Nghệ sĩ thế giới

Julian Opie vẽ Sir James Dyson
ra sao? 26. 11. 12 - 9:05 am

Hồ Như Mai dịch

 

LONDON – Hồi tháng Tám năm nay, một bức chân dung mới của họa sĩ Julian Opie, vẽ một trong những nhà phát minh thành công nhất ở Anh, đã được trưng bày tại National Portrait Gallery. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên của Julian Opie được chính Gallery đặt hàng, vẽ Sir James Dyson, người phát minh ra máy hút bụi không cần thay túi. Tác phẩm được trưng bày cùng với các tác phẩm khác của họa sĩ.

Bức chân dung cỡ lớn vẽ từ đầu đến vai, mô tả Sir James đang nhìn xa xăm. Opie nổi tiếng với các tác phẩm cách điệu cao, sử dụng việc tối giản hóa ảnh chụp hay những đoạn phim ngắn thành những hình ảnh chỉ còn mang tính đại diện, với mặt người thường đặc trưng bằng những đường viền đen đi cùng các mảng màu phẳng và chi tiết tối giản.

Trong những tác phẩm gần đây, Opie đã lấy cảm hứng từ những chân dung lịch sử, mượn những kiểu tạo dáng truyền thống, và bức chân dung này làm người ta nhớ đến những bức chân dung mang tính “hào hùng” hay “đầy chất thơ” của các thế kỷ trước, vì người trong tranh được vẽ lại ngay thời điểm của cảm hứng. Rõ ràng vẫn là bút pháp tạo hình đơn giản hóa đặc trưng của Opie, nhưng trong bức chân dung mới này, sự thể hiện đường nét, đổ bóng và các điểm nhấn đã trở nên phức tạp hơn.

Julian Opie, tự họa với T-Shirt

Sir James bắt đầu phát triển chiếc máy hút bụi xoắn khí vào năm 1978, bán phiên bản đầu tiên ở Nhật năm 1991, và mở một trung tâm nghiên cứu, một nhà máy sản xuất ở Wilshire vào năm 1993. Máy hút bụi Dyson hiện là máy hút bụi bán chạy nhất ở Anh, được xuất khẩu ra hơn 50 quốc gia.

Sir James tiếp tục làm việc với một đội ngũ ngày một lớn mạnh gồm hơn 550 kỹ sư và nhà khoa học để phát triển kỹ thuật mới. Các sản phẩm mới ra mắt gần đây có chiếc quạt Dyson Air Multiplier™ và máy sấy cầm tay Dyson Airblade™. Tổ chức từ thiện của ông, James Dyson Foundation, hợp tác với các trường học và đại học, khuyến khích những người trẻ tuổi theo đuổi các ngành cơ khí. Ngoài ra còn có giải thưởng James Dyson Award hàng năm giành cho các nhà phát minh trẻ tuổi với những phát minh chuyên để giải quyết vấn đề.

Sir James

Sir James Dyson nói: “Khi đến thăm studio của Julian, tôi rất kinh ngạc thấy anh thử nghiệm với đủ thứ phương tiện sáng tác và chủ đề. Từng hâm mộ anh nhiều năm, tôi rất thích xu hướng mới trong những tác phẩm chân dung gần đây, với việc sử dụng đổ bóng và ánh sáng tinh tế. Thật là sáng tạo, và tôi ngay lập tức thấy đồng cảm. Tác phẩm của Julian thực sự làm tôi ngạc nhiên và thích thú.”

Sandy Naire, Giám đốc Gallery chân dung Quốc gia (NPG) bình luận: “Đây là một bức chân dung sống động vẽ James Dyson, làm cho tên tuổi nhà phát minh đi liền với Julian Opie, một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, người không ngừng khám phá các bố cục mới lạ trong sáng tác.”

Julian Opie kể lại: “James Dyson đến thăm studio của tôi để thảo luận về bức chân dung vài tuần trước khi ngồi mẫu. Tôi có cơ hội nghiên cứu kỹ gương mặt của ông, cách biểu cảm, quan sát cử chỉ điệu bộ và tìm ý tưởng để có phong cách thích hợp nhất. Ông ấy đến đây cùng với Giám đốc của NPG và trông khá là nghiêm trang, nhưng tôi có cảm giác ông cũng là người thoải mái khi làm việc. Chúng tôi thảo luận về ngày giờ nào, trang phục nào cho thích hợp.

“Trước buổi ngồi mẫu, tôi tập hợp hai nhóm hình ảnh, một số từ các chân dung Kit-Kat Club của Godfrey Kneller (nhiều bức trong số đó đang được treo tại NPG ) và bộ các nhân vật manga nam mà tôi sưu tầm từ những phim hoạt hình Nhật Bản. Trong lúc nhiếp ảnh gia của tôi liên tục bấm máy ảnh kỹ thuật số rồi truyền hình ảnh trực tiếp lên máy tính, tôi xem xét và đối chiếu những hình ảnh trên máy này với những hình ảnh đã được in ra và xếp trên nền nhà để tìm kiểu tạo dáng, cũng như phụ kiện và ánh sáng phù hợp. Như tôi đã lường trước, các kiểu tạo dáng và ánh sáng hoạt hình sống động phù hợp với Dyson hơn, đi kèm là kiểu trang phục bơi thuyền thoải mái. Trong lúc Dyson ngồi mẫu, tôi hỏi chuyện về kỳ nghỉ của ông, để gương mặt của ông được sinh động lên, mặc dù trong tác phẩm cuối cùng thì miệng ông không để mở.

“Việc chọn ảnh từ hàng trăm bức cũng mất thời gian như khi thực sự vẽ vậy. Tôi vẽ chồng lên và bên dưới bức ảnh trên máy tính, dùng bút kỹ thuật số và màn hình lớn, zoom xa gần, thêm bớt, điều chỉnh, rồi lại thêm và đơn giản hóa đi. Việc vẽ mất một ngày, nhưng chỉnh sửa sau đó thì mất thêm vài ngày nữa. Ở tầng dưới tôi có một máy in phun đời mới, vì vậy tôi có thể làm việc cùng với trợ lý để tìm màu đúng trên các canvas khác nhau và dùng các nền khác nhau để đạt được sự dày dặn của ảnh (trên màn hình). Khi in ra, mực dày mịn và lớp sơn bóng phủ, khuôn kim loại và canvas làm tác phẩm trông giống như tranh vẽ, nhưng hình ảnh thì ở đâu đó giữa tranh vẽ, ảnh chụp, film và ký hiệu (trên các biển báo), như đang tìm cách đến thật gần với tả thực.”

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả