Thiết kế

Opera Salome của Strauss: “kinh khủng, nổi loạn, ghê tởm”, nhưng…03. 12. 23 - 6:01 pm

Willow Wằn Wại

Oscar Wilde chắc cũng không ngờ nửa thế ký sau ngày mất của ông, Salome do ông sáng tạo ra trong vở kịch cùng tên đã thành một trong những hình tượng nổi tiếng nhất thế giới, thậm chí đa số còn nhầm tưởng những chi tiết hư cấu trong kịch là nội dung Kinh Thánh. Soi đã có bài riêng về vở kịch này do tác giả Anh Nguyễn viết , và chi tiết “giải oan” cho Salome Kinh Thánh do tôi viết.

Mà cái vở kịch này thì cũng lắm gian nan và đủ thứ scandal. Khi xuất bản thì gây sốc bởi nội dung, bị các nhà phê bình chê bai tơi bời, thêm ông họa sĩ minh họa Aubrey Beardsley bồi thêm một cú nữa bằng những bức tranh gợi dục gai mắt. Oscar Wilde qua đời khi Salome vẫn còn bị cấm diễn ở Anh. Lý do chính được đưa ra là vì Salome có bao gồm các nhân vật xuất hiện trong kinh Thánh, mà lúc đó đem các vị ấy ra để giải trí là không được.

Minh họa của Aubrey Beardsley

Nếu Oscar Wilde sống thêm 5 năm nữa cho đến khi vở opera Salome ra đời thì chắc ông cũng tức lắm vì một phần quan trọng ông cố tình cài cắm trong Salome lại đươc Richard Strauss vô tình hay cố ý lược bỏ đi: tình yêu đồng tính. Thế là giờ nhắc đến Salome ai ai cũng nhớ đến những hình ảnh điên cuồng và điệu múa Bảy Tấm Mạng chứ phần đồng tính (vốn được nhấn mạnh ở kịch gốc) thì bị lu mờ.

Thí dụ, trong hình ảnh cuốn kịch được in vào năm 1894, là bản đã được/bị kiểm duyệt và sửa lại, ở hình vẽ gốc, nhân vật ác quỷ ở trang bìa có bộ phận sinh dục nam và bộ ngực phụ nữ, tượng trưng cho đồng tính, cũng là chủ đề được nhấn mạnh trong vở kịch, nhưng về sau thì bộ phận nam đã bị xóa đi.

Hình ảnh cuốn kịch in vào năm 1894. Ảnh của bảo tàng National Design.

Cũng vậy, ở tranh bên trái là đội trưởng cận vệ Narraboth và tiểu đồng nam. Narraboth thì mải si mê Salome còn tiểu đồng nam thì lại yêu Narraboth. Khi chuyển thành opera, Strauss cắt béng mấy phần tình tứ đi và giao luôn cho giọng nữ hát vai tiểu đồng, thành ra không đọc kịch thì chả biết được chuyện yêu đương này.

Kẻ nổi loạn gặp thứ nổi loạn

Richard Strauss đã đọc bản dịch tiếng Đức của Salome, kèm theo những hình minh họa gây chấn động châu Âu thời bấy giờ. Ông cũng đã đi xem kịch người đóng và bị ấn tượng mạnh mẽ bởi tất cả những từ ngữ do Oscar Wilde viết. Mọi thứ dường như đã hội tụ đủ đối với Strauss khi trong người ông cũng sẵn máu ngông, thêm dòng chảy lịch sử của châu Âu đang bước vào thời kỳ chuyển mình khi Sigmund Freud nêu ra những học thuyết nhấn sâu vào tình dục, bản ngã, bản năng của con người; hội họa thì bạo gan tìm đến những hình ảnh bản năng trần trụi, và phong trào nữ quyền đòi quyền bình đẳng cũng đang lan rộng.

Thiên thời-địa lợi-nhân hòa, thế là Strauss viết nên một trong những vở opera phóng túng, lõa lồ nhất từng được diễn tới thời điểm đó. Ông giữ nguyên nhiều lời thoại trong kịch gốc của Oscar Wilde. Mà cái vở này thì đã bị cấm rồi, huống chi còn bưng nguyên lên opera. Vậy nên Berlin và Vienna đều từ chối công diễn. Cuối cùng, Dresden, một thành phố mang nhiều tư tưởng mới mẻ đã mở rộng đón Salome. Vở opera có cảnh múa khỏa thân kéo dài 10 phút, điều mà đến tận ngày nay cũng gây sốc với khán giả chứ đừng nói ở tận thời đó. Mà thời nào thì cũng như thời nào, thứ gì dung tục, bị tôn giáo cấm mà đi kèm với phụ nữ lột đồ cũng khiến người ta muốn xem, thế là các suất diễn không ngừng cháy vé.

Ảnh Richard Strauss trên con tem của Đức. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, lên 6 tuổi ông đã bắt đầu sáng tác nhạc. Strauss có mối liên hệ thân thuộc với Đảng Quốc Xã, nhưng sau này người ta tin ông ủng hộ Quốc Xã vì hy vọng Hitler (vốn nổi tiếng là người yêu nghệ thuật) sẽ đầu tư nhiều hơn vào nền nghệ thuật Đức, đồng thời ông muốn bảo vệ con dâu và các cháu nội người Do Thái của mình trước thế lực của đảng cầm quyền.

Nhưng Strauss không phải chỉ biết câu khách. Khác với Salome mờ nhạt trong Kinh Thánh, Salome của Oscar Wilde là một nhân vật hết sức phức tạp. Cô có sự thơ ngây pha với ranh mãnh, khi thì yếu ớt khi lại mạnh mẽ thậm chí điên cuồng, cảm xúc của nhân vật này cũng hỗn độn như tính cách, chuyển biến từ yêu đương, đau khổ, hạnh phúc, giận dữ liên tục không ngừng. Nếu như đọc Oscar Wilde, ta phải tốn kha khá trí tưởng tượng để nắm bắt được hết thì Richard Strauss đã tái hiện tất cả bằng thứ âm nhạc tài tình, hỗn loạn.

Cảnh Salome đang đê mê hát “em hôn lên đôi môi chàng, em cắn vào đôi môi chàng, như cắn vào một quả mọng” trên xác của Thánh John. Vở opera được diễn tại nhà hát quốc gia Hà Lan. Đoạn này nhà hát có upload trên youtube, Thánh John này thì nhìn hơi bị xăm trổ, Salome (ca sĩ Malin Byström) thì nhìn siêu thánh thiện, nên xem càng thấy sốc.

Xem xong vô vàn các phiên bản phim ảnh, thứ đọng lại trong tôi chỉ có nhan sắc của các minh tinh, còn xem xong opera Salome thì tôi bị ám ảnh đến tận sau này. Vở diễn chỉ có một màn mà xem xong ai nấy thở phào vì cảm thấy như đã thoát khỏi một cơn ác mộng. Bao nhiêu thứ liên tục được nhào nặn, nhồi hết vào một thời gian ngắn: tự sát, loạn luân, lạm dụng quyền lực, tranh cãi tôn giáo, ái tử thi, gợi dục, hành quyết.

Âm nhạc tài tình

Strauss dường như đã dốc hết tâm sức và sự táo bạo của bản thân cho Salome. Ông viết cả những nốt mà có một số nhạc cụ không thể chơi được. Khi có người hỏi về vấn đề này, ông đốp lại rất ư là đanh đá: “Tất nhiên là tôi biết vĩ cầm chỉ xuống được đến G3, ai muốn ý kiến ý cò thì vui lòng giữ cái tri thức này cho riêng người đó và để mấy cái nốt nhạc được yên đi”.

Người xem bình thường xem một đống nội dung nặng nề nhồi nhét đã thấy đủ mệt, Strauss còn thân ái tăng mọi thứ lên một cao trào mới với những hòa âm nghịch tai chồng chéo được chơi bởi một dàn nhạc lớn chưa từng có trước kia: 49 nhạc cụ khác nhau. Cần nói rõ là ngay ở thời của ông, hòa âm nghịch tai cũng là một bước cách tân táo bạo. Thay vì những giai điệu du dương, toàn bộ vở opera là những đoạn bùng nổ và hỗn loạn, khó ngấm và có lúc còn thấy chói cả tai. Tôi thì ấn tượng nhất với những đoạn tremolo của vĩ cầm, nghe không khác gì tiếng rít “iiiii…” của micro ở nhà hàng tiệc cưới.

Trong vở kịch có đoạn nhắc về tiếng vỗ cánh của một con chim bí ẩn, báo hiệu của tử thần. Thay vì dựng lại hay giả tiếng đập cánh, Strauss tạo ra những tiếng vang từ xa vọng lại để người nghe tự tưởng tượng cảm giác của một thanh âm mơ hồ nhưng đáng sợ, kẻ có thể nghe thấy, kẻ lại không. Có người nghe tiếng cello kéo ken két và cảm giác như nghe tiếng dao cứa vào cổ.

Điệu Bảy Tấm Mạng Che không có lời hát mà chỉ toàn là nhạc, tha hồ cho khán giả tự nghe nhạc và tưởng tượng. Oscar Wilde đã khai sinh ra điệu múa nhưng Strauss mới là người khiến điệu múa Bảy Tấm Mạng thành hình và có vai trò quan trọng đến thế với hình ảnh Salome.

Strauss yêu cầu cảnh này phải có người phụ nữ lột đồ thật, khiến câu chuyện kể lại rằng có một cô ca sĩ opera đã thốt lên: “Tôi là một người phụ nữ có tự trọng, không đời nào tôi làm thế!”, dẫn đến việc có vở thì có diễn viên đóng thế, cũng có những soprano chấp nhận mặc đồ bó để tự múa, hay thậm chí sẵn lòng khỏa thân trên sân khấu. Ngày nay thì mỗi nghệ sĩ, mỗi đoàn lại tha hồ sáng tạo phân đoạn quan trọng này theo cách của riêng mình. Có người mô tả Salome như một hình hài đáng sợ, một cái ác ngự trị và làm mục ruỗng loài người, thì cũng có người diễn Salome như một cô gái có sự ngây thơ.

Điệu múa Bảy Tấm Mạng trong bản dựng của Nhà Hát Hoàng Gia Anh. Ở phông nền là video cảnh một con thiêu thân lao tới bóng đèn. Trong bản này, cảnh múa được thay hoàn toàn thành những phân cảnh ước lệ về việc mất trinh: Salome ném con búp bê đồ chơi vào người Herod để lão ta ném nó xuống đất, chiếc váy lụa trắng của cô được lão cởi ra để tròng vào chiếc váy cưới mà cô như chỉ tìm cách xé rách khi hai người giằng co. Khung cảnh sân khấu lúc đầu là một tầng hầm nơi diễn ra đủ mọi trò chơi tình dục nhơ bẩn, Salome xuất hiện, bước từ trên cầu thang xuống, là một thiếu nữ trong trắng dưới ánh trăng, và cuối cùng lột xác thay đổi. Ảnh:Tristram Kenton

Để xây dựng được một Salome phức tạp, Strauss cũng có vô vàn đòi hỏi khó nhằn cho người diễn vai này: vừa phải xinh đẹp và trẻ trung như gái mười sáu, vừa phải có cơ thể nhẹ nhàng quyến rũ như diễn viên múa ballet, lại vừa phải có một chất giọng uy lực để có thể hát được hết các nốt khó cả cao lẫn thấp. Vai Salome chỉ dành cho dramatic soprano (nữ cao kịch tính) đủ sức bền và lực để hát liên tục cả màn với những áp lực lớn lên giọng.

Xinh đẹp, ngây thơ, quyền lực và điên

Chúng ta đã quá quen với hình ảnh những nữ phù thủy ác độc và xấu xí, còn cô gái nhà lành thì luôn xinh đẹp. Trong quan niệm cố hữu, cái xấu sẽ đi kèm với sự xấu. Femme fatale thì ngược lại: cái ác đi kèm với cái đẹp. Và cái đầu tinh quái của Strauss đã phát hiện ra, nếu cái ác còn đi kèm với chút ngây thơ thì nó còn đáng sợ hơn nữa. Có thể nói chính Strauss là người đã xây dựng Salome thành một femme fatale hoàn chỉnh.

Trong kịch gốc, Salome có câu thoại khi nghe Jokanaan (Thánh John, hay Gioan Tẩy Giả) đang mắng mỏ sự suy đồi của Herodias rằng:

– Hắn đang nói những điều kinh tởm về mẹ ta phải không?
– …
– Phải rồi, hắn đang nói về mẹ ta đó.

Strauss đã cho toàn bộ đoạn thoại này một giai điệu trong trẻo nhuốm chút buồn, tạo nên hình ảnh Salome trong sáng, tội nghiệp khi phải tận tai nghe những lời chửi rủa giáng xuống mẹ mình, để khán giả cảm thương cho một cô gái ngây thơ (còn đáng thương hơn khi cô cứ bị cha dượng già dê dòm ngó). Vậy nên ở đoạn sau, khi cô bắt đầu phô diễn quyền lực và dùng chiêu trò để đạt được thứ mình muốn, khán giả bị bối rối với chính cảm xúc của mình.

Cảnh Thánh John mắng mỏ Salome ở nhà hát Opera Dallas. Dù nhà hát đã ghi chú rõ và có cảnh báo, rating đàng hoàng, vở diễn mới được có một nửa đã có nhiều người đứng dậy bỏ ngang. Và khi vở diễn kết thúc thì khán giả vội vàng đứng dậy ra về lập tức không buồn ở lại vỗ tay ném hoa cho diễn viên. Có thể nói rất ít vở diễn cổ điển nổi tiếng mà hàng trăm năm sau vẫn gây sốc như Salome. Deborah Voigt diễn Salome thì hơi dừ một tí, còn ca sĩ Robert Brubaker đóng vai Thánh John thì được phủ phấn trắng, để cho đúng với mô tả trong thoại là Salome nói ông trắng như ngà.

Cao trào nhất chính là khi Salome múa điệu Bảy Tấm Mạng Che, và khi điệu múa kết thúc, Herod hỏi cô muốn gì. Strauss đã lồng những nốt nhạc du dương và ngọt ngào nhất của toàn bộ vở diễn vào câu chốt:

– Con muốn cái đầu của Jokanaan.

Thật khó tin khi câu nói kết thúc mạng người lại được thốt ra bởi một giọng thánh thót như chim hót và ngọt như kẹo mật. Đó là đoạn khiến người xem cảm thấy rợn cả sống lưng dù đã biết trước nội dung kịch, vì sự lạnh lùng và tàn nhẫn tương phản với vẻ đẹp ngây thơ ngọt ngào. Nếu Salome dữ dội và nanh ác ngay từ đầu thì đã chẳng thể mang đến hiệu ứng như vậy.

Cái ác của Salome nên gọi là cái điên thì đúng hơn. Vì nó không phục vụ mưu đồ gì ngoài ham muốn duy nhất của cô. Salome giống như một đứa trẻ mong muốn có được một món đồ chơi, có điều lại là một đứa trẻ máu lạnh với quyền lực trong tay. Khung cảnh khi Salome ôm lấy cái đầu đầy máu của Jokanaan vào lòng và hát lên những khúc ca hạnh phúc đê mê là một trong những đoạn thăng hoa nhất, cũng khiến người xem ám ảnh nhất. Một thứ tình yêu điên cuồng, tới mức méo mó, nhưng lại hoàn toàn đơn thuần. Một thứ cảm xúc khó có thể định hình, mãnh liệt và cũng… thấy ghê.

Cận cảnh cái đầu (giả) của Thánh John, được làm theo gương mặt diễn viên nên nhìn giống y hệt hàng thật. Cộng với hiệu ứng ánh sáng và nhất là âm nhạc, diễn xuất của diễn viên, đảm bảo đem đến cho khán giả giây phút rùng mình. Bạn tôi, một người vốn say mê thể loại kinh dị, vốn chả bao giờ ngán cảnh máu me lòng mề lẫn lộn, mà xem tới cảnh Salome hôn lên môi cái đầu (giả) là ớn lạnh buồn nôn, gai ốc nổi đầy. Ảnh: Clive Barda/ clivebarda@pobox.com

Trả thù phụ quyền

Sau thành công trong việc khắc họa Salome, Strauss cũng tiếp tục xây dựng hình tượng người phụ nữ quyền lực (và có phần điên) trong vở opera Electra, về sự báo thù của con gái của Agamemnon. Ông đi đầu trong việc xây dựng một nhân vật nữ chính trung tâm, bao quanh là những nhân vật nam bạc nhược yếu hèn, vốn mới lạ và táo bạo ở thời điểm đó.

Trong Salome, các nhân vật nữ luôn giữ vai trò chủ động, lời hát đanh và rõ trong khi nhân vật nam (trừ Thánh John) thì hát hò lộn xộn, chồng chéo. Herod không chỉ đóng vai trò trọng tâm của mọi cái xấu và ngu dốt, mà cũng là đối trọng lại với sự mạnh mẽ dứt khoát của Salome. Trong khi Herod sử dụng quyền lực của mình bằng quân đội và giết chóc bừa phứa không quan tâm thì Salome thì tâm cơ, mưu mẹo. Tưởng là cô bị ép, hóa ra cô đã tính toán hết cả rồi. Herod cuối cùng chẳng là gì ngoài một lão cha dượng già dê bị con gái riêng của vợ bắt thóp, xoay như con rối. Tiếng hát của Salome càng về sau càng mãnh liệt và thăng hoa, còn Herod thì càng lúc càng yếu ớt (các nhân vật nam lúc đầu lo tranh cãi những thứ vớ vẩn ngu ngốc thì đã tắt điện luôn từ sớm), như sự đại diện cho việc tính nữ lên ngôi.

Richard Mills, nhà soạn nhạc và nhạc trưởng người Úc nhận xét: “Salome như là sự trả thù nhắm vào chế độ phụ quyền và những lý thuyết cứng nhắc trong tôn giáo. Đến tận bây giờ, chủ đề này vẫn rất nhạy cảm và gây sốc.”

Khung cảnh các ông đang tranh cãi về tôn giáo, mỗi người nói một kiểu, người này hét vào mặt người kia, chả ai quan tâm ai. Salome (thay mặt Oscar Wilde) bĩu môi chê: “Một đám ô hợp mà cứ tỏ vẻ tri thức thanh cao!”. Lý do tại sao các ông này lại cãi nhau, và tại sao lại bị châm biếm thì liên quan đến lịch sử tôn giáo hơi bị phức tạp dài dòng nên có lẽ tôi sẽ lên bài riêng sau. Ảnh: Clive Barda

Một vấn đề gây tranh cãi là Strauss đã cắt mất đoạn thể hiện tình cảm của nhân vật tiểu đồng nam, chỉ giữ lại những câu thoại thông minh lý trí, đồng thời giao vai cho một contralto – giọng nữ trầm – thể hiện. Điều này có thể nhằm nhấn tính nữ, nhưng với nhiều người thì nó chẳng khác nào xóa sổ tình yêu đồng giới mà Oscar Wilde đã gầy dựng. Tôi thì hay đùa với bạn bè là kịch gốc Salome của Oscar Wilde chả khác nào lời khuyên: “đàn bà chỉ lắm khổ đau, đàn ông nên ở với nhau được rồi”, vì nếu Narraboth không mê gái mà mê chàng trai sánh bước bên mình thì đã chả phải có kết cục thê thảm.

Lựa chọn Salome, Strauss cũng đã gặp vô vàn khó khăn, vở diễn bị cấm ở nhiều nơi, phần nào ảnh hưởng đến thu nhập của ông. Nhưng thành công của nó đến rất nhanh sau đó. Người ta tò mò, thán phục, bị sốc, ám ảnh, yêu quý, ghê tởm vở opera. Salome được nhắc đến khắp châu Âu và lan ra cả châu Mỹ, Nhật Bản cùng với tên tuổi của Strauss. Từ đó trở đi, các nhà hát mới bắt đầu dựng các vở opera. Một bác sĩ đã viết review đăng lên báo Times hồi vở opera mới ra mắt như sau: “(Vở opera này) phô bày một cách chi tiết và tường tận về sự tha hóa với những đặc điểm kinh khủng nhất, ghê tởm, nổi loạn đến mức không thể tưởng tượng nổi, vượt xa những gì tôi đã nghe nói, đọc đến hoặc có thể tưởng tượng được”

*

Salome:

- “Salome” – đã quyến rũ thì thường gây chết người (phần 1)

- “Salome” của Aubrey: Art Nouveau làm đau mắt người giả dối

- Điệu nhảy chết người (phần 1):
Hư hỏng thì nổi tiếng hơn

- Điệu nhảy chết người (phần 2):
Múa bụng mỗi người một phách

- Opera Salome của Strauss: “kinh khủng, nổi loạn, ghê tởm”, nhưng…

Ý kiến - Thảo luận

1:35 Saturday,9.12.2023 Đăng bởi:  Jim Grayson
Nhạc kịch thế này thì tôi dù mới tìm hiểu thôi cũng đã cảm thấy ớn lạnh rồi, mà cũng tò mò muốn được xem một lần. Nhưng có lẽ nếu được xem thì cũng phải bỏ về giữa chừng vì không chịu nổi cơn ác mộng đẹp này
...xem tiếp
1:35 Saturday,9.12.2023 Đăng bởi:  Jim Grayson
Nhạc kịch thế này thì tôi dù mới tìm hiểu thôi cũng đã cảm thấy ớn lạnh rồi, mà cũng tò mò muốn được xem một lần. Nhưng có lẽ nếu được xem thì cũng phải bỏ về giữa chừng vì không chịu nổi cơn ác mộng đẹp này 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp