Gẫm & Bình

Biennial tràn lan, biennial còn là gì? 01. 08. 16 - 7:04 am

Hoàng Lan dịch

Biennial nghệ thuật quốc tế đầu tiên ở Mỹ diễn ra vào năm 1995, do SITE Santa Fe tổ chức. Chủ đề lần ấy là “Longing and Belonging”. Lý do ra đời là để tạo một triển lãm toàn cầu ngay tại Santa Fe (New Mexico, Mỹ). Biennial này khi ấy được đón nhận háo hức đến nỗi, từ tên gọi của một sự kiện “thời vụ”, SITE Santa FE chuyển luôn thành một tổ chức nghệ thuật làm việc toàn thời gian!

Bên ngoài bảo tàng SITE SantaFe. Ảnh từ trang này

Thế rồi hồi tháng Năm 2014, SITE gửi đi một thông cáo báo chí, cho biết sau khi ngưng biennial hồi 2013, họ lại tung ra những triển lãm mới, với một định nghĩa mới.

Theo thông cáo, hồi 2011, ban giám tuyển của SITE nhận thấy “toàn cảnh thế giới nghệ thuật đương đại đã nở rộng, dẫn đến lan tràn các biennial trên toàn thế giới, nên cần thiết phải tái cấu trúc biennial của chính SITE. Có nghĩa là, SITE muốn biennial của họ phải khác với các biennial nhan nhản khác. Đồng thời, việc này cho thấy, định nghĩa về nghệ thuật đương đại đã trở nên quá hạn hẹp, quá dễ để người người bắt chước nhau. Việc tái thiết lại một hội chợ nghệ thuật đã làm nên tên tuổi của SITE chính là một hành động tự vệ, là một động thái để thử những giới hạn của chính thế giới nghệ thuật đương đại.

Giám đốc và giám tuyển hiện tại của SITE là Irene Hofmann đã có cuộc nói chuyện với Matthew Irwin của tờ Hyperallergic về việc này.

*

Matthew Irwin (MI): Hãy bắt đầu từ vạch xuất phát: biennial là gì?

Irene Hofmann (IH): Theo nghĩa truyền thống, chữ “biennial” nhằm chỉ một sự kiện nghệ thuật quốc tế đại diện cho các xu hướng mới nhất của nghệ thuật đương đại.

Từ (biennial) thường hứa hẹn rằng một viện, hoặc thành phố, hoặc một tổ chức nào đấy sẽ hào hứng đổ nhiều công sức để tạo nên một khối lượng người xem cực đông, một khối công chúng quan tâm đến nghệ thuật, đổ vào nơi đặc biệt, với một độ hối hả đặc biệt.

Thế nên cả bộ máy xoay quanh biennial từ trước giờ, theo truyền thống, là rất quan trọng, và đó cũng là lý do chính khiến nó trở thành một hình mẫu phổ biến để mọi người cùng làm theo, và cũng là lý do tại sao chúng ta có tới hàng trăm biennial. Nhưng khi điều đó diễn ra, cái tinh thần lẫn sức sống, cái chủ ý ban đầu của biennia cũng bắt đầu nhạt phai dần.

“Katy” của John de Andrea tại Gwangju Biennale 2010 

MI: Ý cô là cái tinh thần gì?

IH: Tôi nghĩ đôi lúc người ta vận dụng hơi chệch những ý tưởng của biennial, chệch khỏi lòng yêu nghệ thuật, thiên về lôi kéo khách du lịch hay nâng cao tiếng tăm của một thành phố nhiều hơn, vì vậy ta có thể bắt đầu thấy những mâu thuẫn giữa kế hoạch và mục đích.

MI: Vậy thì bối cảnh lúc SITE tổ chức biennial đầu tiên là thế nào?

IH: Thì lúc đó (1995?) cũng không có nhiều sự kiện khác như bây giờ. Chỉ có biennial ở Venice, rồi ở São Paolo. Whitney Biennial khi ấy cũng không hẳn là một biennial quốc tế. Lúc ấy chỉ có một vài biennial khác trên khắp thế giới, thế nên biennial của SITE thật tươi mới, và lòng quyết tâm đem nghệ thuật đương đại từ khắp thế giới đến Santa Fe chính là một cử chỉ trọng yếu. Nó thổi sức sống vào khung cảnh nghệ thuật đương đại ở Santa Fe vốn chẳng nhiều nhặn lắm vào lúc bấy giờ.

Hồi 1995, nơi tổ chức biennial đầu tiên của SITE trông như thế này. Ảnh từ trang này

MI: Cô cho rằng trong những khuyết điểm của biennial có sự mâu thuẫn giữa du lịch và nghệ thuật đương đại. Chẳng phải đó là trường hợp của Santa Fe sao?

IH: Có thể nói thế về Santa Fe, nhưng tôi không phải cục du lịch. Dự án của chúng tôi là về nghệ thuật, và nó sẽ luôn là như vậy. Thế giới nghệ thuật đang thay đổi – các dạng thức triển lãm mà chúng tôi từng tổ chức đã mang lại nhiều thành công. Khi nhìn lại, chúng tôi phải công nhận rằng cùng các khuôn mẫu từng thành công vào thời trước không còn tạo ra được cùng một loại triển lãm nữa.

MI: Nói cụ thể, cô muốn thay đổi điều gì?

IH: Vấn đề nổi cộm mà chúng tôi muốn nhắc đến là việc nhiều triển lãm trước đây của chúng tôi từng có các giám tuyển danh tiếng chạy đến, tổ chức vài cuộc triển lãm của họ – một thứ triển lãm gắn chặt với quan điểm của giám tuyển đó – và khi giám tuyển ấy ra đi, họ chẳng để lại gì nhiều. Thế rồi về sau bạn lại bắt gặp chính giám tuyển đó, và lại chính triển lãm đó mà người ấy từng làm cho mình, tại một nơi nào đó bất kỳ trên thế giới này.

“Sao lại nhìn những con thú? AGRIMIKÁ”, sắp đặt của Maria Papadimitriou, đại diện cho Hy Lạp tại Venice Biennale 2015

MI: Vâng, cứ như thể là đang đi lưu diễn vậy.

IH: Chính xác. Nhiều biennial mà ta nói đến đang dần cho cảm giác rằng chúng là một phần của vòng luẩn quẩn, khi một nhóm những giám tuyển tài năng cứ đi khắp thế giới, tổ chức triển lãm cho tất cả những biennial quốc tế (tiếp sau các biennial của SITE, có ít nhất 3 giám tuyển đã tiếp tục tổ chức các triển lãm y như thế tại Venice). Vì vậy, mặc dù trong số những show này có cái ta yêu thích – quả thật chúng khiến người ta quan tâm hơn tới những tổ chức nghệ thuật đương đại, cũng như khiến đông đảo công chúng hứng thú hơn với dòng nghệ thuật này – chúng tôi nhận ra rằng ngày nay, khi những tổ chức càng quan tâm tới lĩnh vực này, thì mọi việc càng có vẻ khó duy trì hơn. Mối liên kết với cộng đồng là thứ chúng tôi từng bàn luận. Tổ chức của tôi có tên “SITE Santa Fe”, và ngay từ thuở ban đầu, cái tên đầy hứa hẹn (đem nghệ thuật đến cho thành phố Santa Fe) của bảo tàng chúng tôi có lẽ chưa bao giờ trở thành hiện thực.

Những nếp nhăn của thành phố – tác phẩm của JR, có mặt trong Thượng Hải Biennial

Khi nói đa phần các triển lãm sau khi kết thúc chẳng để lại cái gì cả… thì ý là chúng thiếu tính liên tục, và chúng tôi muốn ngăn chặn tình trạng này. Từ “biennial” sẽ dần biến mất khỏi ngôn ngữ của chúng tôi (của SITE Santa Fe), nó sẽ chỉ còn dùng để miêu tả vòng thời gian của triển lãm (hai năm một lần), nhưng biennial (thật sự) của chúng tôi thì có tên gọi SITElines, sẽ là một chuỗi có tính liên kết các triển lãm diễn ra trong 6 năm qua.

MI: Tôi có đọc một bài luận trên eflux, mô tả biennial là hoạt động “tu luyện văn hóa cho các đầu sỏ chính trị thời hậu dân chủ”. Một trong số những điều bài viết phê phán là hoạt động của biennial đi ngược với cộng đồng nơi địa phương đó, và có vẻ cô cũng muốn đề cập vấn đề này.

IH: Hoàn toàn đúng. Chúng tôi hiện đang xúc tiến một loạt triển lãm tập trung vào nghệ thuật đương đại Mỹ. Tôi phát hiện ra rằng chúng ta thật sự có một quá trình lịch sử đặc biệt (tại Santa Fe), và chúng ta có nhiều tiếng nói khác nhau, nhưng những tiếng nói đó ít có cơ hội cất lên trong giới nghệ thuật đương đại ở Mỹ. Nếu có thể làm được điều đó trong triển lãm của mình, thì chúng tôi đã đóng góp một thứ rất có nghĩa cho cộng đồng và cho lĩnh vực nghệ thuật này.

Tôi càng ngày càng say mê ý tưởng rằng chúng tôi sống gần xa lộ Liên Mỹ (Pan-American highway), là con đường nối Alaska với Argentina. Và điều đó không những là một biểu tượng sâu sắc về tính liên kết của các châu lục, mà còn đi ngược lại xu hướng kết nối Đông-Tây điển hình thường được giới nghệ thuật đương đại ưu ái. Nên giờ đây chúng tôi tập trung vào mạch kết nối Bắc-Nam này. Chúng tôi dùng nó làm chủ đề cho loạt biennial của mình. Chúng tôi sẽ theo đuổi đề tài này trong 3 triển lãm sắp tới, tức trong suốt 6 năm tới. Chúng tôi muốn nhấn mạnh tính liên kết giữa các triển lãm.

Xa lộ Pan America

MI: Trong khuôn khổ những gì SITE đang làm, làm thế nào để nghệ thuật đương đại vừa mang tính địa phương vừa mang được tính quốc tế?

IH: Cái từ “địa phương” của anh mang nghĩa hơi xấu thì phải?

MI: Tôi không nghĩ vậy, nhưng tôi hiểu ý cô đang nói gì

IH: Tại Santa Fe, việc chúng tôi tạo dựng một triển lãm mà không nơi nào khác có thể thực hiện được là nhờ vào điều kiện địa phương nơi chúng tôi đang sống, và nhờ vào cộng đồng của mình.  Các triển lãm của chúng tôi đem tiếng nói đến cho những trung tâm nghệ thuật đương đại vốn đang nằm tít ngoài rìa của những gì chúng ta vẫn hiểu là “nghệ thuật đương đại ở Mỹ”. Có rất nhiều hoạt động nghệ thuật “địa phương” khoẻ mạnh mà ít ai biết đến do rào cản địa lý. Anh tới Buenos Aires bao giờ chưa?

MI: Rồi

IH: Nơi ấy thật cuốn hút. Khung cảnh nghệ thuật ở đó thật giàu có, với các bảo tàng, các nhà sưu tập và các hội chợ lớn mà dân chúng phải xếp hàng dài dằng dặc để vào xem. Một nghệ sĩ có thể đạt được một sự nghiệp thành công và nhiều ý nghĩa ở đây, nhưng chúng ta chẳng biết họ là ai. Vâng, chúng ta chỉ biết vài nghệ sĩ Chile hay Argentina nổi tiếng – những người chen chân lên được cái sân khấu của siêu sao quốc tế, nhưng vẫn còn rất nhiều nghệ sĩ mà ta chưa xem, những người chưa triển lãm ở Mỹ bao giờ.

Nhà sưu tập đồng thời là nam tước phu nhân Carmen Thyssen chụp ảnh cạnh bức tranh có tên “Những kẻ tòng phạm, San Feliu”, 1999 của họa sĩ Argentina Mercedes Lasarte, tại bảo tàng Carmen Thyssen ở Malaga, Tây Ban Nha. Triển lãm bày 54 tác phẩm của Lasarte vẽ cuộc đời… Carmen Thyssen, diễn ra hồi 2012. Ảnh: Jorge Zapata.


MI: Tôi đọc một bài phê bình trên tờ New York Times, nói rằng Venice biennial phần nào “bóng bẩy thì nhiều, sức tác động thì ít”, khi show này cố bắt chước nghệ thuật của những nghệ sĩ “ngoài luồng” rồi “tinh tế hóa” chúng lên quá mức. Cũng thật mạo hiểm nếu nghệ thuật cao cấp cố ý bắt chước nghệ thuật dân gian, nhưng việc mọi người đua nhau sưu tập các tác phẩm của những người ngoài giới nghệ thuật thì có gì đáng nguy không?

IH: Tôi chẳng biết nữa. Chắc chắn rằng việc xem thật nhiều các tác phẩm đương đại đã đem đến cho chúng tôi một cảm giác mới mẻ, hứng thú, dù cho người nghệ sĩ nằm ngoài luồng thế giới nghệ thuật, có thể vì họ đến từ một xã nhỏ biệt lập ở Thuỵ Sĩ, hoặc vì một hoàn cảnh nào đó khiến người xem ít biến đến tên tuổi của họ hơn. Và cái tôi thích ở một triển lãm là xem cái gì đấy tươi mới. Đối với tôi, đó không phải là xem những nghệ sĩ chưa từng xem trước đây, mà là nếu được xem những tác phẩm “bom tấn”, thì hãy cho tôi thấy được cái mới mẻ so với những tác phẩm bom tấn trước. (Nếu không có tác phẩm mới thì) có thể là sắp đặt làm sao nhằm khiến tôi nhìn chúng dưới một góc độ khác. Tôi nghĩ nhiều người hưởng ứng việc xem cái mới. Venice là cái nôi của biennial, và nếu nó thực hiện đúng cam kết “chia sẻ cái gì đấy mới” thì tôi đã hài lòng rồi.

*

Phiên bản đầu tiên của biennial SITElines có tên “Unsettled Lanscape” (Phong cảnh không người), đã mở cửa vào tháng 7. 2014 tại Santa Fe, New Mexico.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả