Chính trị

Saudi và Yemen: một nhà giàu bị chặt tay còn hơn triệu ăn mày đổ ruột 03. 11. 18 - 12:24 pm

Sáng Ánh

Yemen là một trong những nước nghèo nhất thế giới (GDP bình quân hiện là 2300 USD, so với Việt Nam là 6800 USD). Đây là đất nước trấn lối ra của Hồng Hải, chen giữa Sừng Phi châu và khu vực Trung Đông.

.

Như trong mọi chuyện địa ốc, ba điều quan trọng nhất là 1: vị trí, 2: vị trí và 3: vị trí. Các vương triều địa phương, được xây dựng trên các đồi đá và thung lũng tại ngã ba của con đường gia vị sang Ấn Độ, con đường Phi châu, và phía Nam của con đường đến thánh địa Mecca.

Vị trí quá đẹp, đế quốc Ottoman khi bao trùm khu vực đã không thể bỏ qua. Đến thời kỳ thuộc địa Tây phương, người Anh chiếm cảng Aden tại Yemen, người Pháp chiếm cảng Djibuti ở phần Phi châu đối diện. Đế quốc Italy, dậy trễ và muộn màng, đành chiếm cảng Eritrea ở cạnh.

Phố cảng Aden ở miền Nam, 1960. Ảnh từ trang này

Rồi lục đục dài dòng diễn ra, đến năm 1968, Cộng hòa Ả Rạp Yemen (tức Bắc Yemen) ra đời. Trong khi đó, Nam Yemen vẫn còn thuộc Anh. Năm 1967, phong trào giải thực đuổi được đế quốc này, Cộng hòa Nhân dân Dân chủ (Nam) Yemen ra đời, về phe Liên Xô.

Quân đội Anh quốc dẹp loạn Yemen (Nam) 1967 trước khi phần này độc lập. Ảnh từ trang này 

Nam Bắc tiếp đó choảng nhau hai trận (1972 và 1978). Vương triều Saudi lúc đó ủng hộ miền Nam XHCN, chẳng qua vì kẻ thù của họ là miền Bắc! Khi khối Liên Xô tan rã, Yemen trở thành thống nhất vào năm 1990.

Về mặt dân tộc, tuyệt đại đa số 28 triệu dân Yemen là Ả rạp. Về tôn giáo, họ theo Hồi, tỷ lệ Sunni là 55%, và Shia là 45%. 45% tại Yemen này là nhánh Zaidi ly khai của người Hồi Shia, và yên thân mà trú trong những đồi đá miền Bắc, từng là thành phần chủ chốt của quốc gia trong suốt 10 thế kỷ. Mâu thuẫn ngày nay tại Yemen là giữa một bên là miền Bắc núi đồi kinh tế kém, từng nằm dưới sự cai quản của đế quốc Ottoman và theo đạo Hồi Shia; với một bên là miền Nam mặt biển trù phú hơn, từng nằm dưới sự cai quản của đế quốc Anh và theo đạo Hồi Sunni.

Hai miền Nam (xanh), Bắc (hồng) Yemen

Tại Yemen, một phong trào phiến loạn rất… loạn, có tên là Houthi, thuộc nhóm Hồi giáo Shia nhánh Zaidi. Người Houthi sau khi mất kiểm soát tại thủ đô Sanaa của vương triều Zaidi cũ, chỉ còn giữ được một tỉnh ở cực Bắc. Bất mãn dai dẳng, Houthi với chính quyền trung ương thì lúc đánh lúc đàm.

Năm 2011, mùa xuân Ả rạp đến Yemen, khiến tổng thống Saleh phải ra đi, và quốc tế (tức là Tây phương) ủng hộ phó tổng thống của Saleh là ông Hadi. Ông Hadi được bầu lên 2012 trong một màn độc diễn với 100% số phiếu, phá tan tành kỷ lục vẻ vang hồi (1999) của Saleh là 96,2% được người dân yêu. Chính quyền Hadi là chính quyền được Liên hiệp quốc công nhận, hẳn là vì không thiếu 1% phiếu nào.

Một thiếu niên ngồi bên các poster in ảnh tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh trước một cuộc tuần hành ủng hộ Saleh hôm 12. 4. 2011. Ảnh từ trang này 

Nhưng Saleh, từng cầm quyền 33 năm liên tục từ khi còn là một sĩ quan trẻ, đâu có ra đi dễ thế. Ông móc nối với phong trào Houthi dấy loạn. Từ một phong trào địa phương, quân Houthi liên minh với các lực lượng trung thành với tướng Saleh, vũ bão chiếm thủ đô Sanaa rồi cảng Aden năm 2015. Tổng thống 100% Hadi lên thuyền máy chạy thoát kịp sang Saudi, trong khi quân chính quyền của ông ở đây đó vẫn chống cự.

Quân Houthi tại thủ đô Sanaa, 2017. Ảnh từ trang này 

Đệ nhị thái tử của nhà Saud, một cậu Mohammad bin Salman (MbS), 29 tuổi và đồng thời là tân bộ trưởng quốc phòng, bèn ra lệnh cho quận đội nước nhà can thiệp. Trước ông MbS, Napoleon Bonaparte đã chẳng lên tướng cầm quân đánh Ý-Áo vào năm 27 tuổi đó sao?

Thái tử bèn họp một liên minh các nước bạn (UAE, Bahrain, Maroc, Sudan, Senegal, Qatar, Jordan, Ai Cập) gửi bộ binh hoặc phi pháo hải pháo, với yểm trợ kỹ thuật của Hoa Kỳ, Anh và Pháp.

Tại Yemen lại có sẵn mấy ngàn tay súng Al Qaeda, cũng đánh Houthi (trong khi họ thì lại bị Hoa Kỳ đánh). Tình hình phức tạp này khiến Quốc gia Hồi giáo (IS) cũng lăn vào, đánh Houthi và… đánh cả Al Qaeda.

Trong khi đó, các phe ủng hộ Houthi cũng thỉnh thoảng đánh nhau, khiến khối thống nhất và khối đại đoàn kết dân tộc này mới 3 năm trước (còn 100% bỏ phiếu cho Hadi) nay biến đi đâu mất. Cao điểm năm 2017, chính tướng Saleh quay lưng với đồng minh Houthi và toan cầu hòa với Saudi thì bị Houthi giết và da ngựa bọc thây một đời tướng lãnh.

Bức tranh (vân cẩu) tóm tắt là, tại Yemen, phe Saleh theo Houthi đánh phe Hadi được liên minh Saudi đỡ đầu. Trong liên minh này trước có cả Qatar. Saudi giờ đòi đánh Qatar khiến Qatar bỏ về nhà. Al Qaeda theo liên minh đánh Houthi nhưng Mỹ trong liên minh lại đánh Al Qaeda. IS gặp ai cũng đánh và ai cũng đánh họ. Saleh đổi ý, theo Saudi và Houthi đánh luôn Saleh. Academi, là tổ chức đánh thuê của Mỹ (trước mang tên Blackwater rồi Xe Services) có 1800 quân đánh thuê tại Yemen được Saudi trả tiền, chỉ ai thì đánh người đó. Iran, chưa có quân, thì đứng xem và cười.

Trong 2 năm đầu (đên 2017), ngoài cựu tổng thống Saleh mới kể, con số thiệt mạng vì chiến cuộc lên đến 10.000 (chưa được cập nhật năm 2018), số thường dân thương vong vì chiến cuộc ước tính 50.000. Không lực Saudi, được Hoa Kỳ cố vấn và hướng dẫn, đánh bom đám ma, đám cưới, họp chợ và học sinh dã ngoại nhưng không làm chủ được Yemen. Liên minh Saudi bèn chuyển sang phong tỏa và vây hãm, khiến Liên hiệp quốc báo động đây là khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất từ 100 năm nay, đe dọa 14 triệu người đói kém, bệnh tật và dịch tả, tính mạng của 5 triệu trẻ em, nếu quốc tế không có biện pháp.

Theo UNICEF, 1,8 triệu trẻ em thiếu ăn, trong số đó 400.000 em ở mức trầm trọng có thể thiệt mạng. Ảnh từ trang này 

Dư luận Saudi, sau ngày đầu phấn khởi (“Liên minh đã hoàn toàn làm chủ không phận Yemen”), bắt đầu chỉ trích khi mãi không thấy làm chủ trên bộ. 1000 quân Saudi hy sinh, thỉnh thoảng lại có tên lửa Houthi bắn sang tận nước này. Chính quyền Saudi đổ cho là bởi Houthi “đồng đạo” được Iran trợ giúp. Nhưng đến nay, trái với tại Syria, Lebanon hay Iraq, chưa có bằng chứng gì là có trợ giúp của Iran.

Tóm lại, hung hãn của thái tử MbS đến giờ là một thất bại, 160.000 quân liên minh (150.000 là Saudi với võ trang xịn nhất thế giới, tiền không phải là vấn đề) vẫn không đưa được cô dâu Hadi về nhà mình, đuổi không xong ba thằng Houthi khốn khó đi dép đứt quai.

Thái tử Muhammad bin Salman (MbS) và tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres dự lễ ký kết chương trình hợp tác giữa Saudi và Liên hiệp quốc, giúp đỡ và tài trợ nhân đạo cho Yemen năm 2018. Saudi cấp 1 tỉ đô-la cho chương trình này. Ảnh từ trang này 

Trong khi dư luận Saudi bắt đầu chán cuộc chiến này thì dư luận thế giới bắt đầu để ý đến. Ông thái tử này, vây hãm cả một nước khiến bao nhiêu trẻ em chết bệnh chết đói thì không ai nhắc nhở, lỡ tay giết một nhà báo (Jamal Khashoggi) thì rùm beng ngoài chợ. Trớ trêu là, chuyện ám sát trên lại giúp soi ánh sáng đến cuộc chiến tối tăm này.

*

SOI: Để đọc các bài về thế giới Hồi giáo của Sáng Ánh, các bạn vào phần tìm kiếm/nội dung, gõ chữ “Hồi giáo” là sẽ ra rất nhiều bài nhé.

Ý kiến - Thảo luận

3:14 Tuesday,6.11.2018 Đăng bởi:  SA
@ yuukanda0705

Cám ơn câu hỏi của bạn. Mình dùng đây là đồng USD Geary-Khamis, hay "International Dollar", tức là đơn vị ảo cho biết mức sống ở mỗi nước, Power Purchasing Parity (PPP), mãi lực tương đương.

Thí dụ 1 USD ở Mỹ mua được 1 ly cafe, ở VN mua được 2 ly và ở Na Uy thì chỉ có 2/3 ly. Như vậy 2.300 USD nominal (theo hối đoái) ở VN có mãi lực tương đương với 6.800
...xem tiếp
3:14 Tuesday,6.11.2018 Đăng bởi:  SA
@ yuukanda0705

Cám ơn câu hỏi của bạn. Mình dùng đây là đồng USD Geary-Khamis, hay "International Dollar", tức là đơn vị ảo cho biết mức sống ở mỗi nước, Power Purchasing Parity (PPP), mãi lực tương đương.

Thí dụ 1 USD ở Mỹ mua được 1 ly cafe, ở VN mua được 2 ly và ở Na Uy thì chỉ có 2/3 ly. Như vậy 2.300 USD nominal (theo hối đoái) ở VN có mãi lực tương đương với 6.800 USD ở Mỹ.

Ngược lại, Thụy sĩ GDP bình quân là 80.637 USD nominal nhưng đời sống đắt đỏ hơn ở Mỹ nên mãi lực tại đó chỉ là 61.360 USD PPP thôi. Đo lường này lấy Mỹ là đơn vị chuẩn để so sánh, tại Hoa Kỳ thì 1 USD PPP=1 USD nominal.

Dùng đơn vị PPP này còn cho phép thấy phát triển (hay suy thoái) thật trong mỗi quốc gia, 10 năm trước tôi mua được 1 ly cafe và giờ mua được 2 theo PPP.

Còn nếu dùng nominal thì tùy thuộc vào đồng USD lên xuống.Bạn hoàn toàn chính xác, mình thiếu chính xác, khi trích đúng ra phải đề "6.800 USD (PPP)" hay "6.800 Int'l Dollar". 
11:21 Monday,5.11.2018 Đăng bởi:  yuukanda0705
Bác Ánh Sáng ơi, cháu có điều này thắc mắc ạ.
Ở tựa đề bác có viết GDP bình quân của Yemen là 2300 USD, Việt Nam là 6800 USD đúng không ạ ?
Cháu nghĩ là có nhầm lẫn gì đó, cháu thử hỏi anh Google thì ra GDP của Yemen khoảng 680, của Việt Nam là 2300 mới đúng chứ nhỉ ?
Chứ GDP xứ Đông Lào mà được tận 6800 USD thì đúng là trăng nước ta tròn hơn trăng nước Mỹ th
...xem tiếp
11:21 Monday,5.11.2018 Đăng bởi:  yuukanda0705
Bác Ánh Sáng ơi, cháu có điều này thắc mắc ạ.
Ở tựa đề bác có viết GDP bình quân của Yemen là 2300 USD, Việt Nam là 6800 USD đúng không ạ ?
Cháu nghĩ là có nhầm lẫn gì đó, cháu thử hỏi anh Google thì ra GDP của Yemen khoảng 680, của Việt Nam là 2300 mới đúng chứ nhỉ ?
Chứ GDP xứ Đông Lào mà được tận 6800 USD thì đúng là trăng nước ta tròn hơn trăng nước Mỹ thật :p
 Còn nội dung bài viết rất hay, và cháu cũng rất thích các bài viết khác của bác, nhất là về chủ đề du học ạ.
Chúc bác luôn khỏe, và ra bài đăng Soi đều đều ạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ăn kem – xem show

Mr Thứ Hai – Chu Minh Vũ | Việt Nam Ngày Mới

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả