Gẫm & Bình

Madame X: Ai tai đỏ giơ tay lên 24. 01. 14 - 2:27 pm

Anh Nguyễn

Vào năm 1884, một bức tranh được trưng bày ở Paris Salon (triển lãm hàng năm hoặc hai năm một lần của trường mỹ thuật Paris hoặc hiệp hội nghệ sĩ Pháp) làm dấy lên một luồng dư luận trái chiều, mà chủ yếu là tiêu cực. Bức tranh Chân dung bà *** (Portrait de Mme ***), sau được đổi tên là Madame X của John Singer Sargent, vốn được tính toán như một bước chiến lược để chen vào giới thượng lưu của cả họa sĩ và người mẫu, song kế hoạch đã đem lại kết quả ngược lại sự mong đợi.

(Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn nhé)

Vì sao nên cớ sự? Ở tuổi 26, John Singer Sargent đã nổi tiếng với tài vẽ tranh chân dung. Là người Mỹ nhưng được nuôi dạy và học mỹ thuật ở Pháp, sống cùng gia đình trong các khách sạn ở khắp châu Âu, Sargent không chỉ là một họa sĩ tài ba mà còn đủ khôn khéo để lèo lái sự nghiệp của mình trong thị trường nghệ thuật vốn phức tạp của Paris. Được trời phú cho tài nắm bắt các đặc điểm gương mặt và cơ thể, Sargent đã kết hợp khả năng đó với các sáng tạo của riêng mình để tạo ra những bức chân dung không thể nào quên. Sargent bắt đầu nổi tiếng từ bức tranh vẽ bốn cô con gái của Edward Darley Boit.

.

Thay vì tuân theo quy ước truyền thống – để tất cả các nhân vật bình đẳng với nhau, Sargent bố trí bốn cô gái ở bốn vị trí tưởng chừng ngẫu nhiên, song lại phản ánh quá trình lớn lên của người phụ nữ: từ bé con ngây thơ ngồi bệt xuống đất chơi đùa, đến cô bé lớn hơn và lớn hơn nữa và cuối cùng, ở tuổi vị thành niên, cô bé con lùi vào bóng tối, quay lưng lại khán giả – một ẩn dụ về sự thay đổi tâm lí và sự ngây thơ dần biến mất khi người ta lớn lên. Về khía cạnh biểu tượng, có thể so sánh chân dung bốn con gái của Edward Darley Boit với bức tranh về bữa trưa của Eastman Johnson, một họa sĩ người Mỹ khác. 

Còn người mẫu của Madame X thì sao?  Virginie Amélie Avegno Gautreau là một nhân vật nổi tiếng – tai tiếng trong xã hội Paris đương thời. Như phần lớn những người phụ nữ nổi tiếng – tai tiếng ở mọi thời đại, nàng đẹp và đa tình. Cũng như Sargent, Virginie Amelie Avegno sinh ra ở Mỹ và luôn nung nấu một khao khát hòa nhập vào xã hội thượng lưu Pháp, được bổ trợ thêm bởi tham vọng của bà mẹ nàng. Virginie lấy Pierre Gautreau, một doanh nhân giàu có và dần dà trở nên nổi tiếng vì sắc đẹp và những cuộc tình trăng hoa. Trước khi được vẽ, Virginie đã tự tô vẽ bản thân một cách tỉ mỉ. Vào thời điểm đó, phụ nữ quý tộc ưa chuộng kiểu trang điểm thật tự nhiên như không son phấn, song Virginie thì khác: nàng nhuộm tóc bằng henna, vẽ lông mày, và mỗi ngày lại thoa lên người một lớp phấn màu tử đinh hương tím nhạt khiến da nàng trở nên trắng lóa, thậm chí hơi xanh dưới ánh đèn vàng. Nàng được coi là một “mỹ nhân chuyên nghiệp” (dịch từ professional beauty) trong xã hội Pháp, một người phụ nữ không có gốc gác quý tộc nhưng dựa vào sắc đẹp và sự quyến rũ để tiến thân.
 

Michael Ryan vẽ cô Gautreau hồi chưa lấy chồng, chưa thành Madame X: “Virginie Gautreau as a Young Woman”, 2012, 16 x 20 inches, sơn dầu trên bảng

Sargent không phải là người đầu tiên và càng không phải là người đầu tiên đề nghị vẽ Gautreau, song là người đầu tiên nàng nhận lời… Đối với một người phụ nữ trong giới thượng lưu, trừ khi đó là một bức chân dung đặt hàng, ngồi làm mẫu cho họa sĩ vẽ không phải là một việc danh giá. Song Sargent đã thuyết phục được nàng qua Ben Castillo – bạn thân của ông và anh họ của nàng. Ba người: Sargent, Gautreau, và mẹ nàng đều nhìn việc nay như một cơ hội tiến thân của cả ba, một bàn đạp đưa họ lên cao hơn trên nấc thang tiếng tăm. Nhưng một khi bắt tay vào vẽ tranh, các khó khăn bắt đầu xuất hiện. Toàn bộ quá trình vẽ mất hơn một năm. Gautreau không phải là cô người mẫu ngoan ngoãn chịu ngồi im hàng tiếng đồng hồ một ngày. Trong những bức thư gửi bạn bè, Sargent than phiền về người mẫu lười biếng, chỉ thích nằm dài trên đi văng. Những bản vẽ phác ban đầu của Sargent cho thấy tư thế ưa thích của Gautreau hoàn toàn không giống như sản phẩm cuối cùng.

.

 

.

 

.

 

Phác thảo sơn dầu

Song tư thế không phải là điều vướng bận nhất đối với Sargent. Điều làm ông vật vã nhất chính là màu da của Gautreau. Như đã nói ở trên, Gautreau thường thoa khắp người một loại phấn bột trắng có trộn phấn tím để tạo ra một sắc da có tông lạnh và sáng hơn bình thường. Những thay đổi tí hon trong lượng phấn nàng thoa hàng ngày có thể không rõ ràng trong mắt những người hâm mộ nàng, song đối với Sargent thì đó là một nỗi khó chịu thường trực. Sargent, trên tất cả, bị ám ảnh với sự chính xác tuyệt đối hoặc tuyệt đối hết mức có thể. Một trong những bức tranh nổi tiếng khác của ông là Cẩm chướng, huệ tây, huệ tây, hoa hồng (Carnation, lily, lily, rose), tên bức tranh đặt dựa theo bài hát Vòng hoa (The wreath). Bức tranh vẽ hai đứa trẻ, con gái của bạn Sargent, cầm hai chiếc đèn lồng trong một khu vườn đầy hoa, bao phủ bởi ánh hoàng hôn vàng – tím nhạt.

“Carnation, lily, lily, rose”

Trong ba tháng trời, mỗi ngày Sargent lại bố trí hai em bé cầm đèn lồng trong đúng khung cảnh ấy – và ông chỉ vẽ trong vài phút, khi ánh sáng ấy hoàn hảo. Khi mùa thu đến và những bông hoa héo chết đi, ông thay chúng bằng hoa giả. Khi trời đã lạnh và các em bé không thể đứng trong vườn làm mẫu nữa, Sargent chờ tới mùa hè sang năm để vẽ tiếp theo đúng quy trình như vậy. Bức tranh được hoàn thiện và trở thành một ví dụ cho sự cầu toàn tuyệt đối của Sargent. Âu cũng dễ hiểu và dễ thông cảm với sự khổ sở của Sargent khi phải chịu đựng một người mẫu mà hình dáng của nàng thay đổi từng ngày.

Trong bức thư gửi cho bạn là Vernon Lee, Sargent kêu ca về màu phấn của  Gautreau, nhưng vẫn ca tụng “những đường cong tuyệt đẹp” của nàng, và ông quyết tâm vẽ đến cùng, dù mấy tháng cuối cùng ông vẽ trong trạng thái bồn chồn khắc khoải cho kịp thời hạn của Paris Salon.

Tại xưởng, năm 1885

Khi bức họa được hoàn thành, nó trở thành một thảm họa của Paris Salon năm đó. Theo Paul Curtis, Sargent phải lẩn trốn sau những cánh cửa để tránh những câu chê bai cay nghiệt của người xem và ánh nhìn thương hại của bạn bè. Tuy tựa đề bức tranh là Chân dung của bà ***, ai ai cũng có thể nhận ra người mẫu là ai. Trong bản vẽ đầu tiên, Sargent còn liều lĩnh cho một bên dây áo của Gautreau buông lơi hờ hững xuống vai (sau đó ông bị bắt phải sửa lại cho sợi dây nằm ngay ngắn – thật đáng tiếc. Trên thực tế hai dây áo chỉ có tác dụng trang trí – phần khung áo bằng xương cá voi bó chặt khiến chiếc váy không thể tuột được dù có dây hay không dây).

Người xem chê bai Sargent vì đã vẽ Gautreau như một tử thi, chê bai bộ váy quá khêu gợi, nhưng trên hết, tất cả đều sốc vì…đôi tai của người mẫu. Toàn bộ thân thể người mẫu trắng lóa, song đôi tai lại đỏ.

Tai của Madame X

Tai đỏ được coi là dấu hiệu của sự hứng tình, hoặc ngượng ngập vì một hành động kém phần đoan trang. Đôi tai đỏ còn thừa nhận việc Gautreau “bôi son trát phấn”, và khoảng lộ ra ấy như một cánh cửa nhỏ nhìn vào làn da thật của nàng. Có thể nói, không ít người đã “đỏ mặt” vì đôi tai của Gautreau trong Salon năm ấy. Đơn cử như nhà phê bình Trevor Fairbrother coi bức tranh là một sự phô trương bản thân vô liêm sỉ. Có người thậm chí còn đặt câu hỏi:”Đây là một người phụ nữ hay là một con…ngáo ộp?” (nguyên văn: Is this a woman or a chimera? Chimera là quái vật đầu sư tử mình dê đuôi rắn trong thần thoại Hy Lạp). Nói nào ngay, chính Sargent cũng gọi Gautreau là “sinh vật” (the creature), không thể không làm người ta liên tưởng đến Medusa và cái nhìn khiến người ta hóa đá. Trong tranh, Gautreau cũng tránh không nhìn thẳng vào người xem. Ai biết được nếu nàng ta quay đầu chuyện gì sẽ xảy ra?

Tranh biếm họa Madame X của Jules Renard, dây áo người mẫu tuột xuống giống như trong phiên bản đầu tiên

Làn sóng dư luận đi ngược hoàn toàn với mong muốn của Sargent, Gautreau và mẹ nàng. Mẹ nàng kêu khóc bắt Sargent phải gỡ bức tranh xuống, song ông ngoan cố không chịu. Sự chê bai khiến Gautreau phải lui về ẩn dật một thời gian, còn Sargent phải sang Anh sống để “hồi phục”. Khi về già, Sargent bán như cho không bức tranh này cho viện Met vào năm 1916, coi đấy là điều đúng đắn nhất ông đã làm trong đời. Gautreau về sau nhận làm mẫu cho nhiều họa sĩ khác – những bức tranh đấy đều nhận được phản ứng tích cực hơn từ cộng đồng mỹ thuật.

Gautreau dưới nét vẽ của Gustave Courtois, đẹp và được đón nhận nhưng bây giờ chả mấy ai nhớ đến bức tranh này nữa.

Điều cả Sargent, Gautreau, và những người Paris năm 1884 không ngờ tới là Madame X sẽ trở thành bức tranh nổi tiếng nhất của Sargent và cũng là tác phẩm bất tử hóa hình ảnh của Gautreau, biến nàng thành một trong những hình tượng (icon) của người phụ nữ đẹp bí hiểm. Thậm chí có người còn viết hẳn một cuốn tiểu thuyết dựa trên trí tưởng tượng về cuộc đời nàng: cuốn Tôi là quý bà X (I am Madame X của Diliberto). Âu cũng là sự an ủi có phần muộn màng cho Gautreau khi thế giới vẫn không thôi bị mê hoặc bởi người đẹp, dù người đẹp ấy đã mất gần tròn một trăm năm.

Nicole Kidman tạo dáng như Madame X trên tạp chí Vogue, ảnh của Steven Meisel

 

Madame X đặt cạnh Cô gái trong tranh (Girl in the mirror) của Picasso, bìa The New Yorker, tác phẩm của Russell Connor.

Ý kiến - Thảo luận

15:25 Friday,24.1.2014 Đăng bởi:  Nghiêm Toàn
Đó là "Một bà chị" công tác ở Paris - bằng các "biện pháp nghiệp vụ", các đồng chí sở Cẩm đã buộc Sargent đã phải bước đầu khai nhận. Trước đó, y ngoan cố một mực chỉ khai rằng, người đó  chỉ đơn giản là quý bà X.

...xem tiếp
15:25 Friday,24.1.2014 Đăng bởi:  Nghiêm Toàn
Đó là "Một bà chị" công tác ở Paris - bằng các "biện pháp nghiệp vụ", các đồng chí sở Cẩm đã buộc Sargent đã phải bước đầu khai nhận. Trước đó, y ngoan cố một mực chỉ khai rằng, người đó  chỉ đơn giản là quý bà X.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả