Gẫm & Bình

Đàn bò một con 23. 12. 11 - 10:03 pm

Lê Thiết Cương

 

“Chéo hàng”, 194 x 162cm, sơn dầu, 2011.

 

Đề tài trong nghệ thuật là một khoảng hiện thực. Mỗi nghệ sĩ thường có một đề tài ruột, tức là cái hiện thực cuộc sống mà anh ta thuộc nhất. Nhưng biểu tượng nghệ thuật thì lại không phải như vậy, cho dù cái biểu tượng đó cũng vẫn là trong đời sống mà ra. Biểu tượng có lẽ là sự ám ảnh của tác giả, tại sao anh ấy không “chọn” cái này, vật này, con này mà lại là những cái kia làm biểu tượng nghệ thuật cho mình. Điều này liên quan đến trải nghiệm sống trong quá khứ, có thể rất lâu rồi, liên quan đến những biến cố tinh thần và một loạt những khu vực khác như ký ức, tâm lý. Ám ảnh nghệ thuật thông qua biểu tượng không đến mức bất khả giải nhưng cũng gần như thế.

Với họa sỹ Nguyễn Thế Dung là Con bò. Biểu tượng nghệ thuật của Dung là Con bò.

Dung ám ảnh với con bò.

Con bò là biểu tượng nghệ thuật của Nguyễn Thế Dung có nghĩa là con bò không phải là đích đến, không phải là đối tượng để mô tả mà là phương tiện để Dung bộc lộ, giãi bày thế giới nội tâm của mình.

Cho nên tuy Dung sử dụng bút pháp tả thực, có ánh sáng, có đậm nhạt, diễn khối chính xác kỹ lưỡng nhưng chẳng con bò nào hoàn chỉnh cả, chẳng con nào đầy đủ cả tuy ai cũng nhận ra đó là những con bò. Tất cả những con bò của Dung đều không đầu, thay vào đó, mọc từ đó ra là những bàn tay, tay người. Thế là đã từ thực sang siêu thực, từ có lý sang vô lý. Những đầu bò – bàn tay, xòe ra, ngửa ra, nắm lấy đuôi mình, nắm lấy chân sau của mình, nắm tay nhau. Giằng co, giằng xé, phẫn uất hay nhẫn nhục. Gọi là những con bò cũng được mà gọi là một con bò cũng không sai hay đó là Đàn bò một con? Bởi vì tất cả đều giống nhau, dính với nhau, chồng lên nhau, xếp hàng ngang hay dọc, to dần đều, nhỏ dần đều, đậm dần, nhạt dần. Sự giống nhau và sự vô lý sẽ sinh sự sự sinh, sinh nghĩa thông qua một loạt câu hỏi tại sao. Tại sao lại mình bò đầu tay người? Tại sao lại là những con bò giống hệt như nhau từ tư thế, hình dáng đến màu? Tại sao những con bò cứ dính lấy nhau? Tại sao lại là mình người đầu bò? Tại sao lại im lặng đến bất động như thế?

“Khi đứng một mình”, 145,5 x 112,1cm , sơn dầu, 2011.

 

Cách lập ý kiểu hóa thân như vậy đã là một phương pháp sáng tác, không chỉ với hội họa, không chỉ bây giờ, đông tây xưa nay đều đã có. Tuy mỗi thời mỗi khác, mỗi nghệ sỹ mỗi khác. Họ phải tìm cách hóa giải hoàn cảnh hóa thân theo cách của mình để bật ra được ý nghĩa, một ý nghĩa đặc biệt nào đó mà không hóa thân thì không thể có, thì vô nghĩa.

Hội họa không phải là văn học để tả kể, nó cũng không minh họa cho một ý tưởng văn học nào. Nhưng hội họa hôm nay khác trước, nó không chỉ tập trung vào cái nhu cầu duy mỹ của thị giác, hội họa hôm nay cần phải đưa ra một “câu chuyện”, một “câu hỏi”. Nguyễn Thế Dung đưa ra những câu hỏi. Nếu có thể trả lời được thì cũng chưa chắc đã đúng. Đó chỉ là một cách hiểu, một phần nhỏ của câu trả lời. Những con bò nằm phủ phục trên những bậc thang trải thảm đỏ là một sự tương phản thành thị nông thôn, tương phản giàu nghèo, nghiêm trang và xô bồ. Những anh chàng thời trang công sở, sơ mi kẻ, comple, giày đen bóng giống nhau như đúc, đều mình người đầu bò, mắt mở thao láo. Người là bò, bò là người. Cái xuất xứ gốc nông dân hay là những cái kệch cỡm của những người thành phố thích học cái xấu của nông thôn và ngược lại những người nông dân chỉ ưa cái không hay của thành phố. Cách bố cục xếp đặt, những con bò giống nhau xếp hàng trên một cái nền phẳng không xác định gợi đến cách hiểu về tâm lý bầy đàn đang rất hot trong xã hội hiện nay, từ ăn mặc đến suy nghĩ thậm chí vui, buồn cũng giống nhau. Đua nhau theo mốt, buồn theo mốt, vui cũng theo mốt.

“Chưa nghiêm”, 145,5 x 112,1 cm, sơn dầu, 2011.

 

Xem tranh của những lớp họa sĩ trước thì thấy ngay xấu đẹp, qua tranh người xem sẽ có một cảm giác hân hoan, lạc quan, mơ mộng cũng có thể cảm thấy buồn. Xem tranh của những người trẻ hôm nay xem được lâu hơn, không dễ thấy ngay; tranh hôm nay không quá khắt khe chuyện đẹp xấu, vui buồn. Với những “câu hỏi” trong tranh kiểu như của Nguyễn Thế Dung, người xem được băn khoăn, được đánh thức về một điều gì đó, được tự vấn, được hoang mang, được tự đi tìm lời đáp cho mình.

Nguyễn Thế Dung xuất phát là tả thực nhưng không thuần hội họa mà có pha ngôn ngữ đồ họa ở phần nền nhẵn, phẳng ít chuyển đậm nhạt và phần tạo hình lặp đi lặp lại, lược bỏ chi tiết, bố cục đơn giản. Tiếp theo là sự dịch chuyển qua siêu thực và ít nhiều pop-art. Dung sở hữu một bảng màu không quen thuộc, những màu, những sắc như vọng về từ đâu đó với những tím tái, hồng nhạt, vàng ố, ghi xám gợi đến sự u hoài, trăn trở, tiếc nuối. Đời sống tinh thần của Nguyễn Thế Dung là vậy, hội họa của Dung là như vậy.

2011

“Ước muốn nhỏ”, 162,1 x 130,3cm, sơn dầu, 2011.


“Đến sau”, 162,1 x 130,3cm, sơn dầu, 2011.

*

ĐÀN BÒ MỘT CON
Triển lãm của họa sĩ Nguyễn Thế Dzung

Khai mạc: 17h30 đến 22h vào thứ Bảy, 17. 12. 2011
Từ 17. 12 đến 31. 12. 2011
Cactus ContemporaryArt Gallery
3/13 Quốc Hương, Phường Thảo Điền, Q.2, Tp.HCM

 

*

Bài liên quan:

– 17. 12: “ĐÀN BÒ MỘT CON” của Nguyễn Thế Dzung
– Khai mạc “Đàn bò một con”

– Đàn bò một con

Ý kiến - Thảo luận

13:59 Thursday,29.12.2011 Đăng bởi:  HỒNG SƠN – LẠC M…
Ngôn ngữ tạo hình mạch lạc cũng rất hay.
...xem tiếp
13:59 Thursday,29.12.2011 Đăng bởi:  HỒNG SƠN – LẠC M…
Ngôn ngữ tạo hình mạch lạc cũng rất hay. 
21:38 Monday,26.12.2011 Đăng bởi:  art back
@ Pham Huy Thông : Trả lời thắc mắc của bác. Đã đến xem trực tiếp, hình bán nguyệt đen được tác giả cố ý vẽ trên tranh.
...xem tiếp
21:38 Monday,26.12.2011 Đăng bởi:  art back
@ Pham Huy Thông : Trả lời thắc mắc của bác. Đã đến xem trực tiếp, hình bán nguyệt đen được tác giả cố ý vẽ trên tranh. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hãy bớt trách móc

Họa sĩ VI KIẾN THÀNH

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả