Gẫm & Bình

“Giá thánh” (bài 1): Tấu lạy Cô, bởi Cô thương… 04. 04. 17 - 12:36 pm

Vũ Lâm

1.
Đi qua hết đất của “bán đảo” Thủy Nguyên, đến bến phà Rừng, ngã ba sông Chanh, qua phà Rừng là đến thị xã Quảng Yên, vốn là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Yên cũ có từ đầu thời Nguyễn và suốt thời Pháp thuộc.

Quảng Yên nằm cách đất Thủy Đường cũ một con sông, nơi người dân Phục Lễ được coi là có “giọng phát âm chuẩn nhất miền Bắc”; gần đảo Hà Nam, là nơi đóng ra những con thuyền cổ “ba vách buồm cánh dơi” lộng lẫy khắp Vịnh Hạ Long một thời. Khu vực này là nơi phối lưu của sông Rút, sông Chanh, sông Kênh và sông Vân Cừ (Bạch Đằng) cùng một loạt những con nước nhỏ đổ ra cửa Bạch Đằng vô cùng hiểm trở và oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm. Những bãi cọc Bạch Đằng giang được người ta tìm thấy ở đây từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước, trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Người dân Quảng Yên vẫn giữ được truyền thống của một đô thị cổ hơn 200 năm tuổi trong nếp sống, nếp ăn, ở.

Cụm đền thờ Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà bên sông Bạch Đằng, Quảng Ninh. Ảnh: báo Quảng Ninh 

Nơi đây ngoài đền Trần, vô vàn đình chùa miếu mạo khác còn có Miếu Vua Bà, tương truyền thờ một bà cụ bán hàng nước dưới gốc cây quếch đã mách tường tận cho Hưng Đạo Vương về hướng gió, quy luật thủy triều và địa thế lòng sông để ngài lập thế trận cuối cùng đuổi giặc…

Cây quếch ở miếu Vua Bà. Ảnh: báo Quảng Ninh 

Sinh ra ở một nơi như thế, hẳn bất kỳ ai cũng thấy tự hào. Trần Tuấn Long lớn lên trong gia đình có “nòi” mỹ thuật: cha quê gốc Thái Bình, mẹ ở Quảng Yên. Anh được người cha truyền cảm hứng đến với nghệ thuật tạo hình từ nhỏ bởi ông cũng học mỹ thuật tại Hà Nội và trở về Quảng Ninh làm trong ngành văn hóa của tỉnh. Họa sĩ lên Hà Nội học nghề sơn mài trước khi bước vào trường mỹ thuật Yết Kiêu. Được tiếp thu kỹ năng làm nghề thể hiện tranh sơn mài từ những bậc thầy có tiếng ở Hà Nội. Khi vào học mỹ thuật, anh chuyển sang học đồ họa, bởi nghề sơn mài đã nắm vững từ trước.

Ra trường, Trần Tuấn Long kiếm sống tự do bằng chuyên nghiệp vẽ tranh sơn mài. Ngoài sáng tác cho cá nhân, họa sĩ còn từng làm công việc họa sĩ thể hiện sơn mài (chuyển chất liệu) cho nhiều họa sĩ khác. Anh tham gia đều đặn các triển lãm của Hội Mỹ thuật, CLB Họa sĩ trẻ, tham gia nhóm Sơn Ta và một số dự án, cũng đoạt một số giải thưởng và tặng thưởng mà giải lớn tiền nhất là giải Mỹ thuật ASEAN (tài trợ của PhiPhillip Morris) năm 2003 (cùng 4 tác giả khác) với một bức sơn mài to đùng “chống” đại dịch SARS. Tranh của Long cũng được xuất khẩu trong bộ sưu tập của một số tư nhân quốc tế như Hàn, Đức.., gần đây nhất là trong bộ sưu tập tư nhân của các đại gia trồng chè ở Đài Loan.

Tranh Trần Tuấn Long

Vẽ về đề tài tín ngưỡng thờ Mẫu, mà hình ảnh kịch tính nhất của nó là các pha “showcase” hầu đồng, thì Trần Tuấn Long không phải là người đầu tiên. Được biết đến trước đó là hai họa sĩ Vũ Thanh Nghị và Phạm Tuấn Tú. Vũ Thanh Nghị có hai triển lãm cùng mang tên “Lên đồng” năm 2008 và 2015. Nếu như triển lãm năm 2008 của Nghị mượn cái vũ đạo nhiều mầu sắc của các giá đồng để thao diễn bút pháp lập thể chuyển động kiểu Marcel Duchamp trong bức “Khỏa thân bước xuống cầu thang-số 2” thì năm 2015 anh chuyển sang vẽ biểu hiện. Còn triển lãm “Nhập Nhằng” của Phạm Tuấn Tú năm 2014 thì trên tranh không hề có hình ảnh hầu đồng ở bất cứ tác phẩm nào. Nhưng cái chất “đồng cốt”, cái mùi “cô đồng” trong sự hoán đổi, ảo giác và om sòm thanh động ấy toát lên rất rõ trong phẩm chất của các bức họa.

2.
Trở lại việc tại sao tôi điểm đôi điều về lịch sử Quảng Yên và cửa Bạch Đằng, miếu Vua Bà… ngay từ đầu bài. Vì khởi nguồn việc Trần Tuấn Long vẽ các giá hầu đồng ấy từ một lần anh đưa bạn về quê chơi và đi coi hầu đồng ở miếu Vua Bà quê anh. Tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng được coi là tín ngưỡng bản địa, từ Tây Bắc cho đến Bắc Trung Bộ. Ở đồng bằng Bắc Bộ như các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương,…, đều có nhiều đền phủ hoạt động khi thịnh, lúc suy dưới sự cấm đoán suốt từ thời phong kiến sang đến tận gần đây. Việc đi xem, hay nghe về chuyện hầu đồng, thì những đứa nhỏ ở làng quê nào cũng từng biết tới. Như Trần Tuấn Long không phải đến lúc đó mới biết tới chuyện hầu đồng. Chỉ có điều không rõ khung cảnh, thời điểm, không gian cái đêm đó như thế nào, đã động đến cái “căn” gì sâu thẳm trong anh, khiến anh “như lên đồng” lao vào vẽ các “giá thánh” từ đó. Và đây là bức tranh đầu tiên được vẽ vào năm 1998.

Tranh Trần Tuấn Long

Nếu ta nhìn bức tranh này, thì rõ ràng thấy ngay là tác phẩm đầu tiên đã khai triển tất cả lối đi cho các tác phẩm sau này trong loạt tranh 26 bức bày trong triển lãm. Nhân vật chính trong tranh, một thanh đồng đang nhập đồng vào một Bà Chúa nào đó, đằng sau lưng là hình ảnh các “đạo cụ” phục vụ một giá đồng, cờ phướn, tiền bạc, đồ trang sức… Một bà cụ chắc là “con nhang đệ tử” đang châm một nén nhang để hầu thánh. Long vẽ sơn mài về một hình ảnh hiện thực, kỳ công dùng vàng son để diễn tả lửa khói (lửa khói bằng vàng son liên tiếp xuất hiện đi xuất hiện lại ở các bức sau) và cái không gian tưng bừng rộn rã tùng xoèng của đêm giá chầu. Những mầu bổ túc “rợ” và rất khó dùng như mầu hồng xác pháo (còn gọi mách qué là “hồng ca-ve”), tím lịm, xanh lục… trong phục trang của các thanh đồng cũng được họa sĩ điểm và dìm nhuần nhuyễn như chơi bằng các sắc độ sơn mài.

 

Chi tiết phục trang trong tranh Trần Tuấn Long

Hầu đồng nhập thánh là những diễn xướng phục vụ tín ngưỡng có tính nghi thức, vừa thực mà rất thực, nhưng cũng rất phi thực trộn lẫn bởi cái “phông” của buổi diễn xướng lại ở các không gian điện, phủ, đền, chùa. Làm sao để vẽ được ra cái nửa thực nửa ảo như thế? Hồi trẻ, tôi xem hầu đồng lần đầu tại một phủ ở Thái Bình, ba bốn đám hầu cùng xướng trong một điện to, bài trí không được long trọng, loa đài tranh cướp “nhảy vào mồm” nhau… nên cảm giác không thích.

Nhưng một lần khác, đến nhà bạn chơi, thấy bạn ngồi chồm hỗm, mắt sáng rực nghe một đĩa hát văn của Thanh Ngoan-Khắc Tư. Đĩa này là đĩa tự quay, có lồng cảnh lên đồng và cảnh núi non, sông nước của những nơi đền tích như đền Củi ông hoàng Mười, đền Bảo Hà ông hoàng Bảy. Chợt giật mình thấy cảnh núi non sông nước đó hiện ra trong tiếng hát văn khác hẳn. Núi không còn chỉ là núi, sông không chỉ là sông nữa, mà dường như linh khí núi sông cả ngàn năm huyền thoại cùng hiện ra (sinh động trong lòng mình) vằn vèo theo tiếng nhạc. Tuy sau này biết hai danh ca hát chèo ấy chưa phải là hàng “thượng thặng” trong nghề hát văn, vì giọng của họ có dính chất chèo vào đó. Nhưng từ đó cũng dần biết cảm nhận cái hay, cái đẹp lạ, vui hớn hở của nghệ thuật trong cái món lên đồng, từ ca vũ, bài trí, cho đến phục trang…

Trở lại tranh của Long, làm sao để diễn tả được cái không gian nửa thực nửa hư của không gian giá thánh? Bởi vì tranh thì đâu có đưa được nhạc hát văn, là một yếu tố cực kỳ quan trọng cho buổi hầu đồng vào được. Những bức về sau, họa sĩ tìm được một biện pháp “chết người” là dùng chi tiết tranh cổ: tranh Hàng Trống, tranh thờ Đạo giáo của các dân tộc Tây Bắc như Dao, Tày, Nùng… để làm “nền” cho nhân vật chính đang thượng đồng. Điều này có lẽ họa sĩ nhận ra bằng cảm giác, mà đâm ra lại trúng cách.

Chi tiết tranh Trần Tuấn Long

Tín ngưỡng thờ Mẫu thuộc sa-man giáo, là một tín ngưỡng nguyên thủy có ở rất nhiều dân tộc, từ đồng cỏ Siberi, phía Nam Trung Hoa, Bắc Việt Nam. Đạo giáo của các dân tộc miền núi Tây Bắc rất gần gũi với việc lên đồng. Những lễ như lễ cấp sắc, nhảy lửa của người Dao, các loại cúng trừ tà của vài tộc khác về bản chất cũng chính là những lễ lên đồng (các thầy mo, thầy tào, sẽ treo tranh thờ quanh nhà trong những lễ đó). Long lấy yếu tố “cổ” của tạo hình dành cho lên đồng – bằng những hình ảnh tranh thờ hay hình nhân, con mã được chiết xuất để làm “phông” cho yếu tố “kim” – là những nhân vật tạo hình hiện thực hiện tại nhảy múa. Thì ngoài việc tạo sự tương phản hình ra, còn đắc địa một chỗ là giống như nó tạo ra được một cái gì đó văng vẳng như âm thanh của lời hát văn, ẩn ở trong những quãng nền tối âm u của sơn mài hay sự va đập của các mảng mầu chọi nhau gắt gằn gặt, gợi nên tiếng đàn, phách, trống của các cung văn dập dìu dồn tấu nhạc…

Chi tiết tranh Trần Tuấn Long

*

Còn tiếp bài 2: “Bởi Cô thương nên lửa khói vàng son lẫm liệt”

Ý kiến - Thảo luận

21:34 Monday,24.4.2017 Đăng bởi:  trần quang thái
Lâm ơi, a Long tốt nghiệp hội hoạ, tranh lụa, không phải Đồ Hoạ
...xem tiếp
21:34 Monday,24.4.2017 Đăng bởi:  trần quang thái
Lâm ơi, a Long tốt nghiệp hội hoạ, tranh lụa, không phải Đồ Hoạ 
9:39 Thursday,6.4.2017 Đăng bởi:  Lương Hoài Hương
Nếu quả thực có những đại gia bất động sản biết mời họa sĩ Long về vẽ chân dung cho gia đình như bạn M.C nói thì thực là một tín hiệu quá đáng mừng cho hội họa VN khi mà có những khách hàng có con mắt và tạo công ăn việc làm chính đáng cho người làm nghệ thuật. Tranh là để bán, người vẽ phải có người thuê vẽ. Nếu một thị trường mà không có những hoạt
...xem tiếp
9:39 Thursday,6.4.2017 Đăng bởi:  Lương Hoài Hương
Nếu quả thực có những đại gia bất động sản biết mời họa sĩ Long về vẽ chân dung cho gia đình như bạn M.C nói thì thực là một tín hiệu quá đáng mừng cho hội họa VN khi mà có những khách hàng có con mắt và tạo công ăn việc làm chính đáng cho người làm nghệ thuật. Tranh là để bán, người vẽ phải có người thuê vẽ. Nếu một thị trường mà không có những hoạt động như thế thì coi như thị trường chết.
Không có tiền chứ có tiền cũng muốn có chân dung do những họa sĩ vẽ cho người lớn trong gia đình, nhỏ thôi không cần to nhưng là một món quà quý giá. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả