Bàn luận

Có sai không khi gọi tác phẩm của Trần Đức Quỷ là “sắp đặt”? 28. 01. 13 - 9:34 pm

Từ cmt của Trần Trọng Linh

SOI: Đây là cmt của Trần Trọng Linh cho bài “Lạ mà thân, giấc mơ của chàng nông dân“, Soi xin trích một phần và đưa lên thành bài để các bạn dễ thảo luận. Tên bài do Soi đặt.

Tác phẩm là một “sinh vật lạ” cao 2,6m dài 8,5m, được làm bằng composite, trông giống một con hươu nhiều đầu nhiều chân, trên đầu mọc ra vô số những con mắt. (Ảnh: Tịch Ru – các bạn nhớ bấm vào hình để xem bản to hơn).

 

Thân gửi bạn đọc và nghệ sỹ Trần Đức Quý,

… Trong nội dung ngắn ngủi này, tôi chỉ muốn đem ra chia sẻ một khía cạnh nhỏ cùng với các bạn, đó là cụm từ “nghệ thuật sắp đặt”.

Mượn tạm tác phẩm “Những con mắt nguyên thủy” của Quý để cùng bàn luận, tôi thấy trước và sau khi diễn ra khai mạc triển lãm “Những con mắt nguyên thủy” của Quý, một số trang báo chính thống có chuyên mục riêng về nghệ thuật, và thậm chí cả Soi, luôn dùng cụm từ: “Triển lãm sắp đặt của Trần Đức Quý”.

Dĩ nhiên cách phân loại các loại hình nghệ thuật với tôi không ảnh hưởng đến nội dung của tác phẩm, bởi mọi loại hình nghệ thuật thị giác như sắp đặt, video art, tranh giá vẽ, trình diễn… đều có giá trị cống hiến như nhau, tùy vào nội dung cụ thể của mỗi tác phẩm. Điều đó để nói lên rằng không phải anh làm sắp đặt, video, hay trình diễn thì tác phẩm của anh có giá trị đương đại hơn một tác phẩm điêu khắc ba chiều hay một bức tranh.

Tôi muốn đưa ra ở đây một số khái niệm về nghệ thuật sắp đặt mà trong quá trình tìm hiểu tôi đã nhặt nhạnh và thu gom được, tránh trường hợp nhầm lẫn giữa cải lương, chèo và nghệ thuật tuồng, mặc dù cả ba loại hình này đều có giá trị ngang nhau về loại hình biểu diễn nghệ thuật sân khấu. Hay như chầu văn, đờn ca tài tử hay nhạc thính phòng giao hưởng, mặc dù đều là loại hình ca múa nhạc, nhưng về bản chất và đối tượng thưởng thức hoàn toàn khác nhau.

Nhìn toàn bộ tác phẩm “Những con mắt nguyên thủy”. (Ảnh: Khải Nguyên)

 

Nói đến nghệ thuật sắp đặt, không thể bỏ qua vấn đề không gian. Không gian địa điểm và hoàn cảnh lịch sử góp một phần ý nghĩa quan trọng trong một tác phẩm sắp đặt. Sự dàn xếp không gian của người nghệ sỹ là cốt lõi tạo ra tác phẩm, chính sự sắp đặt ấy tạo ra một phần tư tưởng của tác giả. Nghệ thuật sắp đặt được phân biệt với các loại hình nghệ thuật khác bởi môi trường, không gian, địa điểm và bối cảnh xã hội, nói tóm lại là “địa điểm nguyên gốc”. Ví dụ: với một tác phẩm điêu khắc hay một bức tranh, việc hoán đổi vị trí trưng bày tác phẩm gần như không ảnh hưởng đến nội dung tác phẩm. Dĩ nhiên trong quá trình sắp xếp cho một triển lãm tranh hay tượng người ta vẫn cần phải có “sự sắp đặt” sao cho phù hợp với không gian trưng bày như tầm nhìn, khoảng cách hay ánh sáng cho mỗi tác phẩm, nhưng hai cái hành động “sắp đặt” này về bản chất hoàn toàn khác nhau. Trong một tác phẩm sắp đặt thì “địa điểm nguyên gốc” tạo ra tính thống nhất và tổng thể trong một sáng tạo không gian ba chiều. Nghĩa là trong một không gian cụ thể nào đó người nghệ sỹ sắp đặt sẽ dùng không gian này để áp đặt lên đó một nội dung hay tư tưởng.Và trong một không gian cụ thể đó, cái yếu tố địa điểm nguyên gốc (bao gồm môi trường, không gian, bối cảnh xã hội) không được phép tách rời và hoàn toàn không thích hợp khi bị di chuyển. Đôi khi việc di chuyển làm phá vỡ nội dung cơ bản và yếu tố thống nhất trong nội dung tác phẩm.

Một đặc trưng khác nữa để phân biệt giữa nghệ thuật sắp đặt với các loại hình nghệ thuật khác là người làm nghệ sỹ sáng tạo ra một tác phẩm sắp đặt và sử dụng cái không gian mà mình áp đặt như một thực thể quan trọng. Họ sáng tạo ra một không gian mà khi người thưởng ngoạn đặt mình vào trong đó sẽ bị chủ động cuốn hút vào đó, nói cách khác người xem vừa là khách thể vừa có thể tự biến mình thành chủ thể để kiến giải nội dung tác phẩm, hay tạo ra một không gian trải nghiệm thực tế (với người thưởng ngoạn). Và chính sự tác động của người thưởng ngoạn đôi khi tạo ra sự hoàn thiện ý đồ tác phẩm, trong khi các loại hình khác như một bức tranh hay một bức tượng tự nó đã là một bản thể hoàn chỉnh, người thưởng ngoạn có thể đắm mình trong câu chuyện của người nghệ sỹ; nhưng thứ nhất, sự trải nghiệm đó không góp phần cấu thành tác phẩm; thứ hai: nó đưa đến cho người thưởng ngoạn cái kiến giải duy nhất mà người nghệ sỹ áp đặt khi xây dựng tác phẩm.

Trong khi đó, ở một tác phẩm sắp đặt, thông qua sự trải nghiệm, người xem có được nhiều kiến giải khác nhau tùy vào nhận thức và hiểu biết, quá trình và hoàn cảnh trải nghiệm, cảm xúc và kinh nghiệm. Tóm lại, tác phẩm sắp đặt không áp đặt người xem vào một nội dung kiến giải duy nhất.

Chính từ hai đặc trưng cơ bản trên, một tác phẩm sắp đặt tốt sẽ đưa đến một yếu tố khác nữa là: trong mỗi tác phẩm sắp đặt sẽ tiềm ẩn một khả năng kích thích nhận thức. Nó không chỉ có phản hồi từ thị giác thuần túy như các loại hình nghệ thuật khác. Người nghệ sỹ tự do hơn trong quá trình thiết lập và xây dựng tác phẩm không chỉ thông qua thị giác mà có thể thông qua ngũ quan để rút ngắn khả năng tư duy với thông điệp nghệ thuật.

Trên đây là những kiến thức góp nhặt trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu từ thực tế về loại hình nghệ thuật sắp đặt của cá nhân tôi. Dĩ nhiên nó không phải là cái chuẩn để đem ra tham chiếu thực tế vào tác phẩm “Những con mắt nguyên thủy” của Trần Đức Quý. Nó chỉ đơn giản là một ý kiến thu lượm lộn xộn của cá nhân tôi, vậy nên tôi muốn đưa ra đây để chúng ta cùng trao đổi và chia sẻ tránh trường hợp nhầm lẫn buồn cười mà gọi nghệ thuật sân khấu cải lương là nghệ thuật tuồng truyền thống. Tôi cũng xin khẳng định lại với nghệ sỹ Trần Đức Quý và các bạn rằng đây không chỉ đơn thuần là sự bắt lỗi câu chữ thuần túy, hơn nữa chúng ta cùng hiểu với nhau rằng mọi loại hình nghệ thuật đều có giá trị ngang nhau trong đời sống nghệ thuật nói chung; mỗi cái đều có những giá trị đặc thù và đối tượng hướng đến khác nhau. Với tôi mọi sự chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nghệ thuật dù là nhỏ đều có những giá trị nhất định đóng góp chung cho cộng đồng để xây dựng lên một nền nghệ thuật có đầy đủ yếu tố lý luận lý thuyết cho đến thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp.

 

*

Bài liên quan:

– “Những con mắt nguyên thủy”: Một sinh vật lạ của Trần Đức Quỷ 
– Trần Đức Quỷ đưa sinh vật lạ về Hà Nội như thế nào?

– Khai mạc “Những con mắt nguyên thủy”: Đông giữa trời đông  
– “Sinh vật lạ” của Quỷ – Lạ mà thân, giấc mơ của chàng nông dân

– Có sai không khi gọi tác phẩm của Trần Đức Quỷ là “sắp đặt”?

 

**

Đọc thêm về Trần Đức Quỷ:

– Đàn lợn mất đầu của Quỷ 
– Tại sao Quý lại thành… Quỷ?
 
– Trần Đức Quỷ: Tôi nghĩ gì khi làm NHỮNG CÁI ĐUÔI

– HỢP THỂ: Vui thật là vui
 
– 7 thú vị và 1 đề nghị
 
– Delvoye có giống Quỷ không?
 
– DELVOYE – QUỶ: Khác hay không khác?
 
– Vịt nhà ai lưu lạc nhà ai?
        
– TRẦN ĐỨC QUỶ – DELVOYE: Mong sớm có câu trả lời
– Trần Đức Quỷ trả lời: Lời nào cũng quý

– Trả lời Trần Đức Quỷ: cả hai ta cùng Eureka!

Ý kiến - Thảo luận

9:12 Friday,14.8.2015 Đăng bởi:  duong anh tuan
Dù thế nào cũng ủng hộ anh Quỷ vì anh dám làm, trong khi có những người chỉ ngồi nói mà ko dám làm gì !
...xem tiếp
9:12 Friday,14.8.2015 Đăng bởi:  duong anh tuan
Dù thế nào cũng ủng hộ anh Quỷ vì anh dám làm, trong khi có những người chỉ ngồi nói mà ko dám làm gì ! 
12:37 Friday,31.5.2013 Đăng bởi:  Phùng Quang Lân
Ối anh Đinh Công Đạt ơi, thế hóa ra cái này anh Quỷ cũng chôm nữa à? Phần gương đã có chủ, còn phần thân con hươu nhiều vú chắc chắn cũng còn một nguồn nào đó mà chúng ta chưa mò ra thôi.
...xem tiếp
12:37 Friday,31.5.2013 Đăng bởi:  Phùng Quang Lân
Ối anh Đinh Công Đạt ơi, thế hóa ra cái này anh Quỷ cũng chôm nữa à? Phần gương đã có chủ, còn phần thân con hươu nhiều vú chắc chắn cũng còn một nguồn nào đó mà chúng ta chưa mò ra thôi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả