Kiến trúc

Ngày xuân đến thăm nhà họa sỹ 03. 02. 12 - 8:16 am

Bùi Hoài Mai

 

Ngày mùng 4 Tết qua chơi nhà họa sỹ Trần Thành. Họa sỹ đang ngồi giữa một đống tranh vẽ dở dang. Nhìn quanh quất, không thấy tâm điểm của cách bài trí Tết như mọi nhà: nghĩa là chả nhìn thấy cái bàn tiếp khách thường được trải thêm cái khăn giải bàn vào dịp Tết. Cũng không thấy lọ hoa đào hay cây quất thường được bày ở vị trí trung tâm, hay cái khay đựng vài thứ bánh kẹo và mứt Tết. Thế nhưng, bỗng nhận ra hương vị Tết ở mùi hương trầm nhè nhẹ quện với mùi sơn dầu. Không khí Tết có lẽ rõ hơn ở hai đứa trẻ – con của họa sỹ: chúng vui vẻ nhận phong bao lì xì rồi lại tiếp tục ngồi xem hoạt hình trên TV. Nếu không phải Tết, giờ này chúng đã bị la hét kịch liệt và chúi mũi vào đống bài vở. Có lẽ thời nay, tầng lớp vất vả nhất là trẻ em Vệt Nam.

Họa sỹ Trần Thành là lứa họa sỹ tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật cách đây hơn 20 năm. Ra trường, anh gia nhập ngay đội ngũ họa sỹ “ tự do”, nghĩa là chưa một ngày, hay dù chỉ một lần, có ý định bước chân vào một cơ quan nhà nước. Chuyện ấy thì ngày nay quá phổ biến, nhưng vào thập kỷ 1980s thì khó khăn lắm. Trần Thành cũng là một trong những ít họa sỹ cho đến tận bây giờ vẫn mang những tấm toan to đùng, lỉnh kỉnh đồ vẽ lang thang hàng tháng trời, hết lên vùng núi Cao Bằng, Lạng Sơn, hay về các vùng quê Sơn Tây, Phủ Lý để vẽ trực tiếp.

Qua nhà anh chơi, anh à lên một tiếng vui mừng. Chả lời chúc Tết, không lời đưa đón, anh bảo mỗi câu: ngồi đó đợi tàn hương rồi uống rượu, tớ tranh thủ sửa lại bức tranh này chút, nhìn nó bày ra đó mà thấy cái gì chưa ổn nên ngứa mắt.

Trong khi anh lúi húi vẽ thì mình tranh thủ lượn quanh nhà và khám phá từng góc cái “Tết” của nhà họa sỹ. Cái xuân không lộ ra ngay mà ẩn giấu trong từng ngóc ngách của căn nhà này.

Căn phòng lớn nhất được dùng làm nơi vẽ. Tranh bày la liệt - kết quả của những chuyến đi vẽ dài ngày.

Họa sỹ Trần Thành đang sửa lại bức tranh mà anh vừa mang về qua chuyến đi vẽ ở Đồng Hỉ, Thái Nguyên. Anh nói: thường khi đi vẽ thì vẽ thật nhanh, để bắt kịp với cảm xúc của thời điểm và không gian. Khi về nhà, ngôi cân chỉnh lại từng cái để đẩy sâu cho tới khi hoàn thiện. Ấy vậy mà nhiều khi tranh đang gần được, mang về nhà sửa tới sửa lui có khi lại hỏng. Tiếc hùi hụi.

 

Trong khi bố ngồi vẽ, hai đứa trẻ ngồi xem phim hoạt hình.

Năm nay Tết được nghỉ dài, trẻ con thật sung sướng. Chứ giờ này mà ngày thường thì hai đứa đã phải vào bàn học từ lâu rồi chứ đâu được ngồi xem hoạt hình như vậy.

A đây rồi, một góc nhỏ thật là Tết. Cành đào phai được cắm trong một cái lọ cổ thời Lý. Một giò thủy tiên đang nở. Một vài cái liễn cổ vẽ hoa men chàm được đặt tưởng như vô tình nhưng đã tạo ra một không khí thật ấm cúng của mùa xuân. Tất cả được đặt trên một cái tủ rượu có từ thời thuộc địa.

 

Hôm nay nhà họa sỹ cúng hóa vàng, và cái mùi hương thơm đang lan ra khắp nhà là từ đây.

Một bàn thờ thật đẹp được đặt trên tầng hai. Một bàn cúng hóa vàng được sắp đặt rất truyền thống, với một mâm ngũ quả thật to ở trung tâm biểu tượng cho sự sung túc. Khác với cách bày đặt phóng khoáng tưởng như vô tình ở dưới nhà, bàn thờ chính ở tầng trên được bày đặt đăng đối. Hai cành đào, bốn cây nến được đặt làm hai hàng; cả hai cái bánh chưng lẫn hai sấp tiền vàng cũng vậy, tạo ra sự nghiêm trang và linh thiêng.

Vợ của họa sỹ đang dọn dẹp nhà cửa trong khi đợi hết tuần hương. Chị Dung cũng là họa sỹ, ra trường sau Thành vài năm. Tác phẩm sắp đặt trên bàn thờ và mâm ngũ quả là do tay chị.

Trong sự tưởng như bừa bộn vừa là nhà ở, vừa là xưởng vẽ của hai vợ chồng, là nơi học hành của hai đứa con, thế nhưng nếu để ý thì từng góc, từng góc vẫn nhận thấy bàn tay sắp đắt các không gian khác nhau tạo nên các tiểu cảnh rất ấm cúng.

Một cái lộn xộn thật dễ thương. Đây là góc làm việc của vợ họa sỹ. Chị Dung chuyên vẽ tranh lụa.

Trên cái bàn cổ là một lọ hoa khô, ống bút và đồ lặt vặt. Trông đầy nữ tính.

Một lọ hoa hồng được cắm trong một lọ sành. Đằng sau là phác thảo cho tranh lụa của chi Dung.

 

Và góc này cũng trở thành một bức tranh đẹp. Vẫn còn một vài đầu sư tử của trẻ con trong nhà cất ở đây từ tết Trung Thu. Mâm hồng đỏ là để ăn đấy nhé, không phải mỗi việc để bày đâu.Chị Dung khoe là vừa mua được mấy cái bát chiết yêu cũ ở chợ hoa Hàng Mã hôm 29 Tết. 60 ngàn đồng một cái, chị hỏi: có đắt không nhỉ? Tôi nghĩ không hề đắt. Nó đặt ở đây quá đẹp.

 

Một góc khác của tầng hai. Cái mâm gỗ cũ có đặt quả bưởi là do Thành tha về trong chuyến đi vẽ ở Lạng Sơn.

Từ tầng hai nhìn xuống không gian làm việc của họa sỹ. Họa sỹ vẫn mải mê với ngày khai bút đầu xuân. Nói là xuân theo thói quen vậy thôi, chứ Hà Nội mấy hôm tết vừa rồi lạnh như giữa đông.

Một phòng nhỏ, cũng là phòng ăn của gia đình. Cây đàn piano là của cậu cả. Mỗi lần sang chơi, thấy cậu cả nước mắt ngắn nước mắt dài tập đàn mà tội. Cạnh đó là tủ đựng những món đồ cổ mà họa sỹ sưu tập. Hình như họa sỹ lứa tuổi này ai cũng có thú sưu tập vài món đồ gốm ta. Bộ sưu tập này được tích cóp từ lâu lắm rồi, chứ thời điểm này thì chịu. Các họa sỹ làm sao đọ được với đám đại gia đua nhau vung tiền mua ráo cả từ đồ thật cho đến đồ giả.

Và đây là bếp. Khi mà mọi nhà biết bắt đầu chăm chút một cái bếp hiện đại với nhiều tiện nghi thì hình ảnh cái bếp như thế này lại là thú vị. Tất cả đều được đặt trong tầm tay với và nhìn thấy ngay. Chị Dung rất khó tính khi chọn thực phẩm. Chị có thể đợi cả sáng để mua bằng được một con cá sông chứ không muốn ăn cá nuôi. Tất nhiên những món chị nấu thì thật tuyệt, tinh tế theo cách người Hà Nội xưa. Kẹt một nỗi, muốn ăn được bữa cơm do chị nấu thì phải biết chờ đợi cho đến lúc đói mềm.

Còn đây là phòng khách với bộ tràng kỉ bằng gỗ lim.

Vừa là phòng khách và cũng là chỗ để xe lẫn chỗ cất khung và sát si để căng toan vẽ. Thế nhưng đám họa sỹ qua đây tụ tập vẫn chém gói thật lực mà không hề quan tâm đến việc ngồi cạnh đống xe máy này. Điều duy nhất phải cẩn thận là đừng ném tàn thuốc lung tung.

Và đây là chân dung chủ nhân của ngôi nhà: họa sỹ Trần Thành.

 

Ý kiến - Thảo luận

21:10 Sunday,8.7.2012 Đăng bởi:  cù lần
mình rất thích tranh của tác giả này. Thích tranh đã lâu mà bây giờ mới thấy mặt tác giả
...xem tiếp
21:10 Sunday,8.7.2012 Đăng bởi:  cù lần
mình rất thích tranh của tác giả này. Thích tranh đã lâu mà bây giờ mới thấy mặt tác giả 
14:44 Monday,6.2.2012 Đăng bởi:  VNLEAK
Không khí Tết của gia đình nghệ sĩ ấm cúng quá, cứ lãng mạn trong suốt, bình thản như những ngày tết hồi bao cấp, mặc dòng đời cứ tất bật chạy sầm sập bên ngoài cửa. Đấy là một nét rất riêng của cách sống người Hà Nội, chơi sang lặng lẽ, không khoe mẽ.
Tranh đẹp quá, cũng hiền lành và tinh tế như không khí gia đình nghệ sĩ vậy, nhưng nhiều thế chứng t
...xem tiếp
14:44 Monday,6.2.2012 Đăng bởi:  VNLEAK
Không khí Tết của gia đình nghệ sĩ ấm cúng quá, cứ lãng mạn trong suốt, bình thản như những ngày tết hồi bao cấp, mặc dòng đời cứ tất bật chạy sầm sập bên ngoài cửa. Đấy là một nét rất riêng của cách sống người Hà Nội, chơi sang lặng lẽ, không khoe mẽ.
Tranh đẹp quá, cũng hiền lành và tinh tế như không khí gia đình nghệ sĩ vậy, nhưng nhiều thế chứng tỏ bán ế hoặc các bác nghệ sĩ này kén khách để gả con ra ở riêng.
Năm mới, chúc vợ chồng họa sĩ Trần Thành bán hết những tranh này, để sang năm các bác lại cho người xem Soi thấy không khí tết Hà Nội ở nhà củ nghệ và có nhiều tranh mới. To đẹp hơn và luôn có khách đến đợi khuân đi.
Năm mới hạnh phúc. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả