|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt NamĐứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? (Bản tổng hợp, không hình ảnh) 08. 04. 12 - 5:00 pmPhó Đức TùngBài viết của ông Colin có lẽ là một trong số ít bài đánh giá tổng quan hiện trạng nghệ thuật Việt Nam có giá trị. Thứ nhất là bài viết đánh giá một cách tương đối chính xác, sắc sảo và thẳng thắn về hiện trạng sáng tác và tác phẩm của rất nhiều nghệ sỹ thành danh, đang là những tấm gương sáng cho lớp trẻ hướng theo. Thứ hai là đã nhìn nhận những hạn chế cũng như ảnh hưởng phản tác dụng của cơ chế thị trường cũng như những hoạt động hỗ trợ nghệ thuật của nhà nước, các tổ chức quốc tế và các gallery cũng như tình trạng thiếu vắng của phê bình nghệ thuật ở Việt Nam. Một bài viết thẳng thắn như vậy chắc chắn là rất đáng hoan nghênh trong bối cảnh văn hóa làng xã dĩ hòa vi quý ở Việt Nam hiện nay, khi mà ai cũng ngại phê bình, chỉ trích các cây đa cây đề. Tất nhiên có rất nhiều điều bài viết chưa nói đến, nhưng cũng không ai có thể đòi hỏi một bài viết ngắn phải giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên, theo tôi thì nhân cớ của bài viết này cũng có một số vấn đề nên tranh luận cho sáng tỏ hơn. Theo tôi, tình trạng bế tắc trong sáng tác và tác phẩm của các nghệ sỹ thành danh hiện nay tuy ít ai muốn và dám nói thẳng như ông Colin, nhưng không phải mọi người không biết. Bản thân các nghệ sỹ hẳn biết rõ nhất, sau đó là các gallery, các đồng nghiệp có đẳng cấp, các tổ chức văn hóa, các nhà sưu tập sắc sảo, cũng như những lớp trẻ tài năng. Có chăng là một số đại gia mới giàu muốn đánh bóng bản thân bằng collection nghệ thuật có thể không biết, nhưng họ không thực sự quan tâm, vì cái họ cần là một số tên tuổi và giá tranh cao thể hiện đẳng cấp giàu của họ. Còn người sưu tầm nước ngoài thì tất nhiên phải bằng lòng với sản phẩm sao chép ý tưởng, khi họ không có duyên mua được những tác phẩm đầu tay của các họa sỹ. Nhưng chỉ cần so sánh mức giá tranh Việt Nam với các tác phẩm nghệ thuật đương đại quốc tế được bày ở các triển lãm và phòng đấu giá chuyên nghiệp thì đủ thấy họ xếp các tác phẩm của ta như những souvenir cao cấp mà thôi. Như vậy thì việc thẳng thắn phê bình từng người, từng tác phẩm thực tế ít có tác dụng chừng nào chưa thực sự nêu được lý do vì sao, nên làm thế nào. Sự bế tắc chung của toàn ngành không thể giải thích bằng sự tham tiền hay dễ dãi của từng cá nhân . Tương tự, tình trạng thiếu concept của các gallery và tổ chức quốc tế từng đóng vai trò quan trọng cũng phải có nguyên nhân, lý giải của nó. Cảm nhận của tôi thì việc dễ dãi, tự copy mình của các nghệ sỹ, sự thiếu concept của gallery v.v… đều là hệ quả của việc bế tắc chứ không phải nguyên nhân. Vì thế nên tìm hiểu kỹ hơn nguyên nhân ở đâu và hướng đi thế nào. Trong phạm vi chủ đề này, có hai điểm theo tôi nên bàn kỹ: 1- Quan điểm thứ nhất: Chúng ta là trẻ sơ sinh Hiện trạng toàn thể nước ta đang đứng gần bét thế giới, đại khái thứ 130/150 gì đó. Và như vậy có nghĩa là nhìn chung, tất cả mọi lĩnh vực của chúng ta đều như vậy, từ văn hóa, nghệ thuật, chính trị, khoa học, triết học, kinh tế v.v… Không một lĩnh vực nào chúng ta có thể so sánh với các nước đi đầu, trừ một số tài năng, ý tưởng đột xuất nào đó. Cả nước chúng ta như một đứa trẻ sơ sinh. Vậy đòi hỏi riêng các nghệ sỹ phải sánh ngang với quốc tế thì khác gì đòi hỏi đứa trẻ sơ sinh này phải có quả tim, hay quả thận của người lớn, chẳng phải quái thai sao. Một đòi hỏi như vậy sẽ đặt các nghệ sỹ ngay từ đầu vào một thang tiêu chuẩn mà họ không cách nào leo được lên trên và sẽ phủ nhận những nỗ lực, tài năng của nhiều người. Nói như thế không có nghĩa là nghệ thuật Việt Nam không có giá trị gì, vì nói vậy khác gì bảo chỉ người lớn mới tốt đẹp, còn trẻ con không có giá trị gì. Người tinh tường thậm chí còn phải nhận ra được là ở đứa trẻ còn tiềm ẩn những giá trị nghệ thuật cao hơn, nguyên vẹn hơn người lớn. Tuy nhiên phải nhận thấy rõ là bản chất trẻ con có một số đặc điểm: Thứ nhất hay bắt chước, thứ hai không cắt nghĩa được tại sao, thứ ba không ổn định, thứ tư hay lặp đi lặp lại. Nếu coi đó là những nhược điểm cơ bản thì cũng giống như coi cơ bắp là tiêu chí đánh giá duy nhất, trẻ con tất nhiên không thể bằng người lớn, vậy không cần bàn nữa. Nhưng nếu nhận ra rằng thiên nhiên luôn hoàn thiện, đứa trẻ sơ sinh cũng hoàn thiện như người trưởng thành, giống như cái cây từ hạt nảy mầm, đến khi ra hoa kết quả, tuy mỗi thời kỳ một khác nhưng lúc nào cũng đẹp, cũng hoàn hảo, thì phải nhìn ra được đằng sau những bất cập nói trên sẽ có những sự độc đáo, trong sáng, vô tư, sức sống và ham sống mạnh mẽ mà chỉ có giai đoạn non trẻ mới có. Vì vậy, muốn thấy được cái đẹp của trẻ con, cần phải bỏ qua hệ giá trị của người lớn, không so sánh với người lớn, mới nhìn ra cái đẹp mà người lớn không có. Có điều là trẻ con thì sẽ không thể nhận ra điều này, chúng không biết chúng hay ở chỗ nào, dở ở chỗ nào, mà đơn giản tồn tại là trẻ con. Do đó, nghệ thuật Việt Nam không thể có phê bình, cũng như các nghệ sỹ Việt nam không thể phê bình, hay phân tích. Vì thế, câu cửa miệng ở Việt nam mà chúng ta gặp ở mọi lĩnh vực là: Tây nó thế, nhưng ở ta nó khác. Đối với đứa trẻ và những giá trị riêng của nó, việc phân tích, mổ xẻ của người lớn nếu đúng thì đa số cũng vô tác dụng, vì đứa trẻ bản thân là như vậy, không cần comments. Ngược lại, những phân tích của người lớn thông thường là có hại khi chúng không xuất phát từ việc thấu hiểu trẻ con. Vì vậy, những nỗ lực của các chuyên gia nước ngoài, dù là người yêu nghệ thuật, hay bảo trợ, sưu tầm, giảng dạy nghệ thuật v.v… đa số đều mang lại nhiều tác hại đối với nghệ thuật Việt Nam hơn là cái lợi. Những nghệ sỹ tài năng tiên phong của Việt Nam được phát hiện như những em bé hồn nhiên đáng yêu ở một làng quê nghèo xa thành thị. Ai cũng yêu chúng và chào đón chúng, vì chúng có những thứ mà người lớn không có. Đó là không khí chung thời kỳ mới mở cửa. Sau đó người ta mong đợi chúng sẽ khôn lớn, thành những người hùng của thời đại. Và để chuẩn bị cho điều ấy, người ta cho chúng tiếp xúc, xem tác phẩm và tiếp cận những giá trị đánh giá những người hùng hiện nay. Nhưng họ quên mất rằng dù cá nhân người nghệ sỹ có già đi thì đất nước này vẫn còn là sơ sinh, vấn đề của đất nước này vẫn là những vấn đề của đứa trẻ còn đóng bỉm. Vậy người nghệ sỹ chỉ có hai lựa chọn, một là giữ nguyên tình trạng trẻ thơ của mình, thì sẽ là người Việt Nam. Còn nếu tự ý lớn lên, thì sẽ mất cái tính Việt Nam. Không thể có một nghệ sỹ Việt Nam trưởng thành. Tình trạng bế tắc hiện nay nằm ở mâu thuẫn nội tại này. Các nghệ sỹ đã được du nhập, trao đổi để biết thế nào là nghệ thuật trưởng thành nên không còn giữ được độ thơ ngây thuở đầu. Họ cũng được mong đợi phải trưởng thành. Nhưng họ còn đang phải nằm nôi, đóng bỉm, ăn bột và xung quanh họ đa số là trẻ em như vậy. Vì vậy, đầu tiên là hãy bỏ đi nhu cầu và mong đợi sự trưởng thành ở nghệ thuật Việt Nam và hãy đi tìm sự ngây thơ của đứa trẻ. Phải bỏ qua những bác nghệ già không còn giữ được sự thơ ngây và luôn phát hiện những đứa trẻ mới. Phải để cho những đứa trẻ được tự do và không khuyến khích chúng phải giống người lớn. Cần làm rõ những giá trị trẻ thơ trong tác phẩm và phê bình những thứ cóp nhặt, bắt chước người lớn. Làm được như vậy, nghệ thuật Việt Nam mới có cơ hội mở mang trong một thời kỳ tới, ít ra là thoát khỏi bế tắc hôm nay. 2 – Quan điểm thứ hai: Trẻ sơ sinh cần phải lớn lên Quan điểm phổ biến hiện nay cho rằng mọi sự đều phải có tiến triển, một đất nước từ lúc sơ sinh rồi cũng sẽ phải lớn lên. Việt Nam từ lúc mở cửa, là trẻ sơ sinh thì rồi cũng phải trưởng thành dần. Việc nhanh chậm của quá trình này phụ thuộc vào bản chất của từng nền văn hóa, từng quốc gia. Có thể chúng ta cần hàng ngàn năm để trưởng thành, có thể chúng ta chẳng bao giờ vươn được lên, mà sẽ còi cọc như một cái cây sống yểu dưới tán rừng. Nếu một đứa trẻ mãi mãi không lớn, nó sẽ bị coi là thiểu năng trí tuệ, và không ai quan tâm đến những nét đẹp của nó nữa. Quan điểm này chưa chắc đã đúng. Một con rùa thiêng sống vạn năm, có thể có thời thơ ấu ngàn năm, trong khi một con thiêu thân lớn lên rồi chết trong một ngày. Không ai thực sự có thể nói việc phát triển chậm hay nhanh là tốt. Tuy nhiên, phải công nhận rằng một cá nhân có thể chống lại luồng quan điểm trên, nhưng một đất nước, một ngành nghệ thuật khó có thể chống lại nó trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Nói cách khác, Việt Nam phải trưởng thành, nếu không sẽ bị vùi dập, đào thải. Vì vậy, việc dừng lại ở mức trẻ thơ chỉ là lối thoát ngắn hạn. Về lâu dài, vẫn phải nghĩ đến việc làm thế nào để trưởng thành. Những nền văn hóa, những đất nước quanh ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á v.v… đều đã chứng tỏ năng lực trưởng thành trong thời gian ngắn. Biết đâu trong tương lai chúng ta cũng có thể trưởng thành. Và thông thường, người nghệ sỹ là tầng lớp được kỳ vọng phải đi trước thời đại một bước, vì vậy cũng cần phải có hình dung về lộ trình trưởng thành. Đó chính và việc học. Trẻ con có thể tự tung tự tác, muốn gì làm nấy, nhưng để trưởng thành, sống được trong xã hội loài người, chắc là phải học. Muốn vậy, không thể không có một chút phân tích về những người trưởng thành, tương tự như việc hướng nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, muốn trưởng thành, không thể không nhập cuộc vào trào lưu chung của nhân loại. Tuy mỗi quốc gia, mỗi người đều cố gắng và cần giữ bản sắc của mình, nhưng cũng cần phải nhận định ảnh hưởng rất lớn của hai nền văn hóa lớn là phương Tây, bao gồm các nước châu Âu, Mỹ và những nước ăn theo và hệ thống văn hóa phương Đông với tâm điểm là các nước Trung, Nhật, Hàn. Tôi có cảm giác là hai khối văn hóa này có những khái niệm cơ bản khác nhau về bản chất cũng như yêu cầu đối với nghệ sỹ, nghệ thuật. Hiểu rõ được điều này có thể giúp các nghệ sỹ có được định hướng rõ nét hơn trong tương lai. Tất nhiên sự phân chia này là rất tương đối, nhằm đặt một cái tên cho hai quan điểm, xu hướng cơ bản. Trên thực tế, tất nhiên có rất nhiều người theo quan điểm tạm gọi là Tây học ở phương Đông và ngược lại, vô số người phương Tây có thể nói còn Á Đông hơn cả dân Á Đông. Trong nội bộ phương Đông hoặc phương Tây hiển nhiên cũng tồn tại cả những luồng tư tưởng khác nhau. Vì thế việc phân chia chỉ có nghĩa ở đâu thì tư tưởng nào là “mainstream” (chủ lưu) thôi. a. Quan niệm về anh nghệ sĩ của phương Đông Có thể nói phương Đông, cho dù là Trung, Nhật, Hàn hay các nước Đông Nam Á đều có ảnh hưởng rất lớn của tư tưởng Nho giáo, vì vai trò của người Hoa và văn hóa Trung Quốc đối với sự phát triển các nước này đều rất lớn. Đối với Nho giáo, văn hóa nghệ thuật là những tinh anh đẹp đẽ của người quân tử có dày công phu hàm dưỡng phát tiết ra bên ngoài. Văn dĩ tải đạo. Đạo của anh cao đến đâu, tranh của anh sẽ có giá trị đến đó. Nhìn tranh mà đánh giá người, nhìn người đánh giá tranh. Còn những tài hoa kỹ thuật chi tiết, phương tiện thể hiện độc đáo thì chỉ là bổ trợ, làm cho tác phẩm được hoàn bị hơn thôi. Không thể có những con người phàm phu tục tử, những ý tưởng nông cạn hẹp hòi mà có thể làm ra một bức tranh có giá trị. Khi mà tranh đã là thể hiện chiều sâu tư tưởng, tâm lý của tác giả thì hiếm khi có tình trạng xuống dốc. Một hiền triết sâu sắc khó có thể trở nên nông cạn. Tất nhiên khi đó, tác giả không thể lúc nào cũng sản xuất tranh hàng loạt theo đơn đặt hàng được, mà phải khi nào có gì đáng nói, tâm sự gì đáng chia sẻ mới vẽ. Nhưng thông thường, khi trí tuệ mẫn tiệp, sâu sắc thì làm gì cũng sẽ có nội hàm đáng kể, giống như Socrate có thể ngày nào cũng ngồi nói chuyện mà lúc nào cũng sẽ có những thứ đáng để nghiền ngẫm. Vì vậy những bậc ấy cho dù ngẫu hứng đề bút cũng thành tác phẩm giá trị. Nói chung, theo quan điểm này thì cầm kỳ thi họa là những kỹ thuật của người quân tử, dùng để thể hiện ý chí của mình chứ không phải là nghề. Còn nếu làm nghề để kiếm sống thì thường sẽ chỉ được coi như nghệ nhân. Nói chung, với phương Đông, quá trình phát triển nghệ thuật là quá trình tự trau dồi của nghệ sỹ và tác phẩm nghệ thuật là sự hiển lộ mức độ uyên thâm ra bên ngoài. Làm thế nào để phát triển được như vậy, sách Đại Học đã dạy rất rõ: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.” Cách hiểu của cổ văn ta biết là sẽ theo trình tự ngược từ dưới lên. Nghĩa là đầu tiên phải biết dừng lại ở một quan điểm, chủ nghĩa mà ta cảm thấy là chí thiện, tức là hay nhất, tốt nhất, phù hợp nhất. Việc tri chỉ, tức là biết dừng lại, là yếu chỉ của việc học. Nếu không biết dừng lại, nay theo cái này, mai theo cái kia thì chỉ như con vẹt, không thể sáng tạo được: “Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc” nghĩa là việc đạt được thành quả đáng giá là do tư lự, suy nghĩ nội tại, không phải học từ bên ngoài, muốn nghĩ ngợi thì phải tĩnh tâm, yên ổn, mà muốn tĩnh thì phải biết dừng, tập trung vào một việc, không dao động. Sau khi biết dừng thì yếu quyết ở “tại tân dân”, nghĩa là mỗi ngày đều đổi mới bản thân, lại giúp cho người khác cũng đối mới. Cái tĩnh trong tâm là gốc của cái động, cái động là dụng của cái tĩnh, nhằm thích nghi phù hợp với điều kiện thay đổi từng ngày, như cái cây đung đưa theo gió, khi thì mọc mầm, khi thì rụng lá. Vì thế, tác phẩm phải luôn mới, nhưng bản chất phải rất ổn định. Nếu không có cái gốc thì không thể tìm cái động. Nếu người nghệ sỹ chưa tìm được cái định, mà cứ đòi anh ta phải thay đổi thì khác gì xô anh ta xuống dòng nước xoáy, không chết đuối làm sao được. Cuối cùng, mọi việc là để làm “minh minh đức” tức là làm sáng cái đức sáng, cái nhân bản trong mỗi con người, trong bản thân người nghệ sỹ. Vì vậy có thể nói đa số tác phẩm nghệ thuật Á Đông mang xu hướng biểu hiện. b. Quan niệm về anh nghệ sĩ của phương Tây Khác với quan điểm Nho giáo nói ở phần trước, Phương Tây từ thời cổ đã có sự tách biệt khái niệm nghệ sỹ, nghệ thuật tương đối độc lập với sự phát triển của con người, học giả nói chung. Từ đó, nghệ thuật có một cơ sở lý luận vững chắc để tồn tại độc lập như một nghề, một thiên hướng, một lĩnh vực của xã hội. Nói chung truyền thống phương Tây coi nghệ sỹ là những cư dân bề nổi – superficiel par excellence. Nghệ sỹ và tác phẩm của họ thuộc vào lớp kem hào hoa bổ dưỡng trên bề mặt, tất nhiên có liên quan đôi chút với chất sữa bên dưới, nhưng hoàn toàn có thể tách riêng để thưởng thức. Cái đẹp theo phương Tây là duy mỹ thuần túy, không cần một thông điệp sâu sắc nào, đủ để khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm, nếu mọi người thấy đẹp và qua đó thấy sung sướng, vui vẻ, hạnh phúc hơn. Tất nhiên tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết phải đẹp trong bản thân phần vật liệu tạo nên nó. Có thể có những thứ vạch trần sự thối tha, ghê rợn để đem lại cho con người những nhận thức nhân văn hơn, đẹp đẽ hơn. Nhưng nếu một sản phẩm từ đầu đến cuối chỉ là xấu thì khó có thể được chấp nhận là nghệ thuật. Sự phân biệt giữa nghệ thuật cao cấp – art và loại nghệ thuật rẻ tiền quần chúng – Kitsch chủ yếu ở độ đậm đặc của thành phần bổ dưỡng. Tuy nhiên cả hai đều được chấp nhận. Kitsch là loại ít nội hàm, đơn giản, nhiều chất xơ, dành cho hệ tiêu hóa phổ thông, nhưng đối với những con nghiện nghệ thuật loại nặng thì nhạt nhẽo như rượu pha nước lã, thậm chí nguy hiểm vì liều lượng quá thấp. Art là loại có độ nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cao, cần một bộ máy phân tích, xử lý cao cấp thì mới tiêu hóa được. Dân thường đứng trước tác phẩm nghệ thuật cao cấp giống như người biết uống rượu đứng trước thùng cồn. Ngửi cũng cảm nhận được độ rượu, nhưng không thể uống. Người nghệ sỹ được hình dung không phải là một học giả, một nhà tư tưởng có công phu hàm dưỡng, có học vấn uyên thâm, mà là một năng khiếu thiên nhiên đặc biệt nhạy bén. Anh ta như một tấm gương trong, có thể soi rõ những sự việc mà nhìn vào các tấm gương mờ nhạt khác không thấy rõ. Những sự việc được soi rọi có thể là trong bản thân anh ta, như trường hợp của trường phái biểu hiện, nhưng cũng có thể là thế giới bên ngoài anh ta. Điều quan trọng nhất của người nghệ sỹ là anh ta có tố chất của tấm gương sáng, tức là thiên hướng, năng khiếu bẩm sinh, và sau đó là ý thức giữ cho gương sạch, đó là định lực nghề nghiệp, lương tâm của nghệ sỹ. Khi một người nghệ sỹ có tác phẩm giá trị, tức là trong khoảnh khắc đó, anh ta đã giữ được gương sạch, và gương đó đã soi được vào một góc mà trước nay ít người nhìn thấy. Khi anh ta copy ý tưởng của chính mình để bán lấy tiền, có nghĩa là anh ta lưu giữ hình ảnh đó trên tấm gương, mặc dù cái thật đã đi qua. Khi đó anh ta không thể soi vào những thứ khác nữa. Đó là trường hợp ngoại lệ, tuy nhiều người vẫn làm như vậy. Thông thường thì nghệ sỹ không muốn tự lặp lại mình, nhưng tấm gương sau khi soi đã bị dính ảnh lên đó, dưới dạng thói quen, định kiến, kinh nghiệm, kiến thức v.v… Khi một tấm gương có vết bẩn, thì trong bất kỳ bức tranh nào cũng hiện lên vết bẩn đó, tạo ra sự lặp lại. Và việc xóa đi cái cũ, giữ cho gương sáng là học vấn của người nghệ sỹ. Nó phải xuất phát từ việc hiểu rõ các loại bụi bám thế nào và cách lau từng loại thế nào. Nếu không có học vấn đó thì mọi tấm gương sẽ bị phủ kín sau một thời gian, trừ những thiên tài đặc biệt có độ hồn nhiên trong sáng tới mức không mấy loại bụi bám vào được. Khi người ta phải thay đổi chủ đề, vật liệu, là khi góc đó đã bị phủ kín, không lau được, cần phải nhìn vào góc khác của gương. Nhưng những góc khác cũng sẽ nhanh chóng bị phủ, nếu vấn đề cơ bản là không biết cách lau sạch. Nói dài dòng, nhưng về bản chất, người quân tử phương Đông lấy “đốc thực”, nghĩa là tu thân, bồi bổ làm trọng, từ đó phát tiết ra ngoài thì thành nghệ thuật. Người nghệ sỹ (phương Tây) bàn tới sau này lấy “trung hư” làm trọng, nghĩa là phải vứt hết thành kiến, giữ mình như tấm gương trong, soi rõ sự vật. Tất nhiên ở mức độ cao thì hai cách nhìn, hai hướng đi đều sẽ dẫn đến cùng một kết quả, vì thế người Á Đông mới thưởng thức được nghệ thuật phương Tây và ngược lại. Tuy nhiên, những bước đầu thì lại tương đối khác nhau. Trong Kinh Dịch, Quẻ Càn là quẻ bàn về sức sáng tạo, có nói các bước tiến triển của việc sáng tạo, rất đúng với những bước mà một người nghệ sỹ phải trải qua. Bước đầu tiên là “tiềm long vật dụng” nghĩa là phải ẩn mình tu dưỡng, không được đem ra sử dụng. Đây cũng gọi là bước tích lũy công phu hàm dưỡng. Nếu chưa tích lũy đủ đã đem ra dùng thì sẽ lẩy bẩy như Cao Biền dậy non, như hái quả xanh để ăn, không thể thành tựu. Vì nguy cơ này nên Colin có nói đến tác hại của việc khuyến khích, công bố, triển lãm quá sớm, khiến cho tài năng bị thui chột, không lớn được. Sau khi tích lũy đủ, tài năng, nhân cách sẽ bộc lộ ra ngoài như mũi kim giấu trong bọc có ngày lòi ra. Nếu là nhân cách lớn, sẽ thấy sáng rực rỡ, ai cũng thấy được, sờ được như con rồng nằm giữa ruộng “hiện long tại điền”. Đó cũng là lúc người quân tử tham gia vào xã hội, chịu đựng những va chạm, sờ mó, bóp méo, khen chê, và luôn phải nỗ lực từng ngày nếu không sẽ bị đám đông dày xéo, chà đạp “chung nhật kiền kiền, tịch dịch, nhược lệ”. Nhưng sau một thời gian lặn ngụp với hiện trạng, xã hội, người nghệ sỹ sẽ phải chọn một trong hai đường, hoặc là lặn xuống vực sâu, biến mất để tránh cái lộn xộn, ồn ào vô bổ của đám đông, hoặc là dám nhảy vọt lên mây cao “hoặc dược, tại uyên”. Nếu ai thành công trong bước nhảy lên mây, sẽ sáng rực như rồng bay giữa trời, thiên hạ đều chiêm ngưỡng, thờ phụng, nhờ ơn mưa móc mà tự sinh sôi nảy nở “phi long tại thiên”. Khác với quẻ Càn, quẻ Khôn bàn về đạo lý của đất, sẽ nói đến những tố chất của người nghệ sỹ mà ta tạm gọi là phương Tây mong đợi. Đạo lý của Khôn là không cần sáng tạo, vì mọi sự sáng tạo là quẻ Càn đã làm rồi. Vấn đề là cần phải biết sự sáng tạo để thực hiện nó, tác thành cho nó. Cái sáng tạo kiểu quẻ Càn là ý tưởng, giống kiểu conceptual art mà không cần đến medium thực hiện, có thể chỉ trong đầu nghệ sỹ. Nhưng khi đã thể hiện thành tác phẩm vật chất, cho dù là tranh, tượng hay sắp đặt, trình diễn đều có nghĩa là tác thành cho ý tưởng để trở thành vật, nghĩa là vai trò của quẻ Khôn. Hào 1 quẻ Khôn viết “lý sương kiên băng” nghĩa là đạp lên sương mỏng mà biết thời kỳ băng giá sắp tới. Đó là năng lực cảm nhận vô cùng sắc bén của người nghệ sỹ. Những thứ người thường chưa cảm được thì người nghệ sỹ đã cảm thấy một cách rất rõ nét. Lấy ví dụ có một con tê giác khổng lồ, thân còn lấp trong bóng đêm, mới thò sừng ra ngoài. Người thường chỉ nhìn thấy cái sừng, nghĩ là một hòn đá nhọn. Nhà khoa học thì biết là con tê giác, nhờ đặc điểm khoa học của cái sừng nếu anh ta từng nghiên cứu về con vật này. Còn nghệ sỹ thì không biết con tê giác, nhưng cảm nhận được đằng sau cái sừng còn một cái gì sống động rất to lớn và sẽ thể hiện nó bằng tác phẩm mà ai xem cũng cảm thấy hình như đúng là đằng sau hòn đá còn một cái gì đó. Lão Tử nói: Tri kỳ hùng, thủ kỳ thư, nghĩa là biết đến cái sức mạnh, sự sáng tạo của trời đất, nhưng giữ phận mình là người thuận thừa, tác thành. Người nghệ sỹ không cần sáng tạo, không cần chủ đề riêng, mới, mà cần nhận biết tinh nhạy, thể hiện sắc sảo một thứ mà bình thường chỉ được nhận ra một cách mơ hồ. Ready made art có thể coi là một ví dụ cực đoan về năng lực và vai trò này. Mọi chủ đề, khi đã nói được ra, đều chỉ là cái cớ, không phải là bản chất giá trị của tác phẩm. Những chủ đề như môi trường, chính trị, bạo lực, tệ nạn xã hội cũng không có giá trị gì hơn chim hoa cá gái hay sĩ nông công binh. Đối với tác phẩm, chúng cũng như vật liệu, phương tiện. Điều quan trọng của tác phẩm là những thứ người ta có thể cảm nhận được qua tác phẩm mà bình thường họ không nhận ra. Nhiều nghệ sỹ thích dùng những chủ đề mạnh, mang tính chính trị, xã hội và việc họ bị cấm đoán, bắt bớ hay bị hiểu nhầm với giá trị tác phẩm. Thực tế, những chủ đề càng mạnh càng khó, vì những tiếng ồn xung quanh chúng rất lớn. Ai cũng nghĩ là mình đã biết, đã nghe, và không cảm nhận thực sự được sự khác biệt. Vì thế sử dụng những đề tài này rất dễ rơi vào nghi án kitsch hay văn nghệ quần chúng. Chỉ những người vô cùng tinh tế, có sức thể hiện rất mãnh liệt mới có thể tạo ra tác phẩm tốt bằng những chủ đề này. Giống như trong âm nhạc, mọi đứa trẻ nhập môn đều đánh bài Gửi Elise, các nghệ sỹ thành danh thì tuyệt đối tránh, đến Horowitz thì lại dám chơi. Nói tóm lại, người quân tử Á Đông dùng nghệ thuật để thỏa mãn tâm sự riêng. Có thể có người hiểu được tâm sự đó, thì là tri kỷ. Còn không ai hiểu thì cũng không sao. Anh ta có thể ngày nào cũng viết đúng một chữ, hay vẽ đúng một con kiến, nhưng mỗi ngày, con kiến đó sẽ khác nhau, vì tâm sự của anh ta cũng khác nhau. Nếu anh ta là đại nhân, thì sẽ có một đống người sưu tầm các con kiến ấy, tìm cách giải mã xem chúng có ý nghĩa gì. Còn nếu anh ta là người thường, thì các con kiến sẽ chẳng ai quan tâm. Ngược lại, người nghệ sỹ chuyên nghiệp phương Tây có nhiệm vụ tạo ra một sản phẩm. Nếu tốt, sản phẩm đó sẽ được trả giá cao. Sản phẩm này phải có trách nhiệm gây rung động, gây phê cho người tiêu dùng, tương tự như ma túy. Để làm được điều đó, ngoài một thiên hướng trời phú về sự nhạy cảm, tinh tế, cần có kỹ thuật chọn lọc nguyên vật liệu, tinh chế, chưng cất đặc biệt. Các nghệ sỹ phương Tây đã có quá trình đào luyện lâu đời, chân truyền nên kỹ thuật pha chế cũng như hiểu biết khách hàng của họ rất cao. So với họ, những món hàng của Việt Nam chỉ là món ăn nhà quê cho dân cày. Cái có thể làm họ thấy thích, đó là mấy món vốn không phải làm để bán, như mấy con kiến nói trên, hay như món gà bọc đất nướng mọi. Tuy nhiên họ sẽ không trả cho mấy em nhỏ chăn trâu số tiền cho con gà nướng mọi như là họ trả cho một bữa tiệc của đầu bếp trứ danh ở nhà hàng 5 sao. Vậy thì nghệ sỹ Việt Nam sẽ có đường nào để đi: chỉ có hai con đường. Thứ nhất là theo kiểu Á Đông, anh không phải nghệ sỹ bán tranh. Phải coi tiền không bằng tranh, coi tranh lại không bằng cái sướng được vẽ. Khi anh đã nổi danh là nhân sỹ một thời, nhất là khi anh đã chết, bất kỳ cái gì anh từng làm cũng sẽ có giá trị. Con đường thứ hai là con đường nghệ sỹ chuyên nghiệp, thì phải học một cách bài bản mọi thủ thuật thể hiện, và phải giữ cho mình sự trong sáng, vô tư, nhạy bén. Hiện nay nghệ sỹ chúng ta đang mắc vào vòng luẩn quẩn của mâu thuẫn giữa hai con đường này. Anh quá đề cao cá nhân, với những suy nghĩ, kiến thức cá nhân nên không chịu làm một tấm gương chuyên phản chiếu sự việc, để có thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường; nhưng anh lại cũng không dám tập trung vào tu thân, đốc thực để trở thành bậc quân tử, trí giả, không phụ thuộc thị trường. Thêm nữa, trong quan điểm Á đông, nghệ sỹ và tác phẩm không thể tách rời, điều này đôi khi làm khó cho phê bình nghệ thuật, vì khi phê bình tác phẩm có nghĩa là phê bình con người nghệ sỹ. Khi ta bảo “tác phẩm này chưa tốt”, có thể bị hiểu như “nhân cách của nghệ sỹ chưa cao”. Nhưng theo quan điểm chuyên nghiệp, hai thứ này phải được tách rời. Nghệ sỹ có thể chẳng có nhân cách gì, nhưng cảm nhận của anh ta vô cùng tinh, có thể phát giác sự việc từ khi mới lẩn quất, và có khả năng làm rõ điều mình cảm nhận cho những người khác. Nếu tách biệt rõ được những nguyên lý này, nghệ thuật sẽ có cửa phát triển, vì người nhạy bén thời nào cũng có, kỹ thuật có thể học và chủ đề thì vốn từ tự nhiên, xã hội chứ không từ nội tại mà ra. Tất nhiên khi đó, người nghệ sỹ sẽ là chuyên nghiệp, như bao chuyên gia các lĩnh vực khác. Đừng đòi hỏi phải có cái gọi là nghệ sỹ Việt Nam, nghệ thuật Việt Nam. Tất nhiên chủ đề mà nó phản ánh sẽ đa phần từ thực tế cuộc sống ở Việt Nam, nhưng vì chủ đề vốn không phải cái chính, mà chỉ là cái cớ của nghệ thuật, nên nó sẽ không đủ để tạo ra cái gọi là nghệ thuật Việt Nam.
* Bài liên quan: – Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? Bài 1: Quan điểm ta như đứa trẻ sơ sinh Ý kiến - Thảo luận
18:48
Sunday,11.6.2017
Đăng bởi:
LC
18:48
Sunday,11.6.2017
Đăng bởi:
LC
Ôi nhớ Soi quá, mò vào để đọc bài cực hay này. Và để bắt một đứa đọc, nó đang canh cái hầm to và vắng tanh. Nó cần đọc lắm
Cảm ơn anh Tùng mật ong bạc hà
9:15
Tuesday,29.12.2015
Đăng bởi:
2sozo
Thỉnh thoảng đọc các bài viết của anh Tùng như ăn một món khác với nhiều món bày ra hàng ngày. Có lúc ngon lúc không ngon.
9:15
Tuesday,29.12.2015
Đăng bởi:
2sozo
Thỉnh thoảng đọc các bài viết của anh Tùng như ăn một món khác với nhiều món bày ra hàng ngày. Có lúc ngon lúc không ngon. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Cảm ơn anh Tùng mật ong bạc hà
...xem tiếp