|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ thế giớiBarbara Hepworth: Bàn tay to làm nên tất cả 10. 01. 13 - 11:37 pmPhước An và Soi tổng hợp, dịch
10. 1 là sinh nhật Barbara Hepworth – một điêu khắc gia vĩ đại người Anh. Các tác phẩm của Barbara Hepworth là những khối đục lỗ, những dáng tròn, bên trong có khi sơn, bề mặt sần sùi, bên ngoài có khi được căng dây thép.
Những tượng đá và tượng đồng khổng lồ đã đưa bà lên thành một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Nhưng không phải thời nào cũng công nhận điều ấy. “Đôi khi cũng vui,” Sir Alan Bowness, cựu giám đốc của Tate, đồng thời là con rể của Barbara Hepworth, nói. “Khi nhìn những phụ nữ trung niên đi trong vườn tượng ở St Ives ngắm tác phẩm của Barbara, tôi biết rằng 30 năm trước, cũng những phụ nữ như thế này đã từng nói, ‘Cái này là nói về cái gì?’. Chuyện đó vẫn thường xảy ra với những nghệ sĩ lớn. Cần có thời gian.” Sinh năm 1903, ngay từ nhỏ, khi theo cha đi công cán, Hepworth đã để ý và ghi trong nhật ký, “Đồi là tượng. Đường vẽ nên hình.” Barbara nhận được học bổng về mỹ thuật từ rất sớm, và tại trường Mỹ thuật Leeds, bà trở thành bạn đồng môn với Henry Moore. 18 tuổi, Hepworth và Moore lên tiếp Cao đẳng Nghệ thuật Hoàng gia, và Hepworth thấy nổi lên niềm ham thích được tiếp xúc với vật liệu bằng “chạm đục trực tiếp” – một việc không phải nghệ sĩ tạo hình nào cũng làm. Bà phải xuống tận xưởng học công việc của thợ đục đá – những người vẫn thường chuyển phác thảo của nghệ sĩ vào trong đá. Sir Alan Bowness nói, “Chỉ có bà như thế. Thời đó ở Anh không có nữ điêu khắc gia. Tuyệt nhiên không.” Hepworth, cũng như Henry Moore, được học bổng đến Ý. Tại đây bà học kiến trúc, học chạm đá hoa cương. Bà trở về London, không nghỉ ngơi, bắt tay vào việc ngay. Bà làm đám cưới với điêu khắc gia John Skeaping. Họ có một con trai là Paul, và ngày nay, đến gallery ở St Ives, bạn sẽ thấy bức tượng bà yêu thích nhất, bằng gỗ Burmese, tạc bé Paul ngủ dưới chân mẹ trong khi mẹ đang làm việc… Vào những năm 1930s, tác phẩm của Hepworth được bày ở nhiều gallery, các nhà sưu tập đua nhau mua. Nhưng hôn nhân của bà cũng tan. Bà gặp họa sĩ trừu tượng Ben Nicholson. Đây là một cuộc gặp như tiền định, họ hợp nhau tất tật về lý tưởng, tinh thần lao động nghệ thuật. Ben Nicholson có một ảnh hưởng lớn lên tượng của Barbara sau này. Nhưng cuộc sống sáng tạo của họ gặp phải một chuyện dở khóc dở cười: Barbara sinh con, những ba đứa một lúc. Cuộc sống khó khăn, Hepworth thì thích làm việc, một ngày mà không dành được ít nhất một giờ trong xưởng là bà như phát điên. Cuối cùng, ba đứa bé phải gửi vào nội trú, thường chỉ gặp bố mẹ vào những ngày lễ. Con gái bà nhớ lại, “Mẹ là một phụ nữ Yorkshire thực thụ, một người chỉ tin vào chăm chỉ và kỷ luật”. Cùng học với nhau, nhưng con đường của Henry Moore và Hepworth rất khác. Moore đàn ông, luôn “lộ diện”, là đại diện cho Anh tại Venice Biennale trước Hepworth hai năm. Trong lúc Moore nổi như cồn thì Hepworth đang quần quật với gia đình ở St Ives. Hepworth vốn nhút nhát (“Nếu muốn kể một chuyện cười, bạn phải bảo, ‘Barbara, đây là chuyện cười nha!’” trợ lý một thời cho bà, là điêu khắc gia Angela Conner, kể lại.) Ngoài đời, Barbara là một phụ nữ nhỏ bé, nhưng có hai bàn tay đặc biệt to… “Bạn không thể không để ý đến đôi tay bà,” con gái bà kể lại. Hepworth gọi tay trái là tay nghĩ, tay phải là tay làm, và với hai bàn tay (có sự giúp đỡ), bà làm nên những bức tượng khổng lồ, mà người ta phải vần hoặc kéo bằng xích ra khỏi xưởng, chuyển đi trên những con đường hẹp của St Ives. Không giống Moore, Hepworth không thích vẽ phác thảo tượng, cũng không làm maquette. Dùng thạch cao từ một nhà cung cấp địa phương, Hepworth thường chăng khung thép và tạc khối thạch cao như là tạc đá, cho tới khi hài lòng rằng tác phẩm có thể dùng làm khuôn.
Barbara mất trong một đám cháy, tại xưởng của bà ở St Ives năm 1975. Nguyên nhân có lẽ do hút thuốc trong giường, lửa bén vào chăn nệm. Giờ đây, được coi là nữ nghệ sĩ lớn nhất của thế kỷ 20 ở Anh, Barbara Hepworth để lại một di sản mà nhiều thành phố, làng mạc của Anh đang được thừa hưởng. Những tác phẩm hiện đại và phong cách nổi bật của bà có mặt khắp nơi nơi, từ trường nhạc Cardiff tới công viên tượng Yorkshire, tới mặt tiền bên ngoài khu mua sắm John Lewis ở đường Oxford, London.
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|