Nghệ sĩ Việt Nam

Với Bàng Nhất Linh (phần 2): Về dự án cũ, những ngày làm việc ở Sài Gòn và những đồng nghiệp đàn anh 04. 09. 13 - 7:46 am

Trần Anh Ngọc phỏng vấn. Ảnh: Tuấn CX, Nguyễn Hồng Hải

(Tiếp theo phần 1)


Về dự án cũ “Anh hùng”

AN: Chúc mừng anh với triển lãm mới nhưng tôi thấy rất đáng tiếc khi nghe nói dự án sắp đặt thứ ba – “Anh hùng” của anh sau một thời gian dài đã phải từ bỏ.

NL: Dự án đó đã lấy của tôi hơn 2 năm. Sau khi hoàn thành giai đoạn đầu, tôi cảm thấy nó là một thất bại, những làn sóng chống Trung Quốc thời điểm đó là cảm hứng ban đầu để tôi xây dựng nó. Nhưng có vẻ như nó chưa được xây dựng tốt. Nó cần được cấu trúc lại vì tôi có cảm giác người xem sẽ bị hướng ngay vào lớp nghĩa đầu tiên.

AN: Tôi lại thấy thích nó khi đó, một sắp đặt gây ấn tượng mạnh về thị giác và mang tinh thần dân tộc, nó sẽ rất được sự đồng cảm của người xem.

NL: Vấn đề là tôi có thể là một người dân tộc cực đoan, bài Hoa… điều ấy ok, nhưng nếu tôi làm ra một tác phẩm gây cảm giác quá đậm “chủ nghĩa dân tộc” như vậy thì đó sẽ là một thất bại về mặt nghề nghiệp.

Lần trước tôi có nói về việc một tác phẩm không tốt khi nó quá trực tiếp, và việc khác nhau đôi chút giữa nghệ thuật và chính trị… Chị có thể đọc thêm một bài viết khá hay gần đây của Red Perl về Ai Wei Wei, ông ấy có một nhận xét cực kì sắc xảo khi đòi hỏi nghệ sĩ phải “nói bằng ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật của anh ta” (As an artist, Ai Weiwei remains imprisoned, unable to speak in the language of forms, which is the only language an artist can really know)

AN: Tôi hiểu ý của anh, nhưng đôi khi một số ít tác phẩm theo kiểu đó cũng có thể là một tác phẩm tốt đấy chứ?

NL: Tôi lại thấy vui sướng với việc tạo ra một thứ gì đó ý vị, đôi khi khiến người xem tủm tỉm cười khi đọc ra từng lớp ý khác nhau. Tôi thấy vui khi mang cho người xem cái cảm giác thích thú vì phát hiện ra mình cùng tác phẩm trước mắt đang đứng ở nơi giao nhau của vô số văn bản chồng lấn.

Tôi nghĩ tôi đã làm được điều đó khi cấu trúc lại nó với yếu tố rối bóng, tiếc rằng vì nhiều lí do mà tôi không thể đưa nó ra bày. Một người bạn tôi, Dino Trung, khuyên tôi thử tìm cách bày ở chỗ nào đó ngoài trời. Anh Hiếu Mường cũng bảo nếu tôi muốn anh ấy sẽ giúp đỡ để tôi có thể bày nó ở Bảo tàng Mường. Đó là một không gian rất đẹp nhưng tiếc là không phù hợp vì khi để ngoài trời nó sẽ bị lẫn vào nền và hỏng dưới góc độ site-specific.

Thi công cho dự án “Anh hùng”

 

.

 

Dự án sắp đặt “Anh hùng” trong lúc đang thi công


AN
: Khá nhiều người nói rằng thật đáng tiếc khi một tác phẩm như vậy vì nhiều lí do cuối cùng đã không được ra mắt công chúng…

NL: Đúng vào quãng thời gian quyết định rằng sẽ bỏ nó, tôi đọc được một đoạn văn rất thú vị trong “Vô tri” của Kundera khi Josef – một người Czech tha hương tự vấn mình “… người Đức, người Nga…, những dân tộc lớn, lòng yêu nước của họ khác, họ ngây ngất với vinh quang, tầm quan trọng hay sứ mệnh của mình… Người Czech yêu tổ quốc của mình không phải vì nó lớn, mà bởi nó nhỏ và không ngừng rơi vào hiểm nguy. Lòng yêu nước của họ, giống như là sự cảm thông với chốn ấy…


Về những ngày làm việc ngắn ở Sài Gòn và những đồng nghiệp đàn anh

Anh Ngọc: Vừa qua anh đã có thời gian làm việc với những nghệ sỹ đàn anh được đánh giá là có uy tín ở cả hai miền như Lê Quang Đỉnh hay Trần Lương. Bản thân anh đánh giá những sự hợp tác này thế nào?

Nhất Linh: Tôi chưa làm việc với họ nhiều, anh Đỉnh thì tôi mới gặp 2, 3 lần, nhưng đây là hai cá nhân tôi khá tôn trọng dưới góc độ con người và công việc. Khác với một vài trí thức, nhạc sỹ lớn tuổi tôi gặp ở Sài Gòn, toát ra vẻ khiêm nhường xuề xòa hơi giả tạo nhưng không giấu được sự ngầm tự hào thuộc về giới “elite”, Lê Quang Đỉnh đúng là một trí thức, hiểu theo nghĩa là người tự thấy có trách nhiệm với môi trường nghề nghiệp hay xã hội nói chung, muốn tương tác với nó để có những biến chuyển tích cực. Tôi khá ấn tượng với việc anh ấy cố gắng tra từ điển những từ tiếng Việt chưa sát nghĩa để có thể diễn giải một cách tốt nhất khi trò chuyện. Còn Trần Lương khiến tôi tôn trọng với việc anh ấy đã từ bỏ việc kiếm thật nhiều tiền vào thời điểm những năm 90 để bước vào một con đường chưa hề hứa hẹn gì ở thời điểm đó.

Dưới góc độ công việc thì họ rất khác nhau. Anh Trần Lương và tôi có lẽ cùng một “tạng” tư duy, cùng khá duy lý. Nhiều khi tôi có thể đoán được anh ấy sẽ nói gì về một vấn đề nào đó và ít khi trái chiều nhau. Anh Đỉnh lại cho cảm giác về một người có trực giác mạnh, ít lập luận khi đối thoại. Có lần trò chuyện về một hệ nhánh idea, anh ấy chú tâm vào hướng mà tôi không hề thấy thuyết phục, tôi nghĩ idea gốc đó phải theo một hướng khác. Nhưng sau khi soát lại cả hệ nhánh đó thì tôi thấy đó là hướng nên làm hơn cả. Tôi thích việc mình bị thử thách bởi những cách tư duy khác nhau, điều đó rất tốt cho công việc sáng tạo.

AN: Trước lúc triển lãm diễn ra, tôi nghe nói anh đã tham gia chương trình cư trú ở Sàn Art, anh thấy chương trình đó thế nào?

NL: Thời gian tôi ở đó rất ngắn và lại là phần đầu của chương trình nên hầu như chưa tham gia gì nhiều, nhưng đó là một chương trình tốt; điều thú vị của nó là sẽ liên tục có những thảo luận và tiếp xúc giữa nghệ sỹ với những cá nhân thuộc các lĩnh vực văn hóa khác nhau, điều này khá phù hợp với cách nghĩ của tôi về việc làm nghệ thuật. Tôi luôn muốn quan tâm tới những lĩnh vực khác, và trước đây bản thân tôi đã học được rất nhiều từ những kiến trúc sư, những người viết như Kenzo Tange, Milan Kundera, Julia Kriseva, Dazai Osamu hay Bùi Văn Nam Sơn …

AN: Anh dự định sẽ làm gì trong chương trình cư trú ở Sài Gòn?

NL: Dự án tôi định thực hiện ở Sài Gòn là dự án thứ hai trong chuỗi dự án này. Đó là một sắp đặt-video để một vài đối tượng tương tác bên một vật dụng từ chiến tranh trong một bối cảnh được sắp xếp. Nó cũng có thể được coi như một trình diễn “điêu khắc xã hội” (Social Sculptural Performance) trên một sân khấu ngầm định…

Chương trình cư trú có không gian và thời gian phù hợp để tôi thực hiện nó vì quá trình tìm gặp nhân vật, tiếp xúc, tạo sự cởi mở và tin cậy để họ tham gia trong tác phẩm rất quan trọng với dự án khi đối tượng mà tôi hướng đến có không gian tâm lí khá khép kín.

AN: Vậy tại sao anh dừng tham gia chương trình đó?

NL: Có vài lí do, một trong số đó là tôi phải chuẩn bị cho triển lãm ở Hà Nội nên đôi khi trong những ngày không có lịch làm việc ở Sài Gòn thì tôi phải bay ra ngoài đó. Tôi thấy việc di chuyển trong một dự án cư trú là hơi trệch format của chương trình và nghĩ mình nên dừng lại nếu không tổ chức được thời gian thật tốt

AN: Giới làm nghệ thuật khá nhỏ, tôi nghe nói đã có sự bất hòa? Đã có những va chạm về cung cách làm việc giữa đôi bên?

NL: Đúng là có một chút khác biệt về suy nghĩ giữa tôi và cá nhân người điều hành chương trình cư trú – nhưng tôi không nghĩ nó là chuyện gì nghiêm trọng đến vậy.

Ở thời gian đầu của chương trình, khi tôi đang cố gắng di chuyển, tìm một giải pháp tốt nhất đồng thời xây dựng bước đầu của dự án thì nhận được email của chị ấy với sự lo lắng về công việc chung. Cách chị ấy đối thoại khiến tôi cảm thấy giữa chúng tôi là sự hợp tác một chiều, nó khác với những gì tôi suy nghĩ. Và tôi không còn sự nhiệt tình để cố gắng đối thoại hay khắc phục những yếu tố ngoại cảnh để làm việc với nhau lâu hơn nữa. Dù khá tiếc một dịp làm việc với một ekip thân thiện và những đồng nghiệp rất tốt nhưng tôi nghĩ nên dừng lại ở đó.

AN: Tại sao anh không nỗ lực đối thoại để nói rõ đúng sai giữa đôi bên?

NL: Đây không phải là vấn đề đúng sai, chị ấy hoàn toàn đúng với suy nghĩ từ vị trí của chị ấy, còn tôi cũng cư xử đúng theo suy nghĩ của tôi.

Tôi nghĩ là trong một môi trường nghề nghiệp, việc một sự hợp tác dừng lại khi hai bên không phù hợp là bình thường, không có gì đặc biệt.

 *

Một số hình ảnh của quá trình thực hiện tác phẩm sắp đặt “Sinh năm 1983/Khâm Thiên”:

Một cánh máy bay chiến đấu…

 

… và những vật phẩm chiến tranh khác

 

.

 

.

 

… Tất cả đang dần chuyển biến thành những đồ vật bình thường…

 

Thí dụ từ chi tiết này của chiếc trực thăng chiến đấu…

 

Giờ được đánh bóng

 

.

 

Lớp sơn cũ từng qua chiến tranh dần mất đi…

 

.

 

Có những thứ phụ kiện cần gia công thêm…

 

Gia công chi tiết bập bênh – một phụ kiện thêm… Rồi sẽ thành món đồ chơi gì? Tất cả sẽ có mặt ở “Sinh năm 1983, ở Khâm Thiên”, từ 5. 9. 2013 tại l’Espace, Hà Nội

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả