|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhTại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 1): Rào đón hơi dài để tương ở bài sau 23. 10. 16 - 5:47 pmVũ LâmMưỡu Tân nhân dục vấn lang niên kỷ (Người mới ướm hỏi chàng bao tuổi/ Năm mươi năm trước tớ hăm ba – Hát nói – Nguyễn Công Trứ) Trên Mường Tè, cực Tây Bắc của bản đồ đất nước, có xã Mường Tè và huyện Mường Tè. Huyện Mường Tè là thị trấn huyện lỵ, còn xã Mường Tè cách đó khoảng 40km, bên bờ sông Đà, có bản Nậm Củm, là nơi phát tích của người Thái trắng tại đây. Dân ở đây hay gọi là “Mường Tè xã” hay “Mường Tè huyện” để phân biệt. Cũng ở trong huyện này, có xã Mù Cả của người Hà Nhì, nơi anh hùng giáo dục Nguyễn Văn Bôn lên xóa mù từ năm 1959. Nhưng không ai gọi là “Mù Cả xã” vì vậy thì nghe nó hơi buồn cười. Mù Cả là gọi chệch từ tiếng Hà Nhì: “mồ cá” có nghĩa là “con đường ngựa đi”. Nghi hoặc mấy ông Kinh cố tình gọi láo cho vui từ thời cụ Bôn, hỏi lại cụ, cụ nói, lúc tớ vào người ta (tức người Kinh, người Thái ở huyện lỵ Mường Tè) đã gọi thế, có lẽ cái sự gọi nhầm nhọt này diễn ra lâu lắm rồi, từ thời Pháp cũng nên… Nhớ cái chuyện này bởi xung quanh cái triển lãm “Mở Cửa” và “Đổi Mới” vừa rồi, mọi thứ u a u ơ cứ loạn cả lên. Lại nữa, từ “thời kỳ Đổi Mới” đã được nhiều văn bản nghiên cứu hay báo chí nước ngoài gọi về một thời kỳ đặc biệt cải cách kinh tế-chính trị-xã hội của Việt Nam, giữ nguyên không dấu là “Doi Moi” hoặc viết cả dấu là “Đổi Mới” không dịch. Các bạn Tây giỏi tiếng Việt đến mấy cũng ít người đọc đúng được dấu, thành ra khi các bạn nói “đổi mới” hay “đổi mồi” hay “đồi mồi” thì nghe chẳng khác gì nhau mấy. Tình trạng này cũng na ná với “mở cửa” hay “mò cua”… Và biết đâu khi các bạn Tây đọc sai, thì lại lôi ra đúng tính chất của vụ việc cụ thể này. Có nghệ thuật “mở cửa” hay “đổi mới” gì ở đây? Hay chỉ là “mò cua vớ phải đồi mồi…”. Sau khi người đọc nghe chán những phân (phối) tích nghiêm trọng, xin thuật lại một cuộc trò chuyện tay ba bên bàn trà lạt bia cỏ tự do theo truyền thống dân chủ Việt, nỏ phải là “tọa đàm, hội thảo, phỏng vấn” gì cho ghê chuyện. Nhưng nói thêm là chuyện có thật, giữa đôi hậu sinh với một cụ già. Tên người trò chuyện cũng được đổi đi (cho nó đúng bản chất chăng?). Hai người trẻ tạm gọi là Nhảy Chồm Chồm Xảm Xí và Lập Lờ Đánh Lận Con Đề. Còn cụ già thì gọi là La Hán Nhăn Như Bị. Thỉnh chư quân vị ngã khuynh nhĩ thinh…! * Nhảy Chồm Chồm Xảm Xí: Thưa cụ La Hán Nhăn Như Bị và anh Lập Lờ Đánh Lận Con Đề, tại sao cái vụ triển lãm vừa rồi lại xúm đen xúm đỏ, í a í ới kinh nhỉ? Nếu gọi theo kiểu báo chí ra thì là “gây sự thu hút dư luận và nhiều luồng ý kiến khác nhau”. Lập Lờ Đánh Lận Con Đề: Tớ toàn thấy, theo cách gọi của dân FB là “thập diện mai phục” rồi “gạch đá tơi bời” chứ ý kiến ý cò gì cho ra lẽ “sugar, sugar – ajinomoto, ajinomoto” đâu… ( “đường đường chính chính” gì đâu). La Hán Nhăn Như Bị: Theo các chú là làm sao? Nhảy Chồm Chồm Xảm Xí: Dạ, theo cháu, vì nghệ thuật tạo hình trước và sau thời điểm Đổi Mới (tính từ Đại hội Đảng 1986 và Nghị quyết 05 của Trung ương Đảng do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ký ngày 28 -11- 1987, thường được gọi là Nghị quyết “cởi trói cho văn hóa-văn nghệ”) đã thực sự mở ra một chương mới, chương thứ ba của lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Chương thứ nhất là Nghệ thuật gắn với Trường Mỹ thuật Đông Dương trước 1945. Chương thứ hai là Nghệ thuật phục vụ Tổ quốc suốt hai cuộc kháng chiến. Chương thứ ba là Nghệ thuật thời kỳ Thống Nhất-Đổi Mới-Mở Cửa. Bên cạnh đó có một chương riêng, chương “giải ngoại hạng” cho nghệ thuật của miền Trung và miền Nam thời trước 1975 (và sau 75 dành cho các nghệ sĩ di tản qua hải ngoại), thế mới công bằng. Thế nhưng, để có một hình ảnh tương đối sắc nét về “chương thứ ba” này, thì vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng. Nghệ thuật thời Đông Dương, nghệ thuật thời Kháng chiến đã được tổng kết, còn nghệ thuật thời Đổi Mới-Mở Cửa, nghe tưởng chừng như ai cũng hiểu, những tên tuổi làm nên thời đại đó hầu hết vẫn còn sống nhăn, chưa ai lẫn, hoặc cũng mới hơi lẫn, chưa lẫn hẳn. Nhưng tác giả-tác phẩm để khẳng định nó đâu? Nghiên cứu nào, sách vở nào chỉ ra đầy đủ tầm vóc của nó? Hay là chỉ trên dư luận báo chí và những câu chuyện nghệ thuật từ phòng khách cho đến vỉa hè, mà nhiều phần những câu chuyện đó nửa thực, nửa giai thoại, lại còn hay sặc mùi tiền hoặc mùi gian lận quái quỷ… Chính sự chưa được tổng kết đó đã đem đến sức hút của triển lãm… Thế nên ai thò mồm vào bàn cũng thấy meo méo. Tấm ảnh nào cũng thấy mờ mờ ao ảo lắm ạ! Lập Lờ Đánh Lận Con Đề: Ối chời ơi, đúng tên anh là Nhảy Chồm Chồm có khác, lười đọc sách, chứ còn tôi hay phải nghiên cứu thơ đề nên thi thoảng cũng vớ phải sách khác nên nhớ. Về cái thời mỹ thuật “Đổi Mới-Mở Cửa” này có hàng đống sách. Đơn cử như cuốn Họa sĩ Trẻ Việt Nam (Phan Cẩm Thượng – Lương Xuân Đoàn, 1997); Mỹ thuật Việt Nam Thế Kỷ 20 (Nguyễn Quân, 2010)… Còn nếu ông biết tiếng Anh, thì có kỷ yếu “Post Đổi Mới – Vietnamese Art after 1990” năm 2008, nhân triển lãm tại bảo tàng SAM (Singapor Art Museum) kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt-Sing). Rồi sách của các chị Veronika Radulovic hay Nora Taylor, các tài liệu hội thảo về nghệ thuật Việt Nam ở Pháp, Mỹ,… vân vân và vân vân! Dân ta chỉ khoái giai thoại thì đúng quá, ví dụ như cái ảnh thành cổ, chí ít ba ông trong ảnh vẫn còn sống nhăn, cả ông phó nháy. Vậy mà vẫn có chuyện cãi nhau ông nào ngồi mặt tiền cười to nhất trên báo mấy năm trước. Hoặc như cái xe tăng nào húc trước húc sau, mấy ông trong xe cũng vẫn còn sống. Vậy mà báo chí cũng vào cuộc ồn ã, có kẻ kiếm được khối nhuận bút, rồi mãi mới ngã ngũ… Nhảy Chồm Chồm Xảm Xí: Này đừng có đùa, những sách anh kể nhà tôi đều có cả, một số thì mua, một số xin, một số ăn trộm thư viện. Tuy nhiên là tôi còn bận vào mạng nên chưa có thời gian đọc. Với lại, xin lỗi nhé, đọc mấy sách của các tác giả Tây khá lộn ruột. Nói cho vuông là họ dành khá nhiều tấm lòng mề ưu ái cho nghệ sĩ ta, nhưng cuối cùng vẫn không thoát cái kiểu “thực dân mới”, “khai sáng dạy dỗ” xấc xược ngầm hay xấc xược lộ rất chi khó nhằn. Những hình ảnh nghệ sĩ lớn thời bao cấp, ví dụ như các bác “bộ tứ”, thì bị gán cho sự đày đọa. Thực ra có phải thế đâu, tranh của các ngài đâu có bị cấm treo (vẫn được treo ở phòng bên cạnh). Các ngài vẫn ăn lương sáng tác của Hội và được chăm be kỹ bởi các “fan hâm mộ”. Nghèo thì cả nước nghèo chứ đâu riêng mấy ngài, nhưng rượu Tây lậu thì thi thoảng các ngài vẫn được xơi. Đói khó bỏ xừ, nhưng chuyện thật được nghe lại thì thấy các vị cứ ăn nhậu suốt (tuy là theo kiểu con nhà có ít điều kiện thời đó chứ không phải ê hề tầm tã như bây giờ). Rồi có bác nghệ sĩ cắt giấy thủ công, tuy cũng hay và tôn trọng đúng mức thì nó cũng… hay hay, nhưng mấy chị Tây cứ đôn thành nghệ sĩ vĩ đại thời Đổi mới, thật nhảm hết sức. La Hán Nhăn Như Bị: Tớ cho các cậu câu này nhé. Chân lý thì rất đúng, và hay ho, nhưng để đi đến chân lý thì đường rất ngắn, đến nơi thì lại đơn điệu hoặc đau khổ như… Thị Kính. Còn luẩn quẩn lẳng lơ lững lờ, nhầm nhọt lung tung, thì đường nó dài, lại vui, lại khoái chí như… Thị Mầu. Cái triển lãm này nếu không do Cục Mỹ thuật, Bộ Văn hóa tổ chức thì nó không có ý nghĩa gì cả, và có lẽ cũng chẳng mấy người xem. Một mặt, đây là việc lần đầu tiên một cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về mỹ thuật tiến hành một triển lãm tổng kết, tạm đưa ra một sự vinh danh chính thức cho nghệ thuật Đổi Mới-Mở Cửa. Mặt thứ hai, triển lãm còn chứng tỏ sau 30 năm Đổi Mới, nghệ thuật của “hội đoàn” và những loại nghệ thuật “đặt hàng” là một sự thất bại hoàn toàn. Không có những tác giả đoạt giải hàng năm của Hội Mỹ thuật, không có những tác giả “tượng đài trăm tỷ”… mà đa phần là các nghệ sĩ tự do, độc lập gây dựng nên tên tuổi của mình, đóng góp tiếng nói quan trọng vào văn nghệ của thời mình. (Còn tiếp)
* Vũ Lâm đi xem triển lãm: - Not Memory: sự đối diện cá nhân với ký ức tập thể - Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 1): Rào đón hơi dài để tương ở bài sau - Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 3): rút lại là làm chưa hay nhưng mà đừng có sợ chê Ý kiến - Thảo luận
11:22
Tuesday,25.10.2016
Đăng bởi:
Trang
11:22
Tuesday,25.10.2016
Đăng bởi:
Trang
:-) bài viết vui nhỉ :-) em chỉ chợt nghĩ là nếu cụ La Hán trong bài đã nhận rằng: "Khi BTC chuẩn bị cho triển lãm, họ có gặp tôi, tôi có trao đổi với họ rằng nên mời một số tác giả gắn chặt tên tuổi với sự nghiệp Đổi Mới-Mở Cửa như các họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Đặng Thị Khuê. Nhưng quan điểm của BTC là “không”, và họ bảo lưu quan điểm đó..." thì ... có lí do gì mà lại không để tên thật của cụ như người viết để tên mình? Mà đã tường thuật chuyện có thật thì cứ tên thật mà đề, hẳn sẽ vui hơn nữa :-)
10:48
Monday,24.10.2016
Đăng bởi:
LC
Văn phong toàn bài chứ không phải mỗi chỗ tên đâu Soi. Nhưng mà có thể Mưa Rừng viết thế thì mới khác các bài trong series, hắn cũng bị ảnh hưởng bạn Linh Sơn Cao hổ cốt đây !! ...xem tiếp
10:48
Monday,24.10.2016
Đăng bởi:
LC
Văn phong toàn bài chứ không phải mỗi chỗ tên đâu Soi. Nhưng mà có thể Mưa Rừng viết thế thì mới khác các bài trong series, hắn cũng bị ảnh hưởng bạn Linh Sơn Cao hổ cốt đây !! Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
:-) bài viết vui nhỉ :-) em chỉ chợt nghĩ là nếu cụ La Hán trong bài đã nhận rằng: "Khi BTC chuẩn bị cho triển lãm, họ có gặp tôi, tôi có trao đổi với họ rằng nên mời một số tác giả gắn chặt tên tuổi với sự nghiệp Đổi Mới-Mở Cửa như các họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Đặng Thị Khuê. Nhưng quan điểm của BTC là “không”, và họ bảo lưu quan điểm đó..
...xem tiếp