Gẫm & Bình

Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào?
Bài 2: Lớn lên để thành quân tử phương Đông 26. 04. 12 - 8:49 pm

Phó Đức Tùng

(Phần này là tiếp theo phần trước, với quan điểm 1, đại khái “nghệ thuật Việt Nam như đứa trẻ sơ sinh, nên cần làm rõ và tận dụng những giá trị trẻ thơ của nó…”. Hình minh họa do Soi lấy từ internet, như trong bài này là của Mr. Fish.)

2 – Quan điểm thứ hai: Trẻ sơ sinh cần phải lớn lên

Quan điểm phổ biến hiện nay cho rằng mọi sự đều phải có tiến triển, một đất nước từ lúc sơ sinh rồi cũng sẽ phải lớn lên. Việt Nam từ lúc mở cửa, là trẻ sơ sinh thì rồi cũng phải trưởng thành dần. Việc nhanh chậm của quá trình này phụ thuộc vào bản chất của từng nền văn hóa, từng quốc gia. Có thể chúng ta cần hàng ngàn năm để trưởng thành, có thể chúng ta chẳng bao giờ vươn được lên, mà sẽ còi cọc như một cái cây sống yểu dưới tán rừng. Nếu một đứa trẻ mãi mãi không lớn, nó sẽ bị coi là thiểu năng trí tuệ, và không ai quan tâm đến những nét đẹp của nó nữa. Quan điểm này chưa chắc đã đúng. Một con rùa thiêng sống vạn năm, có thể có thời thơ ấu ngàn năm, trong khi một con thiêu thân lớn lên rồi chết trong một ngày. Không ai thực sự có thể nói việc phát triển chậm hay nhanh là tốt.

Tuy nhiên, phải công nhận rằng một cá nhân có thể chống lại luồng quan điểm trên, nhưng một đất nước, một ngành nghệ thuật khó có thể chống lại nó trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Nói cách khác, Việt Nam phải trưởng thành, nếu không sẽ bị vùi dập, đào thải. Vì vậy, việc dừng lại ở mức trẻ thơ chỉ là lối thoát ngắn hạn. Về lâu dài, vẫn phải nghĩ đến việc làm thế nào để trưởng thành. Những nền văn hóa, những đất nước quanh ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á v.v… đều đã chứng tỏ năng lực trưởng thành trong thời gian ngắn. Biết đâu trong tương lai chúng ta cũng có thể trưởng thành. Và thông thường, người nghệ sỹ là tầng lớp được kỳ vọng phải đi trước thời đại một bước, vì vậy cũng cần phải có hình dung về lộ trình trưởng thành. Đó chính và việc học. Trẻ con có thể tự tung tự tác, muốn gì làm nấy, nhưng để trưởng thành, sống được trong xã hội loài người, chắc là phải học. Muốn vậy, không thể không có một chút phân tích về những người trưởng thành, tương tự như việc hướng nghiệp.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, muốn trưởng thành, không thể không nhập cuộc vào trào lưu chung của nhân loại. Tuy mỗi quốc gia, mỗi người đều cố gắng và cần giữ bản sắc của mình, nhưng cũng cần phải nhận định ảnh hưởng rất lớn của hai nền văn hóa lớn là phương Tây, bao gồm các nước châu Âu, Mỹ và những nước ăn theo và hệ thống văn hóa phương Đông với tâm điểm là các nước Trung, Nhật, Hàn. Tôi có cảm giác là hai khối văn hóa này có những khái niệm cơ bản khác nhau về bản chất cũng như yêu cầu đối với nghệ sỹ, nghệ thuật. Hiểu rõ được điều này có thể giúp các nghệ sỹ có được định hướng rõ nét hơn trong tương lai. Tất nhiên sự phân chia này là rất tương đối, nhằm đặt một cái tên cho hai quan điểm, xu hướng cơ bản. Trên thực tế, tất nhiên có rất nhiều người theo quan điểm tạm gọi là Tây học ở phương Đông và ngược lại, vô số người phương Tây có thể nói còn Á Đông hơn cả dân Á Đông. Trong nội bộ phương Đông hoặc phương Tây hiển nhiên cũng tồn tại cả những luồng tư tưởng khác nhau. Vì thế việc phân chia chỉ có nghĩa ở đâu thì tư tưởng nào là “mainstream” (chủ lưu) thôi.

 

a. Quan niệm về anh nghệ sĩ của phương Đông

Có thể nói phương Đông, cho dù là Trung, Nhật, Hàn hay các nước Đông Nam Á đều có ảnh hưởng rất lớn của tư tưởng Nho giáo, vì vai trò của người Hoa và văn hóa Trung Quốc đối với sự phát triển các nước này đều rất lớn. Đối với Nho giáo, văn hóa nghệ thuật là những tinh anh đẹp đẽ của người quân tử có dày công phu hàm dưỡng phát tiết ra bên ngoài. Văn dĩ tải đạo. Đạo của anh cao đến đâu, tranh của anh sẽ có giá trị đến đó. Nhìn tranh mà đánh giá người, nhìn người đánh giá tranh. Còn những tài hoa kỹ thuật chi tiết, phương tiện thể hiện độc đáo thì chỉ là bổ trợ, làm cho tác phẩm được hoàn bị hơn thôi. Không thể có những con người phàm phu tục tử, những ý tưởng nông cạn hẹp hòi mà có thể làm ra một bức tranh có giá trị. Khi mà tranh đã là thể hiện chiều sâu tư tưởng, tâm lý của tác giả thì hiếm khi có tình trạng xuống dốc. Một hiền triết sâu sắc khó có thể trở nên nông cạn. Tất nhiên khi đó, tác giả không thể lúc nào cũng sản xuất tranh hàng loạt theo đơn đặt hàng được, mà phải khi nào có gì đáng nói, tâm sự gì đáng chia sẻ mới vẽ. Nhưng thông thường, khi trí tuệ mẫn tiệp, sâu sắc thì làm gì cũng sẽ có nội hàm đáng kể, giống như Socrate có thể ngày nào cũng ngồi nói chuyện mà lúc nào cũng sẽ có những thứ đáng để nghiền ngẫm. Vì vậy những bậc ấy cho dù ngẫu hứng đề bút cũng thành tác phẩm giá trị. Nói chung, theo quan điểm này thì cầm kỳ thi họa là những kỹ thuật của người quân tử, dùng để thể hiện ý chí của mình chứ không phải là nghề. Còn nếu làm nghề để kiếm sống thì thường sẽ chỉ được coi như nghệ nhân.

Nói chung, với phương Đông, quá trình phát triển nghệ thuật là quá trình tự trau dồi của nghệ sỹ và tác phẩm nghệ thuật là sự hiển lộ mức độ uyên thâm ra bên ngoài. Làm thế nào để phát triển được như vậy, sách Đại Học đã dạy rất rõ: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.” Cách hiểu của cổ văn ta biết là sẽ theo trình tự ngược từ dưới lên. Nghĩa là đầu tiên phải biết dừng lại ở một quan điểm, chủ nghĩa mà ta cảm thấy là chí thiện, tức là hay nhất, tốt nhất, phù hợp nhất. Việc tri chỉ, tức là biết dừng lại, là yếu chỉ của việc học. Nếu không biết dừng lại, nay theo cái này, mai theo cái kia thì chỉ như con vẹt, không thể sáng tạo được: “Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc” nghĩa là việc đạt được thành quả đáng giá là do tư lự, suy nghĩ nội tại, không phải học từ bên ngoài, muốn nghĩ ngợi thì phải tĩnh tâm, yên ổn, mà muốn tĩnh thì phải biết dừng, tập trung vào một việc, không dao động. Sau khi biết dừng thì yếu quyết ở “tại tân dân”, nghĩa là mỗi ngày đều đổi mới bản thân, lại giúp cho người khác cũng đối mới. Cái tĩnh trong tâm là gốc của cái động, cái động là dụng của cái tĩnh, nhằm thích nghi phù hợp với điều kiện thay đổi từng ngày, như cái cây đung đưa theo gió, khi thì mọc mầm, khi thì rụng lá. Vì thế, tác phẩm phải luôn mới, nhưng bản chất phải rất ổn định. Nếu không có cái gốc thì không thể tìm cái động. Nếu người nghệ sỹ chưa tìm được cái định, mà cứ đòi anh ta phải thay đổi thì khác gì xô anh ta xuống dòng nước xoáy, không chết đuối làm sao được. Cuối cùng, mọi việc là để làm “minh minh đức” tức là làm sáng cái đức sáng, cái nhân bản trong mỗi con người, trong bản thân người nghệ sỹ. Vì vậy có thể nói đa số tác phẩm nghệ thuật Á Đông mang xu hướng biểu hiện.

*
Bài tiếp theo: “Quan niệm về anh nghệ sĩ của phương Tây”

 

*

Bài liên quan:

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? Bài 1: Quan điểm ta như đứa trẻ sơ sinh
– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? Bài 2: Lớn lên để thành quân tử phương Đông

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? Bài 3: Làm nghệ sĩ là làm tấm gương trong

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? – Bài 4: Rẽ một chút sang Kinh Dịch nhé

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? – Bài 5: Đường đi không có gì là khó. Khó vì không chọn đường nào.

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? (Bản tổng hợp, không hình ảnh)


Ý kiến - Thảo luận

14:53 Sunday,29.4.2012 Đăng bởi:  mih
MR. TÙNG
Nghe bác giới thiệu Phùng Hữu Lan – vào tra ngay – thấy nhân vật này có ý tưởng: Cảnh giới thiên địa - con người hiểu được ý nghĩa của con người đối với vũ trụ, biết sống hợp nhất với vũ trụ . Triết lý này hay – có thể coi là mục tiêu cực đỉnh của con người từ thời Lão tử - tuy nhiên giờ này vẫn chưa hiện thực hóa tới!

Hãy bàn ở thì hi
...xem tiếp
14:53 Sunday,29.4.2012 Đăng bởi:  mih
MR. TÙNG
Nghe bác giới thiệu Phùng Hữu Lan – vào tra ngay – thấy nhân vật này có ý tưởng: Cảnh giới thiên địa - con người hiểu được ý nghĩa của con người đối với vũ trụ, biết sống hợp nhất với vũ trụ . Triết lý này hay – có thể coi là mục tiêu cực đỉnh của con người từ thời Lão tử - tuy nhiên giờ này vẫn chưa hiện thực hóa tới!

Hãy bàn ở thì hiện tại –không chậm như đánh giá của bác – tôi thấy trong vòng 1 thập kỉ tới, khi thế hệ 2k trưởng thành, họ tự thấy mình là công dân thế giới, và việc cần 10’ tại sao phải làm đến 15’ – mọi ranh giới của đông tây sẽ tự động xóa nhòa – rồi dần dần biến mất – bởi tất cả toàn dân đều uống từ nguồn Google mà ra – cái này thì các cụ đã đúng – thế giới đại đồng – mỗi người thực sự có cơ hội ngang nhau (tất nhiên bình đẳng mà không bình quân) – thế thì làm gì còn khái niệm đông tây phát triển qua 2 hay 3 giai đoạn … Đó là xu hướng logic tự nhiên mà thôi – không cần thiết phải nghiền ngẫm quá nhiều kinh sách làm gì (- trừ khi là sở thích cá nhân).
 
19:06 Saturday,28.4.2012 Đăng bởi:  pho duc tung
Bạn Min
Mình không có ý giữ bình cũ, nhưng bình mới không chỉ có một. Phùng Hữu Lan nói không sai. Tây học có 3 thời kỳ, cổ đại, trung đại, cận hiện đại. Trong khi đó Đông học chỉ có 2 thời đầu. Thời cận đại mới manh nha, còn hiện đại thì gần như chưa bước vào. Trung Quốc còn như vậy, huống hồ ta. Bình cũ phải bỏ vì rượu mới quá nhiều, không chứa nổi
...xem tiếp
19:06 Saturday,28.4.2012 Đăng bởi:  pho duc tung
Bạn Min
Mình không có ý giữ bình cũ, nhưng bình mới không chỉ có một. Phùng Hữu Lan nói không sai. Tây học có 3 thời kỳ, cổ đại, trung đại, cận hiện đại. Trong khi đó Đông học chỉ có 2 thời đầu. Thời cận đại mới manh nha, còn hiện đại thì gần như chưa bước vào. Trung Quốc còn như vậy, huống hồ ta. Bình cũ phải bỏ vì rượu mới quá nhiều, không chứa nổi trong bình cũ. Còn nếu chưa có rượu mới thì đập bình có nghĩa gì. Tây đại tới thời hiện đại phải mất mấy trăm năm, trải qua cận đại rất lâu dài. Ta cũng có thể đi nhanh hơn, vì đi sau, nhưng bảo 10 năm đã trưởng thành e không được. Thời đại mới có vấn đề mới, giống như dòng sông lớn phải vượt qua. Phật nói, đạo như sông Hằng, vốn chỉ một, nhưng mỗi loài có cách khác nhau để qua sông. Thời cận đại và hiện đại cần phải đến với Á Đông, nhưng giải pháp e không thể giống phương Tây được. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả