Gẫm & Bình

Đủ vui để tiếp tục 11. 06. 11 - 3:46 pm

Thông tin từ OM studio

(SOI: Trong khai mạc triển lãm IM tại OM studio, một luật được đưa ra: không giải thích về tác phẩm, để mặc cho sự tưởng tượng, óc suy luận của người xem làm việc.
Và đến hôm nay mới có “đáp áp”.
Cảm ơn họa sĩ Đỗ Hiệp đã gửi giúp bản tổng kết thú vị này. Xin giới thiệu cùng các bạn).

 


IM
NGHỆ THUẬT CHO NHỮNG KẺ ĐỦ ĐIÊN

Trình diễn, video, hội họa, âm nhạc, sắp đặt
Khai mạc: 19h ngày 24. 5. 2011
Hội thảo: 19h ngày 25. 5. 2011
Triển lãm diễn ra từ ngày 24. 5 đén ngày 24. 6. 2011
OM-studio
Cảng Cống Thôn, thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội

 

Dù địa điểm diễn ra triển lãm cách trung tâm Hà Nội 11km nhưng sự tham gia đông đảo của khán giả trong đêm khai mạc triển lãm vừa qua và những ngày mở cửa triển lãm tiếp theo đã phần nào cho thấy công chúng yêu nghệ thuật ngày nay không ngại đi xa lắm, nếu những sáng tạo của nghệ sĩ đủ sức hấp dẫn họ. Sự quan tâm cổ vũ của công chúng cũng như báo chí đến buổi Triển lãm đã giúp chúng tôi – những người làm chương trình – Đủ vui để tiếp tục!

*

Đỗ Thế Cường – “Kẻ hóng hớt”

1. Tác phẩm video: HÌNH THỨC CỦA BIỂU HIỆN

Ý tưởng với nhiều những không gian, bối cảnh khác nhau trên một hành vi gần như không thay đổi. “Gồng rất có lợi cho sức khỏe và ngược lại”,  là cách mà anh đã nói về tác phẩm video kết hợp với trình diễn của mình – một sự sống trải rộng, những con người đang phải gồng mình đấu tranh cho sinh tồn.

Video Art của Đỗ Thế Cường

2. Tác phẩm sắp đặt: KÝ ỨC VỀ CÁI CHẾT

Toàn bộ nhận thức của con người chẳng qua chỉ là làm sao để vượt qua sự sợ hãi, nhưng thực tế sự sợ hãi lại cần thiết phải tồn tại trong con người để minh chứng cho sự vượt qua đó. Tác phẩm Ký ức về cái chết sử dụng chất liệu tự nhiên là những con đỉa, anh dường như muốn đi sâu vào bản chất của sự sống, đề cao những giá trị chưa từng được tôn vinh. Nhìn sâu vào bên trong nỗi sợ hãi theo cách riêng của mình, Đỗ Thế Cường chứng minh: “Sợ hãi rất có lợi cho sự hèn nhát và ngược lại”.

Đỗ Thế Cường với tác phẩm của anh "Ký ức về cái chết"

 

Nguyễn Đức Lợi – “ Kẻ trống rỗng”

Tác phẩm: TRỐNG RỖNG
Thể loại: tranh

Sinh ra và lớn lên tại một làng quê trước kia là ngoại thành Hà Nội, nay đã thành phố xá. Sự thay đổi chóng mặt cả về đạo đức, văn hóa, lẫn kinh tế mà anh chứng kiến trên quê hương đã biến thành nỗi ám ảnh trong Trống rỗng, thể hiện bằng sự đan xen giữa cái đã mất, cái đang dần bị phá hủy và những gì đã và đang được dựng lên. Tác phẩm của anh giằng co bởi nhiều không gian chồng chéo, cảm giác ngột ngạt, bức bối; nhưng vẫn thoáng một nỗi buồn, như ký ức tuổi thơ bị đánh mất, như sự mơ mộng vẫn tồn tại, sống động vô hình trong thế giới bất toàn. Cũng bởi màu sắc “mơ mộng” này mà tranh của anh được chính đồng nghiệp “phán”: Lãng mạn thế!

"Trống rỗng" của Nguyễn Đức Lợi

 

Trần Đức Đủ  – “Kẻ băng chuyền”

Tác phẩm: CHUYỂN ĐỘNG THỰC TRONG KHÔG GIAN THỰC
Thể loại: tranh chuyển động

Một tác phẩm hội họa không thể cứ tĩnh lặng bất động trên bức tường để chờ đợi người xem, ngược lại, người xem chờ đợi được chiêm ngưỡng một bức tranh đang chuyển động. Ý tưởng mới mẻ này đã đưa Trần Đức Đủ đến với một sáng tạo độc đáo – sự chuyển động của hai ròng rọc nối hai đầu của một bức tranh khiến mọi thứ trên bức tranh được hiện dần ra trước mắt khán giả như thể  họ đang nhìn vào một cái băng chuyền. Hai chiếc ghế nhỏ được đặt đối diện với tác phẩm như cách bày trí một không gian nội thất, khi ngồi tạo ra tiếng “bíp” tạo những cảm xúc mới lạ, thú vị.

Thông minh và chơi đùa, nhưng anh dường như lại là một nghệ sĩ nhiều suy tư, nghiêm túc đến mức kỹ tính, kỹ tính quá hóa cẩu thả. Luôn luôn thách thức bản thân vượt qua những giới hạn của sự cũ mòn bằng những thực hành để tạo ra những giá trị mới, nhưng anh vẫn cho rằng, chẳng lý gì phải căng thẳng!

"Chuyển động thực trong không gian thực" của Trần Đức Đủ

 

Nguyễn Đức Phương –  “Kẻ mênh mông”

Tác phẩm: BÚP PHÊ
Thể loại: sắp đặt

Sinh ra trong một gia đình làm giò truyền thống nổi tiếng nhưng bản thân lại là một nghệ sĩ. Tác phẩm của anh chính là những con lợn được đúc bằng giò, sắp xếp luôn thành bàn tiệc khai mạc triển lãm với một tấm rèm hồng, một bức tranh vẽ một con lợn hồng. Màu sắc “ngon mắt” này dường như không chỉ được dùng với dụng tâm tăng thêm sự ngon miệng của thực khách. Tính dí dỏm của tác phẩm như chính tính cách của anh. Hãy thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật không chỉ bằng mắt mà hơn thế, bằng cái dạ dày!

"Búp phê" của Nguyễn Đức Phương

 

Nguyễn Hồng Phương –  “Kẻ có lỗi”

Tác phẩm: LỞI XIN LỖI
Thể loại: sắp đặt

Sử dụng chất liệu bảng đen học sinh cắm trên một hố than rộng, tác phẩm của Nguyễn Hồng Phương là một minh chứng khá hùng hồn đối với những vấn đề đã, đang và vẫn trở nên bức thiết trong giáo dục, không chỉ là vấn đề của trẻ em mà còn là vấn đề của cả người lớn. Hàng trăm những tấm bảng “em xin lỗi lần sau em không như thế nữa”, tại sao phải học xin lỗi nhiều đến thế?  Như cách anh nói: “Tất cả là tại điểm không”.

"Lời xin lỗi", Nguyễn Hồng Phương

 

Nguyễn Song  – “Kẻ lún”

Tác phẩm: LÚN
Thể loại: sắp đặt

Một ngôi nhà bị lún chét đầy than. Căng thẳng hơn trong tư duy cũng như cảm giác, tác phẩm của anh hướng người xem vào một cái nhìn tưởng chừng như nặng nề và mang tính cá nhân nhiều hơn. Nhưng thực tế khi tìm hiểu và quan sát kỹ vào tác phẩm này thì lại thấy ngôi nhà thực sự tạo nên một chuyển điệu nhịp nhàng  với mái và những bức tường không vuông vức, gợi mở tư duy về không gian tới việc hãy tưởng tượng cái phần lún đã mất dưới lớp đất kia thế nào. Ở phần lún đó có thể là những mất mát cá nhân hay rộng hơn là những mất mát lịch sử, văn hóa, truyền thống… Và thậm chí không gì cả.

"Lún" của Nguyễn Song

 

Đỗ Hiệp – “Kẻ theo gió”

Tác phẩm: SỐNG VUI
Thể loại: sắp đặt

Đưa quan điểm “quân tử” của Nho Giáo như một thứ bất hợp thời kết hợp với chất liệu bóng bay, giày hàng mã (thời trang giày dép duy nhất không phân biệt chiếc trái, chiếc phải) dành cho Âm phủ. Những quả bóng bay nhiều màu sắc khi thổi có thể uốn thành nhiều hình dạng khác nhau, bằng cách đó như gợi ý về những con người với nhiều trạng thái tâm lý khác nhau. Nhưng sẽ thú vị hơn nhiều, nếu được biết đến cách mà anh thổi những quả bóng chậm rãi, khoan thai đến thế nào, cũng như cách mà những quả bóng sẽ xịt và từng tiếng “bộp” của nó. Đúng là cái gì rồi cũng qua, như kiểu mà anh nói về tác phẩm của mình: “Ừ, thì một lần quân tử nên đong đưa cùng nàng gió”. Một tác phẩm thực sự chỉ tốn… một chút hơi, nhưng ý nghĩa thì… vô cùng.

"Sống vui" của Đỗ Hiệp

 

Nguyễn Hồng Sơn  – “Kẻ làm vua”

Tác phẩm: NHỮNG VUA
Thể loại: sắp đặt

Nguyễn Hồng Sơn muốn trở thành một vị vua theo cách của riêng mình – không kín đáo mà hớ hênh, không khôn ngoan mà ngờ nghệch, không tỉ mỉ chau chuốt mà đơn giản, thậm chí sơ sài. Như cách anh nói: “Làm nhiều vua, nhiều vua, cái gì cũng là vua”, chỉ đơn giản vậy!  Không có giá trị nào có thể tồn tại mãi, nó sẽ phải nhường chỗ cho những giá trị khác cả về mặt tinh thần lẫn hình thức. Nhưng điều này không có nghĩa nó thực sự cần phải mất đi mà thậm chí thay vào đó nó có thể trở nên mới mẻ bằng việc kết hợp với những thứ mang tính thời đại hơn. Những vật dụng bình thường như cái bô, đôi giày, máy vi tính, mũ bảo hiểm… cũng có thể trở thành những thứ đầy quyền uy. Thị hiếu thẩm mỹ luôn thay đổi, những tác phẩm thực sự sâu sắc thậm chí có thể đi rất xa, đôi khi lại bóng bẩy, lộng lẫy và đơn giản đến mức tưởng chừng như hời hơt, trêu đùa, như một trò chơi còn tiếp diễn. Với tác phẩm này, Nguyễn Hồng Sơn muốn đối nghịch lại với những quan điểm hàn lâm đã trở nên già nua, ngớ ngẩn đến nhàm chán chỉ được nhìn thấy từ đôi mắt tối sầm và cái nhìn đầy nghiêm trọng. “Lịch sử đã chứng minh thế! Nhờ cả vào thị trường!” – anh khẳng định.

 

Màn trình diễn “Những vua” của Nguyễn Hồng Sơn

 

Ngô Thanh Bắc – “Kẻ đúc”

Tác phẩm: NHẸ TÊNH
Thể loại: sắp đặt

Mặc dù có thời gian làm tác phẩm dưới sự dìu dắt của một nghệ sĩ đàn anh đầy toan tính, cùng đám bạn bị ảnh hưởng bởi lối nghệ thuật trình diễn kiểu Nhật đầy căng thẳng pha chút màu “huyền và bí”, Ngô Thanh Bắc bỗng dưng lại tìm được “cái giảm sóc” của mình. Về hình thức, tác phẩm vẫn phần nào mang tính đông cứng  mà anh đã bị ảnh hưởng như đã nói trên; nhưng ý niệm mà anh đưa ra thì lại thực sự “nhẹ tênh” như cách mà anh đặt tên cho tác phẩm của mình. Anh nói: “Tôi đi tìm cái giảm sóc của tôi”.  Nghệ thuật thực sự đến khi “nhẹ tênh”, sao căng thẳng thế!

"Nhẹ tênh" của Ngô Thanh Bắc

 

Phạm Thu Thủy – “Kẻ nhút nhát”

Tác phẩm : … “TĨNH”… “LẶNG”
Thể loại: sắp đặt, trình diễn

Trái ngược với một số  nữ nghệ sĩ trình diễn có thể dễ dàng nude và nhảy múa, Phạm Thu Thủy kín đáo hơn nhiều. Cô hướng sâu vào nội tâm, cố gắng đơn giản hết mức về hình thức, tập trung khai thác những trạng thái tâm lý, những ám ảnh của một cô gái dường như đã phải trải qua khá nhiều những áp lực… Khi tác phẩm trình diễn kết thúc, trông nó có vẻ như hiện trường của một vụ tự vẫn, nhưng thực tế cô đã nằm đó bất động trong buổi khai mạc, đôi mắt vẫn mở nhìn như quan sát… Cô nói về tác phẩm của mình bằng một câu hỏi: “…“Tĩnh”… có “tĩnh” thật không? “Lặng”… có “lặng” thật không?…

Phạm Thu Thủy với sắp đặt và trình diễn có tên … “Tĩnh”… “Lặng”…

 

Nguyễn Xuân Hoàng  –  “Kẻ ngược”

Tác phẩm: YÊU CÁI ĐẸP ĐỪNG YÊU NƯỚC
Thể loại: tranh sắp đặt

Nếu thế giới không bị phân chia bởi biên giới, khi đó sẽ không có quốc gia. Không có quốc gia sẽ không có tinh thần yêu nước, không có tinh thần yêu nước sẽ không có chiến tranh, không có những kẻ lạm dụng điều đó để tranh chấp biên giới, mở rộng lãnh thổ của quốc gia mình. Một nước lớn sẽ làm hại những nước nhỏ bởi tinh thần tự tôn dân tộc của nó. Vậy hãy yêu cái đẹp, đừng yêu nước. Cái đẹp rộng hơn, lòng người rộng hơn một quốc gia nhiều. Đó là thông điệp mà anh muốn nhắn gửi qua tác phẩm của mình.

Sắp đặt “Yêu cái đẹp đừng yêu nước” của Nguyễn Xuân Hoàng

 

Trần Đình Bình – “Kẻ bóng”

Tác phẩm: NHỮNG CÁI BÓNG
Thể loại: sắp đặt

Những tưởng tác phẩm của anh sẽ nói về những cái bóng, giống như cách mà  một số nghệ sĩ đã làm: vẽ bóng, đập bóng, tạo bóng, phủ bóng… Bình có một tư duy khác hẳn: những cái bóng đã tồn tại, cái đèn gắn trên cột điện không có trách nhiệm tạo ra cái bóng, cái bóng  tự nó không chờ đợi sự xuất hiện của bóng đèn. Có người hỏi “Sao không thấy bóng?”. Điều đó là thừa, giống như hỏi “Sao không thấy giấc mơ?”. Như cách anh nói về tác phẩm của mình: “Đôi khi trong những giấc mơ chúng ta thường mơ mình biến thành con người khác đẹp hơn, hoàn thiện hơn… hoặc xấu xa hơn

"Những cái bóng" của Trần Đình Bình

 

Nguyễn Minh Nam – “Kẻ gì cũng được”

Tác phẩm: NHỮNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG TRẠNG THÁI THẤT NGHIỆP LÊN THÀNH PHỐ TÌM VIỆC LÀM
Thể loại: tranh

Có lẽ anh cũng giống như nhiều nghệ sĩ khác, ở quê ra thành phố. Mưu sinh và nghệ thuật, những trăn trở ban đầu phần nhiều mang tính cá nhân dần dần lại trở nên xích lại gần với những con người xuất thân trong bối cảnh làng quê như mình, ở đây là chính những người nông dân. Từ sự đồng cảm đó, anh tạo dựng một loạt những bức chân dung tự họa, vẽ mình như những người nông dân nên thành phố tìm việc làm, những bức chân dung như bật ra ngoài bức tranh trong cùng một mong muốn: Mưu sinh!

Tác phẩm của Nguyễn Minh Nam

 

Võ Ngọc Huế – “Kẻ sách vở”

Tác phẩm: THÁP RỖNG
Thể loại: sắp đặt

Với chị, mục đích của con người đa phần giống như một cái tháp, càng lên cao, lối đi càng hẹp nhưng tầm nhìn thì càng rộng mở, bao quát hơn. Kiến thức, văn hóa, hay những tham vọng cá nhân… đều vậy cả. Nhưng cái gì rồi cũng đến lúc sụp đổ, chỉ có thời gian mới trả lời được. Huế đã bất ngờ đạp đổ cái tháp sách mà chị đã phải công phu xây dựng nó như là chính chị cũng chán ngấy cái tháp đó vì nó chỉ cao có 2m.

Như cách chị nói: “Tôi đã phấn đấu rất nhiều năm để cố xây dựng cho mình một cái tháp. Dựa trên hệ tư tưởng chuẩn của gia đình. Đó cũng là tư tưởng chung của xã hội này, nhưng liệu nó có phù hợp với năng lực bản thân của mỗi cá nhân hay không? Liệu tôi có đủ kiên nhẫn, đủ niềm tin để đi đến cuối đường? Và quan trọng hơn, chặng đường đó, đâu sẽ là bến bờ???… Sau nhiều năm phải dấn thân, trải nghiệm với hiện thực cuộc sống, thế giới quan trong tôi đã thay đổi, sự hiểu biết của tôi cũng thay đổi. Tôi thấy rằng: Sự phấn đấu rất nhiều năm đó của tôi kết quả chỉ là“Tháp rỗng”. Tôi nhận ra: Nhận thức là điều đặc biệt đối với mỗi người”.

"Tháp rỗng" của Võ Ngọc Huế

 

Phạm Hoài Anh – “Kẻ khởi nguyên”

Tác phẩm: KHỞI NGUYÊN
Thể loại: sắp đặt, âm nhạc

Dán một tờ giấy trắng lớn, bịt kín cửa phòng triển lãm, chơi nhạc trong đó cùng với hai nghệ sĩ khác là Nguyễn Văn Thao (Thao NoK) và Nguyễn Minh Nam, đợi khán giả phá cửa vào, anh muốn tạo ra một cảm giác tò mò, chờ đợi từ người xem. Một tác phẩm có thể nói là đơn giản nhất về hình thức lại trở thành một phần không thể thiếu cho phần trình diễn chung của các nghệ sĩ tham gia mang tên Xin lỗi vì im.

Màn trình diễn của Phạm Hoài Anh, Nguyễn Văn Thao (Thao NoK) và Nguyễn Minh Nam

Ngoài ra còn hai nghệ sĩ Lê Anh Hoài và Lê Nguyên Mạnh đã ngẫu hứng tham gia thực hiện một tác phẩm trình diễn ngoài trời với máy súc và xe tải. Có thể tìm hiểu thông tin về ý tưởng tác phẩm của 2 nghệ sĩ này qua một bài báo được viết riêng về họ trên mạng.

Lê Nguyên Mạnh, Lê Anh Hoài (xanh) bắt đầu diễn tác phẩm "Sự hủy diệt vô hình"

*

Toàn cảnh khai mạc triển lãm:

Khai mạc triển lãm

.

 

*

Bài liên quan:

– Sẽ là nghệ thuật đủ điên chứ?
– Chiều nay: Ai sẽ IM tại OM?

– IM: Chưa cần bàn về nghệ thuật, chỉ biết vui ơi là vui!
– IM: Chưa cần bàn về nghệ thuật, chỉ biết vui ơi là vui! (phần 2)
– Thế mà lại hay: IM đi mà xem nhé!
– Lại tiếp tục OM và IM nào

– Đủ vui để tiếp tục

– Chúc mừng! Chỉ hơi tiếc một tí…

Ý kiến - Thảo luận

17:54 Saturday,11.6.2011 Đăng bởi:  việt sai gòn
Chúc mừng! Nhưng hơi tiếc một điều…

Lâu lắm rồi tôi mới được xem một triển lãm thú vị như này xuất hiện ở Hà Nội, ít ra thì các nghệ sĩ này đã có cách suy nghĩ khác biệt. Khác ở đây là so với thế hệ nghệ sĩ trước về cách thể hiện không cố gắng để tỏ ra một sự cách biệt đầy ngạo nghễ và hơi hướm của những kẻ khệnh khạng, và theo cá nhân t
...xem tiếp
17:54 Saturday,11.6.2011 Đăng bởi:  việt sai gòn
Chúc mừng! Nhưng hơi tiếc một điều…

Lâu lắm rồi tôi mới được xem một triển lãm thú vị như này xuất hiện ở Hà Nội, ít ra thì các nghệ sĩ này đã có cách suy nghĩ khác biệt. Khác ở đây là so với thế hệ nghệ sĩ trước về cách thể hiện không cố gắng để tỏ ra một sự cách biệt đầy ngạo nghễ và hơi hướm của những kẻ khệnh khạng, và theo cá nhân tôi thấy, cái mùi của đời sống trong tác phẩm của họ và cũng khác rất xa với những triển lãm ồn ào náo nhiệt phô trương nhưng chẳng có ý nghĩa gì của một số đàn anh. Họ là những họa sĩ trẻ thể hiện những cái nhìn rất tiến bộ, kể cả về cách tiếp cận ý tưởng lẫn sự thể hiện, họ không cố tình tạo ra một sân khấu để diễn trò mua vui, họ không cố tình làm sao đó để câu khách mua bán,cũng như không muốn chứng minh cho thiên hạ biết ta đây là ai, mà họ bằng một cách nào đó có gì dùng nấy nỗ lực để gắn kết và làm việc cùng nhau, và đơn giản họ chỉ là cầu nối giữa cuộc sống và nghệ thuật, chỉ là sự phản ánh đời sông qua lăng kính gần gũi đời thường.

Nhưng tiếc một điều, trong triển lãm này, sự sắp xếp về đề tài hoặc là tên của cuộc triển lãm chưa được thuyết phục cho lắm, và có rất nhiều sự mâu thuẫn với tên của đề tài, và cách diễn giải của các tác giả, tôi có thể hiểu đó là cách chơi chữ của các bạn, nhưng cách chơi chữ đó với tác phẩm lại chẳng có gì ăn nhập nhau, và thậm chí lại phá hỏng đi ý nghĩa tác phẩm của các bạn, (trong khi có rất nhiều cách đặt vấn đề của tác phẩm rất hay).

Theo tôi không cần thiết phải tạo ra câu kiểu như kẻ đủ điên...rất mơ hồ như thế nào là điên? Điên với ai? Trong hoàn cảnh nào? Đã vậy lại còn im? Rồi tạo ra cách không lý giải rồi lại lý giải rất nhiều… Tôi nghĩ đây chỉ là cách làm cho mọi việc trở nên rắc rối, nếu tham dự những biennale lớn bạn sẽ thấy có rất nhiều những tác phẩm và dự án rất điên rồ nhưng họ vẫn phải ghi tờ giấy diễn giải chỉ dẫn rất rõ ràng; cái ma thuật của tác phẩm nằm ở chỗ thống nhất về cách làm việc để tạo ra vô vàn ý nghĩa chứ không phải ở chỗ rắc rối!

có lẽ các bạn đã hiểu lầm giữa nghệ thuật ý niệm và trò chơi trốn tìm! Tôi nghĩ tất cả những điều đó không làm cho triển lãm trở nên tốt hơn, cách đó làm tôi nhớ lại một tác phẩm mà tôi xem ở hội mỹ thuật thành phố HCM. Tác phẩm có tên là HÀNH LẠC, tác giả để một cái hộp màu đen và ghi chữ mở ra xem cảnh hành lạc... và lúc khán giả mở ra thì trong đó có một củ hành và mấy củ lạc mà trong Nam gọi là đậu phộng.... Màn đó được báo chí gọi là tác phẩm sắp đặt. Lúc đó tôi tự hỏi, mấy bác họa sĩ bên Hội nghĩ đây là sắp đặt sao? Hèn gì…! Họ chỉ coi mấy thằng nghệ sĩ làm cái trò sắp đặt là giống như trẻ con nghich ngợm!

Nhưng cũng như mở đầu đã nói, tôi rất thích triển lãm này, và cũng nghĩ rằng đây là lần đầu tiên làm một dự án như thế này nên thể nào cũng có những sai sót nhỏ, hoặc chưa thống nhất. Tôi tin chắc trong tương lai họ sẽ có những sự chuẩn bị chặt chẽ hơn.

Chúc thành công!
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Về một cách nhìn nghệ thuật!

Một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả