Khác

LUALA Concert Xuân Hè tuần 1: kén khán giả nhưng mới mẻ, và vẫn nhiều thiếu nhi 11. 04. 12 - 12:25 am

Bài & ảnh: Tịch Ru

 

.

LUALA Jazz concert

Tại 61 Lý Thái Tổ, Hà Nội
Từ 7. 4 đến 6. 5. 2012
Thứ Bảy: chiều (16h đến 18h)
Chủ Nhật: sáng (9h đến 11h) và chiều (16h đến 18h)

 

Chiều thứ 7 (từ 16h đến 18h)

Sau buổi họp báo trên Press Club lúc 14h30, toàn bộ cánh báo chí cũng như những vị khách mời xuống khu vực 61 Lý Thái Tổ để xem buổi diễn ra mắt của Phù Sa band. Sáng thứ bảy trời mưa rất to, rồi tạnh dần, lúc đang họp báo thì mưa vẫn còn lất phất… vậy mà đến giờ biểu diễn thì trời lại khô ráo và  mát mẻ.

Dàn nhạc đang chuẩn bị âm thanh để diễn. Phù Sa là nhóm nhạc Jazz gồm: Quyền Thiện Đắc (saxophone), Vũ Ngọc Hà (bass), và Lê Quốc Hưng (trống). Các nghệ sĩ này được đánh giá là những “cao thủ” trong làng Jazz Việt Nam.

 

Phóng viên tranh thủ phỏng vấn nhóm nhạc trước giờ diễn.

 

Phụ trách âm thanh vẫn là bác Nhất Lý. Đứng đằng sau là họa sĩ Doãn Hoàng Kiên, sắp tới anh Kiên sẽ có một tác phẩm sắp đặt tại LUALA. Mở ngoặc một chút, bạn có biết cả hai nghệ sĩ: Nhất Lý và Hoàng Kiên đều từng là diễn viên của đoàn xiếc Việt Nam không?

 

Ở hàng ghế đầu, họa sĩ Hoàng Thị Bích Liên (áo đỏ) đang nói chuyện với kiến trúc sư Phó Đức Tùng (áo đen).

 

Còn đây là họa sĩ nhí Vũ Tuấn Kiệt, em đang mải mê chơi với cái Iphone của mẹ. Tranh của em cũng sẽ được triển lãm tại LUALA, một triển lãm riêng.

 

Nghệ sĩ Xuân Huy cũng vừa dự họp báo ở Press Club. Anh nói mình đang có dự án kết hợp giữa dàn nhạc Jazz và dàn dây cổ điển. Nghe lý thú đây.

 

Mẹ của giáo sư Ngô Bảo Châu (áo đen), Phó giáo sư tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền, cũng đến xem buổi ra mắt.

 

Ông Brian Ring, giám đốc của Hanoigrapevine, đến rất đúng giờ để thưởng thức Jazz.

 

Violinist Đỗ Cẩm Ly hôm nay cũng đến xem. Chị đang nói chuyện với hai thành viên của Phù Sa là Vũ Ngọc Hà và Lê Quốc Hưng, và với nghệ sĩ âm thanh Nhất Lý.

 

Ca sĩ Thanh Lam luôn là một khán giả quen thuộc của LUALA. Chị trông càng ngày càng đẹp hơn. Thanh Lam đang nói chuyện với Chủ tịch DX Đỗ Ngọc Minh.

 

Vũ Quỳnh Anh – giám đốc truyền thông của LUALA – có lời giới thiệu một cách ngắn gọn trước khi nhóm nhạc biểu diễn.

 

Buổi diễn hôm nay với 62 bức tranh khổ A3 của 35 em thiếu nhi từ 5 đến 12 tuổi, tham gia học vẽ ở cung thiếu nhi, trung tâm văn hóa Ba Đình, trường mầm non B, trường mầm non Bi Bi Home. Đó là học trò của cô giáo – họa sĩ Hoàng Thị Bích Liên. Tranh của các bé cũng đang được triển lãm ở đây. “Giám tuyển” của triển lãm là cô Hoàng Thị Bích Liên. Và như thường lệ, B&G lên phát quà cho các cháu thiếu nhi.

 

Nói thêm ở khu vực triển lãm, tuần đầu là treo tranh của các bé ở Cung Văn hóa, tuần kế tiếp là triển lãm riêng của bé Kiệt, tuần cuối là triển lãm của các họa sĩ trẻ Hà Nội. Các bạn nhớ đến xem nhé.

 

Dàn nhạc bắt đầu chơi.

 

Dàn nhạc được chia làm hai phần. Phần đầu chơi những tác phẩm Jazz nổi tiếng và quen thuộc. Phần hai thì sẽ chơi những tác phẩm đậm màu sắc của dân gian do dàn nhạc tự sáng tác.

 

Buổi đầu tiên thì phần lớn chỉ là cánh nhà báo… Ở Việt Nam, Jazz là một dòng nhạc khá kén người nghe. Ngược với nhạc cổ điển, Jazz đưa nét độc đáo của nhạc cụ và tính ngẫu hứng của người nghệ sĩ lên cao hơn. Jazz mạnh ở tiết tấu, và một bài nhạc Jazz có thể được chơi thành nhiều bản khác nhau. Đặc tính này vừa là điều thú vị vừa là điều hạn chế lượng thính giả của nhạc Jazz.

 

LUALA Concert Xuân-Hè lần này chuyên về nhạc Jazz. Những buổi đầu còn chưa đông, nhưng tôi tin chắc, ai đã nghe được nhạc Jazz và “hợp” được với không khí Jazz rồi thì sẽ bị nghiện đấy 🙂

 

Em bé ngủ rất say sưa dù nhóm nhạc đang chơi rất hăng.

 

Sáng Chủ Nhật (9h đến 11h)

Sáng Chủ Nhật trời nắng nhẹ, mới 8h30 mà đã thấy mọi người bắt đầu mang ô ra che. Giờ diễn ở LUALA lần này có thay đổi chút ít: 9h-11h vào sáng Chủ nhật, 16h-18h vào chiều thứ Bảy và chiều Chủ nhật. Thay đổi giờ vì muốn người xem và ban nhạc bớt bị nắng nóng gay gắt của mùa hè.

 

Hôm nay bắt đầu muộn hơn 30 phút, do bassist Vũ Ngọc Hà có việc đột xuất nên đến muộn. Bác Nhất Lý đang ngồi nói chuyện với tay saxophone Quyền Thiện Đắc và drummer Lê Quốc Hưng.

 

Hai bác ngồi hàng đầu này là khán giả quen thuộc của LUALA trong đợt thu đông. Hai bác chưa bỏ lỡ buổi nào. Bây giờ được tin LUALA lại biểu diễn nên hai bác đến rất đúng giờ.

 

Tầm 9h30, ban nhạc bắt đầu chơi.

 

Violinist Xuân Huy cũng đến nghe. Anh sẽ lên tiết mục cho tuần sau, tiết mục này phối hợp giữa dàn nhạc của anh với ban nhạc Phù Sa.

 

Violinist Nguyễn Khắc Thành cũng đến xem.

 

Nhạc sĩ Ngọc Đại ngồi nghe rất chăm chú.

 

Chất lượng của nhạc Jazz nằm ở tính ngẫu hứng cao và khả năng bắt tiết tấu.

 

Thực ra thì nhạc Jazz và nhạc dân gian có nhiều điểm giống nhau, như ngũ cung, tính phức điệu, và sự nhường nhịn nhau trong các cây để ai cũng thể hiện được tiếng nói cá nhân.

 

Các nghệ sĩ nhạc Jazz thường lấy một chủ đề bất kì và phát triển nó lên, với kĩ thuật và tính ngẫu hứng, mỗi nghệ sĩ sẽ phát triển chủ đề theo một cách riêng.

 

Thế nên một bản nhạc Jazz mỗi lần chơi là mỗi lần thay đổi. Nhưng vì tiết tấu biến hóa và hợp âm lại rất “nghịch” nên nhạc Jazz bị chê là khó nghe.

 

Cuối giờ, nhạc sĩ Ngọc Đại có lên trò chuyện với các nghệ sĩ của nhóm Phù Sa trong không khí thoải mái của một buổi sáng Chủ Nhật mát lành.

 

Chiều Chủ Nhật (16h đến 18h)

Chiều nay đến thì thấy có một cô bé ngồi trên dàn trống của drummer Lê Quốc Hưng. Hóa ra bé và anh trai là học trò nhí của thầy Hưng, hôm nay hai anh em được bố dắt đi xem thầy biểu diễn.

 

Thầy Hưng chỉ cho bé đánh trống.

 

Các nghệ sĩ nhạc cổ điển bao giờ cũng ăn mặc gọn gàng lịch sự, còn các nghệ sĩ nhạc Jazz thì rất là bụi. Tôi phát hiện ra một thói quen nhỏ của tay saxophone Quyền Thiện Đắc: anh thích uống nước cam vắt, và không bao giờ uống rượu bia.

 

Đúng 16h ban nhạc bắt đầu chơi…

 

Hôm nay cũng có một đám trẻ em từ cung văn hóa đến đây xem tranh, nghe nhạc…

 

Nhìn kĩ thì thấy rằng người dẫn các bé đến là Trang Thanh Hiền – phu nhân của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.

 

Bà Natasha – chủ của Salon Natasha Hàng Bông – cũng đến dự.

 

Violinist Nguyễn Khắc Thành đưa con gái đến LUALA để nghe các bác đánh đàn.

 

Nghệ sĩ Trần Trọng Linh cũng vừa từ L’Espace qua, tâm trạng của anh rất vui vẻ vì anh rất hài lòng với triển lãm vừa rồi của mình. Nhạc sĩ Ngọc Đại đang ngồi cạnh nghệ sĩ Nhất Lý.

 

Ba thành viên cộm cán của dàn nhạc LUALA cổ điển có mặt đầy đủ. Từ trái qua phải: Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Khắc Thành, Trần Quang Duy…

 

Ban nhạc đang chơi nửa chừng thì trời mưa lất phất,… bộ phận bảo vệ của LUALA lập tức điều động ô che. Nhưng may quá mưa không to và chỉ một lúc sau thì tạnh.

 

Lượng khán giả hôm nay cũng đã đông hơn, trong đó có những gương mặt quen thuộc của LUALA Concert đợt trước lẫn gương mặt mới. Tuy khó có thể đông bằng LUALA Concert giao hưởng, nhưng sẽ lại có một lượng người nghe quen cho dòng Jazz – một dòng nhạc kén người nghe; tạo nên một bầu không khí mới cho khu vực 61 Lý Thái Tổ.

 

*

Bài liên quan:

– Hòa nhạc LUALA Xuân Hè 2012
– LUALA Concert Xuân Hè tuần 1: kén khán giả nhưng mới mẻ, và vẫn nhiều thiếu nhi
– LUALA – ngày đặc biệt
– LUALA Concert Xuân Hè tuần 2: sinh nhật LUALA, khai mạc KIỆT, cổ điển và jazz uyển chuyển đi cùng nhau

– LUALA Jazz tuần thứ 3: Họa sĩ đến đông, Phù Sa band hóm hỉnh, khán giả la đà trong nắng hè

– LUALA Concert Xuân-Hè tuần thứ 4: Trời nóng. Khai mạc tranh. Phù Sa band quả là những tay say nhạc.

– LUALA Concert Xuân Hè tuần thứ 5: chơi nhạc trong mưa, Phù Sa vẫn rừng rực cháy

 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả