Điện ảnh

Christopher Doyle: trao Oscar cho “Life of Pi” là sỉ nhục nghề quay phim 13. 01. 14 - 5:29 am

Hoàng Lan tổng hợp

SHANGHAI – Trong bài phỏng vấn đợt 1, chúng tôi háo hức nói chuyện với nhà quay phim nổi tiếng Christopher Doyle trước lúc chờ xem các màn trình diễn của ông ở hội chợ văn học Thượng Hải và Bắc Kinh, ông đã rất nhiệt tình kể về chàng diễn viên chính – nghệ sĩ Ngải Vị Vị – của video clip mình quay (Video ca nhạc “Divine Comedy”, do Christopher và Ngải hợp tác sản xuất, có Ngải đóng vai chính), ông còn vui sướng đem mình ra làm trò cười, về việc (tự) đứng lên đấu tranh cho tuổi trẻ và lòng ham thích thử nghiệm. Sự tích cực trong ông dường như vô tận. Giờ thì chúng tôi hỏi ông về chuyện nhà quay  phim người Mỹ gốc Chi-lê Claudio Miranda (có mặt mũi trông giống pháp sư) nhận giải Oscar quay phim cho tác phẩm nặng kỹ xảo “Life of Pi”.

Nhà quay phim Christopher Doyle

Câu trả lời đầu tiên của Doyle là một tràng pháo (chửi bới) rất đặc trưng:

“Anh muốn tôi trả lời thật lòng hả? Ái chà chà. Ok. Tôi sẽ cố tìm cách trả lời sao cho lịch sự, thật không có ý xúc phạm Miranda – tôi chẳng quen biết gì anh ấy – nhưng anhấy quả là thối như cứt. Tôi nói trắng ra nhé. Uầy, đệch… Thôi, tôi cóc quan tâm nữa. Tôi chắc rằng Miranda là một gã tuyệt vời, và tôi cũng chắc rằng anh quan tâm rất nhiều (đến bộ phim), nhưng do 97% (hiệu ứng hình ảnh) của bộ phim không nằm trong tầm kiểm soát của Miranda, thì nhắc đến “quay phim”  làm cái quái gì nữa chứ, xin lỗi. Tôi xin lỗi nhé. Tôi phải nói thẳng và tôi không quan tâm nữa, anh cứ viết mấy câu này xuống. Tôi nghĩ (giải Oscar của Miranda) là điều sỉ nhục đối với ngành quay phim.

“Pháp sư” Claudio Miranda với giải Oscar cho “Life of Pi”

“Giải Oscar đó nói cho thế giới biết rằng: mọi thứ đều do chúng tao hết, chúng tao chi tiền, chúng tao kiểm soát hình ảnh. Nên tôi mắng lại: đ… mày, đồ khốn. Mày đùa với tao đấy à? Đấy không phải là quay phim. Đấy là những người có tiền có quyền kiểm soát hình ảnh, cái hạng người muốn nắm cả hệ thống vì tất cả bọn họ đều chỉ là những tài khoản kiếm lời. Ngành điện ảnh đã mất rồi. Đấy không phải là điện ảnh và đấy không phải là quay phim. Chắc chắn không phải.

“Phim “Lincoln” ư! Ồ! Hãy nói tới đề tài “lòng yêu nước” nhé. Bộ (hội đồng trao Oscar) không biết rằng cả thế giới đang ngồi cười họ sao? Bộ họ không biết rằng mình chỉ là các bô lão đáng thương với một giải thưởng thối hoắc, toàn các lão chỉ biết ngồi đó, làm những việc công cốc thôi sao? Họ đúng là đang làm những việc công cốc. Tiếp tục nhé. Tôi cóc quan tâm mấy vị đó nghĩ gì về tôi. Vài người trong số chúng ta phải sống gắn bó với thế giới thật chứ. Và thế giới đó chẳng liên quan gì đến việc ông Lincoln trả tự do cho người da đen. 3 phút mở đầu của phim này là 3 phút tởm nhất tôi từng xem. Ôi, ông Lincoln, ôi…, nhưng ông cũng hiểu mà, đừng có tự dối lòng mình.

Nhà quay phim Janusz Kaminski (trái) với Steven Spielberg tại trường quay phim “Lincoln”. Christopher chê Lincoln thế chứ Janusz là một trong số những người còn dùng phim cuộn 35mm truyền thống để làm phim.

“Tôi chưa xem lễ trao giải, nhưng tôi có nghe được nhiều lời phản hồi từ mọi người, bao gồm những người của hội ASC (Hiệp hội các nhà quay phim Mỹ – the American Society of Cinematographers); và bạn thấy đấy, họ trao giải (quay phim) cho một tác phẩm chứa toàn hình ảnh kỹ thuật số. Có lẽ tôi sai, do tôi chưa xem bộ phim (Life of Pi), vì tôi đếch thèm xem .”

Miranda và Lý An tại trường quay “Life of Pi”

Chúng tôi hỏi liệu Doyle có cho rằng giải thưởng của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Khoa học (cũng trong khuôn khổ Oscar, nhưng trao riêng biệt vào ngày riêng biệt, nhằm tôn vinh các thành tựu khoa học của ngành điệnh ảnh) có hiểu rõ khái niệm “quay phim” là gì không?
 
“Tất nhiên họ đếch biết quay phim là gì. Đám người điên đó đã chiếm lấy nhà thương điên, nhưng bạn cũng biết là còn nhiều nhà thương điên khác trên khắp thế giới và tôi đang sống ở một trong những nhà thương đó (Christopher sống/làm việc chủ yếu ở Trung Quốc), tôi cũng sẽ tiếp tục làm một thằng điên. Nên mặc xác thôi…  Giải thưởng (Nghệ thuật Điện ảnh và Khoa học) trao cho các kỹ thuật viên, cho nhà sản xuất, chứ không cho người quay phim. Tôi nghĩ Miranda nên, chà, nếu tôi là anh ấy, tôi sẽ nói “cút mẹ mày đi” khi họ trao cho tôi giải Oscar. Dĩ nhiên (anh ta không làm được) vì đấy là sự nghiệp của anh ấy. Nhưng xin lỗi, cá nhân tôi, chắcbạn cũng đã đoán ra rồi, tôi sẽ nói cút mẹ mày đi. Nếu ai đó chỉnh sửa hình ảnh tôi quay nhiều như thế, tôi sẽ không thèm đến dự lễ trao giải. Vì xin lỗi, quay phim ư? Đang giỡn mặt hả?”
 

Một cảnh của phim “In the Mood for Love” của đạo diễn Vương Gia Vệ, do Christopher quay

 

Còn đây là cảnh phim “Người Mỹ trầm lặng”, biết ai quay không? Cũng Christopher Doyle đấy

Trong 5 đề cử Oscar quay phim (2013), thì Bob Richardson quay “Django Unchained”, Janusz Kaminski quay “Lincoln”, và Seamus McGarvey quay “Anna Karenina” bằng máy 35mm truyền thống (xài phim cuộn); còn Roger Deakins quay “Skyfall” bằng máy kỹ thuật số, Miranda dùng máy 3-D quay “Life of Pi”. Do ngày càng nhiều tác phẩm điện ảnh sử dụng công nghệ số, rồi lượng phim dùng kỹ xảo CGI cũng tăng, chúng tôi hỏi Christopher: thể theo những gì mà công nghệ làm phim đang hướng đến, liệu ông có cho rằng chúng ta cần một khái niệm mới cho nghề quay phim?

Bob Richardson đang tác nghiệp với máy 35mm tại phim trường của Django

 

Roger Deakins đang quay Skyfall với chiếc máy kỹ thuật số

“Tôi hoàn toàn không nghĩ vậy,” Doyle nói. “Nó chẳng liên quan gì đến hướng phát triển của điện ảnh. Nó chỉ là mấy lão già tự sướng với nhau. Bạn có biết độ tuổi trung bình của ban giám khảo giải Oscar là bao nhiêu không? 65 tuổi. Bạn tra thử xem. Có thể là tôi sai. Có lẽ con số đã giảm xuống còn 64. (Theo báo cáo của tờ LA Times, 94% thành viên ban giám khảo giải Oscarlà người da trắng, 77% là đàn ông, với độ tuổi bình quân là 62.) Các lão ấy đang cố giữ mạng, mà tàu Titanic thì chỉ có 3 thuyền cứu hộ. Tôi muốn nói: ê tụi chó kia, chúng mày đang sống ngập trong cứt, chúng mày bán thân cho mấy thằng kế toán, chúng mày bán thân cho lòng yêu nước (mù quáng?), thật là một lũ tham nhũng.

“Tôi không nói rằng (ngoài Mỹ ra) thì thế giới không còn chế độ tham nhũng nào khác, tôi cũng chẳng nói loài ngưởi không phát triển vì lợi ích cá nhân của mình, tôi chỉ nói vài người trong số chúng ta phải nhìn sự việc khác đi, và có lẽ phải hành động theo kiểu khác, hoặc như tôi đang làm đây, mạnh dạn nói lên điều mình nghĩ, và tôi cóc quan tâm đến chuyện sự nghiệp của mình sẽ ra làm sao.  Tôi cũng chẳng nghĩ quay phim là sự nghiệp nữa. Tôi chỉ tình cờ làm  cái nghề mà tôi đang làm.  Vậy đâu có sao. Tôi chết trong nghèo đói cũng được. Tôi đếch quan tâm. Nhưng trời đất, nếu bạn trao giải quay phim cho một tác phẩm với 99.7% hình ảnh là…”

Doyle dừng nửa chừng, chặc lưỡi chan chát.

Doyle đang quay một cảnh của phim “The White Countess” của đạo diễn James Ivory (chuyện phim xảy ra ở Thượng Hải. Thật tình thì Doyle ít quay cho Hollywood, trừ khi phim về châu Á, hoặc đạo diễn của phim thuộc týp người… hippie – ví dụ như đạo diễn Gus van Sant)


Để lấp liếm sự im lặng, chúng tôi công nhân rằng giải quay phim cho “Life of Pi” quả là một lựa chọn kỳ quặc.

“Nó không kỳ quặc nếu bạn hiểu mọi người khùng cỡ nào và lạc lối ra sao. Họ bỏ tiền cứu trợ dân nhà băng, nâng đỡ bọn giàu, họ nói Spielberg và Tarantino là ông vua bà chúa của điện ảnh. Chà, cứ giữ mấy suy nghĩ đó cho nó tốt lành đi.”

Chúng tôi cũng hỏi ý kiến của Doyle về đạo diễn Đài Loan Lý An – một trong những đạo diễn Trung Quốc giỏi mà ông chưa từng làm việc cùng. Ông uốn lưỡi – một hành động chẳng giống anh chút nào – rồi nói lảng rằng một người quen của Lý An (đã kể cho Christopher biết) là vị đạo diễn họ Lý thuộc týp người “cần phải kiểm soát mọi thứ” và “ông ấy sẽ chẳng bao giờ hứng thú làm việc với một kẻ như tôi.”

Đằng sau những câu tranh cãi cay độc và kém nồng nhiệt của Doyle về quay phim, một điểm ông khăng khăng nhấn mạnh là:

“Tôi nghĩ chúng ta đang sống trong một giai đoạn chuyển biến rất tuyệt, và tôi nhận thấy rằng một số người cũng có tiếng nói – ví dụ như tôi, như Anthony Dod Mantle (quay “Triệu phú ổ chuột”, “Antichrist”…) – và chúng tôi dám nói lên những suy nghĩ của mình, vì chúng tôi quan tâm (đến ngành điện ảnh.)”

Một cảnh của “Triệu phú ổ chuột” do Anthony Dod Mantle quay.

Christopher Doyle sinh ngày 2. 5. 1952 tại Úc, vào thời thanh niên, ông chuyển đến Đài Loan sống, và bắt đầu học tiếng Trung Quốc. Mới đầu Doyle hành nghề nhiếp ảnh, từ từ chuyển sang quay phim. Nhờ tài năng và nhờ… biết tiếng Tàu, Doyle nhanh chóng trở thành nhà quay phim nổi tiếng nhất Trung Quốc, ông từng làm việc với Vương Gia Vệ, Trương Nghệ Mưu, và Trương Nguyên. Một thời gian, Doyle dùng tên Đỗ Khả Phong để làm việc tại Trung Quốc thay vì tên cúng cơm.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả