Nghệ sĩ thế giới

20. 6. 1887: Kurt Schwitters – một kết thúc có hậu 21. 06. 12 - 1:50 am

Gwenda Webster - Phạm Phong lược dịch

20. 6 là sinh nhật của Kurt Schwitters (1887-1948, Đức). Ông được coi là một trong những bậc thầy lớn nhất về tranh cắt dán.

.

 

Năm 1918, nhân một dịp triển lãm, Schwitters được gặp gỡ những nghệ sĩ tiến bộ nhất châu Âu lúc đó – những người theo trường phái Vị lai Ý và Dada Zurich. Mùa đông năm ấy, Schwitters bắt đầu làm tranh cắt dán, có lẽ do chịu ảnh hưởng từ Hans Arp.

“Coulisses de Foret” của Hans Arp. (Trong cả bài, các bạn nhớ bấm thẳng vào hình để xem bản rõ hơn nhé).

 

Một trong những tác phẩm cắt dán đầu tiên của Schwitters có tên là Hansi, thoạt trông là khiến ta nghĩ ngay tới tác phẩm của Arp.

Hansi

 

Mùa xuân năm 1919, Schwitters bắt đầu làm một loạt tranh từ những đồ đầu thừa đuôi thẹo, trong đó có một bức với một mẩu chứa bốn chữ MERZ – cắt từ một trang quảng cáo cho Kommerz- und Privatbank (ngân hàng?). Merz chẳng mấy chốc trở thành một cái tên gắn cho hầu như mọi hoạt động của Schwitters, và thực vậy, từ năm 1922, Schwitters thậm chí đã gọi mình là Kurt Merz Schwitters, hay đơn giản chỉ là Merz.

Merz

 

Trong một triển lãm giữa năm 1919, Schwitters cho bày những tác phẩm cắt dán Merz của ông, cùng mấy bức màu nước “kì dị”, như bức “The Heart goes from Sugar to Coffee” (Trái tim đi từ đường tới cà phê). Merz gây xôn xao trong giới phê bình, kèm thêm một chiến dịch quảng bá thành công, cổ súy cho bài thơ đầy khiêu khích An Anna Blume do ông sáng tác, khiến ông nổi tiếng khắp cả nước. Mặc dù không dính líu tới đảng phái chính trị nào, nhưng nghệ thuật của Schwitters vẫn hay bị tố là “đe dọa các giá trị truyền thống Đức”, trong khi bản thân ông thì bị coi là “không yêu nước”, hay thường xuyên hơn, là “điên”.

“Trái tim đi từ Đường tới Cà phê”

 

Vậy là Schwitters cứ thế nổi như cồn nhờ sự chống đối của công chúng, và từ 1919 tới 1923, ông đã tạo ra một loạt những bức Merz mà ngày nay được coi là đóng góp vĩ đại nhất của ông cho mỹ thuật thế kỷ 20. Những bức Merz này mang theo một sức căng bên trong – một thứ sức căng có được nhờ cách đặt cạnh nhau đầy nhạy cảm, giữa trừu tượng với hiện thực, thẩm mỹ với rác rưởi, nghệ thuật và đời. Động năng bên trong chính là một trong những đặc điểm của loại tranh Merz.

Schwitters làm chủ tuyệt đối trong sử dụng màu, cân bằng một cách tinh tế giữa nội dung và hình thức, và chơi được trò chơi hỗ tương phức tạp giữa cái thô và cái tinh, như trong bức Merzbild Rossfett, 1919…

Merzbild Rossfett, 1919

 

… hay gần như tối giản trong bức Revolving, 1919, dùng trơ trọi vật liệu để chuyển tải một vũ trụ quay cuồng đổ bóng bí ẩn, vượt ra khỏi ranh giới của khung tranh.

Revolving

 

Cuộc cách mạng của Schwitters đến trễ – mãi 32 tuổi, ông mới có triển lãm Merz đầu tiên, nhưng Merz đã thay đổi đời ông “tận gốc”. Đột nhiên ông đứng vào hàng ngũ tiên phong của nghệ thuật đương đại, sánh vai với các “ông lớn” tiên phong khác của Dada, của Bauhaus và của thế hệ mới các nghệ sĩ Tạo dựng từ Đông Âu. Niềm say mê của Schwitters là không giới hạn, và trong 10 năm sau đó, ông đã tiến hành các thử nghiệm “chấn động” trong đủ mọi lĩnh vực, từ kịch trừu tượng, thơ trừu tượng, đến nghệ thuật đa phương tiện, vẽ trên cơ thể, âm nhạc, nhiếp ảnh, và cả kiến trúc. Ông là một nghệ sĩ trình diễn hạng siêu, một nhà văn viết rất nhiều, tác phẩm của ông in được thành năm tập; ông cho xuất bản một tờ báo Merz đầy sáng tạo, xuất bản đều đặn suốt 9 năm, từ 1923 tới 1932. Ông còn là một thợ in hàng đầu vào thời đó, thành lập cái mà sau này trở thành đại lý quảng cáo rất thành công là Merz Werbe, vào năm 1924.

Bìa một tờ Merz

 

Các hoạt động của Schwitters từ 1922 trở về sau phần lớn đã báo trước cho một phong trào có tên “International Constructivism” (Tạo dựng Quốc tế) – một phong trào nhắm tới cuộc chuyển đổi hoàn toàn của xã hội với sự tham gia của nghệ sĩ như một vai trò then chốt. Tuy nhiên, vốn là một bậc thầy về màu sắc tinh tế và cân bằng đầy cẩn trọng, sự thâu nạp của Schwitters đối với các nguyên tắc của trường phái Tạo dựng (chủ yếu dựa trên các màu căn bản, các hình dạng hình học) không phải lúc nào cũng có lợi cho tác phẩm của ông, mặc dầu phương pháp có-vẻ-như-tối-giản (của trường phái này) đến với ông một cách hoàn toàn tự nhiên (trước đó chính ông cũng đã từng thử, như các bức “Những hình vuông màu“).

Coloured Squares (Những hình vuông màu)

 

Từ năm 1924, bố cục các bức Merz trở nên rành mạch hơn, đồng “chất” hơn, từng yếu tố thành to hơn, đơn giản hơn. Nhưng may mắn là dù có thay đổi, Schwitters vẫn không từ bỏ ý tưởng Merz –  thứ nghệ thuật tối cao của các mảnh, đoạn – như ta có thể thấy trong bức “Relief with Cross and Spheres” tuyệt đỉnh của ông, với hiệu quả của những màu ảm đạm và bố cục chặt chẽ theo trường phái Tạo dựng được bù lại một cách tuyệt vời bởi những đường cong sắc bén, bởi bóng đổ, bởi những mẩu đầu thừa đuôi thẹo mà Schwitters hằng yêu thích trong những bức Merz của ông.

“Relief with Cross and Spheres”

 

Thế rồi chủ nghĩa Quốc xã nổi lên ở Đức sau 1929. Schwitters rơi vào hoản cảnh cực kỳ khó sống. Mạng lưới quốc tế của những con người tiên phong trong nghệ thuật bị tan rã, và Schwitters từ từ chấm dứt các hoạt động ngoài công cộng. Năm 1931, cha ông qua đời, cũng là một biến cố đánh dấu một giai đoạn mới trong sự nghiệp sáng tác của Schwitters, như chính Schwitters đã minh chứng trong bức Neues Merzbild, với không khí trầm mặc và những vệt màu thô tháp, rất trái ngược với những tác phẩm Merz thời kỳ đầu.

Neues Merzbild

 

Các tác phẩm của Schwitters bị chế độ Phát xít vùi dập không thương tiếc, và ông vẽ cũng ít đi hẳn. Bắt đầu từ năm 1933, tác phẩm của ông “bị” bày trong một loạt những triển lãm “Nghệ thuật suy đồi”, và đỉnh cao là triển lãm bỉ ổi “Entartete Kunst” tại Munich vào giữa năm 1937.

Hitler và Goebbels đi xem triển lãm “Entartete Kunst” (Nghệ thuật suy đồi) năm 1937.

 

Một tác phẩm văn học của Schwitters – tập thơ mạnh mẽ có tên Ursonate – đã bị SS tịch thu vào năm 1937 và ông cũng không thể xuất bản tập Merzbau tại Đức. Nghề họa sĩ, nhà văn, nhà in của ông cũng chấm dứt. Ông bị tước mất những lực đấy của đô thị – yếu tố sống còn đối với công việc của ông. Và khi nguồn thu nhập khô cạn, ông đành dùng nhiều thời gian hơn để vẽ những bức chân dung và phong cảnh Na Uy, bán cho khách du lịch.

Một bức chân dung do Schwitters vẽ Dr George Ainslie Johnston, đang chơi cờ cùng Schwitters.

 

Tháng Giêng năm 1937, Schwitters chạy sang Na Uy, vì những lý do mà ông không bao giờ giải thích đầy đủ, có lẽ do Gestapo luôn luôn theo dõi ông, vì những liên hệ của ông với tổ chức kháng chiến Hanover Resistance đã bị phát giác vào mùa thu năm 1936.

Schwitters vẽ tại Na Uy

 

Trong ba năm tiếp theo đó, Schwitters sống đời lưu vong vật vờ. Trầm cảm và bỏ mặc sắp đặt Hanover Merzbau ra sao thì ra, ông cố gắng tìm một đơn đặt hàng để làm thêm một cái nữa ở Mỹ hoặc Thụy Sĩ, nhưng không ai quan tâm (vào lúc đó). Mọi hy vọng hoàn tất được Merzbau thứ hai của ông, được xây dựng rất mất công trong vườn nhà ông ở Lysaker, gần Oslo, cũng tan thành mây khói khi quân Phát xít tràn vào Na Uy năm 1940 và ông đã phải cùng con trai lánh lên miền Bắc.

Hanover Merzbau

Nói thêm một chút về Hanover Merzbau. Đây là một trong những thử nghiệm đầu tiên của Schwitters, và được ông coi như tác phẩm của đời mình, là một sắp đặt “lai” giữa kiến trúc và mỹ thuật, được ông dặt tại nhà bố mẹ ông ở ngoại ô Hanover từ giữa năm 1923 đến 1936. Dự án sáng tạo có tính liên tục này của Schwitters là thứ trước đó chưa từng có, và đến những bạn thân nhất của ông cũng khó mà hiểu nổi, khiến Schwitters phải rất vất vả khi giải thích mình đang làm gì, bởi thời đó, nghệ thuật là cái bạn nhìn vào, chứ không phải là cái bao quanh bạn, và những thuật ngữ quen thuộc với chúng ta ngày nay như “Environment” hay “Installation” lúc ấy vẫn chưa có.

Schwitters cuối cùng đến được Anh, và bị giam ở đó đến 1941. Tuy nhiên xem những bức Merz thời kỳ ấy, bạn khó mà biết được tình trạng ốm đau, thiếu tiền, thiếu thời gian, và mạng sống bị đe dọa… của ông. Thí dụ như xem bức Glass Flower (Hoa thủy tinh) với những tia sáng và nhịp điệu đung đưa, làm sao ngờ nổi nó được sáng tác vào lúc nghệ sĩ vô cùng cô đơn và trầm cảm.

Hoa thủy tinh

 

Sau khi được thả ra, Schwitters về sống ở thành phố London tan nát vì bom cho tới năm 1945, nơi đó, khung cảnh xa lạ lại cho ông cảm hứng tươi mới để thực hiện những bức Merz mới, bình tĩnh nhìn lại những ngày đen tối. Ông say mê những bức hí họa mà những đồng hương từ Mỹ gửi thư cho; ông dùng chúng trong tác phẩm nổi tiếng For Kate – một bức cắt dán mà ngày nay ta coi như một điềm báo trước cho trường phái Pop Art.

For Kate, 1947

 

Năm 1945, cùng một người bạn, Schwitters đến Ambleside sống, và vào tháng Tư năm 1947, ông nhận được một khoản tài trợ từ một doanh nhân vùng Pittsburgh, thông qua MoMa (Bảo tàng Hiện đại ở New York), gửi cho ông để làm một công trình Merzbau mới, trong một kho thóc của một ngôi làng vùng Elterwater. Nhưng Schwitters đã không bao giờ hoàn tất được Merz Barn ấy, và sau khi ông mất, vào ngày 8. 1. 1948, một phần bên trong công trình đã bị phá hủy, một phần chuyển đến địa điểm khác. Phần còn lại lớn nhất, là bức tường với những hình đắp nổi trừu tượng, nay được trưng bày ở Hatton Gallery của trường Đại học Newcastle. Các Merzbauten khác của Schwitters đã mất sạch: Hanover Merzbau thì bị bom đồng minh tàn phá năm 1943, Lysaker Merzbau thì bị cháy rụi năm 1951.

Schwitters mất ở tuổi sáu mươi, buồn khổ, lôi thôi vì nghèo túng, nhưng vẫn biết rằng tài năng của mình một ngày nào đó sẽ được nhận ra. Suốt một cuộc đời thăng trầm, vất vả, ông vững vàng, trung thành với việc sáng tạo những bức Merz đầy tính dân chủ, không giáo điều, không làm ra vẻ cao cấp. Những bức Merz ấy tỏa ra ma thuật của riêng chúng, từ những thứ vô dụng, bị từ chối, bị bỏ đi. Cho nên không lạ gì khi chế độ Phát xít thấy nghệ thuật của Schwitters mang tính lật đổ, và chúng đã thử xóa sổ loại nghệ thuật ấy đi. Tác phẩm của Schwitters là nguồn cảm hứng với những nhà tiên phong hậu chiến, như Jasper Johns, Robert Rauschenberg và Joseph Beuys. Ngày nay, người ta coi Schwitters như người ông của các phong trào nghệ thuật sau 1945, từ Pop Art tới Fluxus, từ nghệ thuật ý niệm tới nghệ thuật “site-specific” (làm cho một không gian xác định), và coi ông là bậc tiền bối của những nghệ sĩ hàng đầu như Thomas Hirschhorn, Gregor Schneider và Rachel Whiteread.

Tác phẩm “Lời đề nghị” của Schwitters.

 

Tác phẩm của Kurt Schwitters có mặt tại rất nhiều bảo tàng lớn, từ MoMA, tới trung tâm Pompidou, tới bảo tàng Ludwig, rồi Insel Hombroich, Tate ở London… Bộ sưu tập lớn nhất tác phẩm của ông, cùng với phòng Merzbau được dựng lại, nay có thể xem ở bảo tàng Sprengel, Hanover (Đức); tại đây có viện Lưu trữ về Kurt Schwitters rất lớn (các nhà nghiên cứu muốn xem phải có lịch hẹn).

Merzbau được dựng lại

 

Trên thị trường có khá nhiều tranh Schwitters giả (trong đó có bức “Chim xanh”, trước kia tưởng của Schwitters nên cũng nằm trong viện Lưu trữ). Người ta vẫn hay gửi những thắc mắc về tranh Schwitters giả-thật về bộ phận lưu trữ này.

“Blauer Vogel” (Chim xanh), 1922, tranh giả

2011

 

Ý kiến - Thảo luận

17:24 Thursday,21.6.2012 Đăng bởi:  candid
Em đùa thôi mà bác Đăng về cái sự ghét của kẻ bất tài với những người có tài. Không hiểu trường phải Hitler theo đuổi có phải là trường phái Lãng mạn cổ điển?
...xem tiếp
17:24 Thursday,21.6.2012 Đăng bởi:  candid
Em đùa thôi mà bác Đăng về cái sự ghét của kẻ bất tài với những người có tài. Không hiểu trường phải Hitler theo đuổi có phải là trường phái Lãng mạn cổ điển? 
16:17 Thursday,21.6.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
@ Candid:
Hitler không ghét hoạ sĩ. Hitler cũng như Đảng Quốc Xã chỉ ghét hoạ sĩ nào và những ai không đi theo đường lối của y.

Ngay trước khai mạc triển lãm Entartete Kunst đã nói một ngày đã khai mạc Triển lãm Nghệ Thuật Đại Đức, một dạng nghệ thuật Quốc Xã Chủ Nghĩa được Hitler và Đảng Quốc Xã tung hô, theo phong cách Lãng mạn Cổ điển, ca ngợi sự thuần ch
...xem tiếp
16:17 Thursday,21.6.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
@ Candid:
Hitler không ghét hoạ sĩ. Hitler cũng như Đảng Quốc Xã chỉ ghét hoạ sĩ nào và những ai không đi theo đường lối của y.

Ngay trước khai mạc triển lãm Entartete Kunst đã nói một ngày đã khai mạc Triển lãm Nghệ Thuật Đại Đức, một dạng nghệ thuật Quốc Xã Chủ Nghĩa được Hitler và Đảng Quốc Xã tung hô, theo phong cách Lãng mạn Cổ điển, ca ngợi sự thuần chủng, quân phiệt, và vâng lời.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả