Nghệ sĩ thế giới

Goyang nghệ trại. Kỳ 3:
Kim Young Sup –
Người Hàn Quốc Trầm Lặng 29. 12. 12 - 7:27 am

Phạm Huy Thông

 

Loay hoay mãi chưa biết khởi đầu bài viết này như thế nào cho hợp, chợt thấy có những loạt bàicomment liên quan đến Nam Bắc Triều Tiên trên Soi, tôi như được tiếp nguồn cảm hứng. Khi tôi bắt đầu sang Hàn Quốc, tôi có so sánh (một cách rất trẻ con) rằng Việt Nam và Nam Bắc Triều Tiên có nhiều điểm giống nhau. Về hình dáng đất nước cũng cong cong như thế. Cũng nhiều biển và nhiều tôm cá. Phía Bắc cũng giáp biên giới với một thằng hàng xóm khổng lồ hay thói bắt nạt, vừa ăn cướp vừa ăn cắp. Cả hai đất nước cũng có những vị trí địa chiến lược quan trọng nên luôn bị các cường quốc nhòm ngó, luôn phải “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Sau thế chiến II, cả hai đất nước đều bị chiến tranh chia cắt, anh em ruột thịt có khi chĩa súng bắn nhau. Chỉ có điều Nam Bắc Việt Nam thì đã thống nhất còn Nam Bắc Triều Tiên vẫn “trong tình trạng chiến tranh”. Điều khác biệt này đem đến một hệ quả tạm gọi là “thú vị”: Bắc Triều Tiên theo mô hình kinh tế bao cấp tập trung XHCN nên đói rã họng. Nam Triều Tiên giãy chết theo tư bản nên giờ đây ở trong nhóm những nước kinh tế hàng đầu thế giới. Kinh tế Việt Nam (vì có sự hòa trộn chăng) nên không nghèo hẳn như Bắc Triều Tiên hay giàu hẳn như Nam Hàn Quốc. Kinh tế Việt Nam có vẻ “lờ nhờ”. Thế cho nên với một người Việt Nam như tôi, được đi thăm một trong hai “khả thể” của đất nước mình quả là thỏa mãn trí tò mò lắm.

Câu hỏi nghiêm túc đầu tiên mà tôi hỏi mỗi người Hàn Quốc tôi gặp thường là liệu họ có muốn hai miền Triều Tiên được thống nhất không? Và điều khiến tôi ngạc nhiên trong suốt thời gian đầu là hầu hết người Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) đều không muốn thống nhất với Bắc Triều Tiên. Kể cả những thành phần cấp tiến khi xưa đi biểu tình chống độc tài Park hay chống ảnh hưởng của Mỹ cũng e ngại với sự sát nhập hai miền. Tôi phải hỏi thêm rằng giả sử sự thống nhất này như một phép màu, không đổ máu, chiến tranh thu phục, liệu người Hàn Quốc có muốn không? Câu trả lời vẫn là “KHÔNG”.

Để có được nền kinh tế, văn hóa xã hội phát triển cao như ngày nay, người dân Hàn Quốc đã phải hết sức vất vả. Sau khi chiến tranh tạm lắng, kinh tế Nam Hàn xơ xác, thậm chí còn tệ hơn Bắc Hàn cùng thời điểm. Sự hỗ trợ kinh tế của Mỹ sẽ không bao giờ đủ nếu không có những làn sóng sinh viên xuống đường biểu tình, đổ máu chống thao túng chính trị, chống độc tài, chống tham nhũng hệ thống. Người dân Hàn Quốc ngày nay, so với quá khứ, có thể nói là sống trong nhung lụa. Bởi vậy họ rất sợ quá khứ nghèo đói quay trở lại. Việc sát nhập với Bắc Triều Tiên, dù theo cách êm ả nhất, vẫn là nỗi kinh hoàng giống như phải đeo thêm cục nợ.

Dân số Hàn Quốc hiện nay gấp đôi dân số Bắc Triều Tiên, tức là nếu sát nhập, hai người Hàn Quốc sẽ phải nuôi thêm 1 người Bắc Triều Tiên không trình độ nghề nghiệp, không kiến thức. Nguy hiểm nhất là làn sóng di cư của người Bắc Triều Tiên đói ăn sẽ phá nát cơ cấu kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh đang ổn định ở Hàn Quốc. Còn nhiều lý do khác nữa được đưa ra, nhưng đa phần vẫn tập trung quanh những lo ngại trên về sự ổn định kinh tế.

Tất nhiên vẫn có những nhóm người Hàn Quốc mong muốn có sự giao kết với Bắc Triều Tiên, họ vẫn bắc loa, thả bóng bay chứa truyền đơn sang bên kia biên giới. Những nhóm người hoạt động như vậy chỉ là thiểu số ở Hàn Quốc, tôi cũng không có cơ hội gặp được ai trong số họ. Chính phủ Hàn Quốc cũng có những biện pháp tuyên truyền (tuy hữu hạn) để một phần người dân Triều Tiên biết được tình hình Hàn Quốc và thế giới không đến nỗi chết đói. Việc xích lại gần nhau giữa hai chính phủ được tiến hành như một vở kịch thiếu nhi. Bắc Triều Tiên lấy vũ khí hạt nhân ra dọa, đòi tiền, đòi gạo, đòi Hàn Quốc phải “biết điều”. Nam Hàn Quốc đòi Bắc Triều Tiên bỏ vũ khí hạt nhân, bỏ tên lửa đạn đạo, bớt hung hăng, bớt chửi láo. Nhưng những vấn đề then chốt thì đương nhiên chẳng ai nhường ai được. Hai chính phủ lại bắc loa chửi nhau, như hình ảnh hai chính quyền Nam Bắc Việt Nam chửi nhau thuở nào.

Quay về trại nghệ thuật Goyang nơi tôi ở để nói về chuyện… máy bay trực thăng. Trực thăng có lẽ là phương tiện duy nhất gây ồn ở trại Goyang. Trại Goyang nằm ở phía bắc Seoul, không xa biên giới với Bắc Triều Tiên. Vì vậy sự xuất hiện của quân đội tương đối nhiều. (Tôi thỉnh thoảng vẫn ra bờ sông xem xe tăng tập luyện). Bản thân toàn bộ Seoul, thủ đô của nước Triều Tiên thống nhất khi xưa cũng rất gần biên giới. Tuy nhiên, trại nghệ thuật Goyang nằm ở khu vực rất thanh bình, trên một sườn đồi nhìn xuống thung lũng sông xa tít. Khu vực này vẫn trồng cấy nông nghiệp, chủ yếu là rau xanh phục vụ cho thành phố Seoul. Rất yên tĩnh. Bởi vậy bạn có thể ở trong phòng cả ngày mà không nghe được bất cứ âm thanh nào. Đôi lúc khiến tôi cũng thấy sợ, cứ như mọi người bỏ mình đi đâu hết. (Sống ở Việt Nam ồn quen rồi nên mới hâm vậy). Nên thật thú vị khi thỉnh thoảng lại thấy tiếng trực thăng đi tuần lượn qua cửa sổ. Đôi khi là một chiếc đơn lẻ, đôi khi là một nhóm gồm cả trực thăng tấn công và trực thăng đổ bộ, bay theo đội hình quy củ.

Sống trong một đất nước không ô nhiễm tiếng ồn nên âm thanh cũng là chất liệu quý giá để nghệ sĩ Hàn Quốc sử dụng. Kim Young Sup là một nghệ sĩ sử dụng những nguyên liệu như vậy.

Phạm Huy Thông và Kim Young Sup

Kim Young Sup với tôi không giao tiếp được nhiều ngoài mấy động tác khua chân múa tay và cụng ly. Mỗi lần anh muốn trao đổi với tôi điều gì qua ngôn ngữ cử chỉ, trông anh thật tội nghiệp, với cái cổ vươn ra và cằm vênh lên ngắc ngứ. Ngoại ngữ của Kim Young Sup là tiếng Đức chứ không phải tiếng Anh. Vì giống như nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc khác, anh chọn Đức là nơi du học. Việc nhiều nghệ sĩ Hàn đi học nghệ thuật ở Đức ban đầu khiến tôi hơi ngạc nhiên, vì tôi cứ nghĩ sau chiến tranh Nam – Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc phụ thuộc kinh tế, chính trị và văn hóa nhiều vào nước Mỹ. Nhưng riêng mảng du học nghệ thuật, do những nhân vật tiên phong lại có nhiều liên hệ với các trường ở Đức nên các thế hệ sau quen “mối” từ cha anh nên cứ nhằm nước Đức thẳng tiến.

Tôi gọi anh là Người Hàn Quốc Trầm Lặng không phải vì anh nói ít mà đơn giản vì anh làm việc với âm thanh, một phần quan trọng trong công việc của anh là đi thu âm. Mà khi đang thu âm thì nghệ sĩ đương nhiên là phải im lặng rồi. Anh sưu tập các âm thanh từ cuộc sống và “trưng bày” nó trong các tác phẩm của mình. Hay nói một cách vui nhộn khác, anh không phải là một Sound Artist (nghệ sĩ âm thanh) mà là một Sound-Collector (nhà sưu tập âm thanh). Tác phẩm của Kim Young Sup ảnh hưởng tính đơn giản, thẳng thắn và sâu sắc của nghệ thuật Đức. Chủ yếu là sắp đặt với 3 thành phần: Loa, Dây dẫn và âm thanh (tất nhiên là có cả những máy móc giấu đằng sau để cho 3 yếu tố trên hoạt động).

Kim Young Sup coi âm thanh là một thứ thức ăn mà chúng ta vô thức tiếp nhận hàng ngày, dù muốn hay không. Và những thứ chúng ta ăn vào góp phần hình thành nên con người ta. Thức ăn vật chất hình thành con người vật chất. Thức ăn tinh thần hình thành con người tinh thần. Bởi vậy trong các tác phẩm, Kim Young Sup thường “chiêu đãi” người xem những bữa tiệc âm thanh nhẹ nhàng.

 

Kim Young Sup sử dụng rất nhiều dây dẫn vào uốn chúng tạo hình thành những dụng cụ đựng đồ ăn thức uống như bát đĩa, cốc chén. Và ở trong lòng mỗi cốc, đĩa, bát, chén đó là một cái loa nhỏ, phát ra một cách nhẹ nhàng những âm thanh mà anh thu được từ (đa phần là những âm thanh từ thiên nhiên như tiếng chim, tiếng dế, tiếng nước chảy). Một bàn tiệc anh “bày” vì thế sẽ có nhiều món khác nhau phục vụ lỗ tai người nghe.

Trong mỗi cái cốc làm từ dây dẫn lại là một cái loa với âm thanh của riêng mình, lúc bật lúc tắt.

 

Thật thú vị khi bước vào một căn phòng rộng với đủ thứ bình lọ phát ra những âm thanh ri rỉ. Nghé tai lại gần, chúng ta phát hiện trong lòng mỗi chiếc bình kia chứa đựng một âm thanh rất khác nhau.

 

Trong một sắp đặt, các loa nhỏ lại được treo trên cọc sắt, trông xa như một bãi lau sậy. Độ cao của những chiếc loa gần với tầm tai người. Các loa phát ra âm thanh đa dạng nhưng không lớn, nên cả tác phẩm cứ chỉ rì rào như một bãi lau sậy bên sông, ngoại vi thành phố.

 

Một bữa tiệc âm thanh khác, các món được bày lên “đĩa”, rất thịnh soạn.

Tuy nhiên nếu chỉ loanh quanh mấy chiếc loa, âm thanh, và những cuộn dây dẫn nhiều hình thù, thì chúng ta cũng chẳng có mấy chuyện để ngồi bàn bạc “suông” với nhau ở đây. Lúc đầu tôi cũng không quá chú ý đến tác phẩm của Kim Young Sup. Cũng một phần vì rào cản ngôn ngữ, không thể hỏi kỹ về từng tác phẩm,trong khi các nghệ sĩ khác cùng trại, khi ngồi nhậu với nhau thì thích nhậu hơn là ngồi làm phiên dịch viên miễn phí cho tôi và Young Sup.

Chỉ đến khi cả trại Goyang có một triển lãm chung là Open Studio thì tôi mới có điều kiện nghe tình nguyện viên giới thiệu về một tác phẩm mà Kim Young Sup trưng bày. Trên sân thượng có hai dàn loa đặt đối diện nhau. Dàn bằng gỗ và các loa là loại loa phóng thanh ngoài trời, dạng như loa phường vẫn nheo nhéo trên phố Hà Nội. Một bên phát những giọng phụ nữ, đọc chậm và dõng dạc những từ gì đó tiếng Hàn. Bên còn lại phát những giọng nam, cũng đọc những từ gì đó khác, cũng chậm và rõ ràng.

Tác phẩm của Kim Young Sup bày lại trong triển lãm Open Studio ở trại Goyang.

 

Tác phẩm của Kim Young Sup bày trong một triển lãm trước đó.

 

Tình nguyện viên cho tôi biết: Young Sup đã tiếp cận những bạn bè nam nữ trẻ trong độ tuổi kết hôn, nói chuyện với họ xem họ sẵn sàng cho và muốn nhận được thứ gì nếu họ lập gia đình. Mỗi đối tượng lập danh sách và đọc to những thứ họ liệt kê được. Young Sup thu âm lại và phát lên loa. Người xem (biết tiếng Hàn) khi nghe đủ lâu sẽ nhận ra một sự thật thú vị: Những gì mà loa bên Nam sẵn sàng cho không khớp với những gì mà loa bên Nữ muốn nhận, và ngược lại. Ai cũng muốn mình được lợi trong cuộc hôn nhân và chẳng ai để ý xem đối tác của mình cần gì ở mình.

Tác phẩm của Young là một mũi tên bắn được nhiều đích.

Tác phẩm của Kim Young Sup nhìn gần.

Ở lớp nghĩa thứ nhất, nó nói về tình yêu, sự vị kỉ của người Hàn Quốc hiện đại trong hôn nhân. Xã hội càng phát triển, càng Âu hóa thì tầm quan trọng của hôn nhân càng giảm, mô hình gia đình truyền thống càng bị thử thách. Hơn nữa, chủ nghĩa vật chất khiến con người ta nghĩ lợi cho mình nhiều hơn là biết cân bằng giữa nhận về và cho đi. Vân vân và vân vân, bla bla và bla bla…

Nhưng ở lớp nghĩa thứ hai, tác phẩm lại nhẹ nhàng nhưng thâm thúy đề cập đến vấn đề chính trị. Hai miền Triều Tiên như cặp loa phóng thanh Nam–Nữ đối nhau kia, mỗi bên đều đòi quyền lợi về mình nhưng chẳng bên nào chịu nhường bên nào. Cuộc hôn nhân đã thất bại từ trong trứng nước bởi chẳng bên nào thực sự khát khao đi đến hạnh phúc chung.

Có một lần ngồi nhậu với các bạn Hàn và nói về vấn đề Bắc Triều Tiên, các bạn Hàn Quốc kể tội chính quyền Bình Nhưỡng tập trung quá nhiều về quân sự nên để kinh tế đói rách và trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc. Họ nói Bắc Triều Tiên vì đói quá nên đã phải đổi dần đất lấy viện trợ từ Trung Quốc. Vì thế đất của người Triều Tiên ở biên giới phía bắc cứ bị Trung Quốc gặm dần (thông tin này tôi chưa kiểm chứng). Nói đến đoạn này, tôi thấy ánh mắt của những người bạn Nam Hàn rực lên sự hậm hực căm hận, giống hệt ánh mắt của cha anh tôi khi xưa nói về việc Trung Quốc gặm đất của Việt Nam những năm sau cuộc chiến 1979. Như vậy, trong tâm thức của người Nam Hàn, vẫn có chỗ cho một lãnh thổ Triều Tiên thống nhất và một dân tộc Triều Tiên cai quản lãnh thổ đó. Chỉ có điều từ tâm thức sâu xa trong lòng và những suy tính cân đong thực tế trên đầu đôi khi là cả một khoảng ngăn cách quá xa.

Trước khi đi Hàn Quốc, tôi đã thử tưởng tượng một kịch bản nào cho sự thống nhất Nam Bắc Triều Tiên (liệu sẽ khốc liệt như trường hợp của Việt Nam hay ít người chết hơn như trường hợp của Đức). Khi rời khỏi Hàn Quốc 5 tháng sau đó, tôi tin rằng sẽ còn rất lâu nữa mới tới ngày đó, bởi sự thống nhất sẽ không thể đến khi nhiệt huyết mà mỗi người dân dành cho nó không còn nữa.

 

*

(Ảnh trong bài chủ yếu từ trang web của trại)

Bài liên quan:

– Bóng mượt Hàn Quốc  
– Trại Gyeonggi, ai muốn đi Hàn Quốc nào!
 
– Goyang nghệ trại. Kỳ 1: Tiếu phật Wang Zi Won

– Goyang nghệ trại. Kỳ 2: Lee Jin Ju – Người phụ nữ tàng hình.

– Nhân bình tranh của Lee Jin Ju: Nghệ thuật là để xin (được chia sẻ)? Hay để cho (giải pháp)?

– Goyang nghệ trại. Kỳ 3: Kim Young Sup – Người Hàn Quốc Trầm Lặng

 

Ý kiến - Thảo luận

19:16 Saturday,29.12.2012 Đăng bởi:  admin

Thông thân mến, Soi đã bổ sung vào cuối bài rồi. Cảm ơn Thông nhiều.


...xem tiếp
19:16 Saturday,29.12.2012 Đăng bởi:  admin

Thông thân mến, Soi đã bổ sung vào cuối bài rồi. Cảm ơn Thông nhiều.

 
17:41 Saturday,29.12.2012 Đăng bởi:  Việt
Hay quá anh Tùng. Anh phân tích thêm thật là hay. Bài của Thông cũng hay lắm. Cảm ơn bạn đã bỏ công chụp ảnh, viết bài chia sẻ với mọi người.
...xem tiếp
17:41 Saturday,29.12.2012 Đăng bởi:  Việt
Hay quá anh Tùng. Anh phân tích thêm thật là hay. Bài của Thông cũng hay lắm. Cảm ơn bạn đã bỏ công chụp ảnh, viết bài chia sẻ với mọi người. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả