Soi học

Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt 08. 06. 16 - 11:03 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 1)

Nước giỏi cái gì cũng giỏi

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quên mất một trong những bài học đầu tiên về sinh học ở chương trình phổ thông là về kính hiển vi. Người Hà Lan là những người đầu tiên làm ra hai loại kính để nhìn ở hai phạm vi đặc biệt: kính thiên văn và kính hiển vi. Antonie van Leeuwenhoek là người phát minh ra kính hiển vi và được coi như người đầu tiên nghiên cứu vi sinh học. Đó chỉ là một ví dụ tiêu biểu cho vô số những thành tựu khoa học mà người Hà Lan đạt được trong thế kỷ 17. Một châu Âu đang bùng nổ những phát kiến của một cuộc cách mạng khoa học lớn chưa từng có, với nhiều nghiên cứu bị Giáo hội Công giáo cấm đoán khiến nhiều nhà trí thức kéo về Hà Lan, tập trung tại trường đại học đầu tiên ở Hà Lan là đại học Leiden, thành lập năm 1575. Nơi đây lại có các điều kiện để áp dụng lý thuyết vào thực tiễn sản xuất.

Anthonie van Leeuwenhoek (1632-1723), tranh của Jan Verkolje (I), sơn dầu trên vải, 56 x 47.5 cm

Những đoàn tàu buôn và thuyền chiến hùng mạnh của Hà Lan có được là nhờ ngành công nghiệp đóng tàu phát triển. Nếu như những người thợ dùng lưỡi cưa thẳng theo kiểu “kéo cưa lừa xẻ” thì sẽ rất tốn nhân lực và thời gian để làm ra những con tàu lớn vượt đại dương. Người thợ Hà Lan đã phát minh ra lưỡi cưa đĩa tròn và lợi dụng sức gió để cưa những thân gỗ rất dài và nặng làm vỏ tàu. Những xưởng cưa được thành lập chỉ chuyên một nhiệm vụ là xẻ những khúc gỗ lớn với những “cối xay gió” trên nóc. Việc định hướng và tìm đường chính xác trong ngành hàng hải cũng do kĩ thuật chế tác những thấu kính hiện đại làm ống nhòm và các nghiên cứu thiên văn học tiến bộ.

Xưởng cưa De Salamander chạy bằng sức gió, hoạt động từ năm 1777 đến tận năm 1953. Ảnh: Vincent van Zeijst. Chúng ta thường gọi hệ thống cơ khí gắn với những cánh quạt này là “cối xay gió” nhưng trên thực tế chúng được sử dụng với rất nhiều mục đích khác nhau.

Người Anh có câu: “Chúa trời tạo ra thế giới còn người Hà Lan tạo ra nước Hà Lan” không hề phóng đại chút nào. Thiên nhiên khắc nghiệt với lũ lụt, triều cường, gió to bão lớn và rất nhiều đất đai ngập nước mặn đã không làm nản chí người dân. Họ xây dựng những con đê chắn biển và sử dụng sức gió rất mạnh vùng duyên hải để bơm nước mặn ra ngoài. Hàng nghìn vùng đất có được do ngăn biển này được sử dụng để sản xuất những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Từ một nước đất chật người đông, họ trở thành nhà xuất khẩu nông nghiệp vào châu Âu và cả sang châu Á. Cho đến tận ngày nay, hình ảnh cô gái Hà Lan tay xách xô sữa bò vẫn luôn là một biểu tượng cho thành tựu này. Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm lương thực, bơ sữa, người Hà Lan đã biến hoa tươi, đặc biệt là hoa tulip thành một ngành xuất khẩu giá trị nhờ việc nhân giống và làm hoa nở thành công trong điều kiện khí hậu châu Âu tại trường đại học Leiden. Cả châu Âu đã từng lên cơn sốt, điên cuồng tìm mua loài hoa này.

Những chiếc bình sứ cầu kỳ này được đặt làm ra chỉ chuyên dùng để cắm hoa tulip. Những người giàu có còn đặt làm tại Trung Quốc nơi có đồ sứ tốt nhất thế giới thời đó. Ảnh: A.J. (Ton) van der Wal, Rijksdienst voor het Cultureel Erfgoed.

Quả đậu Hà Lan cũng không có nguồn gốc ở Hà Lan nhưng đã được họ mang vào nước ta cùng nhiều loại rau châu Âu từ thế kỷ 17 như thế.

Lê triều dã sử (2) chép: “Năm đầu niên hiệu Nguyên Hòa, người nước Hòa Lan ở Tây Dương, còn gọi là Hoa Lang, từ sở hội thương ở Mã Lục Giáp, Tân Gia Ba (tức là Malacca của Malaysia và Singapore ngày nay) đến Gia Định xin thông thương mua bán hàng hóa, xin chịu nộp thuế. Lại từ Gia Định vượt thuyền đến vạn Lai Triều ở trấn Sơn Nam cư trú, mở chợ buôn bán. Các thứ hàng quần áo nhung vải rất tinh xảo, giá cũng rất đắt nhưng được người trong nước ưa chuộng. Tương truyền nước ấy có một giống đậu, vị béo ngọt, nhỏ như lá tre, màu xanh mượt, hạt như đậu trắng. Người nước ta chọn được giống ấy, phần nhiều gieo trồng, nhân đó gọi là đậu Hòa Lan, có lẽ lấy tên nước đặt cho nó”.

Không chỉ dừng lại ở khoa học tự nhiên mà khoa học xã hội cũng phát triển mạnh mẽ. Chính phủ không áp đặt kiểm duyệt nên ngành in ấn bùng nổ. Tất cả các nghiên cứu tôn giáo, triết học, văn học đều được xuất bản. Các tài liệu bị cấm ở khắp châu Âu được tuồn về Hà Lan để in rồi lại bí mật đem trở lại vào châu Âu. Với việc lãnh thổ của Hà Lan mở rộng khắp thế giới và xuất hiện xung đột với các đế chế khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, các học giả Hà Lan đã tiến hành những nghiên cứu đầu tiên về luật pháp quốc tế như điều ước song phương, luật hàng hải, luật thương mại. Trong đó có những khái niệm đến tận ngày nay vẫn còn áp dụng như “tự do hàng hải”.

Phép màu Hà Lan ươm phép màu Nhật Bản

Người Bồ Đào Nha đã đến Đông Á từ trước nhưng chỉ khi người Hà Lan đến thì thế giới phương Đông mới thực sự được tiếp xúc với những thành quả của văn minh phương Tây mà Hà Lan đang là nước dẫn đầu. Người Hà Lan phát minh ra đồng hồ quả lắc có thể kiểm soát thời gian chính xác đã khiến người phương Đông coi như một món đồ cực kỳ tinh xảo. Phủ biên tạp lục (3) của Lê Quý Đôn có miêu tả chi tiết với sự thích thú và kinh ngạc:

“Văn Tú lại chế tạo một cái đồng hồ hạng trung… đo với bóng mặt trời mà nghiệm thì rất đúng. Văn Tú là người xã Đại Hào, huyện Đăng Xương. Khi trẻ đi học ở nước Hòa Lan, học hai năm biết được nghề, có thể chế các hạng đồng hồ và làm được kính thiên lý rất khéo. Văn Tú lại làm một cái đồng hồ cũng như cái đồng hồ của họ Nguyễn đã giao cho chữa lại. Nhưng về mặt trước, phía trong có thêm 2 bánh xe đồng, có lỗ thông ra ngoài ở hai bên tả hữu cái kim. Phía tả có 60 phiến đồng khắc chữ từ giáp tý đến quý hợi, phía hữu có 30 phiến đồng khắc từ mồng 1 đến ngày 30. Hễ gặp ngày nào thì hai bên hiện chữ ra, hết vòng thì trở lại, thật là tuyệt diệu.”

Đồng hồ thời Edo do người Nhật chế tác, thế kỷ 18.

Vậy là thời bấy giờ, nước ta cũng đã có người đi du học tận Hà Lan vì sự hấp dẫn của khoa học kỹ thuật hiện đại. Các Tướng quân của Mạc Phủ Nhật Bản cứng rắn duy trì việc đóng cửa đất nước nhưng vẫn không thể cưỡng lại sự quyến rũ bởi những phát minh hữu dụng của người Hà Lan. Người Nhật dùng cụm từ Rangaku (Hán-Việt: Lan học) để chỉ việc “học từ người Hà Lan” (và phương Tây nói chung). Trong hai trăm năm tiếp xúc với người Hà Lan qua một cái cầu nhỏ nối đảo Dejima và thành phố Nagasaki, người Nhật đã cập nhật được những phát kiến mới nhất ở châu Âu để hình thành một nền tảng lý thuyết về tư tưởng hiện đại, khoa học (bao gồm cả y học phương Tây) và kỹ thuật cơ bản.

“Phép màu Nhật Bản” hóa ra cũng là nhờ một phần lớn ở “phép màu Hà Lan”. Người Nhật tiếp thu văn minh phương Tây thông qua người Hà Lan, rồi sau đó là người Mỹ, những dân tộc có quan điểm tiến bộ do không theo Công giáo. Do thế mà người Nhật cũng có sự thông thoáng trong tư duy khi tiến hành cải cách mặc dù đạo Tin Lành bị đàn áp dã man và chưa bao giờ thành công ở Nhật như ảnh hưởng khủng khiếp của nó ở Hàn Quốc. Mục đích cai trị của thực dân những nước Công giáo thường không chỉ đơn thuần dừng lại ở quyền lợi kinh tế như thực dân Tin Lành, ta có thế thấy thư Bá Đa Lộc (4) được chép lại trong chính sử Nhà Nguyễn có nói:

“Ông muốn việc cứu viện Nam Hà phải về tay một cường quốc Công giáo, gạt ra ngoài bọn Thệ phản Anh, Hòa Lan. Ông muốn huấn luyện đứa bé ba tuổi (Hoàng tử Cảnh) thành một giáo dân kiểu mẫu để cho thần dân nó sau này noi theo”.

Vì vậy sau khi người Mỹ dùng quân sự buộc Nhật Bản phải mở cửa (1854) và Mạc Phủ sụp đổ (1868) thì nước Nhật nhanh chóng vươn lên và trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, người Nhật đã biết tạo ra dòng điện hay đã làm được quả địa cầu để hình dung thế giới. Họ đã có những yếu tố cần để phát triển và Minh Trị duy tân là yếu tố đủ chứ không phải chỉ đơn thuần với sự lên ngôi của Thiên hoàng Minh Trị mà nước Nhật có thể phát triển hùng cường.

Một cuốn sách về giải phẫu học của phương Tây lần đầu tiên được dịch ra tiếng Nhật vào năm 1774.

Quà từ châu Á

Chiều ngược lại, những chuyến đi của người Hà Lan cũng đã mang về châu Âu rất nhiều kiến thức về một châu Á huyền bí. Nhà bác học người Anh Isaac Newton, trong tác phẩm khoa học kinh điển Các nguyên lý (Principia Mathematica) viết bằng tiếng Latin (1687), khi giải thích hiện tượng thủy triều, có nhắc đến địa danh cảng Batsham nằm trong vĩ độ 20°50′ bắc, thuộc vương quốc Tunquini (Tonkin – Đàng Ngoài), nơi mà thủy triều đặc biệt lên xuống chỉ một lần trong ngày. Một cảng biển nào đó ở khu vực Hải Phòng mà ngày nay chúng ta còn không biết nhưng lại được một nhà khoa học tận bên kia Trái đất nhắc đến từ nhiều thế kỷ trước là do những ghi chép đầy đủ của các nhà du hành Hà Lan thời ấy.

Thuyền hàng trong một ngày biển động, Salomon van Ruysdael (1600/3 – 1670), sơn dầu trên gỗ, 31.5 cm

Nhiều giống cây mới, hoa quả và những thực phẩm mới đã làm thay đổi cả lối sống của người châu Âu như trà và cà phê. Một số ít người Hà Lan đã bắt đầu sưu tập những tranh khắc gỗ rẻ tiền (ukiyo-e) của Nhật mà sau này ảnh hưởng sâu rộng đến những họa sĩ châu Âu vì tính độc đáo so với các nền văn hóa châu Á khác của chúng. Những mẫu họa tiết và cách ăn mặc phương Đông đã ảnh hưởng lên nhiều công trình kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật phương Tây. Hà Lan trở thành một đất nước thịnh vượng, và theo quy luật “phú quý sinh lễ nghĩa”, nền hội họa của họ lúc bấy giờ đã đánh dấu một mốc son trong lịch sử nghệ thuật của nhân loại.

(còn tiếp)

*

(2) Lê triều dã sử, Nguyễn Huy Thức – Lê Văn Bảy (sưu tầm và biên dịch), NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2006.
(3) Phủ biên tạp lục, Viện sử học, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2007.
(4) Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Tạ Chí Đại Trường, NXB Văn Sử Địa, Sài Gòn, 1973.

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

7:51 Thursday,9.6.2016 Đăng bởi:  Candid
Thế kỷ đấy thuộc về Ha Lan, mọi thứ đều nở rộ nhờ kết quả khoa học phục vụ cho việc kinh doanh và tiền từ thương nhân tài trợ cho các nhà khoa học.

Về khoa học thiên văn, toán học, vật lý và đặc biệt đồng hồ thời kỳ ấy phải nói đến Christian Huygens.
...xem tiếp
7:51 Thursday,9.6.2016 Đăng bởi:  Candid
Thế kỷ đấy thuộc về Ha Lan, mọi thứ đều nở rộ nhờ kết quả khoa học phục vụ cho việc kinh doanh và tiền từ thương nhân tài trợ cho các nhà khoa học.

Về khoa học thiên văn, toán học, vật lý và đặc biệt đồng hồ thời kỳ ấy phải nói đến Christian Huygens. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bàn về gái đẹp

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả