Thiết kế

TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 6): Endymion và Luna – đồ Hoàng gia xịn vẫn nhập nhằng quan hệ 11. 04. 21 - 4:41 pm

Willow Wằn Wại

Tiếp theo bài trước)

Endymion xuất hiện trong thần thoại Hi Lạp nhưng vai trò khá là phụ, vì phụ quá nên mỗi bản lại kể một cách khác nhau. Nhưng bản lãng mạn nhất nên hay được truyền tụng nhất là bản của nhà thơ Apollonius. Trong đó, Endymion là một chàng chăn cừu đẹp trai. Vì đẹp quá nên nữ thần mặt trăng Selene khi đánh cỗ xe mặt trăng qua bầu trời đã mê mẩn ngay. Nàng chạy về xin thần Zeus cho mình có được trai đẹp mãi mãi, và thế là Endymion chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng và chỉ thuộc về mình Selene.

Bức tranh Endymion và Selene của Albert Aublet. Endymion vẫn còn cầm cây gậy chăn cừu còn Selene có hẳn một cái “vương miện” mặt trăng trên đầu, nhìn là biết ngay là ai không cần giới thiệu.

Nhà Penhaligon’s của Anh đã tung ra chai nước hoa mang tên Endymion eau de cologne vào năm 2003, và ngạc nhiên thay, lại không dùng ý tưởng phổ biến nhất vừa kể ở trên. Nước hoa Endymion được dựa theo phiên bản thần thoại mà Endymion là con trai của Zeus. Nhãn chai vì thế được thiết kế thanh lịch với vương miện và áo choàng, tựa như đang gọi Endymion là hoàng tử. Endymion có tổ hợp mùi hương của oải hương, cam chanh và cà phê, với lớp nền gia vị Á Đông.

Hình trên website của hãng. Endymion có chiếc nơ đặc trưng của nhà Penhaligon’s.

Penhaligon’s là một nhà nước hoa đến từ Anh quốc và đã có lịch sử hơn hơn 150 năm. Nhưng không chỉ là một nhà nước hoa bình thường: rất nhiều nhà nước hoa tự nhận mình là đẳng cấp Hoàng gia trong quảng cáo để thu hút người tiêu dùng, còn Penhaligon’s thì là đẳng cấp Hoàng gia hàng xịn.

Bắt đầu là một cửa hiệu cắt tóc cạo râu cho quý ông, William Henry Penhaligon sau đó lấn sân sang thế giới mùi hương, tạo ra Hammam Bouquet, lấy cảm hứng từ những bồn tắm tỏa hơi nước và sực nức mùi thơm của người Thổ Nhĩ Kỳ. Cửa hàng nhanh chóng được nhiều người biết tới. Người con trai Walter kế nghiệp WIlliam và tiếp tục pha chế thêm nhiều hương thơm khác, trong đó đỉnh điểm là mùi hương Blenheim Bouquet được tạo ra năm 1902, dành riêng cho công tước Malborough đời thứ 9, ngài Charles Richard John Spencer-Churchill. Dòng họ này thì đình đám không cần phải nói rồi, công tước Malborough đời thứ 9 còn vừa là họ hàng vừa là người bạn thân của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill (tên đầy đủ là Ngài Winston Leonard Spencer Churchill).

Ảnh chụp một cửa hiệu Penhaligon’s khi xưa, vẫn còn là saloon cắt tóc.

Từ bước tiến này, thương hiệu Penhaligon’s đã luôn gắn liền với Hoàng gia Anh. Năm 1903, Vương hậu Alexandra đã cấp Royal Warrant (tạm dịch là Chứng quyền Hoàng gia) cho Penhaligon’s. Chứng quyền Hoàng cia thể hiện việc một nhà cung cấp đủ chất lượng để cung cấp sản phẩm cho Hoàng gia sử dụng, ngoài ra còn có sự bảo trợ của Hoàng gia, và nhà cung cấp này được phép trưng bày huy hiệu Hoàng gia tại cửa hàng của mình.

Penhaligon’s đã nhận không chỉ một mà tận ba Chứng quyền Hoàng gia. Chứng quyền Hoàng gia thứ hai được trao vào năm 1956 bởi Công tước xứ Edinburgh, hay ở Việt Nam còn biết đến nhiều hơn dưới tên gọi Hoàng thân Philip, chồng của nữ vương Elizabeth II. Vào năm 1988, Thân vương xứ Wales, hay ở Việt Nam còn gọi là Thái tử Charles, lại trao thêm một Chứng quyền nữa cho Penhaligon’s.

Trên website của hãng hiện giờ cũng có huy hiệu Hoàng gia của Công tước xứ Edinburgh và Thân vương xứ Wales.

Năm 2016, Penhaligon’s ra mắt một phiên bản Endymion khác, bản concentré. Trong phiên bản mới này, Endymion như hoàn toàn lột xác, oải hương, chanh mát nổi bật hơn hẳn, những loại gia vị khác đều đã được lược bỏ hoặc gia giảm.

Hình trên website của hãng. Chai Endymion bản concentré được bao phủ hoàn toàn bởi màu xanh đen.

Tuy nói rằng hình mẫu là nhân vật Endymion con của Zeus, vậy mà chả hiểu sao cả hai phiên bản trên, trên đỉnh logo chai vẫn là một hình mặt trăng lưỡi liềm, vốn là biểu tượng của nữ thần mặt trăng Selene hoặc Artemis, trong khi hai phiên bản chẳng hề có liên quan gì đến nhau.

Chẳng biết bộ phận ý tưởng của Penhaligon’s có bị ảnh hưởng từ truyện tranh Thủy Thủ Mặt Trăng – Sailor Moon không. Trong truyện tranh, Endymion là hoàng tử trái đất và có người yêu là công chúa Serenity (cảm hứng từ tên Selene).

Tạo hình hoàng tử Endymion cùng công chúa Serenity trong phim hoạt hình Sailor Moon. Sailor Moon là một trong những bộ truyện tranh đầu tiên dành cho thiếu nữ mà các nhân vật nam thường khá… vô dụng. Tiêu biểu như hoàng tử Endymion, nhìn thật ngầu mà từ đầu đến cuối truyện hết bị tẩy não lại bị bắt cóc, toàn là người yêu và hội chị em phải đi cứu.

Cùng năm 2016, nhà nước hoa Penhaligon’s cho ra mắt thêm mùi hương Luna. Luna mở đầu với hương cam chanh tươi mát, chút vỏ cam đắng nhẹ cay cay, kế đến là hương hoa hồng chủ đạo ngọt ngào. Mùi hương nữ tính, trẻ trung và thanh mát. Từ lúc ra mắt đến giờ, Luna luôn là một trong những mùi bán chạy nhất của nhà Penhaligon’s.

Luna lại chính là tên bản La Mã của Selene. Và hãng cũng khẳng định rằng Luna lấy cảm hứng từ việc nữ thần Mặt Trăng… đi tắm. Luna có màu nước tím nhạt rất dễ thương, concept chai lẫn hộp đều gợi nhắc đến cẩm thạch, ngọc trai – những loại đá thường được gán với mặt trăng.

Chai Luna với màu tím ngọc trai đáng yêu, thêm chiếc nơ trắng muốt mong manh. Chai này với người viết có một kỉ niệm rất đáng quên. Đó là người viết đã vào cửa hàng của Penhaligon’s ở Singapore, dù đã nói với nhân viên rằng muốn được tự mình trải nghiệm và không có nhu cầu giao tiếp nhưng nhân viên vẫn nhìn chằm chằm, hỏi chuyện rất nhiều và có nhiều câu cắc cớ và vô duyên như là: “Chị có biết dùng nước hoa không?”.

Vậy là chai nước hoa lấy cảm hứng từ nữ thần mặt trăng thì có liên quan đến trăng rất rõ ràng rồi. Còn chai nước hoa lấy cảm hứng từ con trai của Zeus, vốn không liên quan trăng sao lắm, thì lại có mặt trăng. Một sự nhập nhằng trong khi làm concept. Nhưng có hề gì đâu, nếu Guerlain còn đem cái tên không có thật lên website hãng thì chút nhập nhằng này cũng chẳng thấm tháp gì.

 

*

Về nước hoa:

- Nước hoa: thứ thời trang vô hình nhưng cho nỗi đau ví rất thực

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 1): Do Son và Tam Dao

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 2): Baccarat Rouge 540 của nhà Maison Francis Kurkdjian

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 3): Byredo Rose of No Man’s Land

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 4): “cú lừa” Guerlain Mitsouko

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 5): Miss Dior và New Look 1947 – Ai là Miss Dior?

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 6): Endymion và Luna – đồ Hoàng gia xịn vẫn nhập nhằng quan hệ

- Nước hoa: vũ khí vô hình của (anh) chị em

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả