Gẫm & Bình

Bài 1: Thằng quỷ đen ti hí mắt hay là giải mã theo kiểu loằng ngoằng cái sự lằng nhằng của triển lãm Nhập Nhằng 20. 01. 15 - 6:31 am

Vũ Lâm

 Phần 1:

Phạm Tuấn Tú, “Ở nơi đây”, chi tiết tranh, 2011, acrylic trên toan, 130 x 170cm

Tôi đi xem triển lãm cá nhân đầu tiên của Phạm Tuấn Tú vào ngày cuối cùng trước khi dỡ tranh 27. 10. 14. Về, tôi cứ mất ăn mất ngủ, nghĩ mãi về cái “ca” này. Theo dõi trên Soi, thấy bạn Hiếu nói cũng đung đúng. Bạn Linh Cao nói tôi thấy cũng hay hay, đặc biệt sắc bén vài chỗ (nhưng cái giọng phủ dụ động viên kiểu đàn chị-thằng em làm tôi thấy hơi bức, tuy đó chỉ là comment. Vì trong nghệ thuật, thì không nên ứng xử như vậy). Bạn Phan Tường Linh viết giới thiệu thì đầy xúc cảm thơ có liên hệ cá nhân như bạn Hiếu hồi hộp sau khi xem phim ma về. Nhưng cả ba bạn có vẻ đều không nói rõ ra được ra ngô ra khoai rằng: Tranh của Tú là cái gì – hiện tượng này là sao? Cứ đếm số comments thì thấy hẳn đây là ca khó nhằn. Bởi vì, nếu dễ nhìn ra là cái gì, thì hẳn đã chu choa xáp vô cãi vã loạn xà ngầu lên rồi.

Tôi bèn nghĩ ngợi lung tung mất khối thời gian để “giải mã” tranh của Tú – trước hết là cho mình. Nhưng khi giải mã xong, tôi vừa yên tâm rằng tôi đã nắm bắt được chút chút, nhưng tôi lại thấy sờ sợ khi nói ra sự thật nên đành phải giải mã theo kiểu loằng ngoằng một tí… Mong người đọc thông cảm!

Một chuyện râu ria: lông mũi, lông nách, lông…

Trong thời gian Phạm Tuấn Tú chuẩn bị triển lãm, một triển lãm quan trọng với dòng tác phẩm anh sáng tác trong thời gian khoảng 8 năm, để “33 tuổi, Tú vào đời như một niềm kinh dị”, thì cũng có một sự kiện quan trọng diễn ra của văn hóa thủ đô (cũng gần như đồng nghĩa là mang tầm quốc gia được luôn). Đó là Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu năm 2014, với 250 nhóm chầu văn tham gia. Cái món đồng cốt này, năm ngoái tổ chức thì nói trớ đi là Liên hoan nghi lễ chầu văn lần I (2013), năm nay đặt tên lại dài dòng thêm. Chẳng biết đến bao giờ cái món lễ hội sa-man giáo này mới được gọi thẳng, ngắn là tín ngưỡng hầu đồng cho xong chuyện.

Phạm Tuấn Tú, “Lặng lẽ Hà Nội”, 20111, acrylic trên toan, 110 x 80cm

Thế là chính thức tín ngưỡng được cho là có nhiều yếu tố bản địa mấy trăm năm trốn chui nhủi vào trong các chùa, bị chính quyền phong kiến Nho giáo cũng cấm, rồi mấy chục năm lén la lén lút trong các đền công hoặc phủ tại gia, chính quyền xã hội chủ nghĩa cũng cấm. Nay thì lấy yếu tố văn hóa làm bệ đỡ để phóng ra chính thức công khai. Đã thành văn hóa được công nhận rồi thì tha hồ mà đi hầu đồng phả phê luôn, khỏi phải thậm thụt.

Tranh của Tú có nhiều cảm hứng, ám ảnh vì đi xem hầu đồng từ bé. Đó là thông tin quan trọng mà bạn Hiếu cung cấp, giải đáp cho một vài nghi hoặc. Đó là việc chi tiết trang trí trên tranh của họa sĩ rất nhiều và cầu kỳ, nhưng sắp đặt rất có lệ bộ, cứ như sắp cho một ban thờ chuẩn bị vào lễ hầu thánh. Đó là việc dùng mầu chỗ thì xanh lè (toàn bộ khung tranh), chỗ thì nhấm nháy đỏ choét… cũng như việc “thoắt hô biến” đến xoàng một cái kiểu nhập đồng… cho nhân vật trên tranh.

Nhưng buồn cười nẫu ruột một cái là, trong khi tín ngưỡng hầu đồng “lên ngôi’, thì triển lãm cá nhân quan trọng của một họa sĩ trẻ tài năng có ảnh hưởng (chiết xuất, chuyển tải, truyền dẫn) những giá trị thú vị nhất của tín ngưỡng này vào được hội họa hiện đại thì lại bị Bảo tàng Mỹ thuật từ chối. Mà đáng ra triển lãm của Tú nên được bày ở đó mới tôn thêm cái hay. Mới đầu khi nghe thông tin này, tôi khẳng định thêm ý kiến (đã có từ khi tôi định thuê sân cỏ bảo tàng làm chỗ triển lãm dự án “Du cư” năm 2011, nhưng bị từ chối, mặc dù tôi đã phải mời cả cán bộ an ninh văn hóa đến thẩm định và ủng hộ) rằng phải xem lại trình độ của cái ông Bảo tàng này. Nhưng sau đó mới hay rằng tôi nhầm (giải thích sau)… Tôi gọi cái chuyện này là chuyện “lông mũi, lông nách” vì nhân vật trên tranh của họa sĩ Nhập Nhằng rất hay có lông mũi lông nách, hoặc lông một số chỗ khác mọc tỏa ra thành hoa văn; kỳ quặc là những cái thứ loăn xoăn tế nhị ấy, Tú lại thích làm cho nó đẹp.

Nào, bây giờ thì lóc thịt cá ngừ thôi…

Lượn lên lượn xuống hai phòng triển lãm, chụp lấy chụp để, trong bụng tôi phát sinh ý nghĩ tự thoại thu thú như này: Mịa, cái tay này vẽ tỉa mẩn kỳ khu thế này, chủ gallery nào muốn thuê thằng nào chép lại thì cũng đến nhục mặt. Hay nhất là chủ gallery nào đó khôn ra sẽ đề nghị thẳng họa sĩ: Cái này sút được nhiều, hay chú chép lại cho anh dăm phát. Họa sĩ từ chối: Dạ thưa anh, chép lại thì em cũng ngất, thôi thì để em vẽ hẳn cho anh năm cái mới cho nhanh…

1. Thủ pháp:

Xong, tôi nghĩ tiếp, có gì mà khó hiểu đâu nhỉ, (hay ám ảnh, mông lung, rờn rợn… chặc chặc). Cả triển lãm này trước hết đa số là tranh tự họa. Tất nhiên đó là tự họa mang tinh thần theo nghĩa rộng, không cứ phải vẽ đúng, giống cái mặt tác giả. Trước hết nói về thủ pháp, họa sĩ dùng một thủ pháp rất cũ kiểu như Nam Cao trong truyện ngắn “Cái mặt không chơi được”. Ấy là lấy chính thằng tôi ra xử lý, kẻo nếu lấy con lợn, cục đất làm nhân vật, khéo rồi cũng sẽ có thằng đến tự nhận là cục đất, là con lợn rồi hạch: Ai cho mày vẽ đểu tao? Đẩy cái mặt người đến cái xúi xẻo mê tín kiểu tương lên bia mộ và đám ma, nếu lấy mặt thằng khác, có lẽ nó đến nó đốt nhà mình như chơi… Nhưng cũng chớ nhầm rằng họa sĩ lấy cái mặt mình ra vẽ để làm đơn gia nhập “hội ái kỷ rất dài” mà Laurent Collin đã nhắc tới trước đây. Đây chỉ là việc thông minh khi động đến những chuyện khó nói, cứ lấy cái mình ra mà tự tay bóp… tự tay mổ xẻ, là an toàn nhất.

Phạm Tuấn Tú, “Từ bóng đêm”, 2012, acrylic trên toan, 120 x 65cm

Chuyện phải lóc thứ hai, là chuyện “giới tính”. Cứ thấy mặt không ra nam không ra nữ, nhưng diện hai mảnh hay váy đăng ten thì là “nhập nhằng giới tính”? Chẳng có chuyện gay, chuyện les gì ở đây hết, như đang là một cái mốt nhảm cục ta cục tác thời thượng đủ kiểu bây giờ. Nào là chụp bộ ảnh mấy ông gay tắm, làm phim, viết tiểu thuyết, trên truyền hình thì gameshow nhảm giả giai giả gái đua nhau lộn tùng phèo…

Theo tôi thấy, thì đa phần cảm xúc của họa sĩ là vẽ một con khỉ mặc đồ người một cách khá đáng thương (hay tự thương) thôi, dù có là diện nịt vú và xi-lip đỏ thêu ren đi chăng nữa. Nếu đem cái kính “lạc giới” này ra soi vào tranh Tú, thì chẳng khác gì hồi mấy cô giáo cấp ba phân tích thơ Thề non nước của Tản Đà chỉ nói chuyện giai gái, hoặc ngược lại, bảo bài Áo bông che bạn của Tú Xương là nhớ Phan Bội Châu, chết sặc mất. Điều đáng nói, việc vẽ giả trang nam nữ hay soi gương đứa ngoài gương là nam, đứa trong là nữ hoặc ngược lại, cũng là trò mượn, vui vui hơi “tháu cáy” một chút (Affita, tức là “đi thuê” như cái tên triển lãm), để họa sĩ nói một điều khác… (điều này là điều gì thì tôi sẽ giải thích sau). Chứ còn nếu xem tranh của các họa sĩ “gay”, cái chất gay toát mùi ra rất đặc biệt. Tranh Tú không có “mùi” này. Bạn Linh Cao khẳng định: “Rất dễ nhận ra sau lớp vỏ lưỡng tính là câu hỏi kép để tránh câu trả lời lưỡng cực , và ai cứ áp câu chuyện đồng tính vào đây là sai.” Nhưng bạn Linh Cao cũng không giải thích rõ “câu hỏi kép” và “câu trả lời lưỡng cực” là gì khiến tôi rất hoang mang.

Phạm Tuấn Tú, “Trên ngàn xanh”, 2011, acrylic trên toan, 150 x 90cm

Cái lớp phải lóc thứ ba, là những “hình ảnh kinh dị”, cái này thì họa sĩ “thuổng” rõ là ở các phim kinh dị Hollywood (có lẽ anh cũng thích đi xem phim kinh dị, cũng như hồi sinh viên thích nghe nhạc đưa đám như bạn anh kể), búp bê Anabelle, thánh giá, chữ thập, ma cây, cành khô trong đêm trăng máu… với mầu xám xám đen đen thi thoảng đỏ lòe trông ghê chết. Cái lớp này làm cho bạn Hiếu tốn bao nhiêu chữ để mô tả không khí. Nhưng tôi thì tôi lại cảm thấy hài hước mới kỳ… (chắc có lẽ tôi cũng hơi bất thường… như họa sĩ. Hồi sinh viên tôi nghe nhạc Khánh Ly gào vô cùng não nề, nhưng khi nghe tôi luôn có cảm giác vui. Nghe nhạc đám hiếu tò tí te kiểu miền Bắc tôi cũng cảm thấy vui như vậy). Chắc chắn là họa sĩ có cảm hứng về cái gì đó thê lương, rùng rợn. Nhưng cũng là để nói một điều khác…(bàn sau)

Phạm Tuấn Tú, “Trò đùa ngớ ngẩn”, 2014, acrylic trên toan, 110 x 80cm

2. Chuyên môn:

Nhìn qua nhìn lại, thì có thể phân tích vài điểm về “nghệ thuật học” trong loạt tranh này như sau: Tranh nổi bật lên tính đồ họa và tính trang trí mạnh. Có thể nói, đây là điều họa sĩ học từ chất liệu dân gian, như tranh Hàng Trống chẳng hạn, cố ý hoặc không cố ý. Đó không phải là việc lấy mấy loại hoa văn thời “phong kiến’ làm trang trí nền. Mà là cách tạo hình: một hình tượng chủ đạo có vờn khối ba chiều, còn lại không gian thì để trống hoặc trang trí dày đặc hai chiều lan tỏa kín mít. Tạo chiều sâu khung cảnh cũng không phải theo luật viễn cận hút mắt mà đa số theo chiều hướng dân gian nốt, tức là cái quan trọng thì to, cái ít quan trọng thì nhỏ.

Phạm Tuấn Tú, “Thỏa thuận”, 2011, acrylic trên toan, 90 x 150cm


Bố cục thì theo cách ta nói miệng thì vớ vẩn và lung tung. Nom giống như tiện thể (đây cũng là một điều có chủ ý), nào gương, nào tiền, nào tem, chứng minh thư, ảnh postcard, nào khung bia mộ hay ảnh thờ, mặt tiền trang web facebook, bản đồ tử vi – con giáp, hồ gươm, nhà thờ Lớn Hà Nội, nghê, rồng, ti vi bốn chân… Có vẻ như họa sĩ dị ứng với những khung hình ảnh quy định đó và họa sĩ đặt mình vào để phá tán, dẫm nát cái bố cục đó. Có sự sợ hãi ở đây không? Có, thì mới ám ảnh chứ, nhưng kèm theo là cả sự thích thú nữa. Kiểu như người ta ghét ngửi mùi chân thúi, nhưng cứ thích đưa lên ngửi vậy.

Phạm Tuấn Tú, “Sinh nhật của tình yêu”, 2012 – 2014, acrylic trên toan, 90 x 150cm

Bề mặt tranh acrylic của Tú khá mỏng. Có vẻ như họa sĩ chỉ dừng ở việc tạo một bề mặt hơi rung rinh và mỏng, ngoài ra không có ý làm cho no mầu, ngon mắt ở từng mảng chi tiết. Điều này có lẽ do thói quen ở người vẽ tranh giấy lâu năm và chứng tỏ họa sĩ mới chỉ muốn thể hiện ý đồ của mình trên tranh xong là xong. Chưa đặt chất lượng tự thân của chất mầu chín nhuyễn trong hội họa thuần túy lên làm việc quan trọng hàng đầu.

Ngoài ra còn có một nhược điểm nữa, có thể là do đào tạo, là việc tạo cấu trúc hình chưa phải là thế mạnh. Đó là nói cho nhã, chứ còn có thể nói hơi thẳng thừng ra là anh mới sắp có hình riêng của anh thôi. Họa sĩ đang cố dựng nên những hình ảnh giống như thực và co giãn trong một biên độ hẹp, chứ chưa muốn hướng tới việc khám phá và tái cấu trúc hình. Điểm yếu này được khỏa lấp bằng cách vờn khối tỷ mỉ, bằng tương phản đậm nhạt kỹ lưỡng, chặn hình (dầu sao thì việc này cũng chẳng quan trọng) bởi vì đặc điểm này cũng là đậm tư duy của lối hình tranh dân gian nốt.

Phạm Tuấn Tú, “Ở nơi đây”, chi tiết tranh, 2011, acrylic trên toan, 130 x 170cm

 

*

 

Ý kiến - Thảo luận

10:21 Wednesday,21.1.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
đặt cái tên chơi chữ nhau quá
...xem tiếp
10:21 Wednesday,21.1.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
đặt cái tên chơi chữ nhau quá 
9:59 Tuesday,20.1.2015 Đăng bởi:  Linh Cao
Ấy nhầm, 2013 chứ. Lần đầu tiên được làm công khai. Tên là " liên hoan văn hoá tín ngưỡng hầu đồng". Năm 2014 vừa làm ở Cung Việt Xô... Về ảnh hưởng của hầu đồng lên tranh Tú, thì có lẽ rõ nét hơn ở giai đoạn hắn vẽ bức Ô quan Chưởng. Từ phục trang đến nét mặt nhân vật đều khác. Giai đoạn tranh triển lãm, thực chất là tập hợp của 2 thời kỳ: đoạn ch
...xem tiếp
9:59 Tuesday,20.1.2015 Đăng bởi:  Linh Cao
Ấy nhầm, 2013 chứ. Lần đầu tiên được làm công khai. Tên là " liên hoan văn hoá tín ngưỡng hầu đồng". Năm 2014 vừa làm ở Cung Việt Xô... Về ảnh hưởng của hầu đồng lên tranh Tú, thì có lẽ rõ nét hơn ở giai đoạn hắn vẽ bức Ô quan Chưởng. Từ phục trang đến nét mặt nhân vật đều khác. Giai đoạn tranh triển lãm, thực chất là tập hợp của 2 thời kỳ: đoạn chỉ vẽ cái Tôi, và đoạn bắt đầu đẩy lên vẽ quần thể xã hội. Nhưng mà thôi, quyết không khai đồng chí trong...cuộn toan! Hic 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tâm vận động theo bút

Phan Cẩm Thượng

Thông báo số 1 và 9 cái băn khoăn

Thông tin từ Cục Mỹ thuật–Nhiếp ảnh–Triển lãm và NGUYỄN THỊ HOÀI BÃO

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả