Văn & Chữ

Thơ Hoàng Trung Thông
và Tạp chí Thơ tháng 4 01. 06. 13 - 10:18 am

Soi giới thiệu

Cuối tuần văn nghệ một chút, mời các bạn đọc vài bài thơ của cố nhà thơ Hoàng Trung Thông, thân phụ họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ. Sau phần thơ,  Soi xin giới thiệu một chút về tạp chí Thơ số tháng Tư. 2013 của Hội Nhà Văn…

Nhà thơ Hoàng Trung Thông qua nét vẽ của Hoàng Phượng Vỹ

Tứ tuyệt

Ngọn mướp luồn qua cửa sổ
Vầng trăng tỏa ánh vào nhà
Người không thong thả trăng thong thả
Trăng có vầng mướp có hoa

*

Khách ở quê ra chơi

Khách ở quê ra chơi
Cho tôi mấy cân lạc
Sẻ ngọt và chia bùi
Với nhà thơ kiết xác

Khách hỏi: “Sống ra răng?”
Chủ nói: “Cũng nhì nhằng”.
Khách bảo: “Về quê khá”
Chủ cười không nói năng.

Về quê quê còn ai
Chỉ còn bà chị ruột
Bảy mươi tuổi một đời
Sống với quê tạm được

Nhưng nhớ em nhớ lắm
Hàng dừa nghiêng bóng trăng
Nhớ em chị chỉ nhắn
Nhìn trời nhìn xa xăm

Khách ở quê ra chơi
Mắm gửi tôi một lọ
Nói là chị gửi cho
Cả nhà mặt hớn hở

Nhớ chị như nhớ mẹ
Mong mãi khách ra chơi
Khách về rồi nhớ chị
Nói làm sao chị ơi

 

Nhà thơ Hoàng Trung Thông – tranh của Lê Chấn

Tứ tuyệt

Tôi muốn uống rượu trong
Lại phải uống rượu đục
Chao! Sông cũng như người
Có khúc và có lúc

*

Dưới bóng hòe

Dưới gốc hòe
Trưa hè
Ta ngồi nghe
Tiếng ve
ra rả.
Ôi cây hòe mùa hạ
Gió đông nam quạt vào hồn ta
Và ta yêu cuộc đời
Dẫu còn bao đớn đau, xót xa, vất vả
Cây hòe xanh thẳm lá
nở hoa vàng
Ta ngỡ ngàng
như mình còn trẻ
Hãy im
Hãy im
Cây hòe nhé
Thổi cho mát hồn ta
Để ngày mai ta không còn được ngồi
Dưới gốc hòe
Nghe tiếng ve…

Từ trái sang: nhà thơ Bảo Định Giang (thân sinh kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu), nhà thơ Hoàng Trung Thông, họa sĩ Mai Văn Hiến. Ảnh chup năm 1982

*

Những bài thơ trên in trong tạp chí Thơ, số tháng Tư. 2013, một ấn phẩm của Hội Nhà văn Việt Nam.

1.
Số Thơ này, ngoài chùm thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông (mà Soi chỉ xin đánh máy lại vài bài), còn một bài của nhà thơ Vũ Quần Phương bình về thơ Hoàng Trung Thông, một bài của nhà thơ Ý Nhi (mẹ chồng của họa sĩ Đinh Ý Nhi) viết về kỷ niệm với nhà thơ Hoàng Trung Thông, rất hay, có tên Ông Thông đầu trần đi dưới trời mưa. Ở đoạn cuối bài có nói đến nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh “rình mây, rình nắng, rình gió” để có một bức ảnh đẹp.

2.
Bạn nào thích văn hóa Nhật thì nên tìm đọc trong số này có một bài về khởi nguyên của thơ Haiku. Bài do một người rất am tường về Nhật, về thơ Nhật, là nhà văn Nhật Chiêu. Tiếc là trong bài chưa nói rõ, thiên tài Bashô đã làm gì để cứu vớt một “trò chơi tầm thường” trong thơ ca là haikai no renga thành thể haiku tinh khiết và cô đọng như một giọt sương.

Đi kèm với bài này là hai bài viết về thơ Nhật, văn hóa Nhật của Kawabata (tác giả Ngàn Cánh Hạc) và một bài về thơ Haiku… Mỹ. Lại có hẳn một chùm Haiku Nhật (của toàn những bậc cao nhân), và một chùm Haiku Việt Nam. Các bạn vào so sánh xem thế nào nhé, theo Soi là cách làm này của tạp chí Thơ rất thú vị.

Đặc biệt, có một bài của cố nhà thơ Lê Đạt (Bài Haikâu) về “thơ đi bộ” của ông. Đọc rồi bạn sẽ hiểu thêm về một phong cách làm thơ, không phải lúc nào cũng ngẫu hứng, xuất thần như ta tưởng đâu…

3.
Bạn nào quan tâm tới Kiều cũng nên đọc một bài thảo luận trong tạp chí Thơ lần này, về một đoạn trong Kiều mà cụ Đào Duy Anh thì nghĩ là Kiều nhớ Kim Trọng, tác giả bài viết này (Mai Văn Hoan – Phải chăng cụ Đào Duy Anh có sự nhầm lẫn) thì cho là Kiều nhớ Thúc Sinh. Soi đọc xong cũng hoang mang hết sức, tại Kiều cũng ỡm ờ ghê…

4.
Trong tạp chí Thơ số tháng Tư. 2013, các bạn sẽ được đọc một chùm thơ mới của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Có bài Comments với những dòng mở đầu sau:

Một đôi kẻ viết comments nói với tôi rằng:
Hãy câm
miệng đi, ông già, thi đàn không còn chỗ…
Than ôi!
Tôi chỉ muốn được quyền bày tỏ
Bằng chính cổ họng mình
Khi còn được thở

Tóm lại, theo Soi, tạp chí Thơ số này rất hay, các bạn nên đi mua ngay (không có trên mạng),  giá chỉ có 20.500đ, để dành trong nhà cũng là tư liệu tốt. Phương thức mua thì chắc phải điện thoại cho tòa soạn, số 04.39454846, hoặc email: tap_chi_thơ@yahoo.com.vn, gặp nhà thơ Ngô Thế Oanh nhe các bạn.

 

 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

13:34 Saturday,1.6.2013 Đăng bởi:  Phạm Hưng Long
Bài "Tứ tuyệt" đầu hay quá. Sự mất cân đối ở câu cuối thực là tài hoa.
...xem tiếp
13:34 Saturday,1.6.2013 Đăng bởi:  Phạm Hưng Long
Bài "Tứ tuyệt" đầu hay quá. Sự mất cân đối ở câu cuối thực là tài hoa. 
11:26 Saturday,1.6.2013 Đăng bởi:  Pa chi khơ

Vâng, tính ngơ ngẩn nên cũng chẳng hiểu dì thơ mấy. Chỉ thấy tranh cụ lúc nào cũng có cái chai, chén zượu. Liệu có phài cứ rượu vào thơ mới ra?

Nhờ Soi nên mới biết có một tạp chí Thơ. Cứ tưởng là đã qua rồi một thời đại:
"Bàn tay ta làm nên tất cả
...xem tiếp

11:26 Saturday,1.6.2013 Đăng bởi:  Pa chi khơ

Vâng, tính ngơ ngẩn nên cũng chẳng hiểu dì thơ mấy. Chỉ thấy tranh cụ lúc nào cũng có cái chai, chén zượu. Liệu có phài cứ rượu vào thơ mới ra?

Nhờ Soi nên mới biết có một tạp chí Thơ. Cứ tưởng là đã qua rồi một thời đại:
"Bàn tay ta làm nên tất cả,
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm".
(Hoàng Trung Thông)
sau một thời cơm nắm quả cà gây dựng chủ nghĩa, (gồm cả theo Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc) rồi được lên tàu vũ chu chân vẫn dận zép lốp. 

Đọc bài xong, phấn khí, bốc đồng lên định mần thơ lại hóa ra lai hò vè:
Ơ, rượu ta uống dù chong dù đục,
(vẫn chửa) biết cuộc đời răng là nhụch là vinh? ớ ờ...
 

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả