Bình dân hay cao cấp? Trương Ngọc vs Nick (cập nhật 9)
26. 04. 11 - 7:29 am
Trương Ngọc & Nick
(Trong bài Sao không dám xưng danh, ở phần cmt, có cuộc đối thoại của Trương Ngọc và Nick. Xin đưa riêng thành bài để các bạn theo dõi và cùng thảo luận)
TRƯƠNG NGỌC Hình như luudongkha ngụ ý việc giấu tên để khen chê không đơn thuần là như thế. Bạn có nói về sự khen chê có tính chuyên nghiệp của một tác giả có chuyên môn? Nghệ thuật quần chúng và chuyên nghiệp làm cho không ít người lầm tưởng. Ranh giới đó có quá mong manh khi mà khen chê, tung hỏa mù khiến cho không ít người nao núng. Hãy là người thường thức có trình độ. Nếu là ở một diễn đàn xã hội khác việc sử dụng nick là không có gì để bàn, nhưng Soi chắc chắn không phải là một diễn đàn xã hội mang tính quần chúng, bình dân… nên việc sử dụng tên không phải chuyện đùa. Ở những tờ báo lớn và chuyên nghiệp tác giả của bài viết dùng bút danh chứ đâu có dùng nick. Nếu bạn hỏi bút danh khác gì nick thì bạn nên đọc nhiều hơn.
NICK Tôi chưa bao giờ thấy Soi KHÔNG PHẢI là một diễn đàn xã hội mang tính quần chúng, bình dân. Nếu không lầm, đó chính là mục đích của Soi. Bây giờ nếu Soi bảo Soi là diễn đàn quần chúng, bình dân, thì “việc sử dụng nick không có gì để bàn” nữa, đúng không Trương Ngọc? Soi hãy xác định đi: Soi là bình dân hay là cao cấp?
TRƯƠNG NGỌC Nếu coi Soi là một diễn đàn bình dân và quần chúng thì tôi sẽ là người tẩy chay Soi đầu tiên. Tôi nghĩ Soi là một diễn đàn về nghệ thuật chuyên nghiêp nhất hiện nay cho giới nghê sĩ tạo hình Việt với sự hội tụ của các tên tuổi như: Phan Cẩm Thượng, Hà Mạnh Thắng, Phạm Huy Thông, Vũ Lâm… Họ xưng danh và họ chuyên nghiệp. Tôi cho rằng luudongkha chỉ chĩa ngòi bút vào những kẻ không xưng danh với sự thiếu chuyên nghiệp. Chứ anh hoàn toàn tôn trọng Soi.
NICK Trương Ngọc liệt kê những tên tuổi trong giới tạo hình đang đóng góp bài cho Soi. Đúng là có họ thì Soi thêm “sang”. Nhưng theo dõi Soi từ đầu thì phải chăng 70% phần hút khán giả của Soi là vì Soi bình dân: khán giả “không chuyên nghiệp” và “vô danh”, “nặc danh” cũng được quyền nói? Nên chăng Soi mở tiếp diễn đàn về ai được quyền nói? ai nên nói? ai nên câm? Nghệ thuật có vị bình dân? TRƯƠNG NGỌC Vậy theo Nick, Soi nên đi theo hướng quần chúng hay chọn lọc cao hơn? Chuyên nghiệp hay nhốn nháo? Và như vậy thì Tôi, Bạn, Luudongkha…. thuộc đối tượng nào trong mớ hỗn độn chuyên nghiệp và nghiệp dư?
NICK Tôi tiếc là mình muốn theo hướng khác Trương Ngọc. Tôi muốn Soi bình dân, để những người nghiệp dư như tôi có thể vào ra thoải mái. Nếu Soi chiều theo ý chúng tôi và tôn trọng bình dân, có khả năng những nhà chuyên môn, những người chuyên nghiệp như Trương Ngọc sẽ tẩy chay Soi như Trương Ngọc đã nói. Khi đó có thể họ sẽ có động lực mà lập một trang web khác chuyên nghiệp và chọn lọc hơn, toàn người tên tuổi viết. Như thế có tốt hơn là tình trạng hiện nay không? Người chuyên nghiệp khỏi phải chung chạ với kẻ nghiệp dư? Theo tôi là tốt hơn.
TRƯƠNG NGỌC Cầu thủ chuyên nghiệp chơi ở những giải chuyên nghiệp, cầu thủ chân đất đá ở giải “xóm”. Ca sĩ có loại hát ở sân khấu lớn và loại hát ở các quán cà phê ca nhạc. Nếu chỉ là “cầu thủ chân đất” thì hãy ngồi xem “giải chuyên nghiệp” và miễn tham gia “chiến thuật”. Nếu là ca sĩ phục vụ karaoke thì đừng bao giờ có ý kiến về kỹ thuật thanh nhạc của ca sĩ. “Biết thì thưa thốt, không biết thì…..” Chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp thật không phải ai cũng đủ bản lĩnh đối mặt để tự nhận ra mình. Nick đã đủ bản lĩnh để thấy mình”nghiệp dư”. Đó là điều tôi đánh giá cao. Vậy còn Soi?
NICK Ca sĩ không diễn cho ca sĩ xem. Cầu thủ chuyên nghiệp diễn cho những người một năm không chạm chân vào bóng một lần xem là chính. Cả ca sĩ chuyên nghiệp lẫn cầu thủ chuyên nghiệp đều mong chờ tiếng vỗ tay và nơm nớp sợ tiếng huýt sáo chê bai của hai đối tượng này. Không ai bảo khán giả: “Biết thì thưa thốt, không biết thì…” như Trương Ngọc bảo những người đọc “bình dân” của Soi. Chủ nghĩa “élite” trong thưởng thức nghệ thuật chăng? Nếu muốn ngăn những tiếng nói bình dân, sao không chặn người bình dân ngay từ cửa triển lãm?
TRƯƠNG NGỌC
Nick ơi, tôi nghĩ bạn nên đệ trình ý kiến với những người có chức năng và quyền hạn khi tổ chức các cuộc triển lãm quy mô sẽ chấm thêm một giải thưởng do khán giả bình chọn nữa. Để tất cả những ai yêu nghệ thuật đều có quyền phán xét. Công nhân, kỹ sư, nông dân, bác sĩ… đều có quyền chấm giải.
NICK Đúng như Mai Huy Dũng đã ghi trong cmt của bài này, “Trương Ngọc có một câu tuyệt hay: Để tất cả những ai yêu nghệ thuật đều có quyền phán xét”. Liệu có thể áp dụng luôn với Soi: ai vào Soi là đã quan tâm đến nghệ thuật, vì thế nên đều có quyền phán xét? Và thêm một vế: “… còn những ai làm nghệ thuật đều có quyền nghe hay không nghe phán xét ấy.” Dĩ nhiên phán xét không phải là bới móc, lăng mạ cá nhân. Phán xét dành cho tác phẩm. Trương Ngọc thấy sao?
TRƯƠNG NGỌC Tư duy của nhân loại đươc quy hợp giống như hình kim tự tháp. Càng ở trên cao thì càng nhỏ. Tôi không dấu Nick mơ ước của tôi là ngọn tháp. Jeff Keller trong cuốn Thay đổi thái độ,thay đổi cuộc đời có đoạn: “Nếu bạn nghĩ mình là ai,bạn sẽ là người đó”. Tôi chắc Nick muốn là chân tháp để có đươc đông đảo anh em huynh đệ bên cạnh?
NICK Trương Ngọc ơi, bạn muốn là đỉnh tháp, tôi muốn là chân tháp hay không là ước muốn của riêng từng người, không ai cản. Nhưng cũng không ai cản được người khác bình luận chúng ta đã là ngọn tháp chưa, đã thoát khỏi chân tháp chưa… Hay chỉ ngọn tháp được bình về ngọn tháp? Chân tháp thì bình về chân tháp? Tôi nghĩ Soi không có quan điểm đó đâu nhỉ?
TRƯƠNG NGỌC Mai Huy Dũng cũng thật ngây thơ quá (Nick cũng thế?). híhi. Tôi đặt giả thuyết thế này: một anh “mù chữ, học chưa hết lớp 4 trường làng, không hiểu thế nào là hình họa, giải phẫu, tạo hình, không biết sơn mài khác sơn dầu, khác lụa…ra sao (nói chung là không biết gì hoăc là ù ù cạc cạc biết ơ cái trình độ sơ sơ cấp…) Nhưng anh ta luôn dành tình yêu cho Hội họa đơn giản vì anh ta thấy nó đẹp, trông nó sướng mắt, xong rồi anh ta thấy một số điểm trong các tác phẩm của các bậc thầy mà anh ta cho là sai (do thẩm mỹ của anh ta thấp) anh ta sẽ kêu váng lên với thiên hạ rằng Tác phẩm kia vẽ tồi? Trình độ ông họa sĩ kia kém? Những người yêu nghệ thuật có “tầm cỡ”như vậy cũng có quyền phán xét ư? Ôi cái tư duy này biết bao giờ mới đổi thay. Đau đớn thay!
NICK Những người bị Trương Ngọc gọi là nghiệp dư vẫn có quyền kêu váng lên là tác phẩm kia tồi, họa sĩ kia kém. Không ai cấm những người được Trương Ngọc gọi là chuyên nghiệp khen ầm lên là tác phẩm này hay, họa sĩ này tài (hoặc ngược lại, chê một cách chuyên nghiệp). Người đọc có phải được tha hồ lựa chọn không? Nhưng sao những người chuyên nghiệp không viết? Họ không thích viết? Họ không dám viết? Họ không thích viết ở Soi? Nếu không thích viết ở Soi thì họ viết ở đâu? Ở đâu để chúng ta vào xem sự chuyên nghiệp trong phê bình của họ? Ở đâu? Trương Ngọc chỉ giúp. Biết được rồi có lẽ Trương Ngọc sẽ bớt đau đớn hơn…
TRƯƠNG NGỌC Nick ạ! Đúng là cứ tranh luận kiểu này thì người gảy đàn thiên tài cũng chịu thua, vì sức người thì có hạn còn sức trâu thì gấp trăm gấp nghìn. Vậy Nick hãy cứ theo đuổi giấc mộng bình dân của Nick, tôi thì trở lại với giấc mộng trên ngọn tháp vậy. Còn Soi thì khôn ngoan “mượn hổ để giương oai” để vừa lòng người “có đẳng cấp”, cùng với đó là giả ngu ngơ để “chiêu mộ” người bình dân. Được lòng cả hai là một thành công lớn. Sẽ không còn ai than vãn về sự cãi vã này nữa phải không Nick thân mến?
NICK Chẳng lẽ người, lại người biết gảy đàn, lại gảy đàn thiên tài, mà thua trí trâu? Và sao cứ phải thắng hay thua? Sao những câu hỏi cụ thể không được trả lời? Thay vào đó là những lời mỉa mai cay đắng? Nếu Trương Ngọc dừng thì Nick biết nghé ọ cùng ai?
TRƯƠNG NGỌC Nick thân! Tôi xin quay trở lại với vấn đề: “Soi nên cao cấp hay bình dân”. Tôi cho rằng Soi đủ “trình” để “làm dâu trăm họ”. Người có đẳng cấp đôi khi vẫn “thích” chơi những thứ bình dân (họ cho đó là giải trí) và người bình dân thì thích “chơi” những thứ “sang” hơn bình dân một tí. Nghệ sĩ nổi tiếng một tí, tài năng hơn người một tí… đôi khi cũng phải “bình dân một tí” nếu không thì “hội đồng bình dân” “đánh” vì ghét sự khệnh khạng, kiêu căng, ngạo nghễ… thì nguy to. Còn anh nghệ sĩ nghiệp dư thì luôn thích mình “được cho là” “nghệ sĩ chuyên nghiệp” cho nó oách (kể cả những anh thợ chép tranh hay truyền thần cũng thích được gọi là nghệ sĩ). Tôi nghĩ Soi cũng không khó lắm để làm vừa lòng người “bình dân và cao cấp”. Tôi cũng băn khoăn không biết tôi và Nick thuộc hạng nào. Có chắc tôi nên là “bình dân” để nhiều khi còn thấy mình “oách”.
NICK
Vâng Trương Ngọc, tôi cũng đồng ý với bạn là Soi cứ đi cả đôi đường. “Bài bình dân phải bình dân/Cho cao cấp mới được phần cấp cao“.
Trong lúc đợi những người cao cấp, hữu danh (mà không màng đến “thực” nữa) viết cho những bài phê bình tâm phục khẩu phục, chúng ta cứ vui với những lời bình của người đọc hiện hữu đã. Ít nhất, họ còn làm cái việc lâu nay vắng khách: xem tranh.
Tôi cũng nghĩ là chúng ta dừng tranh luận tại đây. Mong gặp lại bạn trên những thảo luận khác. Nghe thì hình như đang có một “sới vật” mới mở ra?
Nghệ thuật có tính tương đối, 1 tác phẩm sinh ra vừa mắt người này nhưng lại gai mắt người khác. Bình dân hay thượng lưu cũng có con mắt nhìn riêng, sao lại nói con mắt bình dân như vậy? Chẳng lẽ nhìn một bức tranh mà mình thấy ko đẹp thì phải a dua theo người khác bảo nó đẹp à?
...xem tiếp
14:29Sunday,31.7.2016Đăng bởi: Linh Chi
Nghệ thuật có tính tương đối, 1 tác phẩm sinh ra vừa mắt người này nhưng lại gai mắt người khác. Bình dân hay thượng lưu cũng có con mắt nhìn riêng, sao lại nói con mắt bình dân như vậy? Chẳng lẽ nhìn một bức tranh mà mình thấy ko đẹp thì phải a dua theo người khác bảo nó đẹp à?
14:36Friday,31.5.2013Đăng bởi: DOÃN DOÃN
tôi nghĩ thế này: người có chuyên môn nghệ thuật không được quên chức năng "định hướng" cho người dân! ...xem tiếp
14:36Friday,31.5.2013Đăng bởi: DOÃN DOÃN
tôi nghĩ thế này: người có chuyên môn nghệ thuật không được quên chức năng "định hướng" cho người dân!
Nghệ thuật có tính tương đối, 1 tác phẩm sinh ra vừa mắt người này nhưng lại gai mắt người khác. Bình dân hay thượng lưu cũng có con mắt nhìn riêng, sao lại nói con mắt bình dân như vậy? Chẳng lẽ nhìn một bức tranh mà mình thấy ko đẹp thì phải a dua theo người khác bảo nó đẹp à?
...xem tiếp