Gẫm & Bình

Tranh tượng ô-sin-sĩ chế
có giá trị không? 06. 09. 11 - 7:32 am

Stan Sesser – Lê Quảng Hàm phỏng dịch

 

.

Với vòng quay của thị trường và áp lực “chế sản” nghệ phẩm ngày càng cao, các nghệ sĩ “bán chạy” đã và đang đua nhau thuê mướn ô-sin-sĩ (trợ lý nghệ thuật?) trong “sáng tạo nghệ thuật”.

Vậy thì ai mới là tác giả thực sự của những “kiệt tác” đây?

 

Thị trường nghệ thuật đương đại

Một hiện tượng hiếm khi được thảo luận trong thế giới nghệ thuật: Tác phẩm mới vừa được treo lên trên tường của gallery kia có nhất thiết phải được vẽ bởi chính người nghệ sĩ đã ký tên vào nó hay không?

Tờ The Wall Street Journal mới đây đã viết trắng phớ lên mặt báo những gì thế giới nghệ thuật thường xì xào – ra chiều bí hiểm: có nhiều nghệ sĩ đương đại, cả trẻ lẫn già, chỉ thích thuê ô-sin-sĩ (tiếng Anh gọi là “artist assistant”) vẽ thay cho họ.

Tsong Pu (Đài Loan), "Sợi trắng trên nền xám ', 1983, chất liệu tổng hợp, 194 x 130 cm. Để “nỗ lực học hỏi” phương pháp làm việc của nghề thêu truyền thống Trung Quốc, Pu đã đề nghị hàng xóm láng giềng và người nhà phụ giúp để hoàn thành tác phẩm này.

 

Ô-sin-sĩ: có cần thiết không?

Ai cũng biết, các nghệ sĩ tên tuổi như Ai WeiweiTakashi Murakami đều mướn nhiều trợ lý và sinh viên học nghề trong việc “sản xuất” các nghệ phẩm “trứ danh” của họ, mà các nghệ phẩm đó vẫn đắt như tôm tươi. Liệu các họa sĩ trẻ đang nổi dần có nên áp dụng “ngón nghề” này của các bậc đàn anh không?

Bản thân nội bộ những người hoạt động trong thị trường nghệ thuật cho rằng giá cả cùng với nhu cầu nghệ thuật đương đại tăng cao là lý do chính thúc đẩy nghệ sĩ ngày càng hay sử dụng trợ lý hơn. Trong khi nhiều người sưu tập và các thương gia coi trọng những bức tranh và tác phẩm điêu khắc được chính tay nghệ sĩ thể hiện, thì nhiều người khác lại cho rằng tác phẩm do trợ lý làm cũng là nhu cầu (mua được – bán chạy) thực sự trong thị trường nghệ thuật đương đại.

Hạt hướng dương, Ai Weiwei (2010). Mỗi hạt đều do được làm bằng tay, toàn bộ các hạt hướng được làm thủ công với sự trợ giúp của trên 1600 nghệ nhân bàn tay vàng.

 

Một số nghệ sĩ nổi tiếng khác, chẳng hạn như Damien Hirst và Jeff Koons, từ lâu đã công khai sử dụng đội quân ô-sin-sĩ để làm tranh tượng cho mình. Nhiều người khác tuy không nói thẳng ra nhưng vẫn ngấm ngầm thuê mướn ô-sin-sĩ trợ giúp – các “trợ lý nghệ thuật” này có thể làm việc tại gia (nhận “hợp đồng gia công” và tự làm việc ở nhà) hay “đi làm” công nhật ở xưởng vẽ của họa sĩ hàng ngày.

Jeff Koons, 56 tuổi, một trong những nghệ sĩ “hot” nhất thế giới đương đại, người đã kết hôn [được] với một trong những nữ ô-sin-sĩ của mình – (tuyệt vời chưa!) – tuyên bố: “Người ta quan niệm sai lầm rằng tôi sản xuất tác phẩm như một cái máy,” và ông nói thêm: “Tôi đã trăn trở hàng năm trời cho tất cả mọi thứ, (từ phác thảo tới kế hoạch giao cho các trợ lý nghệ thuật rồi điều hành xưởng gia công thế nào), trước khi bắt tay vào việc sản xuất nó.” Jeff Koons không ngại khoe rằng ông có tới hơn 150 “nhân viên trong biên chế”, còn bản thân ông không bao giờ cầm đến một cây cọ. “Nếu tự vẽ, thậm chí tôi không thể hoàn thành được mỗi năm một bức”, ông nói. Mỗi năm, trung bình xưởng vẽ của Koons xuất xưởng 10 bức tranh cỡ lớn và 10 tác phẩm điêu khắc. Trong mấy năm gần đây, có sáu tác phẩm “của ông” cung cấp cho các sàn đấu giá và đã bán được với giá từ 11 triệu đến 25 triệu đô-la.

 

Tác phẩm của Jeff Koons

Ô-sin-sĩ: không phải là khái niệm mới

Adam Sheffer, một đối tác của gallery Cheim&Read ở New York, sau khi cố gắng tìm hiểu thông tin để tìm ra câu trả lời cho hiện tượng “họa sĩ say mê ô-sin-sĩ” này, đã rút ra kết luận rằng: ngày nay có nhiều nghệ sĩ muốn tuyển chọn các trợ lý trong nỗ lực đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng về tác phẩm nghệ thuật đương đại, nhưng thực ra từ lâu lắm rồi “ngón nghề” này đã được nhiều đại cao thủ thi triển hiệu nghiệm.

Nhưng việc “gia công” nghệ phẩm – một cách “tiếp cận sáng tạo” mới – có thể tạo ra được những sản phẩm nghệ thuật đích thực không? Và có thực sự một nhu cầu mới về thị trường nhân công ô-sin-sĩ không? Cũng theo The Wall Street Journal, ngày trước chính Michelangelo, Rembrandt và Rubens đã sử dụng rất nhiều trợ thủ trong xưởng vẽ của họ, còn nghệ sĩ Pop hàng đầu Andy Warhol trong những năm 1960 cũng có vô cùng nhiều ô-sin-sĩ giúp việc cho ông.

Andy Warhol trong xưởng vẽ. Các “thợ vẽ” (art-worker) giúp ông chuẩn bị lưới in và phối hợp với nhau thành dây chuyền để in các tác phẩm “của Warhol”.

Sol LeWitt từng thiết kế nhiều phác thảo ngay trước khi ông qua đời, năm 2007. Tất cả các bản vẽ của Sol LeWitt đều có kèm kế hoạch thực hiện chi tiết và đường lối sử dụng các kiến trúc sư và trợ lý. Tuy nhiên, trong bảo tàng, người ta cũng đã lưu ý rõ ràng rằng: “bức tranh đã được thực hiện bởi những người khác theo hướng dẫn chi tiết của nghệ sĩ”.

Đối với một số nghệ sĩ, thuê trợ lý có thể là một sai lầm nguy hiểm. Đầu năm nay, PACE, một gallery hàng đầu ở New York, đã từ chối một số tác phẩm điêu khắc của lão điêu khắc gia 84 tuổi John Chamberlain, bởi vì các tác phẩm đó đã được thực hiện bởi một thợ người Bỉ dưới sự giám sát của Chamberlain chứ không phải do đích thân nhà điêu khắc ra tay. Trong khi nhiều nhà điêu khắc phụ thuộc vào người ngoài để chế tác công trình nghệ thuật cho mình, Chamberlain vẫn luôn xây dựng sự nghiệp của mình bằng chính sức vóc cá nhân cho đến khi tuổi già xộc đến. Ngày trước, ông vẫn tự tay xoắn vặn và hàn ghép các tác phẩm bằng kim loại của mình. Theo Chamberlain cho biết: các trợ lý chỉ làm việc khi có hướng dẫn tận nơi của ông, vì vậy ông luôn duy trì được sự kiểm soát công việc sáng tạo, ở tất cả mọi khâu.

 

Một tác phẩm của John Chamberlain

Nhà sưu tập muốn gì?

Sở thích của nhà sưu tập vẫn là các tác phẩm do chính tay nghệ sĩ làm ra.

Beth Rudin DeWoody, một nhà sưu tập lớn về nghệ thuật đương đại, hiện đang sống ở Florida đồng ý: “Một trong những lý do tôi thích mua các tranh ký họa là vì chúng thường được chính tay các nghệ sĩ vẽ ra“, bà nói. “Tôi biết rằng ngay các nghệ sĩ trẻ sức vóc như thế mà vẫn thích sử dụng trợ lý. Tôi hiểu họ cần sự giúp đỡ – một khi công việc là phức tạp – nhưng sự thật là tôi trân trọng hơn nếu các nghệ sĩ tự mình sáng tạo“. Dù thế, bà cho biết mỗi khi mua được một tác phẩm, bà chưa bao giờ hỏi một nghệ sĩ xem liệu anh/chị ta có mướn trợ lý để thực hiện tác phẩm đó hay không.

Theo lời vợ chồng sưu tập gia Michael Hort chuyên gia sưu tập nghệ thuật đương đại, việc sử dụng các trợ lý là một kiểu “chơi bẩn”, đối phó gian trá. “Chúng tôi muốn nhìn thấy dấu vết bàn tay của nghệ sĩ trong tác phẩm mà chúng tôi mua, mặc dù không phải lúc nào chúng tôi cũng biết chắc chắn rằng đó có là tác phẩm ‘xịn’ hay không,” ông Hort nói. Ông nói rằng ông đánh giá cao các “tì vết” nhỏ trong những nét vẽ của một nghệ sĩ, còn khi trông thấy một tác phẩm “quá hoàn hảo”, quá chỉn chu, ông lại đâm ra nghi ngờ chúng đã có bàn tay của các trợ lý nhúng vào. Nói về vấn đề này, ông Hort nhớ lại: Có một lần, trong khi tới thăm xưởng vẽ của một trong những họa sĩ vợ chồng ông vẫn thường sưu tầm tác phẩm, tay họa sĩ này mời hai vợ chồng ông đi ăn trưa, trong khi đó tại xưởng, mấy người trợ lý bí mật “tranh thủ lao động”. Quay về xưởng, trông thấy bức tranh đã được tút tát, được “đẩy lên” rất nhiều, vợ chồng ông rất thất vọng. Từ đó, họ không bao giờ mua bất cứ tác phẩm nào của tay họa sĩ này nữa.

 

Angela de la Cruz/Lisson Gallery. Angela de la Cruz sau khi bị đột quy đã nhờ trợ lý thực hiện các công trình như “Super Clutter XXL”

 

Các nhà buôn nghệ thuật dường như đều đồng ý rằng: ít nhất đối với hội họa, điều quan trọng là tác phẩm phải được chính tay họa sĩ vẽ. Còn với những tác phẩm sử dụng chất liệu mới, chất liệu tổng hợp hoặc các công nghệ đa phương tiện, hay các tác phẩm điêu khắc, nhiếp ảnh, thì đó lại là câu chuyện khác.

Các nhà sưu tập cũng cho rằng việc sử dụng trợ lý trong các lĩnh vực như nghệ thuật khái niệm và video-art có thể chấp nhận được, bởi vì đối với những “bộ môn” đó, ý tưởng – chứ không phải việc thực hiện – mới là chìa khóa làm nên giá trị tác phẩm.

Theo ý kiến của các nghệ sĩ có sử dụng ô-sin-sĩ trong hoạt động “sáng tác”, điều quan trọng đối với họ là khả năng kiểm soát chung – hay kinh nghiệm chỉ đạo – để “phối kết hợp” quy trình chế tác của các ô-sin-sĩ, mọi lúc mọi nơi. Nếu làm được như vậy, các nghệ sĩ mướn ô-sin-sĩ lập luận, những tác phẩm “của họ” cuối cùng vẫn oách, vẫn “o-ri-zin”, cho dù họ có tự tay chế tác chúng hay không.

Còn ở châu Á thì…

Những thông tin được công bố trong The Wall Street Journal trên đây chỉ là tập hợp ý kiến từ những sưu tập gia, các doanh nhân và nghệ sĩ Hoa Kỳ là chính. Vậy, câu chuyện này cùng những câu trả lời cho các vấn đề tương tự đối với người sưu tập, các doanh nhân và nghệ sĩ châu Á thì sao đây? Họ có phản đối việc mua bán nghệ phẩm do các ô-sin-sĩ chế tác không?

Và bạn nữa, hỡi công chúng mến yêu nghệ thuật, bạn có chia sẻ và đồng tình với những ý kiến nói trên không?

 

(Nguồn: The Wall Street Journal và Art Radar Jourrnal, Tháng 7, 2011)

Ý kiến - Thảo luận

15:59 Monday,20.8.2012 Đăng bởi:  Trịnh Minh Tiến
Câu trả lời hợp lý và tương đối rõ ràng chắc là đây:
""Các nhà buôn nghệ thuật dường như đều đồng ý rằng: ít nhất đối với hội họa, điều quan trọng là tác phẩm phải được chính tay họa sĩ vẽ. Còn với những tác phẩm sử dụng chất liệu mới, chất liệu tổng hợp hoặc các công nghệ đa phương tiện, hay các tác phẩm điêu khắc, nhiếp ảnh, thì đó lại
...xem tiếp
15:59 Monday,20.8.2012 Đăng bởi:  Trịnh Minh Tiến
Câu trả lời hợp lý và tương đối rõ ràng chắc là đây:
""Các nhà buôn nghệ thuật dường như đều đồng ý rằng: ít nhất đối với hội họa, điều quan trọng là tác phẩm phải được chính tay họa sĩ vẽ. Còn với những tác phẩm sử dụng chất liệu mới, chất liệu tổng hợp hoặc các công nghệ đa phương tiện, hay các tác phẩm điêu khắc, nhiếp ảnh, thì đó lại là câu chuyện khác." 
14:28 Sunday,19.8.2012 Đăng bởi:  le van hai
Những gì mình tự tay làm ra thfi ắt hẳn có giá trị và được công nhận hơn.
...xem tiếp
14:28 Sunday,19.8.2012 Đăng bởi:  le van hai
Những gì mình tự tay làm ra thfi ắt hẳn có giá trị và được công nhận hơn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả