Bàn luận

Đi xam xám giữa copy và biến cải 02. 02. 11 - 6:34 am

Daniel Grant - Ngọc Trà dịch

 

 

Banner triển lãm ảnh của Richard Prince tại bảo tàng Spiritual America Solomon R. Guggenheim…

… Nhưng bức ảnh này thoạt kỳ thủy là của Jim Krentts (Jim Krantz)

Người ta thường nói, vẻ đẹp là nằm ở mắt nhìn, vấn đề vi phạm bản quyền cũng thế. Nghệ sĩ Richard Prince chưa bao giờ chối bỏ việc mình đã sử dụng một vài bức ảnh tìm thấy trong một quyển sách ảnh xuất bản năm 2000 của Patrick Cariou mang tên Yes, Rasta (ghi lại hình ảnh những người Rastafarians mà nhiếp ảnh gia người Pháp này gặp gỡ ở vùng núi Jamaica) cho một loạt các tác phẩm cắt giấy vừa được triển lãm mùa thu năm ngoái ở Gagosian Gallery, New York và in lại trong một quyển sách được Rizzoli xuất bản.

Vấn đề là việc Prince sử dụng những hình ảnh này là mang tính “biến cải” (transformative) – vay mượn trong quá trình tạo ra một thứ hoàn toàn mới – hay đơn giản là ăn cắp. Nhiếp ảnh gia Patrick Cariou đã khởi kiện tại New York District Court vào cuối tháng 12 đối với “người tiếp đoạt” là Prince – những nghệ sĩ dạng này được gọi “văn hoa” như vậy – thêm một mặt trận nữa trong cuộc chiến về cái gì làm nên vi phạm bản quyền trong thời đại “lấy mẫu” và download “bấm & click” ngày nay.

Một số hình ảnh ban đầu từ cuốn sách năm 2000 Yes Rasta của nhiếp ảnh gia người Pháp Patrick Cariou.

.

.

Theo luật sư của Patrick Cariou, Daniel Brooks, họa sĩ Prince đã cho scan một số hình ảnh của Cariou chụp người và phong cảnh vào máy tính của mình rồi in trực tiếp lên canvas. Sau đó ông ta tiến hành xóa mặt người theo một vài cách hạn chế (ví dụ đặt một cây ghita điện vào tay một người Rastafarian và bôi sơn vào mặt anh ta), cũng như thêm các yếu tố khác vào tranh.

Prince “không biến cải các hình ảnh này – ông ta chỉ đơn giản là sử dụng chúng,” luật sư Brooks nói. Nhưng Prince cãi lại là ông chỉ dùng những hình ảnh trên làm nguyên liệu thô – như cách một điêu khắc gia lắp ráp dùng “những vật tìm thấy được” (found-object) – để tạo ra một thứ không chỉ chú giải cho ý nghĩa ban đầu của các bức ảnh mà còn đem lại cho chúng một ý nghĩa mới.

Tác phẩm ‘Inquisition’ năm 2008 của Richard Prince là một phần trong series đã dẫn đến một “inquisition” (cuộc điều tra) về việc liệu sử dụng một số hình ảnh nhất định có phải là vi phạm bản quyền hay không.

Luật sư Brooks cãi tiếp, nhấn mạnh rằng Prince đáng ra đã có thể tránh được tất cả các rắc rối trên nếu ông ta tự mò đến Jamaica rồi tự chụp lấy ảnh mà dùng cho mấy bức tranh của mình, nhưng ở đây toàn bộ ý nghĩa trong tác phẩm của Prince là một thứ phó phẩm, lệ thuộc vào những hình ảnh vốn đã có sẵn…

Các nghệ sĩ khác cũng từng vấp chân lạc vào vùng xám này của luật pháp. “Vùng này được định ra là một vùng xám, vì luật bản quyền được tạo ra là để linh hoạt,” John Koegel, một luật sư đã đại diện thành công nghệ sĩ Jeff Koons trong một vụ kiện tác quyền năm 2005 với một nhiếp ảnh gia thương mại, cô Andrea Blanch, nói. “Pháp luật chỉ rõ rằng việc sử dụng một hình ảnh có bản quyền là mang tính biến cải, dựa trên nhận định của một người quan sát không chuyên bình thường, xem liệu tác phẩm mới đó có khác không và khác như thế nào. Đây là một thứ cực kỳ mang tính thị giác, không có một ranh giới rõ ràng nào để nghệ sĩ có thể dựa vào mà đi cả.”

Trên thực tế, Jeff Koons đã hai lần bị các nhiếp ảnh gia kiện vì vi phạm bản quyền, lần đầu vào năm 1989 trong một vụ mà ông đã thua và lần hai thì ông thắng. Trong vụ năm 1989, nhiếp ảnh gia Art Rogers đã sáng tạo ra một loạt thẻ ghi chép (notecard) in hình ảnh một người đàn ông và một phụ nữ cầm một ổ rơm toàn cún con, đặt tiêu đề bức ảnh là Puppies (Những chú cún con).

Bức ảnh Puppies (Những chú cún con) của Art Rogers

Theo một số thông tin khác nhau, Koons đã mua một trong mấy tấm card này, xé bỏ tên Rogers và ghi chú bản quyền đi, rồi gửi tấm card cho các nhà sản xuất người Ý với hướng dẫn là họ nên copy hình ảnh trên thành một bức điêu khắc, với tiêu đề String of Puppies (Một dây cún con).

Tác phẩm "String of Puppies" (Một dây cún con)

Theo giấy tờ của tòa án và các cuộc phỏng vấn, Koons tuyên bố quyền tự do nghệ thuật nên được bãi bỏ cho rồi nếu nghệ sĩ không được giễu nhại hay tạo ra các tác phẩm mang những ảnh hưởng nhất định của các nghệ sĩ khác. Tuy nhiên tuyên bố của tòa không ủng hộ ông. Trong quyết định của mình, tòa cho rằng Koons đã không giễu nhại mà đơn giản là copy ảnh chụp và rằng “việc copy bức hình ‘Puppies’ của Koons được làm với mục đích không tốt, chủ yếu vì động cơ kiếm lợi, chứ không có việc nhại lại tác phẩm nguyên bản.”

Trong vụ thứ hai, bức ảnh của cô Blanch, Silk Sandals by Gucci (Những đôi sandal lụa của Gucci), chụp phần dưới đôi chân trần của một phụ nữ bắt chéo ở mắt cá chân và tựa vào đầu gối của một người đàn ông. Người phụ nữ mang một đôi sandal của Gucci. Bức ảnh xuất hiện trong số tháng Tám năm 2000 của tạp chí Allure.

Silk Sandals by Gucci (Sandal lụa của Gucci)

Koons thừa nhận bức tranh Niagara của mình copy lại cặp chân, bàn chân và đôi dép của người phụ nữ, nghệ sĩ lưu ý là ông đã bỏ các yếu tố hậu cảnh trong bức ảnh của cô Blanch; xoay hình để đôi chân nằm thẳng đứng, bàn chân ớ phía dưới chứ không nằm ngang; và thêm vào ba cặp chân khác. Tòa tuyên bố việc Koons sử dụng hình ảnh của cô Blanch là “mang tính biến thể”, và do đó không phạm luật.

Nicaraga của J.Koons

Ông Koegel cho rằng việc chống lại các nghệ sĩ chứng tỏ rằng “luật pháp chưa chấp nhận hai nguyên lí vốn đã được thấu hiểu trong thế giới nghệ thuật. Đầu tiên là, một thay đổi trong công cụ truyền tải bản thân nó đã mang tính biến cải (transformative). Nếu anh đi từ hai chiều đến ba chiều, anh đã biến cải một cái gì đó và nó sẽ được cảm nhận rất khác so với ban đầu. Hai là việc tái thể hiện cũng mang tính biến cải, khi anh lấy một cái gì đó và chú thích lên đó, dù thứ anh chú thích có thể không nổi tiếng lắm, chính cái chú thích đó cũng khiến việc sử dụng một hình ảnh có bản quyền trở thành đúng luật.”

Như rất nhiều thứ trong lĩnh vực luật bản quyền, hai nguyên tắc trên không tuyệt đối. Chuyển từ phương tiện này (ảnh) sang phương tiện khác (tranh) không phải là cách tránh kiện cáo. Ví dụ, chuyển một tiểu thuyết thành một bộ phim là một bước thay đổi công cụ thể hiện, nhưng nếu không có sự cho phép – và, thường là phải trả tiền nữa – của tác giả, nhà làm phim sẽ vi phạm luật bản quyền của người viết, vì chỉ tác giả mới có độc quyền cho phép làm các tác phẩm “phái sinh” hoặc cho phép làm phim. “Đâu là giới hạn giữa phái sinh và biến cải hoàn toàn không rõ ràng,” Robert J. Kasunic, cố vấn pháp luật cao cấp tại Phòng Bản Quyền Mỹ ở Washington nói. Thêm nữa, ông lưu ý, một tác phẩm bình luận hay tác phẩm giễu nhại chỉ có “hiệu lực” “nếu một người bình thường nhìn vào là nhận ra ngay đó là một dạng chú thích, giễu nhại.

Một bức biếm họa nhại lại một tác phẩm của David Klein. Nhân vật trong tranh vật vã nghĩ: “Tôi đã biến cải bức hình hay chỉ là copy?” (Ở ta thì nói nôm na: "Tôi đã chế hay đã chôm?")

Tòa tuyên bố việc sử dụng bức ảnh của một đôi chân phụ nữ (thứ hai từ trái sang ở hình trên) là “mang tính biến cải” trong tác phẩm Niagara của nghệ sĩ Jeff Koons.

Người bình thường có thể không quen với những luật lệ và logic của thế giới làm nghệ thuật. Nên Jessica Litman, một giáo sư thuộc trường Đại học Luật Michigan, mới cho rằng một phần lí do Koons thua vụ đầu tiên và thắng vụ thứ hai là vì “lần đầu tiên ông ấy bước ra tòa mà mang theo đúng cái thái độ của giới làm nghệ thuật, rằng thì là ‘tao là nghệ sĩ, tao làm gì chẳng được,’ nhưng lần thứ hai thì Koons đã biết đưa ra một tuyên bố hợp lý hơn về cái gọi là thông điệp của nghệ thuật tiếp đoạt (appropriation art). Từ lần đầu đến lần thứ hai là cả một chặng đường dài.”

Tính chất của việc vi phạm bản quyền trong hai trường hợp cũng khác, nhưng xu hướng phán quyết chung của tòa án từ năm 1989 đến năm 2005 (và hiện tại) cũng cho phép khai triển rộng hơn khái niệm “biến cải hóa” trong tác phẩm mới. “Môi trường pháp luật hiện tại có phần cảm thông hơn với giới nghệ thuật – và có lẽ điều này đã đi quá xa,” Kasunic nói.

*

Daniel Grant là tác giả của cuốn “The Business of Being an Artist” (Allworth xuất bản)

**

Bài tương tự:

– Richard Prince: copy tranh và… thu bạc triệu
– Jeff Koons thành Viện sĩ Danh dự: khối người tức
– Cái tôi bị thổi phồng? Jeff Koons đòi độc quyền bán chó bóng
– Đi xam xám giữa copy và biến cải
– Sao chép là sáng tạo?

Ý kiến - Thảo luận

22:28 Saturday,23.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Những khái niệm thú vị và bổ ích
...xem tiếp
22:28 Saturday,23.7.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Những khái niệm thú vị và bổ ích 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả