Gẫm & Bình

Vì sao “Mở cửa” thất bại (bài 3):
đáng ra có thể làm tốt hơn, nếu… 07. 10. 16 - 8:04 am

Phạm Quốc Trung

(Tiếp theo bài 1bài 2)

“Ngựa giấy”, sơn dầu, 60 x 50cm, 1990, tác phẩm của Đỗ Quang Em, hiện thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM. Tại “Mở cửa” không thấy có tác phẩm của tác giả quan trọng này.

Triển lãm Mở cửa có thể chọn chỉ rất ít người nhưng phải là những cá nhân có phong cách nổi bật và lựa chọn được tác phẩm trưng bày có chất lượng cao thuyết phục được công chúng về nghệ thuật và tư tưởng.

Và dường như trong tương quan “chất lượng” với danh sách trưng bày còn có thể kể ra thêm tên một số nghệ sĩ, thậm chí có nhiều người còn đột phá tiên phong ngôn ngữ nghệ thuật ở từng giai đoạn như Lê Quảng Hà (từ chối không tham dự), Bửu Chỉ, Lê Huy Tiếp, Đỗ Quang Em, Nguyễn Trọng Đoan, Trương Bé, Trịnh Cung, Phạm Viết Hồng Lam, Trần Trung Tín, Lê Trí Dũng, Đào Anh Khánh, Đào Hải Phong, Quách Đông Phương, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Văn Cường, Trần Nhật Thăng, Vũ Thăng, Nguyễn Bạch Đàn, Nguyễn Minh Phước, Le Brothers (hai anh em Thanh và Hải), Phạm Ngọc Dương, Hoàng Dương Cầm, Nguyễn Thế Sơn, Lê Quý Tông… thậm chí, có thể kéo dài thêm danh sách nhiều tác giả trẻ nữa.

Điêu khắc có Lê Công Thành, Tạ Quang Bạo, Trần Hoàng Cơ, Vân Thuyết, Phan Gia Hương, Bùi Hải Sơn, Lê Liêm, Hoàng Tường Minh, Đinh Công Đạt…

Tranh của Trần Trung Tín, một tác giả quan trọng đã không có tác phẩm trong “Mở cửa”

Những nghệ sĩ người Việt ở nước ngoài tham gia trong các sự kiện mỹ thuật lớn Biennale, Triennale, Documenta quốc tế thường mang hình ảnh như một đại diện cho Việt Nam cũng là một nhân tố làm nên sự đa dạng và cởi mở của mỹ thuật Hậu hiện thực XHCN cần được ghi nhận.

Nhưng họ đã không có mặt trong Mở cửa.

Giá như thẳng thắn hơn, tôn trọng họa sĩ hơn

Việc thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, trưng bày và biên dịch ngoại ngữ lâu nay vẫn thường bị dư luận cho là cố tật trong các triển lãm lớn có tính toàn quốc như Festival mỹ thuật trẻ, triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Triển lãm Mở cửa đặt ra tham vọng đổi mới cách thức tổ chức sự kiện mỹ thuật, nhưng với những tính cách, năng lực nhân sự cũ và cách làm quan liêu, thiếu trách nhiệm nên vẫn lặp lại những vấn đề muôn thủa.

Mai Duy Minh, “Tam Bạc”, sơn dầu, 2012

Có một sự kiện gây xôn xao giới mỹ thuật, là trước khai mạc triển lãm Mở cửa ba ngày, họa sĩ Mai Duy Minh (Minh Kính) chia sẻ trên Facebook việc thành viên ban curator thông báo về yêu cầu thay đổi tác phẩm của anh gửi trưng bày với lý do: kích thước nhỏ? Vài ngày sau công chúng mới được biết thêm rằng cả nội dung cũng không phù hợp*. Với lòng tự trọng của mình, Mai Duy Minh đã không tham gia và hiển nhiên không có tác phẩm nào trưng bày tại triển lãm Mở cửa. Thế nhưng, dù không tham gia triển lãm, ban tổ chức vẫn “chốt lại danh sách vào phút cuối là 49 người**, chân dung và tên họa sĩ Mai Duy Minh vẫn được ban tổ chức sử dụng, in trên giấy mời và pano thông tin tại triển lãm.

Những lý do để yêu cầu thay tranh Minh Kính rất lãng xẹt, không thuyết phục. Công việc chuẩn bị triển lãm, giao dịch thông tin về kích thước, hình ảnh tác phẩm, gặp gỡ nghệ sĩ diễn ra trong gần một năm trời, ban curator không có yêu cầu gì, đến phút chót lại đặt điều kiện thay đổi. Điều này cho thấy sự không tôn trọng tâm huyết nghệ sĩ của ban tổ chức. Minh Kính luôn hướng mối quan tâm nghệ thuật về đề tài xã hội, thân phận của những người lao động, tác phẩm gửi cho triển lãm của anh “muốn nói rằng hành trình xây dựng đất nước đã và đang rất khó khăn, vất vả” (lời Minh Kính), là một tác phẩm xuất sắc ở thời điểm hiện tại của họa sĩ. Rất tiếc, công chúng không có dịp thưởng ngoạn tác phẩm và công tác tổ chức triển lãm để lại dấu ấn về cách làm việc cập rập, tắc trách, vì những nghi ngại, suy diễn mơ hồ nào đó.Vậy thực sự Mở cửa là gì? Và có thực lòng “Mở cửa” không?

“Miền đất hứa”, Mai Duy Minh, sơn dầu, 540 x 200cm, 2011

Giá như bớt sai trong phần tiếng Anh hơn

Ngoại ngữ luôn là vấn đề khó khăn với phần lớn các họa sĩ Việt Nam, thực tế tiếng Anh sử dụng trên các tài liệu giới thiệu trong các triển lãm mỹ thuật thường mắc những lỗi sơ đẳng, ngớ ngẩn. Triển lãm Mở cửa không là ngoại lệ, dù đây là dự án quan trọng của quốc gia, tốn kém rất nhiều tiền bạc và thời gian. Một chuyên gia đã nhanh chóng nhận xét về tên Triển lãm Mở cửa được ban tổ chức dịch tên tiếng Anh là “Be open” tức là “Hãy để mở” hay “Hãy cởi mở” (!). Đáng lẽ phải được dịch là “Opening the doors” mới đúng cả nghĩa đen lẫn bóng.

Poster triển lãm

Đổi mới là cả một thời kỳ, và năm 1986 được coi như điểm khởi đầu. Lời giới thiệu của ban tổ chức nhận xét: “Công cuộc đổi mới của đất nước được lấy dấu mốc từ năm 1986, đến nay đã được 30 năm…”. Tên chính thức của triển lãm trên các pano to, bày trang trọng là: Triển lãm Mở cửa mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới 1986-2016, đến khi chuyển ngữ tiếng Anh lại kết hợp lộ cộ cả Anh và Việt: “The exhibition ‘Be Open’ 30 years of fine art after ‘Đổi mới‘” 1986 – 2016. Và khi xuất hiện “after” lại dễ khiến người ta nhầm rằng triển lãm mỹ thuật của “sau” thời kỳ Đổi mới?

Giá như có curator thực thụ, không “vừa thổi còi lại vừa đá bóng”

Curator và những kỹ năng khác liên quan đến tổ chức những sự kiện nghệ thuật đương đại là một nghề cần phải có quá trình, được đào tạo hoặc tự đào tạo do tích lũy nhiều kinh nghiệm. Việc tổ chức thành công những dự án, triển lãm, sự kiện nghệ thuật cho thấy năng lực tổ chức, kiến thức, gu thẩm mỹ, mối quan hệ xã hội và bản lĩnh của curator chuyên nghiệp.

Lâu nay, các quan chức thường vẽ ra những dự án để tận dụng đặc quyền, đặc lợi từ những lĩnh vực mà họ được xã hội phân công quản lý. “Vừa đá bóng, vừa thổi còi” dẫn đến tình trạng trì trệ, kết quả không cao của công việc do bị xung đột, chia sẻ lợi ích.

Để tránh tình trạng này, phù hợp của xu thế thời đại, xã hội văn minh, đã đến lúc cần chuyên nghiệp, xã hội hóa công tác tổ chức triển lãm. Nên để công tác tổ chức triển lãm, các sự kiện nghệ thuật có tính chất nhà nước cho các chuyên gia của Bảo tàng, Hội Mỹ thuật Việt Nam, các curator độc lập tham gia thực hiện. Nếu chưa có được đội ngũ curator chuyên nghiệp thì cần gấp rút đào tạo, thậm chí có thể mời tư vấn từ các curator nước ngoài như các bảo tàng, gallery lớn trong khu vực và quốc tế đã làm. Không thể dùng mãi tư duy tiểu nông, thích “đi tắt đón đầu” trong mọi hoạt động kinh tế- xã hội, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa.

Cơ quan có chức năng quản lý mỹ thuật cứ làm tròn trách nhiệm, xóa bỏ được tệ nạn vi phạm bản quyền, đạo tranh, “nhái” tác phẩm mỹ thuật, cũng như tệ nạn xây dựng tràn lan tượng đài, không có quy hoạch, làm xấu môi trường cảnh quan, tốn kém tiền của nhân dân cũng là điều thiết thực lắm rồi.

*

Sau 30 năm kể từ 1986, với những kết quả của kinh tế, văn hóa nghệ thuật thời kỳ đầu Đổi mới, có câu hỏi: tại sao với truyền thống văn hóa, lịch sử và thành tựu thời kỳ Đổi mới như thế…văn học nghệ thuật Việt Nam vẫn chưa thấy xuất hiện tác phẩm đỉnh cao. Thiển nghĩ, với cơ chế quản lý và cách làm, cách quan niệm, năng lực cán bộ như hiện nay, các dự án mỹ thuật có tính chất nhà nước dù có được tổ chức quy mô, tốn kém tiền khủng của dân, truyền thông ầm ĩ cũng không thể thu hút và phát hiện ra những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.

Hoặc nếu có thì tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao cũng lặng lẽ bỏ đi khi tiếp xúc với hệ thống kiểu này.

Ý kiến - Thảo luận

9:57 Tuesday,11.10.2016 Đăng bởi:  Bạch Hạc Lâu
Bác Trung nói đúng, tôi thấy bác Hoàng Hạc Lâu lại đứng về một phe rồi... theo tôi thiếu và thừa nhiều... những người thiếu thì bác Trung đã nói, tôi xin nói người chưa đủ để đại diện cho đổi mới.. Vương Văn Thạo đấy chẳng phải điêu khắc mà càng không phải đương đại..vì hóa thạch mô hình thì không đáng, đã có Đỗ Minh Tâm rồi thì còn Phạm An Hải làm g
...xem tiếp
9:57 Tuesday,11.10.2016 Đăng bởi:  Bạch Hạc Lâu
Bác Trung nói đúng, tôi thấy bác Hoàng Hạc Lâu lại đứng về một phe rồi... theo tôi thiếu và thừa nhiều... những người thiếu thì bác Trung đã nói, tôi xin nói người chưa đủ để đại diện cho đổi mới.. Vương Văn Thạo đấy chẳng phải điêu khắc mà càng không phải đương đại..vì hóa thạch mô hình thì không đáng, đã có Đỗ Minh Tâm rồi thì còn Phạm An Hải làm gì? 
3:55 Tuesday,11.10.2016 Đăng bởi:  Dinh công đạt

Tôi không được mời (vì kém)
Tôi cũng không được mời khai mạc vì vô danh
Tôi có đến dự khai mạc vì bạn bè
Tôi có đi xem lại để biết mình như thế nào, đang ở đâu
Tôi thấy anh Trung nói đúng, đúng như anh ấy đã nói, đã làm cuốn sách nhăng nhít nào đó về nghệ thuật đương đại thủa nào.
Vì tôi không được mời tham dự nên nếu tôi
...xem tiếp

3:55 Tuesday,11.10.2016 Đăng bởi:  Dinh công đạt

Tôi không được mời (vì kém)
Tôi cũng không được mời khai mạc vì vô danh
Tôi có đến dự khai mạc vì bạn bè
Tôi có đi xem lại để biết mình như thế nào, đang ở đâu
Tôi thấy anh Trung nói đúng, đúng như anh ấy đã nói, đã làm cuốn sách nhăng nhít nào đó về nghệ thuật đương đại thủa nào.
Vì tôi không được mời tham dự nên nếu tôi vào hùa chê với anh Trung thì cũng là lẽ thường. Nhưng tôi cũng đã tự hỏi vậy nếu để anh Trung hoặc anh tinh nhuệ Trủng nào đó tổ chức cuộc đổi mới này liệu có tốt hơn không. Chắc chắn là không chứ. Chê dễ lắm nhất là chê sang cả ngoại ngữ nữa thì ối giời ơi là dễ.


Theo ý kiến cá nhân ( một cá nhân không có tài) hay dở tốt xấu luôn dễ bàn, dễ chê nhất là một thứ triển lãm tổng kết cúng cụ kiểu này. Nhưng dù sao đó cũng là nỗ lực của người tổ chức, tâm huyết và đau đáu của người làm tổ chức đôi khi không thể trùng hết ý kiến với mọi người được. Tôi hỏi lại các bạn rằng: ai sẽ đưa ra một danh sách đầy đủ và đúng đến mức không có ý kiến nào chê được. Chắc chắn là không rồi, vậy thì cứ xem triển lãm, gặp bạn bè vui rồi. Gạo mậu có bao giờ là gạo ngon đâu nhưng trong lúc túng đói cũng vá víu được một vài bữa. Nghệ thuật nước nhà lúc này có bữa cơm gạo mậu đó kể cũng như không tệ

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả