, chỉ vẽ những bức tranh hưởng thụ khoái cảm thẩm mỹ vô tích sự với xã hội.
Mỹ thuật có ngôn ngữ riêng cần phải học hỏi mới cảm thụ được. Những bậc trí giả, ngoài tri thức mỹ thuật, thường có thẩm mỹ cũng ở tầm mức đại chúng, chỉ xem được mỹ thuật ở mức độ so sánh, xem việc mô phỏng có tài khéo không, kết hợp kiến thức đã có trước về các tích truyện mà bức tranh minh họa.
Nghệ sĩ nào cũng biết một thực tế: xã hội loài người từ khi có nghệ thuật liền nảy sinh nhu cầu phải có người nghệ sĩ phục vụ, và họ đã phục vụ. Nhưng vấn đề ở chỗ nghệ sĩ vẫn cần được tự do với cái đẹp chủ quan của riêng họ, an ủi họ.
“Rừng nhiệt đới với khỉ,” 1910 của Henri Rousseau
Thông thường các thể chế chính trị chỉ cần cái đẹp biểu dương ý thức hệ đương thời, và tạo ra nền mỹ học mang tên ý thức hệ riêng của nó cho tất cả các văn nghệ sĩ nói chung học tập.
Sự thật lịch sử, dù ở thời đại nào nghệ thuật cũng phục vụ tất cả các tư tưởng chính trị, tôn giáo, đảng phái khác nhau. Do đặc thù của thành quả nghệ thuật là lan truyền khoái cảm lôi cuốn dân chúng, nên các chính khách, các nhà quản lý chính trị xã hội rất quan tâm đến văn nghệ sĩ, đều đã sử dụng nghệ thuật để đề cao và truyền bá tư tưởng của họ. Mọi nền chính trị muốn thôn tính nhau thường đều bắt đầu bằng giao lưu văn hóa thể thao và nghệ thuật. Từ từ rồi khi cần thiết, chính trị quân sự sẽ đến sau. Đây là lý do vì sao lịch sử mỹ thuật của nhân loại hiện diện ở tất cả các tổ chức quyền lực và tổ chức cộng đồng đối nghịch nhau.
Một tác phẩm “nghệ thuật dịch vụ” muốn được cái danh có tầm cỡ lớn lao thì phải hợp tác với chính trị xã hội đương thời.
Lịch sử tư tưởng nghệ thuật thủa ban đầu đã từng được gọi đúng tên là các chủ nghĩa nghệ thuật, ngày nay điều đó bị bỏ lơ, đã bị xóa nhạt đi thành trường phái…phong cách, rồi nhỏ dần tới cá tính nghệ sĩ. Giờ đây rất ít khi còn thấy những cụm từ như Chủ nghĩa Ấn tượng, Chủ nghĩa Vị lai, Chủ nghĩa Siêu thực.v.v… Hai từ chủ nghĩa là cách gọi bao hàm cả khái niệm tư tưởng. Mà ngày nay dùng cho nghệ thuật e rằng ngang hàng với các chủ nghĩa chính trị xã hội khác là không kiêm tốn, không xứng. Có thể vì thế mà lâu nay trên các bài viết phê bình nghệ thuật, hầu như tôi không còn đọc thấy hai từ “chủ nghĩa” dành cho trào lưu hay trường phái nghệ thuật.
Câu chuyện hầu hết các họa sĩ đương thời ở Việt Nam bị đánh giá là vẽ bằng cảm tính và trực giác, thiếu tư tưởng, thiếu hiểu biết về triết học, mỹ học hay hàng loại các loại tư tưởng khác có nguyên ủy từ bậc trí giả ngoài mỹ thuật như thế.
Thế giới của các họa sĩ phong phú, có nhiều dạng khác nhau. Có thể có không ít họa sĩ yêu thích sự kết hợp xây dựng cả triết lý và hình tượng trên tác phẩm. Nhưng lại cũng có nhiều họa sĩ vẽ trên cảm xúc thôi thúc vì trực cảm về màu sắc, hình tượng riêng, không triết lý gì cả. Lịch sử mỹ thuật không hiếm kiệt tác như vậy. Thế nên không cần vận động, cho họa sĩ đi học tập tư tưởng triết học hay mỹ học. Hãy để họ tự tìm hiểu khi thấy thích, hoặc thấy cần.
Có nhiều lý luận và trích dẫn ý nhà bác học cổ đại Aristotle (384-322 TCN) cho rằng con người (họa sĩ) là sinh vật xã hội, một động vật chính trị, không thể đứng ngoài thể chế chính trị của thời đại anh ta (hoạ sĩ) đang sống. Từ đó cho rằng họa sĩ tất nhiên là công cụ minh họa những tư tưởng khác ngoài hội họa đánh đồng với quan niệm nhà văn là thư ký của thời đại.
Một bức tranh của Zhang Jian Ping (sinh năm 1955) về thời Cách mạng Văn hóa.
May mắn thay, thời nào cũng có số ít những cá nhân nghệ sĩ (dù là động vật chính trị) trăn trở “vẽ như thế nào” với nỗ lực văng thân tột bậc. Vì thế mà mà ngoài những tác phẩm minh họa tài khéo đỉnh cao vĩnh cửu mỹ thuật của thời Phục hưng, nhân loại lại tiếp tục lập những đỉnh cao mỹ thuật vĩnh cửu khác không phải tài khéo, hay tài khéo siêu phàm, và không phải minh họa cho bất kỳ học thuyết nào.
Mọi thể chế độc tài hiện đại cũng buộc phải công nhận song song tồn tại cùng nghệ thuật dịch vụ có một thứ nghệ thuât tồn tại vì chính nó.
Nghệ thuật đích thực như là một tôn giáo có giáo chủ là đấng “Đẹp” biến hình vô lường, không có kinh sách nghệ thuật, không có giới luật nghệ thuật cấm nghệ sĩ uống rượu ăn thịt chó, không ngăn cản tín đồ của đấng “Đẹp” mang cái đẹp phục vụ các tôn giáo, các chế độ chính trị đối kháng.
Mỗi thời đại đều là một “ngôi chùa nghệ thuật” và có một vị trụ trì. Những nghệ sĩ cùng ma quỷ, và kẻ cơ hội luôn vào ra chùa nườm nượp. Vị trụ trì là “nghệ thuật của thời đại”. Trụ trì nào cũng thường hãnh tiến bằng xu thế thời đại, thường ít khi chịu nghe theo vị tiền nhiệm cho dù có kế thừa. Lịch sử mỹ thuật cũng vì thế mà có những giai đoạn, những trào lưu, những đỉnh cao nghệ thuật khác nhau.
Xã hội loài người, qua nhiều thời đại có nhiều thể chế tạo ra thiết chế xã hội cho nghệ thuật và giới văn nghệ sĩ. Nhưng thời đại nào cũng đều có nhiều hay ít những tác phẩm giá trị ưu tú nhất góp phần hình thành một dòng chảy tiến bộ chung của nhân loại nhờ nỗ lực văng thân độc lập của cá nhân nghệ sĩ.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
16:32Wednesday,4.5.2016Đăng bởi: Thy Thương
SieeuNoob: Mình cũng như bạn, cho rằng không nghệ sĩ nào hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của thời đại và không tác phẩm nghệ thuật nào tuyệt đối tách rời xu hướng tư tưởng triết học của thời đại mình. Nhưng ý của tác giả bài này hơi khác. Chắc bạn định nói đến câu này: "Một nghệ sĩ thị giác với tư duy hình tượng, biểu tượng và màu sắc, không nhất thi ...xem tiếp
16:32Wednesday,4.5.2016Đăng bởi: Thy Thương
SieeuNoob: Mình cũng như bạn, cho rằng không nghệ sĩ nào hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của thời đại và không tác phẩm nghệ thuật nào tuyệt đối tách rời xu hướng tư tưởng triết học của thời đại mình. Nhưng ý của tác giả bài này hơi khác. Chắc bạn định nói đến câu này: "Một nghệ sĩ thị giác với tư duy hình tượng, biểu tượng và màu sắc, không nhất thiết phải hiểu biết mỹ học và các triết thuyết triết học”. Theo mình hiểu câu này của tác giả nghĩa là nghệ sỹ không nhất thiết phải câu nệ về tư tưởng của tác phẩm và không trở thành cái loa phát ngôn cho hệ tư tưởng, quan niệm thẩm mỹ và triết học của thời đại (or giai cấp, tổ chức của mình). Tất nhiên, có rất nhiều tác phẩm là sản phẩm đặt hàng nhưng vẫn được xếp vào hàng kiệt tác, theo mình đó là do thiên tài của nghệ sỹ và cảm hứng nghệ thuật đã được bồi đắp từ trước đó rất lâu.
11:09Wednesday,4.5.2016Đăng bởi: SiêuNoob
Thưa bác Hồng Hưng, về cái "Ẩn dụ tấm tròn", em mạn phép nghĩ rằng nếu bác sắp xếp tất cả các tác phẩm hội họa tinh hoa theo trình tự thời gian, thì người ngoài hành tinh chỉ xem qua tranh thôi là có thể cảm nhận được sự phát triển về triết học, chính trị, và xã hội của loài người.
Các trường phái hội họa không thể ra đời trước các xu hướng triết họ ...xem tiếp
11:09Wednesday,4.5.2016Đăng bởi: SiêuNoob
Thưa bác Hồng Hưng, về cái "Ẩn dụ tấm tròn", em mạn phép nghĩ rằng nếu bác sắp xếp tất cả các tác phẩm hội họa tinh hoa theo trình tự thời gian, thì người ngoài hành tinh chỉ xem qua tranh thôi là có thể cảm nhận được sự phát triển về triết học, chính trị, và xã hội của loài người.
Các trường phái hội họa không thể ra đời trước các xu hướng triết học/xã hội kích hoạt chúng. Mỗi trường phái này chỉ như tấm gương phản chiếu mà thôi. Dù tấm gương ấy có bị nhiễu xạ chút ít bởi cảm quan cá nhân của nghệ sĩ.
Bác khẳng định là có những danh họa chỉ hoàn toàn vẽ để hưởng thụ khoái cảm thẩm mỹ, không bị chi phối bởi yếu tố triết học hay xã hội. Vậy nếu được sinh ra ở thời Phục hưng thì Picasso có vẽ lập thể không ạ? Cũng như nếu ông Da Vinci được sinh ra ở đầu thế kỷ 20 thì có vẽ Mona Lisa theo cách ông ấy đã vẽ không ạ?
...xem tiếp