Bài học thứ Tư: Gặp tiên nữ, dại gì không ở lại
28. 03. 12 - 7:05 am
GiGi tổng hợp
.
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển trở về nhà mãi không được, hết gặp khổng lồ tới gặp người ăn sen…, con thuyền của Odysseus lại bị bão thổi dạt vào một hòn đảo có tên Aeaea, nơi tiên nữ xinh đẹp Circe, con gái của thần Helios, đang sinh sống. Tiên nữ này không thích trồng dưa hấu như An Tiêm, cũng chẳng có thói quen tráng miệng bằng thịt người như lũ khổng lồ Cyclops, mà tệ hơn, lại hay thích biến người thành đủ loại thú vật. Circe là chuyên gia về thuốc lá lủng, nàng sống trong một cung điện bằng đá, giữa khoảnh rừng rậm, xung quanh toàn sói với cọp – là những nạn nhân uống phải thuốc biến hình của nàng. Chúng vì thế không dữ dằn, thấy người mới tới còn vẫy đuôi mừng rỡ.
“Circe” trong tưởng tượng của họa sĩ Anh Wright Barker (1864 – 1941). Các cọp, sư tử, sói đây đều là nạn nhân của nàng tiên. Nhưng không hiểu sao lại có da hổ. Nàng có giết nạn nhân nữa sao?
Cũng là Circe nhưng của John William Waterhouse, đang bào chế độc dược. Thường độc dược hay có màu xanh lá cây. John William Waterhouse (1849 –1917) – là một họa sĩ người Anh, nổi tiếng về vẽ những nhân vật nữ từ tích cổ và văn học.
Trong suy nghĩ của họa sĩ Bỉ theo trường phái Tự nhiên, Charles Hermans (1839 – 1924), Circe là một phù thủy trẻ, vừa đầy cám dỗ, vừa rất con nít. Bức tranh có tên “Circe” này của ông dĩ nhiên không phải vẽ tiên nữ Circe trên đảo, nhưng những Lolita kiểu này với ông là Circe: lơ mơ mình bị “nó” biến thành lợn ngay!
Đến đảo, Odysseus chia đồng đội ra làm đôi, một do mình chỉ huy, một do tráng sỹ Eurylochus chỉ huy. Hai người bắt thăm, Eurylochus xui xẻo bắt phải cái thăm lên đảo trinh sát.
Vào trong đảo, đám Eurylochus thấy một thiếu nữ đẹp tuyệt ra đón. Đó chính là Circe. Nàng mời mọi người uống rượu vang (rất tâm lý, biết chắc không ông nào từ chối), trong có pha sẵn thuốc (hóa lợn). Cả đám uống xong, tiên nữ dùng đũa chỉ vào từng người một, biến họ thành những con lợn rừng. Chỉ duy nhất có Eurylochus không uống rượu nên thoát khỏi phép thần, chạy trốn về thuyền, hú hồn kể lại cho Odysseus những gì chàng gặp phải.
“Circe biến người thành lợn rừng”. Tranh không rõ nguồn. Trong tranh, có chiến binh đang biến dở chừng, đầu đã thành lợn rừng nhưng tay vẫn là tay người.
Trong khi đó, họa sĩ Pháp Gustav-Adolf Mossa (1883- 1971) thì lại tưởng tượng Circe biến các chiến binh thành heo nhà, mặt ngắn tũn. Xa xa là chiến thuyền còn lại của Odysseus. Circe ở đây trông như một thiếu phụ cứng tuổi, chuộng đồ tơ tằm Trung Hoa, mang vẻ đàng điếm của các bà quý tộc Pháp?
Quyết tâm cứu đồng đội thoát khỏi kiếp lợn, Odysseus một mình lên đảo. Trên đường đi, thần Hermes hiện ra trong lốt một chàng trai tuấn tú, đón đường Odysseus. Thần báo cho Odysseus biết trong cốc rượu vang của tiên nữ Circe dâng ra sẽ có thuốc, lại đưa cho Odysseus một loại rễ cây mà ăn vào, mọi thứ thuốc độc cũng như phép thần đều vô hiệu.
Gặp Circe, bổn cũ soạn lại, nàng cũng mời Odysseus uống rượu vang có pha thuốc rồi chỉ đũa vào người Odysseus, nói: “Nào, hãy biến thành lợn và vào nằm chung với các bạn của mày!”
Odysseus vẫn trơ trơ, rút kiếm ra thét lớn: “Các bạn của ta đâu?”. Circe hoảng sợ quỳ xuống nói: “Thôi đúng chàng là Odysseus cơ trí rồi. Thần dụ đã nói rằng chàng sẽ tới và ở đây cùng ta!”
Thế là Odysseus tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa (tiên): Circe hóa phép biến các bạn của Odysseus trở lại thành người, còn Odysseus thì phải sống với nàng trong một năm trời! Trong một năm ấy, hai người kịp có một đứa con, đặt tên là Telegonus. (Có bản nói chàng ở lại đủ có với nàng ba đứa con, tức không phải một năm?)
“Circe mời ly rượu”, tranh của John William Waterhouse (1849 –1917). Họa sĩ có vẻ ái mộ nàng tiên này, diễn tả nàng trong tranh nào cũng đẹp và thánh thiện.
Edmund Dulac (1882 – 1953) một họa sĩ chuyên minh họa sách của Pháp lại tưởng tượng ra cảnh Circe dụ khị Odysseus như thế này, rất huyền bí phương Đông. Ngoài cửa sổ là các chiến binh hóa lợn nhà. Trong này Odysseus giả vờ say đắm nhưng tay đã rút sẵn kiếm để chém nữ phù thủy xinh đẹp.
“Odysseus dọa Circe”, tranh của Hubert Maurer (1728 – 1818). Sau khi biến Odysseus thành lợn không xong, Circe hoảng hồn, Odysseus vùng dậy, rút gươm đòi chém. Nghe nói Circe sau đó phải năn nỉ, đưa chàng đi tắm nước nóng, vừa tắm vừa được uống rượu vang, rồi lại còn được dụ cho cùng cai trị hòn đảo (để làm gì cơ chứ?). Odysseus tắm xong, uống xong vẫn không chịu, đòi trả đồng đội lại lốt người. Circe đồng ý, đám kia thành người lại, hình như còn đẹp trai hơn lúc chưa thành lợn. Nhưng Odysseus “hy sinh”, ở lại với tiên nữ một thời gian.
Rồi đến lúc Odysseus cũng phải ra đi. Trước khi chàng lên đường, tiên nữ Circe ân cần chỉ dẫn cho Odysseus cách xuống âm phủ, vương quốc của thần Hades, gặp nhà tiên tri của thành Thebes đã chết tên là Tiresias để hỏi về tương lai.
(Đọc đến đây, hẳn người đàn ông nào cũng phải ganh tị với Odysseus: đi đánh nhau xong rồi mà không phải về nhà ngay, lạc đường một cách hợp pháp vào vương quốc của mỹ nữ, sống với nhau đầm ấm rồi mà không bị níu chân?)
Nghe theo chỉ dẫn của Circe, Odysseus xuống Âm phủ, gặp được Tiserias, rồi được Tiserias báo trước là cơn giận của thần Poseidon với chàng vẫn chưa nguôi đâu. Bởi vậy hành trình về nhà của chàng sẽ còn phải trải qua nhiều trắc trở hiểm nguy. Tiserias còn báo cho Odysseus biết, trong thời gian chàng vắng mặt, bọn cầu hôn đã ríu rít vây quanh vợ chàng là nàng Penelope xinh đẹp, đòi lấy nàng làm vợ, đồng thời âm mưu hãm hại con trai Odysseus là Telemachus… Nghe đến đấy, Odysseus tức sôi, nhưng chặng hải hành tiếp theo của chàng thế nào, xin để tới Bài học thứ Tư kế tiếp.
“Penelope và những kẻ theo đuổi”, tranh của họa sĩ Anh John William Waterhouse (1849 –1917). Trong tranh, Penelope chăm chỉ dệt, quay lưng ra cửa sổ. Bọn cầu hôn nào gảy đàn, nào tặng hoa, nhưng nàng không thèm.
*
Pha Lê bổ sung:
1. Các chiến sĩ của Eurylochus bị biến thành heo, như đã giải thích ở bài Adonis, heo là từ lóng chỉ bộ phận nhạy cảm của phái nữ. Các ông thiếu kiềm chế, uống rượu, mê gái, nên bị biến thành con vật “biểu tượng” này. Người Hy Lạp châm chích lắm chứ chẳng phải vừa.
2. Chuyện con cái: Homer không nhắc tới việc Odysseus và Circe (hay Kirke) có con. Apollodorus nói rằng họ có thằng con tên Telegonos. Hyginus thì nói họ có 2 đứa sinh đôi: Telegonos và Nausithous. Hesiod cũng nói họ có hai đứa sinh đôi: Latinos và Agrios, nhưng “đẻ thêm” Telegonos vì Venus “giúp” (không biết là giúp kiểu gì), nhưng nếu Venus dùng phép giúp nên chắc trong một năm có thể đẻ hết cả ba.
Ui tiên nữ đẹp như thế này thì nhà cháu xin nhập hộ khẩu ở lại luôn. Cái nhà anh Ô-đi-xê này vừa gàn vừa Sở Khanh. No xôi chán chè rồi quất ngựa truy phong, bỏ lại cả con mình. Đúng là cơm không ăn lại ăn...Vợ ở nhà thì đã có bọn cầu hôn nó lo rồi mà làm gì cứ hoắng lên thế không biết. Trước sau thế nào em ấy chả e thẹn gật đầu với 1 đại gia trong đám ...xem tiếp
5:09Thursday,29.3.2012Đăng bởi: Bôi Sỹ
Ui tiên nữ đẹp như thế này thì nhà cháu xin nhập hộ khẩu ở lại luôn. Cái nhà anh Ô-đi-xê này vừa gàn vừa Sở Khanh. No xôi chán chè rồi quất ngựa truy phong, bỏ lại cả con mình. Đúng là cơm không ăn lại ăn...Vợ ở nhà thì đã có bọn cầu hôn nó lo rồi mà làm gì cứ hoắng lên thế không biết. Trước sau thế nào em ấy chả e thẹn gật đầu với 1 đại gia trong đám đó. Cứ ghen tuông linh tinh, bỏ mâm theo bát. Chậc chậc, phải tay nhà cháu thì...
23:22Wednesday,28.3.2012Đăng bởi: hieniemic
Thần hiện lên là phán như thánh, kiểu gì chả phải nghe ạ. Không nghe thần thánh cũng đè đầu ra bóp miệng cho thuốc vào thôi. ...xem tiếp
23:22Wednesday,28.3.2012Đăng bởi: hieniemic
Thần hiện lên là phán như thánh, kiểu gì chả phải nghe ạ. Không nghe thần thánh cũng đè đầu ra bóp miệng cho thuốc vào thôi.
...xem tiếp