Khác

Cắt bánh ngọt, bộ trưởng Thụy Điển bị tố là “phân biệt chủng tộc” 04. 05. 12 - 8:12 pm

Hrag Vartanian – Pha Lê dịch

 

 

Hình chụp bà bộ trưởng Thụy Điển đút nghệ sĩ món ‘bánh nghệ thuật’ do chính anh làm ra (nghệ sĩ đang đóng vai cái đầu). (Ảnh do friatider.se lấy từ Facebook).

 

Khó mà tưởng tượng nổi bà bộ trưởng văn hóa Lena Adelsohn Liljeroth của Thụy điển nghĩ gì khi tham gia vào “bữa tiệc bánh” hồi tháng 4. 2012 tại bảo tàng Moderna Museet để lên án hủ tục cắt âm vật (ở một số nước Châu Phi).

Tại bữa tiệc, nghệ sĩ Thụy Điển Makode Al Linde “hóa trang” thành cái đầu của một phụ nữ da đen, và hình ảnh đám quan khách Thụy Điển da trắng cười nói rôm rả trong khi vị lãnh đạo chủ chốt của họ cắt chiếc bánh có hình cơ thể một phụ nữ da đen bị xẻo (phần âm vật) đã khiến nhiều người bị sốc.

Rất nhiều người Thụy Điển gốc Phi bất bình trước sự việc trên. Kitimbwa Sabuni, phát ngôn viên của Hiệp hội Quốc gia Người Thụy Điển gốc Phi, nói với tờ báo mạng The Local.se rằng bà bộ trưởng Lijeroth phải từ chức thôi.

Theo lời bảo tàng Moderna Musset, bữa ‘tiệc bánh’ là nhằm lên án hủ tục cắt âm vật, nhưng chẳng hiểu làm cách nào mà cái bánh nhạo hình ảnh người phụ nữ da đen với ‘bộ mặt đen’ theo kiểu phân biệt chủng tộc có thể giúp họ thực hiện được mục đích đó?” Sabuni bức xúc.

Makode Al Linde, tác giả của món ‘bánh nghệ thuật’, nổi tiếng là người hay gây trò kích động. Cách đây vài năm, một series hiện vật trưng bày tại triển lãm Afromantics – triển lãm nổi tiếng nhất của Linde – đã tập trung vào nạn phân biệt chủng tộc dành cho dân Châu Phi. Trong Afromantics, anh vẽ những bộ mặt da đen lên trên những ‘biểu tượng văn hóa’ của phương Tây. Linde miêu tả Afromantics: “Tôi lấy những biểu tượng văn hóa đại chúng… và sau đó cho các biểu tượng này một ‘cuộc sống da đen’ mới bằng cách cho đeo những bộ mặt da đen. Trong quá trình đó tôi đã cướp mất bản sắc nguyên thủy của chúng.” Rõ ràng là triển lãm nói về bản sắc, nhưng lại mang một vẻ giễu cợt, và chính sự tăm tối đã đem lại cảm giác khó chịu cho người xem.

Một vài tác phẩm từ series “Afromantics” của Linde (hình lấy từ Urbanlife.se).

 

Trên facebook, Linde cũng tham gia tranh luận về cuộc trình diễn gây tranh cãi của mình và gọi đó là “buổi diễn bằng bánh về đề tài xẻo âm vật”.

Lời bình trên trang Facebook của nghệ sĩ này rất ‘đa dạng’, đúng theo những gì bạn đoán được cho một tác phẩm gây sốc như thế. Một vài người không hề mắc cỡ khi dùng những từ ngữ bậy bạ để chửi rủa Linde, rất nhiều người tập trung vào chuyện anh ‘không đủ đen’, một số khác thì có vẻ ủng hộ kiểu làm nghệ thuật ‘ngớ ngẩn’ của anh.

Tay blogger Kwamla Hesse thì mạnh dạn phê bình cả buổi biểu diễn lẫn nghệ sĩ:

Không hề sai lầm khi nói rằng đây là một buổi diễn quá sốc và phân biệt chủng tộc, đáng ra không một bộ trưởng chính phủ nào có thể phê chuẩn. Bất kỳ điều gì Linde đang muốn thực hiện đều bị phá sạch bởi sự căm ghét bản thân sâu thẳm trong đáy lòng anh ta.

Hãng AP thông tấn sau đó cho biết, Moderna Museet tại Stockholm phải đóng cửa vì có người dọa sẽ đánh bom, nhưng chưa phát hiện thấy quả bom nào.

 

*
Phần Linde thì sao?

Linde cho rằng những người viết lời bình chưa hề muốn tìm hiểu sâu về tác phẩm và những điều mà nó định nói.

Bằng tác phẩm của mình, tôi đang thử xây dựng một cuộc thảo luận cũng như dấy lên nhận thức về bản sắc của người da đen, về sự đa dạng của bản sắc ấy,” Linde nói. “Cuộc tranh cãi gần đây về tác phẩm bánh hầu như chỉ nhắm vào việc liệu tôi và bà bộ trưởng văn hóa có phân biệt chủng tộc hay không. Tôi nghĩ đây là một phân tích nông cạn. Thật dễ khi lấy một hình ảnh bất kỳ và đặt nó vào ngữ cảnh sai.”

Theo Linde, chiếc bánh của anh là một trong năm chiếc bánh nghệ sĩ, những chiếc còn lại là của Peter Johansson, Lisa Jonasson, Marianne Lindberg De Geer và Galleri Sysrer, được dùng như những tác phẩm sắp đặt cho lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên đoàn Nghệ sĩ Thụy Điển tại bảo tàng Moderna Museet ở Stockholm. Đây là sô đầu tiên của Linde tại bào tàng nghệ thuật danh tiếng này, và nghệ sĩ rất hài lòng với màn trình diễn, nói rằng nó “diễn ra theo đúng mong đợi.” Linde giải thích bảo tàng chỉ thông báo về sự có mặt của bà Bộ trưởng Văn hóa Thụy điển 20 phút trước khi sự kiện mở màn, nhưng anh ủng hộ ý tưởng cắt bánh của bà, và chính anh là người đóng vai ‘cái đầu’ trong tác phẩm bánh này. Linde cho rằng tác phẩm của anh có thể đứng riêng một mình nhưng sự có mặt của nữ Bộ trưởng đã tiếp thêm cho nó sức mạnh mới. Linde bảo anh không hiểu được cách thức mà những người phê bình nhăm nhe vào sự có mặt của những người da trắng đứng xung quanh tác phẩm, và anh có vẻ rất ngạc nhiên về những lời bình hằn học dành cho khán giả (da trắng) của anh. “Tôi nghĩ thật sai lầm khi phán rằng tác phẩm của tôi phân biệt chủng tộc chỉ vì đám khán giả ấy là phụ nữ da trắng còn tôi là người da đen duy nhất ở đó,” anh nói.

Hình ảnh chiếc bánh sau khi mỗi người đến dự cắt một miếng cho mình (lấy từ trang Facebook của nghệ sĩ).

 

Sự cố này làm dấy lên câu hỏi về bản sắc văn hóa và mạng Internet. Ở Thụy Điển, Linde nói, hầu hết mọi người hiểu được cái ngữ cảnh nghệ thuật của màn trình diễn trên. “Tại Stockholm, nơi tôi sinh ra, giới nghệ thuật đều biết về các tác phẩm của tôi mà. 99 phần trăm trong số đó là ‘chống phân biệt chủng tộc‘” anh giải thích. “Tôi là người đầu tiên công nhận rằng (tác phẩm ‘bánh da đen’) mang một hình ảnh gây nhức nhối, nhưng chủng tộc là một đề tài nhức nhối. Một trong những vai trò chính của nghệ thuật là nói lên những vấn đề như thế, và khiến người khác phải tự mình đối mặt với những vấn đề ấy.

Linde nói anh đã rất ý thức về việc chiếc bánh đó được trình bày ra sao, và anh đã tìm cách giúp nhiều người xem được tác phẩm trên và phổ biến nó đến với một lượng khán giả lớn hơn. Nhưng dường như anh không kịp ‘chuẩn bị’ để đối phó với những lời la ó trên mạng.

Chính Linde chủ động quyết định thay đổi hình thức của bữa tiệc bánh nghệ sĩ lịch sự, biến thành một sự kiện mà qua đấy sẽ phát sinh các cuộc thảo luận và nhận thức (về những vấn đề nhức nhối). “Tôi muốn thay đổi những gì đang diễn ra và muốn la hét, phản ứng, cũng như van xin,” anh nói.

Và thế là Linde dựa theo biểu tượng ‘nữ thần sinh sản của Châu Phi’ để sáng tác chiếc bánh và anh cho rằng mình đã truyền đạt được những cảm xúc cần có. “Một vài người thực sự hiểu ra vấn đề sau khi nghe tôi giải thích và xem các tác phẩm khác của tôi. Người ta cứ hay cố lên lớp tôi về lịch sử của blackface*, trong khi tôi hiểu rất rõ xuất xứ của nó. Họ hay nghĩ rằng tôi không biết gì về chủ nghĩa hậu thực dân nhưng tôi luôn phải đối mặt với nó mỗi ngày,” anh kể. “Tôi nghĩ vấn đề này rất khác khi bạn sống ở Stockholm thay vì ở New York. Tại đây không có nhiều nghệ sĩ Scandinavia gốc Phi, nên việc mọi người bàn luận về đề tài chủng tộc là rất quan trọng.”

Linde không hiểu được phản ứng của Hiệp hội Quốc gia Những người Thụy Điển gốc Phi lúc họ bắt bà bộ trưởng văn hóa phải từ chức. Linde nói tổ chức này không hề cố gắng trò chuyện với anh về tác phẩm và không thèm quan tâm đến những gì anh cần phải phát biểu với tư cách của một người Thụy Điển gốc Phi. “Tôi mời họ đến studio để trò chuyện và chỉ cho họ thấy những tác phẩm nghệ thuật của mình. Nhưng họ không quan tâm đến việc đối thoại với tôi,” anh kể. “Khi tôi gặp một thành viên của Hiệp hội (vào một dịp khác), ông ấy nói thẳng rằng mình không quan tâm. Tôi hỏi xem ông ấy có biết nghệ sĩ Thụy Điển gốc Phi nào nữa không, ông ấy nói ‘không’, thế là tôi hỏi ‘Tại sao ông không quan tâm tới nghệ sĩ Thụy Điển gốc Phi duy nhất mà ông biết (là tôi)?‘”

Tác giả Linde

 

Bộ trưởng Lena Adelsohn Liljeroth thì rất “gấu”. Bà cho đăng một tuyên bố có nhiều câu từ mạnh mẽ về buổi biều diễn này và nói rõ rằng “Nghệ thuật phải được quyền kích động.” Bản tuyên bố viết:

Chính sách văn hóa của đất nước chúng ta cho rằng văn hóa nên là một thế lực độc lập dựa trên quyền tự do thể hiện. Do vậy Nghệ thuật phải được quyền kích động và đặt ra nhiều câu hỏi gây khó chịu. Giống với những gì tôi đã nhấn mạnh trong bài diễn văn hôm Chủ nhật, việc bảo vệ quyền tự do thể hiện và tự do nghệ thuật là rất cần thiết – ngay cả khi nó khiến chúng ta bị xúc phạm.

Tôi là người đầu tiên công nhận rằng tác phẩm của Makode Linde rất kích động vì nó chủ tâm phản ánh các hình thái gây phân biệt chủng tộc. Nhưng ý định thật sự của tác phẩm – và khả năng nghệ thuật của Makode Linde – là dùng sự khiêu khích để thách thức hình ảnh truyền thống của nạn phân biệt chủng tộc, nạn ngược đãi, và sự đàn áp. Trong điều mà tác phẩm muốn ám chỉ, biểu tượng là (hủ tục xẻo âm vật) xấu xa, thật không may và cực kỳ đáng tiếc khi màn trình diễn đã bị vài người đã diễn giải thành một biểu hiện của hành vi phân biệt chủng tộc. Ý định của tác phẩm thực sự ngược hẳn với hành vi đó.”

Trong cuộc phỏng vấn, Linde nghe chừng rất bối rối trước những cơn giận dữ trên mạng. “Nếu mọi người có thể trở nên tức giận như thế này vì chuyện một phụ nữ cắt một cái bánh, liệu họ có nên dùng nguồn năng lượng ấy cho cuộc chiến thật ngoài đời hướng tới nạn cắt xẻo âm vật không nhỉ?” anh nói. “Tôi hiểu rằng đây là một đề tài nghiêm túc, và khi bạn trộn một đề tài nghiêm túc với một chủ đề nhẹ nhàng như bánh, bạn có thể khiến người ta nổi giận, nhưng tôi thích đem chất hài vào tác phẩm của mình vì chủ đề (cắt âm vật) quá buồn thảm và tôi đã phải đối mặt với đề tài đó mỗi ngày rồi. Mọi người sẽ bớt phòng ngự hơn khi họ có thể đùa về việc gì đó.”

Ngoài tính chính trị về đề tài chủng tộc trong các tác phẩm nghệ thuật, màn trình diễn bằng bánh của Linde cuối cùng đã phát động được trên các trang web nhiều cuộc tranh cãi cần thiết về hủ tục cắt xẻo âm vật. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có từ 100 đến 140 triệu phụ nữ đã phải trải qua ‘phẫu thuật’** cắt âm vật trên thế giới và 92 triệu trong số này là người Châu Phi. Thủ tục này đã để lại thương tật cho cơ thể cũng như tâm hồn của nhiều bé gái và phụ nữ trẻ.

 

*
Chú thích

*Blackface: một kiểu hóa trang mặt mày nhạo theo hình ảnh bộ mặt của người da đen, rộ lên vào hồi thế kỷ 19, thường được dùng trong các sô hài ngắn tại các quán bar hoặc phòng trà.

**Gọi là phẫu thuật vậy chứ các bé gái (từ khoảng 5 đến 12 tuổi) bị đem đi cắt âm vật trong điều kiện thiếu vệ sinh và thuốc gây mê. Sau đó âm hộ được khâu lại (chừa một lỗ nhỏ để đi vệ sinh), đến đêm tân hôn thì chồng mới dùng kéo để ‘cắt chỉ’, thành ra ngoài số lượng các bé gái chết yểu vì nhiễm trùng, có khá đông các phụ nữ trẻ chết sau khi sinh con. Ngoài những báo cáo của WHO, bạn nào quan tâm có thể tìm đọc cuốn tự truyện của Waris Dirie và xem bộ phim “Desert Flower”.

Ý kiến - Thảo luận

13:58 Saturday,5.5.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Ái zà, mọi người có thể không nhẹ dạ tới mức quá đà nhưng hẳn là mắc lỡm đồng chí Al Linde, người nghệ sĩ có tinh thần đấu tranh cho tệ phân biệt chủng tộc?

Hoan hô đồng chí A-Lin..
...xem tiếp
13:58 Saturday,5.5.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Ái zà, mọi người có thể không nhẹ dạ tới mức quá đà nhưng hẳn là mắc lỡm đồng chí Al Linde, người nghệ sĩ có tinh thần đấu tranh cho tệ phân biệt chủng tộc?

Hoan hô đồng chí A-Lin.. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả