Lương tâm của người “phán”, hay chuyện đẻ được trứng hay không (Cập nhật 2)
28. 04. 11 - 7:41 am
Lưu Đông Kha - Nick Nick
(SOI: Bài này xuất phát từ một cmt của Lưu Đông Kha, Soi xin đưa lên thành bài để tiện theo dõi. Tiếp theo là phần câu hỏi của Nick Nick, rất mong được bạn Lưu Đông Kha lưu tâm)
LƯU ĐÔNG KHA
Lưu Đông Kha xin có lời chào Soi cùng những người để tâm đến nghệ thuật (tạo hình)
Trước hết, tôi xin cảm ơn Soi và mọi người vì đã dành sự quan tâm tới quan điểm “xưng danh” của tôi trong một cmt ngắn ngủi. Thực sự, Lưu tôi cũng không ngờ quan điểm cá nhân đó lại được nhiều phản hồi như vậy. Đặc biệt là cuộc luận đàm của Trương Ngọc và Nick, và cmt vấn đề Để Soi có được tên thật của Pha Lê. Tôi xin được lĩnh hội mọi ý kiến của các bạn.
Tôi cũng lấy làm vinh hạnh khi trình bày quan điểm của mình được các bạn mổ xẻ, phân tích, suy luận, liên hệ dưới mọi góc độ. Hiện giờ Lưu tôi xin mạn phép chưa bàn về những vấn đề này mà chỉ xin được làm rõ hơn quan điểm: “Xưng danh”.
Trước hết “ Lưu Đông Kha” là ai? là tên hay là nick? Tên hay Nick thì giá trị có thay đổi không? Lưu Đông Kha nói người mà không nghĩ đến ta?
Như đã nói: “Tôi là người để tâm tới nghệ thuật”. Là tên, là bút danh, là nick. Cũng không ai biết Lưu Đông Kha là ai đúng không? Bởi Lưu tôi không là nghệ sỹ nổi tiếng, cũng không là nhà phê bình tên tuổi, tôi chỉ là “ Người để tâm tới nghệ thuật” thì ai có thể biết tôi là ai?
Tôi đã đưa ra quan điểm “Xưng danh” với Soi mà cụ thể là khi tác giả của các bài viết trên Soi “Phán xét tác phẩm” của nghệ sỹ mà không xưng danh (dùng nick hoặc bút danh “sến”).
Ai cũng biết tác phẩm là “những đứa con tinh thần” của nghệ sỹ, họ đã lao động vất vả, đã thai nghén, mang nặng đẻ đau và dâng trào niềm vui khi “những đứa con” đó ra đời thì những người “phán xét”, “những đứa con” ấy (dù đẹp hay xấu) cũng cần được giành cho sự tôn trọng đơn giản nhất là cho biết “người phán xét” là ai? Như thế có phải là “người phán xét” có lương tâm không?
Có câu “Người chê ta là thầy ta”, phải có người chê mới tiến bộ. Điều đó đúng. Theo Lưu tôi “ người chê” cần phải có chuyên môn, có trình độ,… Bởi vì có như vậy khen chê mới đúng, mới chính xác, mới làm cho người bị (được) chê (khen) phục, mới sửa chữa và thay đổi.
Hay là “ người chê” sợ mình “chê yếu nghề” thì người ta “cười cho thối mũi” nên không dám xưng danh?
Trong cuốn Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie có đoạn: “Chê một ai đó là phải biết cách, chê sao cho người bị chê không ghét người chê, mà lại lấy đó làm vui, vì nhận ra điều sai mà sửa, điều hay mà phát huy… cốt yếu nhất là không để họ phải bẽ mặt trước đám đông”.
Như vậy “Người chê” thiếu hiểu biết trước sau không suy nghĩ thấu đáo thì cũng là người nông cạn đó sao? Hay là vì sợ người ta biết mình nông cạn, thiếu hiểu biết nên không xưng danh? Hay là sợ người ta “ghét” khi biết?
Lưu tôi đã nói: “Tôi càng trân trọng những người làm hay, nói giỏi”, bởi lẽ, làm hay mà không diễn đạt giỏi thì việc làm giảm giá trị một phần, nói giỏi mà làm không hay thì làm giảm giá trị chín phần. Thử lấy một ví dụ. Một họa sỹ khi xem tranh của người khác “phán” tranh của tác giả A “ có tiếng” hơn mình là tạo hình có chỗ “hơi dở”, màu sắc “hơi khô”, bút pháp “hơi vụng”, hình “hơi yếu”, tư duy “hơi nông cạn”… Trong khi tranh của họa sỹ này thì sao ( không bao giờ có ai khen tranh họa sỹ này đẹp). Họa sỹ có khả năng nhìn nhận “tốt” như thế sao ông không làm ra tác phẩm của chình mình cho hay đi? Họa sỹ này nói có ai tin không? Hay họ bĩu môi bảo ông là “Picasso (hoang tưởng)”.
Ngược lại, một họa sỹ danh tiếng hoặc một nhà phê bình tên tuổi, họ nói câu nào người nghe nể phục vì trình độ và đẳng cấp. Vậy không xưng danh lại có phải chính là ông họa sỹ nhìn nhận “tốt” không làm ra tác phảm của chính mình hay nên sợ xưng danh?
Chung quy lại, vấn đề xưng danh hay không xưng danh (tất nhiên là với tác giả “phán xét” tác phẩm của nghệ sỹ, còn với bạn đọc hoặc những người quan tâm ở mức độ “dạo chơi cưỡi ngựa xem hoa” thì không cần phải bàn).
Quy lai có 2 vấn đề: Một là: Lương tâm của tác giả khi “phán” Hai là: Soi là “Tổng biên tập” Soi có nên chọn lọc và nâng cao chất lượng các bài viết để Soi là diễn đàn mà cả giới nghệ sỹ (tạo hình) chuyên nghiệp và những người yêu nghệ thuật đích thực không còn cảm giác nghi ngờ về sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt. Không còn bức xúc hay ghét bỏ nhằm tạo cho những người làm tạo hình Việt một cánh của rộng mở và ngày càng chuyên nghiệp về tư duy cũng như cách thức hoạt động.
Thân mến!
NICK NICK
Có vẻ rất khó trao đổi với tác giả Lưu Đông Kha, vì ông/bà/cô/chú/anh/chị/em này đánh màn “không đối thoại”, lâu lâu nhảy ra ụp một bài, đọc bài thì thấy hình như Lưu Đông Kha cũng chẳng thèm đọc các trao đổi của những người khác, nên bài này lặp lại đúng những vấn đề người khác đã comment trong chính bài của Lưu Đông Kha!
Đến giờ Lưu Đông Kha cũng là nick, tôi cũng là nick, Lưu Đông Kha có vui lòng “đàm luận” với tôi không?
Câu hỏi đầu tiên của tôi là, có phải như người (Tây) xưa đã nói: “Chẳng lẽ không đẻ được trứng thì không có quyền chê món ốp-la?”
Câu hỏi thứ hai là: Vì sao Lưu Đông Kha khẳng định những người viết bài chê là họa sĩ + Họa sĩ tồi?
Câu hỏi thứ ba: Lưu Đông Kha đang viết bài chê những người chê là kém tài, là hèn, là thiếu trình độ. Vậy theo tiêu chuẩn “lương tâm” của bạn, sao bạn không xưng danh thật?
Câu hỏi thứ tư: Nếu bạn bảo bạn không tên tuổi, có nghĩa bạn cũng chưa thành đạt trong lĩnh vực nghệ thuật, thì theo tiêu chuẩn “chuyên nghiệp” của bạn, làm sao bạn lại có thể chê những người kia là dở, là thiếu hiểu biết, là kém tài?
Rất mong Lưu Đông Kha trả lời những câu hỏi trên.
Trân trọng.
LƯU ĐÔNG KHA
Thú thật, Lưu tôi không muốn “đối thoại” với Nick Nick. Bởi tôi thấy Nick Nick vừa “yếu nghề viêt” lại “ không có chuyên môn về mỹ thuật”. Nên nếu “đối thoại” cũng chỉ là trò cười cho thiên hạ. Nhưng vì Soi có mong muốn tôi lưu tâm nên tôi xin ngắn gọn “đáp nhời” Nick Nick.
Vậy tại sao tôi lại đánh giá về Nick Nick như vậy?
Đầu tiên, Nick Nick không đọc kỹ những gì tôi viết để ngẫm nghĩ, tư duy, suy luận và đánh giá, mà đọc qua loa (hoặc là đọc kỹ mà vẫn không nắm bắt được gì và đánh giá “ bộc phát”. Minh chứng là những câu hỏi của bạn đặt cho tôi.
Thứ nhất: “Chẳng lẽ không đẻ được trứng thì không có quyền chê món ốp la?” chỉ có những người không có chuyên môn ( hoặc chuyên môn quá kém ) về nghệ thuật (tạo hình) mới nói những câu như thế (của Tây, của Tàu, của Ta…) vào với nghệ thuật. Xin thưa: “Nghệ thuật không phải là món ốp la và nghệ sỹ không phải là con gà mái đẻ”.
Thứ hai: Nick Nick hãy đọc kỹ bài viết để xem tôi khẳng định những gì, phủ định những gì và đâu là câu hỏi. Lưu tôi không hề khẳng định những người viết bài chê là họa sĩ + Họa sĩ tồi. Đó là loại câu nghi vấn không phải câu khẳng định.
Thứ ba: Luận điểm của tôi là: “Xưng danh tác giả khi viết (phán) về tác phẩm nghệ thuật trước công chúng”, chứ không phải luận điểm: “xưng danh của độc giả khi có ý kiến”. Tôi chỉ là người “để tâm” đến nghệ thuật, thấy dư luận bức xúc nên “cho ý kiến”. Nick Nick đã lạc đề khi hỏi về “lương tâm” và “sự chuyên nghiệp” của “độc giả có ý kiến”.
Tôi chắc Nick đã hiểu được những điều tôi nói trên. Nếu Nick vẫn chưa thấy hài lòng (hoặc cố tình không hiểu, hay có bất cứ câu hỏi nào nữa) thì Lưu tôi cũng không luận đàm gì thêm. Như vậy sẽ tốt hơn cho Nick Nick, vì tôi thấy Nick Nick càng hỏi thì càng lộ rõ sự yếu kém về mọi mặt. Nick Nick là người “có đam mê” nhưng Nick Nick cần phải trau dồi nhiều hơn nữa. Đặc biệt khi nói trước công chúng Nick Nick nên “đọc kỹ, nghĩ sâu”. Chúc Nick Nick mau có được thành công. Có duyên ta sẽ mạn đàm.
Nhân đây, Lưu tôi cảm ơn mọi người đã quan tâm và cho ý kiến. Tôi để tâm hơn cả là “chính danh hay chính ngôn?”chắc các bạn đã từng nghe và nói câu:”danh chính ngôn thuận”. Chào thân mến và gặp lại!
NICK NICK
Biết ngay mà, Lưu Đông Kha tên Tàu thế kia thì thể nào cũng sẽ dùng những món Tàu, thí dụ vào trận thì chửi đối phương sa sả, nào tên tiểu tử, nào kẻ chưa ráo màu đầu… Nick Nick đây có bị mắng là gì cũng là chuyện bình thường.
Phe đòi chính danh với các đặc điểm sau: – Đòi chính danh khi viết bài phê bình tác phẩm. Đó là để thể hiện lòng tôn trọng với công sức đã làm ra tác phẩm của nghệ sĩ – Nếu dùng tên giả (tức nick), thì tên giả phải giống tên thật (nghĩa là cấm những tên đọc lên biết ngay là nick) – Chữ danh trong “danh chính ngôn thuận” được hiểu là “tên người”. – Đề nghị khi chê tác phẩm nào thì người viết phải đã/đang/sẽ làm được những tác phẩm cao hơn cái mà mình chê. Tức người viết bài phê bình phải cùng nghề với người làm tác phẩm – Phân biệt rành mạch giữa: 1/ nhà phê bình có ý kiến trước tác phẩm, với 2/ độc giả có ý kiến trước tác phẩm.
Buồn cười là phong cách Tàu ấy, vốn đã chủ đạo trong tranh luận Việt, nay vẫn chủ đạo trong một tầng lớp tranh luận Việt! Tốt nhất Nick Nick đề nghị Soi đưa loạt bài này vào mục Sự kiện, để sau này có ai đọc lại sẽ thấy một cuộc tranh luận, giữa hai phe,
Phe nặc danh với các đặc điểm sau: – Có thể ký tên gì cũng được. Tên thật càng tốt. Nhưng danh không quan trọng bằng nội dung bài – Nick là để người đọc không mất thì giờ soi nhân thân, lý lịch rồi để cái ánh sáng ma quỷ ấy soi vào nội dung. – Không quan trọng là người viết đang làm nghề gì. Đã là khán giả là có quyền bình luận. – Chữ danh trong “danh chính ngôn thuận” được hiểu như sau: danh là lý do, là “tên của cái cớ” cho lời nói được thuận. Thí dụ, nếu danh là “khán giả, độc giả, người phê bình” thì những lời bình luận là được thuận. – Bình luận hay hay dở là tùy trình độ. Người ta còn tiến bộ, nên phải có thực tập bình luận rồi mới tiến lên được.
Cả hai phái có chung một điểm, tuy không nói ra nhưng đều biết, là không dùng bài viết để bới móc đời tư, lăng mạ nghệ sĩ, nói những điều không có chứng cứ.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận này phải dừng lại rồi, vì Lưu Đông Kha đã bảo sẽ không thèm luận đàm với Nick Nick nữa, dù kẻ tiểu nhân này có vô vàn câu hỏi lớn trong bộ óc bã đậu đây.
Thí dụ: 1. Là “chủ soái” của “phong trào” đòi chính danh, nhưng sao Lưu Đông Kha khi viết cũng dùng tên giả? Như thế có “danh chính ngôn thuận” theo cách bạn hiểu không?
2. Ngay cả đến khi mắng Nick Nick là “yếu kém về mọi mặt” sao vẫn dùng tên giả, mà theo lý thuyết của bạn, đã chê thì phải dùng tên thật. Nếu viện cớ Nick Nick không phải là tác phẩm nên có thể chê mà không cần dùng tên thật thì cũng sai rồi: Thượng đế là The Creator – Đấng sáng tạo, thế Nick Nick có là con trâu, con cá ít óc cũng là một tác phẩm của Người chứ (nặn trong lúc ngủ gật chẳng hạn)?
3. Lưu Đông Kha phân biệt giữa: 1/ nhà phê bình có ý kiến trước tác phẩm, với 2/ độc giả có ý kiến trước tác phẩm. Thế điều kiện chuyên môn, xưng danh nào áp dụng cho từng đối tượng? Cái này lù mù, Nick Nick muốn Lưu Đông Kha đã có lý thuyết thì nên phổ biến thấu đáo, đến cả những kẻ như Nick Nick đây.
4. Lưu Đông Kha nói Nick Nick càng hỏi càng lộ rõ yếu kém và chúc Nick Nick mau được thành công. Thế ai cũng chê Nick Nick kém rồi bỏ bơ vơ bên đường thế này thì biết ngày nào mới thành công? Dạy trẻ con ta vẫn đòi phẩm chất kiên nhẫn rồi chúng mới tiến bộ, sao Nick Nick lễ phép tuy dốt như trẻ con nhưng lễ phép thế này mà vừa hỏi vài câu đã bị xỉ vả rồi phủi tay không dạy tiếp?
Than ôi:
Trận chiến này giống hệt hai phe ninja bịt mặt tranh cãi về việc bịt mặt. Loại bịt mặt nào được dùng… Ai được bịt mặt khi vào trận… Bịt mặt rồi nhưng đẳng cấp thế nào mới được đâm…
Xét cho cùng là luẩn quẩn, và ao tù, nước đọng.
Nhưng Nick Nick vẫn kiên nhẫn ngồi đây, bên bãi nước thối, chờ Lưu Đông Kha trả lời…
Anh Hà Huy Mười nói có những chỗ không thể chối cãi được. Như là khen hay chê "cần có trình độ" và "có dốt thì mới có giỏi". Tôi đồng tình với bác. Nhưng bác Mười ơi, tôi nghĩ rằng dốt thì nên im lặng mà học hỏi, hoặc là tìm cao nhân để để hỏi, để học...chứ sao dốt mà lại cứ nghĩ mình giỏi rồi đi phán linh tinh thế chứ?Tôi cũng không đồng ý với bác k ...xem tiếp
21:51Sunday,1.5.2011Đăng bởi: Trương Ngọc
Anh Hà Huy Mười nói có những chỗ không thể chối cãi được. Như là khen hay chê "cần có trình độ" và "có dốt thì mới có giỏi". Tôi đồng tình với bác. Nhưng bác Mười ơi, tôi nghĩ rằng dốt thì nên im lặng mà học hỏi, hoặc là tìm cao nhân để để hỏi, để học...chứ sao dốt mà lại cứ nghĩ mình giỏi rồi đi phán linh tinh thế chứ?Tôi cũng không đồng ý với bác khi bác nói cuộc tranh luận đang rất bức xúc này có tính chất liên can tới nhiều người mà bác lại cho là "bàn nhậu". Nói như vậy có"phàm phu tục tử"quá không? Hay bác "khoái" nhậu nhẹt nên thấy "thuận". Tôi thì không cho là thuận. Mà bác là người danh tiếng nên cũng nên cẩn trọng một chút. Kính bác!
1:54Saturday,30.4.2011Đăng bởi: hahuymuoi
Tớ thấy mấy bác nhà mình tranh luận với nhau rất giống với tinh thần họa sĩ ngồi nhậu. Thiết nghĩ, khen chê cũng giống những người sáng tác vậy. Cần có trình độ. Có dốt thì mới có giỏi. Phải trải qua nhiều "bể dâu" thì mới "ngộ" được. Nó cần và là một quá trình.
Chính danh hay không chính danh thì có gì là quan trọng, cái quan trọng là điều ấy có "chính ngữ ...xem tiếp
1:54Saturday,30.4.2011Đăng bởi: hahuymuoi
Tớ thấy mấy bác nhà mình tranh luận với nhau rất giống với tinh thần họa sĩ ngồi nhậu. Thiết nghĩ, khen chê cũng giống những người sáng tác vậy. Cần có trình độ. Có dốt thì mới có giỏi. Phải trải qua nhiều "bể dâu" thì mới "ngộ" được. Nó cần và là một quá trình.
Chính danh hay không chính danh thì có gì là quan trọng, cái quan trọng là điều ấy có "chính ngữ" không ? . Còn người làm sáng tác, sợ bị chê thì đừng vẽ nữa, hoặc vẽ thì đừng cho người ta xem là được. Làm nghề, tôi nghĩ cần có trách nhiệm (thiên hạ có thể gọi là cái tâm) và có bản lĩnh. Cái gì thuộc về mình là những thứ không bỏ được, nói hay làm một điều gì đó không giống mình là mình đang quên chính mình. Đã như vậy có nên quan tâm tới nick hay tên thật không ?
Tôi muốn mọi người chuyển bàn nhậu đi là vừa, chúng ta "để bụng" dùng món khác nhé. Chào thân ái.
...xem tiếp