|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhThiên văn học trong các bức vẽ trời sao của Vincent van Gogh 02. 04. 19 - 9:24 amNhữ-Tarnawska Hoa Kim NgânBầu trời đêm và những hiệu ứng ánh sáng vào ban đêm đã là chủ đề cho một số bức tranh nổi tiếng của Van Gogh. Hãy bàn về khía cạnh thiên văn của bầu trời đêm trong tranh của ông. Tháng 9 năm 1888 Van Gogh đã vẽ hai bức tranh có cảnh đêm đầy sao, bức tranh đầu tiên là Quán cà phê đêm ở Arles (Cafe Terrace at Night, hiện trưng bày tại bảo tàng Kröller-Müller ở Otterlo, Hà Lan) và sau đó là bức tranh Đêm đầy sao trên sông Rhone (Starry Night Over Rhone, hiện trưng bày ở bảo tàng Orsay tại Paris, Pháp). Tháng 6 năm 1889, ông vẽ bức tranh Đêm đầy sao (The Starry Night, hiện trưng bày tại bảo tàng Nghệ thuật đương đại, New York, Mỹ). Bức tranh thứ nhất mà ông lấy bầu trời sao làm nền là tranh Quán cà phê đêm ở thị trấn Arles (miền nam nước Pháp) miêu tả sảnh ngoài trời của quán cà phê nổi tiếng tại quảng trường Forum (Place du Forum) vào ban đêm. Ông đứng ở góc đông bắc của quảng trường, quan sát và miêu tả sảnh của quán ở phía nam. Mặc dù miêu tả cảnh ban đêm, nhưng đây là một bức tranh ban đêm mà không có màu đen, chỉ có màu xanh lam và tím tuyệt đẹp. Ánh sáng chiếu sáng khu vực xung quanh có màu lưu huỳnh màu vàng nhạt và màu xanh lá cây. Bức tranh thứ hai vẽ bầu trời đêm đầy sao trên sông Rhone và cảnh thị trấn Arles vào ban đêm với đèn khí và hình ảnh phản chiếu của nó từ dòng sông Rhone. Nó được vẽ tại một địa điểm bên bờ sông Rhone, chỉ cách một hoặc hai phút đi bộ từ nhà vàng (Yellow House) ở quảng trường Lamartine (Place Lamartine) nơi mà Van Gogh thuê vào thời điểm đó. Trong bức tranh thứ hai, bầu trời đêm được mô tả rõ ràng, sống động với những ngôi sao sáng trên nền bầu trời màu xanh thẫm, đặc biệt là những ngôi sao trong chòm sao Đại Hùng (Big Dipper) quen thuộc. Theo một đường nối giữa hai ngôi sao ở bên phải, có thể dễ dàng tìm thấy Sao Bắc Đẩu. Ước tính về độ cao của các ngôi sao thực sự cho biết thông tin về vĩ độ nơi bức tranh được vẽ ra. Van Gogh có ý thức rõ ràng khi vẽ chòm sao Đại Hùng (hay còn gọi là Gấu Lớn, The Big Bear (Ursa Major)), như trong bức thư ngày 28 tháng 9 năm 1888 gửi em trai, ông viết: “Bầu trời xanh thẫm, nước sông màu xanh lục, mặt đất màu tím hoa cà. Thị trấn (Asles) có màu xanh và tím. Đèn khí màu vàng và các hình ảnh phản chiếu là vàng nâu đỏ giảm dần sang màu xanh lá cây. Trên bầu trời, Con Gấu Lớn có màu xanh lục và hồng lấp lánh, nhạt nhòa một chút khi tương phản với màu vàng của khí (đèn ga). Có hình bóng đầy màu sắc của hai người yêu nhau ở phía trước”. Ông thể hiện bầu trời đêm một cách thực tế, chứ không chỉ là sự trừu tượng nghệ thuật, cho nên tranh ông cũng trở thành chủ đề nghiên cứu của khá nhiều nhà thiên văn. Ngoài những bài viết bình luận của các nhà phê bình nghệ thuật, có rất nhiều bài báo của nhiều nhóm khoa học phân tích tỉ mỉ bức tranh này về khía cạnh thiên văn. Họ còn thiết lập cả các chương trình máy tính thiên văn để mô phỏng lại vị trí các ngôi sao và hành tinh trên bầu trời miền nam nước Pháp vào thời gian Van Gogh vẽ bức tranh đó. Van Gogh đã vẽ tất cả bảy ngôi sao sáng nhất (nhóm sao Bắc Đẩu) trong chòm sao Đại Hùng. Các nhà thiên văn đã so sánh nó với hình ảnh từ mô phỏng máy tính bầu trời khoảng 10 giờ 30 tối ngày 25 tháng 9 năm 1888, thời điểm mà Van Gogh đã vẽ bức tranh. Để hiểu rõ ràng hơn sự phân tích về thiên văn của bức tranh, hãy nhìn vào vị trí nhóm sao Bắc Đẩu được vẽ riêng biệt. Trước hết, độ cao của chòm sao trên bầu trời (so với đường chân trời) là phù hợp với vĩ độ của thị trấn Arles (43,66° N). Van Gogh đã đánh giá chính xác khoảng cách góc liên quan. Đường Alkaid-Megrez trong bức tranh của Van Gogh gần như nằm ngang. Để tiện so sánh, chòm sao Đại Hùng trong hình vẽ cũng được xoay sao cho cánh tay đòn của chòm sao hay đường nối Alkaid-Megrez (vạch màu đỏ) cũng gần như nằm ngang. Hai sao Dubhe và Merak được gọi là sao Chỉ (Pointers), vì nối 2 ngôi sao đó và kéo dài hướng lên trên sẽ tìm được vị trí của sao Bắc Cực (Polaris). Vị trí của một số ngôi sao trong tranh Van Gogh bị điều chỉnh. Hướng Dubhe-Merak trong tranh thì bị lệch sang phải quá nhiều (khi chỉ xuống phía dưới), cho nên góc Alkaid-Dubhe-Merak không phù hợp (lớn hơn góc trong thực tế). Alioth thì quá gần với Megrez, cũng dẫn đến việc không phù hợp với hướng Mizar-Megrez. Phecda khá lạc lõng, nên mảng các ngôi sao tạo hình cái đấu/gàu sòng trong bức tranh lại là một hình thang rõ ràng, mà lẽ ra phải gần như hình chữ nhật. Một giải thích hợp lý dựa trên cơ sở sự dịch chuyển vị trí của các ngôi sao trong khoảng cách thời gian mà Van Gogh vẽ bức tranh. Ông không vẽ bức tranh chỉ trong vài phút mà trong vài giờ, nên vị trí ngôi sao trên bầu trời cũng bị thay đổi. Rất có thể là Merak được vẽ trên tấm toan muộn hơn khoảng 40 phút so với những sao khác (nên bị lệch sang phải). Rồi sau đó là Phecda, khi đó có thể vị trí của nó được đặt theo vị trí của Dubhe và Merak vào thời gian đó, bởi vì góc Dubhe-Merak-Phecda thì khá phù hợp, dù rằng Phecda quá gần Merak. Về độ sáng, Alioth là ngôi sao sáng nhất trong tự nhiên, nhưng họa sĩ lại cho ngôi sao sáng hơn là Megrez (mà thực sự thì nó là mờ nhất) và Mizar. Mizar thậm chí được vẽ như một cái đĩa khá lớn. Dubhe cũng được vẽ sáng hơn. Tất cả sao đều có quầng cùng một màu xanh lá cây. Xung quanh Đại Hùng còn có một số lượng lớn các ngôi sao khác. Một số trong đó rõ ràng thuộc về Gấu Lớn và các chòm sao xung quanh, trong khi một số khác có lẽ do trí tưởng tượng của Van Gogh. Dù là có sai lệch về vị trí, nhưng điều hết sức quan trọng là bức tranh Đêm đầy sao trên sông Rhone mô tả bầu trời đêm một cách hết sức thực tế vào thời điểm đó. Đặc biệt là nó đã cho bằng chứng xác thực rằng họa sĩ thực sự đứng ngoài trời dưới những vì sao để vẽ nó. Điều ngạc nhiên khá thú vị mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng là Van Gogh đối mặt như thế nào và giải quyết ra sao để thể hiện những gì ông quan sát được lên toan, trong màn đêm? Bức tranh thứ ba miêu tả cảnh đêm đầy sao, là khung cảnh bên ngoài cửa sổ phòng bệnh của ông. Khi đó ông ở nhà thương điên ở Saint-Rémy-de-Provence, cách Arles khoảng 20km về phía đông bắc. Đây là một trong những bức tranh rất ấn tượng và nổi tiếng nhất của ông. Khác với bức tranh Đêm đầy sao trên sông Rhone, bức tranh Đêm đầy sao được vẽ vào ban ngày qua trí nhớ và mang nhiều chi tiết nghệ thuật có vẻ phi thực tế dưới góc độ thiên văn. Phần chính giữa cho thấy ngôi làng Saint-Rémy, từ góc nhìn từ nhà thương điên hướng về phía bắc. Dãy Alpilles như những con sóng nhấp nhô ở bên phải phù hợp với góc nhìn này. Nhưng những ngọn đồi ở giữa là được thêm vào, có vẻ như nó được lấy từ một phần khác của cảnh vật xung quanh nhìn từ phía nam của nhà thương điên. Đặc biệt cây bách ở bên trái như tháp chĩa thẳng lên trời đã được thêm vào bố cục của bức tranh. Sao Kim là ngôi sao sáng nhất trong bức tranh và ở bên phải của cây bách. Trong một bức thư viết cho em trai gửi vào đầu tháng 6 năm 1889, ông đã mô tả: “Sáng nay anh nhìn ngắm vùng quê từ cửa sổ của mình một lúc lâu trước khi mặt trời mọc. Không có gì ngoài sao Kim, ngôi sao buổi sáng, trông rất lớn”. Theo tính toán mô phỏng từ chương trình máy tính, các nhà thiên văn xác định được rằng cảnh tượng này là vào khoảng 4 giờ sáng ngày 19 tháng Sáu năm 1889, khi đó sao Kim xuất hiện trên bầu trời phía đông trước khi Mặt Trời mọc. Thời điểm sáng sớm này cũng thích hợp khi nhìn vào mặt trăng trong bức tranh. Phía bên trái của Mặt Trăng được chiếu sáng và nó ở gần đường chân trời. Chứng tỏ là Van Gogh đang nhìn về phía đông, vì phần được chiếu sáng của Mặt Trăng lưỡi liềm luôn luôn hướng về phía Mặt Trời, nên trong trường hợp này đó là khi Mặt Trời mọc (ở phía đông). Nhưng miêu tả Mặt Trăng của Van Gogh không đúng về mặt thiên văn. Thời điểm đó là thời gian trăng khuyết cuối tháng (giai đoạn sau trăng tròn và bán nguyệt cuối tháng), nhưng Van Gogh đã vẽ nó như một Mặt trăng lưỡi liềm cuối tháng (gia đoạn sau bán nguyệt cuối tháng) với quầng sáng. Có lẽ đây là một sự phóng tác tự do về nghệ thuật của ông. Các ngôi sao trong chòm sao khác, như Thiên Hậu (Cassiopeia) và Thiên mã (Pegasus), cũng được miêu tả trong tranh. Các hình dạng xoắn trên bầu trời có vẻ như không liên quan gì đến dải Ngân hà hay tinh vân xoắn ốc nào. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng hình dạng xoắn ốc mang nét tương đồng với Thiên hà Xoáy nước (Whirlpool Galaxy), do William Parsons-nhà thiên văn Anh phát hiện và vẽ phác thảo năm 1845. Thiên hà này ở cách ta khoảng 23 triệu năm ánh sáng và là thiên hà đầu tiên được phân loại là Thiên hà xoắn ốc. Hình vẽ Thiên hà này đã được biết đến rộng rãi sau khi nó được đưa vào cuốn sách tiếng Pháp phổ biến về thiên văn học của Camille Flammarion (xuất bản năm 1869 tại Paris, có tên Kỳ quan trên bầu trời (Les Merveilles Célestes). Rất có thể Van Gogh đã nhìn thấy hình vẽ này khi ông còn ở Paris trước khi đến Arles và đã đưa vào bức tranh nghệ thuật nổi tiếng nhất về bầu trời đêm của mình. Điểm khác biệt nữa với Đêm đầy sao trên sông Rhone (là bức dựa trên những quan sát trực tiếp) là Đêm đầy sao kết hợp cả với trí tưởng tượng, ký ức và cảm xúc của ông. Chỉ có ngôi làng là được miêu tả với các yếu tố kiến trúc khá thực tế của nó. Nhưng chẳng hạn, gác chuông của nhà thờ trong tranh giống như những nhà thờ ở Hà Lan, quê hương ông, chứ không phải nhà thờ ở Pháp. Điều đặc biệt nhất của bức tranh là hình thức biểu cảm dữ dội thể hiện qua bầu trời cuộn xoáy, nhưng mang lại sự ngây ngất tuyệt vời về thị giác. Nó cũng làm người xem có ấn tượng rằng họa sĩ đã bày tỏ cuộc xung đột nội tâm của mình lên bức tranh. Một câu hỏi nữa là tại sao Van Gogh vẽ đúng 11 ngôi sao? Một lý giải được đưa ra là Van Gogh có thể đã có liên tưởng trực tiếp đến Sáng thế ký 37:9 (Genesis 37:9), chương đầu tiên của Kinh thánh nói về giấc mơ của Joseph. Joseph được coi là kẻ mơ mộng và bị 11 người anh ruột ruồng bỏ (Joseph là em út)). Joseph mơ thấy một giấc mơ và kể lại cho các anh của mình “Em đã mơ một giấc mơ khác. Kìa, Mặt Trời, Mặt Trăng và mười một ngôi sao đang cúi chào em”. Nhưng phải chăng nó cũng là cách mà Van Gogh muốn thể hiện nội tâm của mình, như ông bày tỏ: “Tôi không biết bất cứ điều gì một cách chắc chắn, nhưng nhìn thấy những ngôi sao khiến tôi mơ ước”. Ý kiến - Thảo luận
8:27
Sunday,12.5.2019
Đăng bởi:
Sofia Phan
8:27
Sunday,12.5.2019
Đăng bởi:
Sofia Phan
Hay quá! Em cám ơn.
12:46
Thursday,4.4.2019
Đăng bởi:
Kim Ngan
"Sao Mai" và "sao Hôm" là vì khi ngày xưa các cụ tưởng là hai ngôi sao khác nhau. Tác giả dùng "sao Kim" (Venus) - hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, chính xác hơn theo hiểu biết hiện tại.
...xem tiếp
12:46
Thursday,4.4.2019
Đăng bởi:
Kim Ngan
"Sao Mai" và "sao Hôm" là vì khi ngày xưa các cụ tưởng là hai ngôi sao khác nhau. Tác giả dùng "sao Kim" (Venus) - hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, chính xác hơn theo hiểu biết hiện tại.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp