Nghệ sĩ thế giới

“Tôi chờ cho đến khi nó ‘Bùm!’: Ed Moses nói về một quy trình vẽ vừa có hệ thống vừa đầy tính trực giác 19. 12. 12 - 6:42 am

Hoàng Lan dịch

Họa sĩ trừu tượng đáng kính của vùng West Coast, Ed Moses, là một trong những thành viên gốc của nhóm Ferus Gallery huyền thoại hồi những năm 50s, là người làm dư luận nổi sóng với những màn lộn lạo thử nghiệm trên canvas. Moses từng tham gia các triển lãm quan trọng, gồm “Los Angeles: 1955 – 1985, Cái nôi của thủ đô nghệ thuật” tại Trung tâm Pompidou, Paris; và dự án “Pacific Standard Time” do Trung tâm Getty tổ chức gần đây. Phóng viên Alanna Martinez gặp gỡ họa sĩ danh tiếng này để trò chuyện về quy trình sáng tác, về việc lúc nào thì ông biết rằng tác phẩm của mình đã hoàn thành, và chuyện ông vay mượn từ Georges Braque.

Ông có thể tả lại quy trình vẽ tranh của mình?

Tôi có 3 trợ tá và tôi vẽ ngoài trời. Tôi còn có 10 bàn cưa và nhiều canvas. Các trợ tá chuẩn bị sẵn canvas: căng chúng, phủ chất chống thấm, nhuộm màu cho canvas. Tôi giao luôn cho họ việc pha sơn, nhưng chuyện lựa màu thì không có gì đặc biệt. Tôi có nhiều thùng màu cỡ 3.7 lít, và các trợ tá sẽ pha sao cho vừa đủ loãng để chúng có thể mượt mà “chảy” trên canvas; sau đó thì tôi bắt đầu dùng sơn.

“Lovett, 2009”

Nếu màu sắc không có gì đặc biệt, ông sắp xếp màu hay chọn màu như thế nào?

Tôi chỉ lựa hoặc màu này hoặc màu kia. Đấy gần như là một thứ mang tính trực giác: độc đoán, đầy cảm tính, lúc được lúc không; nghĩa là có khi chọn đúng có một màu để vẽ nên mọi thứ. Nếu (sau khi vẽ) không thích nó nữa, tôi sẽ tẩy hết đi, hoặc bảo trợ tá cạo hết ra. Trước khi (canvas) kịp khô, tôi bắt đầu thêm màu vào theo nhiều kiểu: đổ màu, dùng bọt biển quẹt màu, gạch ngang gạch dọc; và nếu vẫn không thích thì tôi lại tiếp tục tẩy đi, bắt đầu lại lần nữa. Tôi vẽ khoảng 8 đến 10 bức cùng một lúc.

“Không đề”

Mất bao lâu thì ông hoàn thành một bức tranh?

Đôi lúc mất vài tháng cho một bức, đôi lúc xong rất nhanh. Khi vẽ xong, thường là cuối ngày, tôi lôi bức tranh vô studio, vừa lôi vừa đấm đá chửi bới, rồi treo lên tường. Tôi có hai không gian treo tranh để ngắm thử, độ từ 6 x 9 mét đến 6 x 12 mét với trần cao gần 5 mét; toàn bộ đèn chiếu đều được gắn trên thanh cố định đóng trên trần. Tôi dùng ánh sáng ấm và rực (incandescent). Tôi không thích dùng đèn huỳnh quang để rọi tranh. Dùng đèn huỳnh quang là người ta thắp sáng cái phòng trước rồi mới cho tranh vào đấy. Tôi thì treo tranh lên trước, sau đó dùng đèn nóng sáng để hướng sự tập trung vào tranh. Tranh là thứ chính, chứ không phải môi trường xung quanh bức tranh. Đèn huỳnh quang trung hòa mọi thứ, nó không kịch tính hóa và cũng không lãng mạn hóa được gì. Nhưng lối của tôi không được chuộng cho lắm. Người ta thích thú với ý tưởng tranh hơn là sự lãng mạn của tranh. Tôi thì vẫn còn cổ hủ trong chuyện này. Tôi đã vẽ tranh được hơn 50 hay 60 năm rồi, nên chắc vẫn còn quyến luyến với kiểu treo tranh, chiếu sáng của thời đấy.

Làm thế nào ông biết được rằng tác phẩm của mình đã hoàn thành?

Ngay cả khi (tác phẩm) có thứ gì đó khiến tôi không thích, tôi không bao giờ vẽ lại để cố làm cho tốt hơn. Nếu thế thì tôi chỉ có “tranh sửa” chứ không phải là tranh của cái quá trình vẽ nên tranh. Tôi đang thực hiện một series tên “Tranh Nứt.” Chúng khá giống nhau và cỡ chừng 3m, 3.6m, 4m x 1.8m hoặc 2.4m. Tôi sơn toàn bộ canvas bằng một màu, sau đó dùng cây lăn sơn để thêm một lớp nữa. Khi màu khô, tôi dùng nắm tay hay cùi chỏ nhấn lên bề mặt. Thế là các vết nứt xuất hiện, nhưng về mặt hình ảnh thì bạn sẽ không thấy (các vết nứt này) đâu. Về bản chất thì đúng là tranh bị “nứt hóa”. Nhưng sau đấy tôi dùng cây lăn sơn để thêm một lớp nữa lên – nếu mặt nứt là màu đen, và tôi phủ một màu trắng lên, hay phủ màu đào; khi màu khô các vết nứt sẽ xuất hiện và theo nhiều kiểu dáng bất ngờ, không đoán trước được.

“Nứt” 2009

Tôi thích ngắm những cái “không đoán trước được” này. Tôi không thích mấy thuật ngữ như “nghệ thuật” hay “nghệ sĩ”. Tôi thích nghĩ rằng mình làm công việc này theo hướng “khám phá” hơn. Ta có thể lần theo gốc rễ của việc vẽ, về tới con người đầu tiên của thế giới, khi người ấy “đánh dấu” để đáp lại sự tồn tại của mình – sự tồn tại mà anh thấy chính gương mặt phản chiếu trên mặt nước, thấy dấu chân mình trên bùn, dấu bàn tay mình dính máu ịn trên vách hang động? Những con người đầu tiên của trái đất ấy, họ vẽ để làm gì? Họ đang đáp lại sự sự tồn tại của chính họ bằng cách vẽ, đánh dấu, cào, hoặc khắc.

Ông nghĩ gì về khung cảnh (nghệ thuật) hiện nay tại Los Angeles?

Chắc chắn rằng nó thú vị hơn lúc tôi mới khởi nghiệp – vào những năm 50s. Hiện giờ LA có nhiều sinh viên nghệ thuật, nhiều người đến từ đủ mọi nơi. Đó thực sự là một thành phố rộn ràng cho nghệ sĩ, nhưng tôi không nói là nó rộn ràng cho các nhà sưu tập. Các nhà sưu tập luôn chậm chạp. Ngay cả khi mua tác phẩm của một nghệ sĩ sống tại LA, họ sẽ chẳng để ý tới anh ta cho đến khi tác phẩm của anh được đem bày ở New York. Nói cho cùng thì ngay cả các gallery cũng không để ý lắm.

Sắp tới ông có dự án gì không?

À, tôi vừa làm series tranh nứt, vừa làm một loạt tranh tên Tiếp đoạt (Appropriations). Tôi luôn yêu tranh của Braque. Dĩ nhiên, Picasso – một con người đầy quyền lực và một họa sĩ đầy quyền lực – đã làm lu mờ Braque. Nhưng tôi thích cách dùng màu dày của Braque và cách ông vẽ người, đặc biệt là tác phẩm về Athena. Các trợ tá của tôi vẽ trên canvas trắng hoặc đen, sau đó thì tôi vẽ chồng lên nữa. Hoặc nếu tôi thích nét vẽ của trợ tá thì tôi sẽ giữ nguyên bức tranh như thế. Vậy nên ở trên dải lụa để tên bức tranh, tôi sẽ ghi “Tiếp đoạt” với Braque, tên tôi, và tên người trợ lý đã góp công làm ra tác phẩm. Tôi dùng một số sách hình có in tranh Braque, cho chụp lại, phóng to lên. Tôi cũng dùng những bức chụp đó trên bề mặt canvas, có thể ở giai đoạn hai của việc vẽ. Đây là cách xử lý kiểu của các họa sĩ lập thể: họ đưa đủ loại chất liệu hoặc mẫu vật khác nhau vào tác phẩm. Tôi cũng không biết đám tranh “Tiếp đoạt” sẽ ra sao. Tôi chỉ biết chờ cho đến khi chúng “Bùm!” và sáng rực lên – khi đó tôi sẽ là kẻ may mắn.

Tranh của Ed Moses treo trong một phòng khách

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả