|
|
|
|||||||||||||
Trường pháiKhi đôi mắt (to) là cửa sổ tâm hồn… người khác 06. 09. 16 - 7:11 amAnh NguyễnMột cách bản năng, chúng ta luôn bị hấp dẫn bởi những cặp mắt to và giới marketing rất biết khai thác điều đó. Xem truyện tranh manga hay phim hoạt hình Disney ta thường gặp những đôi mắt long lanh như… hồ bơi. Vào quầy bánh kẹo trẻ em ở siêu thị thì thấy các nhân vật trên bao bì với cặp mắt to hút hồn khách mua. Những sản phẩm trang điểm mắt cho các chị em như chì kẻ, mascara, bóng mắt,… đa số đều nhằm mục đích làm đôi mắt có vẻ to và sâu hơn. Các nhà khoa học cho rằng một phần lý do ta nâng niu cưng chiều trẻ sơ sinh bởi tỷ lệ đôi mắt so với khuôn mặt chúng rất lớn, cùng lý do mèo và gấu trúc nhìn chung dễ thương hơn…chuột chù. Sở dĩ vì trong tiềm thức, chúng ta đã coi người mắt to thông minh, trung thực, ngây thơ, giàu tình cảm hơn người mắt nhỏ. Ma lực của những cặp mắt to chính là tiền đề của câu chuyện này. Khi những bức tranh Big Eyes (Mắt to) đầu tiên ra đời, có lẽ chính hoạ sĩ cũng không thể ngờ chúng sẽ nhanh chóng được ưa chuộng đến thế. Tranh Big Eyes rất dễ nhận ra và đã nhìn một lần thì không thể quên được. Concept thì đơn giản thôi, chủ yếu là trẻ em với đôi mắt khổng lồ đượm buồn, thế mà giới hội hoạ cứ gọi là điên đảo. Đến cả tổng thống Mỹ John F. Kennedy cũng đặt hàng tác giả vẽ hai đứa con mình theo phong cách Big Eyes.
Có lẽ nhiều người cảm thấy sự nổi tiếng của Big Eyes thật khó hiểu. Nói một cách công tâm về Big Eyes: kỹ thuật không đột phá, chủ đề chẳng đặc sắc, thậm chí còn tạo cảm giác kitschy, lạc mốt, và đôi chút… rùng rợn nữa. Nhưng đã có một thời Big Eyes thành công đến lạ lùng. Khi trả lời phỏng vấn tạp chí Life năm 1965, Andy Warhol đã nhận xét về Big Eyes: “Nếu nó mà tệ thì đã chẳng có nhiều người ưa thích đến thế.” Nhưng điều lạ lùng nhất của Big Eyes chỉ được hé lộ vào năm 1970. Đến lúc đó, công chúng vẫn đinh ninh rằng tác giả của Big Eyes là Walter Keane – một kẻ lịch lãm, bóng bẩy, giỏi ăn nói. Keane đã từng tuyên bố ngạo nghễ: “Thời xưa vẽ mắt không ai bằng El Greco. Thời nay vẽ mắt không ai bằng Walter Keane.” Bằng việc bán những tác phẩm Big Eyes, Walter Keane kiếm được hàng triệu đô và sống thoải mái như một ông hoàng. Nhưng cái kim trong bọc rồi cũng có ngày lòi ra đâm vào tay đau điếng. Danh tiếng của Walter Keane hóa thành tai tiếng vào năm 1970, khi vợ cũ của ông ta, Margaret Keane, tuyên bố trên radio rằng chính bà mới là tác giả của những bức tranh Big Eyes. Từ nhỏ Margaret Keane đã say mê hội hoạ. Tài năng của bà hé lộ rất sớm, khi bà mới lên 10 tuổi. Những bản phác thảo thiên thần mắt to khiến Margaret trở nên nổi tiếng trong cộng đồng giáo dân nơi bà sống. Khi lớn lên, Margaret tiếp tục phát triển phong cách của mình qua những bức vẽ trẻ em. Bà tập trung thể hiện tình cảm trong những đôi mắt, chúng hóa thành trung tâm của bức tranh và ngày càng trở nên to ra. Thời kỳ đầu sự nghiệp hai vợ chồng bà cùng nhận vẽ Big Eyes, nhưng dần dần chứng huênh hoang khoác lác của Walter Keane càng thêm nặng. Mặc dù không hề biết cầm cọ, ông tuyên bố mình là tác giả duy nhất, và Margaret cho rằng “có lẽ chính bản thân Walter đã tin vào điều đó.” Vốn tính hiền lành nên Margaret cam chịu sống trong bóng tối, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mãi đến sau này Margaret mới kể lại rằng Walter đã giam giữ bà như tù nhân trong căn phòng kín nội bất xuất ngoại bất nhập, ép bà vẽ 16 tiếng một ngày. Trong khi đó ông ra ngoài ba hoa khoác lác và tận hưởng thành quả do vợ mình đem lại. Thời gian trôi đi, những đôi mắt trong tranh Margaret Keane buồn bã u uẩn hơn bởi chúng phản chiếu trạng thái nội tâm tuyệt vọng của bà. Dần nhận ra chính cuộc hôn nhân với Walter đã đẩy bà đến bờ vực trầm cảm, bà ly dị ông năm 1965. Nhưng phải 5 năm sau đó bà mới công bố sự thật – khi đã tìm được hạnh phúc và sự bình an bên người chồng mới. Đương nhiên Walter chối bỏ kịch liệt. Trước sự chứng kiến đông đảo của mọi người, Margaret thách Walter thi vẽ ở quảng trường Union Square thành phố San Francisco (nơi tụ họp của giới nghệ sĩ tại thủ phủ bang California), Walter không dám xuất hiện. Năm 1986, bà kiện tờ USA Today và Walter lên toà án liên bang vì một bài báo tuyên bố Walter Keane mới là tác giả thật. Walter Keane còn dám nói rằng: Margaret tưởng ông ta đã chết nên mới tự nhận mình là tác giả Big Eyes. Đó là khởi đầu một cầm cân nảy mực vô cùng đặc biệt: quan tòa hạ lệnh cho Margaret và Walter cùng vẽ một bức tranh Big Eyes ngay trong phòng xử án. Nhờ có vị Bao Công thời hiện đại này mà giới nghệ thuật được chứng kiến cuộc thi tài vô tiền khoáng hậu. Chỉ trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ, Margaret đã hoàn thiện bức tranh, trong khi Walter viện cớ đau vai không thể cầm bút. Tòa xử Margaret thắng và được đền bù 4 triệu đô. Hạnh phúc vì thắng kiện, Margaret tuyên bố bà không cần số tiền nói trên, vừa hay bởi Walter cũng tiêu xài hết sạch lợi nhuận bán tranh, chẳng còn xu nào trả cho bà. Margaret không màng đến tiền. Trên tất cả, lòng bà nhẹ nhõm vì đã gỡ được khối đá đè suốt hàng chục năm. Kể từ đó, Margaret Keane đường hoàng ghi tên vào lịch sử hội hoạ, còn Walter Keane bị chế giễu và chìm vào quên lãng. Người ta chỉ còn nhớ tới ông như một kẻ lừa đảo trơ tráo bị vạch trần. Người duy nhất còn tin rằngWalter trong sạch có lẽ là người cháu trai mang tên Billy Keane. Trả lời phỏng vấn của LA Times, Billy một mực cho rằng bác mình mới thực sự là tác giả của Big Eyes. Bằng chứng của Billy Keane? Mẹ ông ta… bảo thế. Phải trái đúng sai thì có lẽ chỉ hai người trong cuộc mới hiểu, nhưng có một sự thật không ai có thể phủ nhận: trong vòng 14 năm kể từ sau ngày xử án định mệnh ấy đến lúc chết, Walter Keane không hề vẽ thêm một bức tranh nào, dù mắt to hay mắt bé. Vào năm 2014, bộ phim Big Eyes dựa trên câu chuyện của Margaret Keane và Walter Keane do Tim Burton làm đạo diễn ra mắt khán giả. Nữ diễn viên Amy Adams đóng vai Margaret, còn vai Walter do nam diễn viên Christoph Waltz đảm nhận. Margaret cũng xuất hiện thoáng qua trong phim với một vai diễn khách mời.
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|