Điện ảnh

“Con sói của phố Wall”, hay sự trân trọng hiện thực của Martin Scorsese 17. 03. 14 - 6:35 pm

Pha Lê

Ôi trời!

Lẽ ra tôi nên chuẩn bị tinh thần trước khi xem cái phim này, Martin Scorsese có những tác phẩm đầy tính nhân bản, đậm tình cảm, mềm mại như “Alice doesn’t live here anymore”, “The age of innocent”, “Hugo”… Nhưng bên cạnh đó ông còn làm những phim vô cùng khó để nuốt cho trôi (chứ đừng nói tới chuyện ngồi xem kỹ lưỡng hòng thấy ra được sự quan sát tinh tế nhưng không giáo điều của ông.) Tuy nhiên, nếu bạn nghe lời tôi, kiên nhẫn xem hết “The wolf of Wall street” (Chó sói phố Wall) thì bạn sẽ nhận ra một điều: chỉ có Martin Scorsese mới có thể khiến ta tự hành hạ bản thân đến như vậy.

Poster của “The wolf of Wall street”

Chào mừng bạn đến với Wall Street.

Mở đầu phim, tên Jordan Belfort (Leonardo đóng) – một tay môi giới cổ phiếu – vừa đổ cocaine lên đít của một cô gái làng chơi vừa hít, vừa kể cho người xem nghe cái tiểu sử làm ăn của hắn. Ban đầu Jordan cũng chỉ là nhân viên quèn, mới chập chững đến phố Wall để làm việc tại công ty chuyên kinh doanh cổ phiếu Rothschild. Như mọi lính mới khác, Jordan nghĩ rằng thật tốt nếu anh kiếm được tiền cho mình và cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, trong bữa trưa đầu tiên thì sếp của Jordan – Mark Hanna (Matthew McConaughey) – kéo anh sang một bên và nói: Này, cách làm ăn của phố Wall là lấy tiền từ túi khách hàng bỏ vào túi mình.

Jordan và Mark Hanna trong bữa trưa. Mathew xuất hiện có vài phút đầu phim thôi nhưng rất ấn tượng

Việc này khác gì lừa đảo? Ai cũng có lòng tham, nhưng người bình thường mà làm mãi chuyện bậy bạ đó thì chịu gì thấu? Không sao, Mark chỉ ngay cho Jordan biết cách hiệu quả nhất để hoàn thành tốt nghề môi giới cổ phiếu: hít cocaine cho nhiều vào, cắn thuốc phiện như cắn kẹo sô-cô-la, thoải mái gọi “các em” đến phục vụ nếu cần; cuối cùng mình ôm một đống tiền, sướng quá là sướng!

Chẳng bao lâu sau, Jordan trở thành một “con sói” lão luyện; cũng chẳng bao lâu sau, Rothschild phá sản. Rồi cũng chẳng bao lâu sau, Jordan kiếm được công việc mới tại một hãng kinh doanh cổ phiếu khác, một thời gian nữa thì anh chàng mở công ty riêng. Nhịp phim nhanh đến chóng mặt, và Jordan làm kẻ khác nghèo đi để mình giàu lên cũng nhanh y như vậy. Chừng đó tiếng đồng hồ là chừng đó tiếng với cảnh Jordan cùng đồng bọn hít thuốc, phê thuốc, làm giàu bất chính, chơi gái, kêu gái cho nhân viên làm tập thể… nhiêu đó tiền, cocaine, vú, với mông là đủ để vừa kích thích, vừa khiến một người bình thường buồn ói hơn cả tháng trời. Nếu không phải vì Martin có cách quay cũng như cách dẫn chuyện lôi cuốn đến thế thì có lẽ tôi đã nôn thốc nôn tháo sau một tiếng xem phim, chứ chả ngồi coi nổi cho tới hết.

Cảnh ăn chơi tại công ty

 

Ăn chơi tại nhà

 

Đứng trên du thuyền đáng giá triệu đô và ném tiền để trêu cảnh sát

The wolf of wall street”, theo như được biết là ban đầu nó dài gần… 5 tiếng. May cho Martin, ông có một nữ biên tập viên rất giỏi: bà Thelma Schoonmaker. Thelma cộng tác với Martin đã lâu, hầu hết các phim của ông – kể cả những phim từ xửa xưa – đều do một tay Thelma biên tập. Càng xem càng thấy phục cách Martin có thể kiên nhẫn quay ra một tác phẩm gần 5 tiếng về những tên trời đánh như Jordan (xem thôi là đã muốn chết rồi), nhưng còn phục bà Thema bội phần vì bà đã xem đi xem lại, chỉnh đi chỉnh lại để cuối cùng cắt nó xuống còn 3 tiếng.

Bà Thelma Schoonmaker tại phòng làm việc

Không thể trách những ai  ghét phim này vì nó trác táng, đồi trụy; 3 tiếng phim là 3 tiếng Martin trộn sự làm giàu bất chính, tiền, thuốc phiện lại với nhau, rồi phủ lên những vú, mông, đít, đùi (theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen). Chúng ta đã quen xem những tác phẩm với các “bài học”, các “tầng ý nghĩa” nằm bên trong; đúng là chẳng dễ dàng gì khi quay sang xem “The wolf of Wall street”, bời dù Martin phơi bày cho ta thấy sự điện loạn của phố Wall, ông dường như không trực tiếp chê bai, bài trừ, kêu người xem tránh xa nó. Nhưng thực chất, đây là cái hay của Martin; bài trừ Wall Street thì dễ rồi, nếu không sống ở đấy thì ai cũng biết nó xấu, nhưng có ai hỏi câu này chưa: Nó xấu thế vậy tai sao lắm người vẫn đâm đầu vô?

Jordan chỉ đồng bọn cách dụ dỗ khách hàng mua cổ phiếu dỏm hòng trục lợi

Chẳng ma nào uống thuốc độc nếu không muốn tự tử, chẳng ai đi ăn chất mình thải ra nếu không quá đói như cậu bé Pi của Life of Pi, thế sao lại đem thân xác hiến cho phố Wall, cho cocaine nếu chúng xấu? Câu trả lời là: chúng có một sức hấp dẫn nhất định. Một con người thông minh, tài năng như Martin từng nghiện thuốc thời còn trẻ; ông vật lộn với cocaine, chiến đấu bền bỉ lắm mới cai nghiện thành công vào những năm 80s. Martin hiểu thế nào là cám dỗ, tất cả những phim về gangster, về bài bạc, về phố Wall của ông như Goodfellas, Gangs of New York, Casino… đều kể về những thứ xấu xa, và các nhân vật của mấy phim này chả khác gì Jordan Belford trong Wolf of Wall street: họ bị cuốn vào một xã hội, một tổ chức bất chính; họ biết nó bậy, nhưng họ chẳng thể dứt ra được vì họ hưởng lợi từ nó. Quyền lực, tiền, gái… là chất gây nghiện của họ, thiếu chúng họ không sống nổi. Với lại, dân Mỹ luôn muốn làm giàu; hoặc là họ trở thành Jordan Belford, hoặc là họ để những kẻ như Jordan lừa. Ai cũng muốn kiếm tiền theo cách dễ dàng nhất; hệ thống kinh tế Mỹ vô tình đã biến dân Mỹ thành thủ phạm lẫn nạn nhân.

Jordan cầm “chất kích thích” của nước Mỹ

 

Jordan cùng vợ và con trong ngôi nhà vài triệu Đô

Jordan Belford chẳng khác gì một tên gangster, nhưng chính ta cũng biết rằng trong xã hội có rất nhiều “Jordan Belford tiềm năng”. Nếu có cơ hội, ai mà muốn nghèo? Đám đồng bọn trời đánh của Jordan gần như chả có tài cán gì hết, đa số còn chưa tốt nghiệp trung học; giờ cho họ chọn giữa nghèo, và giầu đến rửng mỡ, có đủ cocaine hít, có các em tận tình phục vụ 24/24, thì mấy ai chọn nghèo? Và khi đã có tiền rồi thì ai cũng “nghiện”, không thể sống lại cái thời mà 2 xu đính túi cũng chẳng có. Những đoạn ăn chơi, làm tiền, gái gú, hít chích của phim là còn nhẹ so với những gì thực sự đang diễn ra ở Wall street*; chúng ta thật may mắn khi Martin hiểu Wall street, và phơi cho ta thấy một phần sự thật của nó, chứ đạo diễn khác chỉ có đủ khả năng để mà chê bai thôi.

Cảnh Jordan (đang phê thuốc) đánh lộn với “cánh tay phải” Donnie (cũng đang phê thuốc). Donnie bỏ nghề để theo Jordan học cách kiếm tiền, và nắm vị trí quan trọng tại công ty môi giới của Jordan.

Jordan Belford là nhân vật có thật, phim dựa trên cuốn tiểu sử hắn viết; nếu bạn đọc hoặc lên youtube nghe hắn nói chuyện thì bạn sẽ nhận thấy rằng hắn ta chẳng có chút gì là hối cải, vẫn là kẻ ngạo nghễ, không thể sống thiếu tiền, thiếu thuốc, thiếu gái. Rồi bạn nhìn sang Martin Scorsese – một người đã vượt qua được những ham muốn tầm thường của bản thân – là bạn sẽ thấy nụ cười tươi hạnh phúc, một phong thái khiêm tốn nhũn nhặn, một người tự hào về tác phẩm của mình dù ông chẳng thuộc hàng đạo diễn kiếm tiền bậc nhất Hollywood (và cũng không thuộc hàng kiếm tiền bậc nhì). Martin có cái gì đấy thật dịu dàng, thảnh thơi ngay cả khi ông làm nên những phim táo bạo, điên loạn, với nhịp dẫn chuyện nhanh đến chóng hết cả mặt. Martin biết rằng có thời mình từng là một Jordan Belford, ông dứt ra khỏi cái lối sống nghiện ngập đó, nhưng ông không lấy thành công của mình để làm một phim khinh rẻ những người vẫn còn bị tiền, bị quyền lực chi phối  như Jordan. Ông cho ta thấy hiện thực của một vấn nạn mà xã hội (Mỹ) đang phải trải qua (và đang… chối bỏ, làm ngơ, không thèm công nhận rằng nó tồn tại.) Martin không chỉ giáo, dạy bảo, gửi gắm thông điệp gì hết; chúng ta xem xét hiện thực này, thu nạp các thông tin vào đầu, và từ đó ta phải tự rút ra bài học cho chính bản thân mình.

Thật lòng mà nói, tôi chưa thấy vị đạo diễn nào tôn trọng lẫn tin tưởng khán giả như Martin Scorsese !

*

* Chú thích: trong phim tài liệu “Inside Job”, bà Kristin Davis – một “má mì” chuyên cung cấp gái để phục vụ cho dân môi giới phố Wall – nói rằng Wall street hoạt động nhờ gái và cocaine. Các em của má mì Kristin có giá gần 1000 đô 1 giờ, và các tay môi giới lắm lúc mướn các em cả ngày trời. Các em cũng báo cáo rằng dân Wall street cắn thuốc phiện như cắn kẹo; má mì Kristin không thể hiểu nổi họ làm việc kiểu gì, môi giới kiểu gì khi ăn chơi như thế.

Ý kiến - Thảo luận

16:49 Saturday,5.12.2015 Đăng bởi:  Việt phố cổ
"một người nếu thật sự bình thường sẽ không đến nỗi buồn ói hơn cả tháng trời" khi coi những hít thuốc, phê thuốc, làm giàu bất chính, chơi gái, kêu gái cho nhân viên làm tập thể, mà chỉ nhăn mặt thôi, phải chăng có chút hơi quá về mặt cảm xúc của người viết :D.
...xem tiếp
16:49 Saturday,5.12.2015 Đăng bởi:  Việt phố cổ
"một người nếu thật sự bình thường sẽ không đến nỗi buồn ói hơn cả tháng trời" khi coi những hít thuốc, phê thuốc, làm giàu bất chính, chơi gái, kêu gái cho nhân viên làm tập thể, mà chỉ nhăn mặt thôi, phải chăng có chút hơi quá về mặt cảm xúc của người viết :D. 
18:21 Wednesday,19.3.2014 Đăng bởi:  Gia Thịnh

Bài viết hay. Xin cám ơn Pha Lê.


...xem tiếp
18:21 Wednesday,19.3.2014 Đăng bởi:  Gia Thịnh

Bài viết hay. Xin cám ơn Pha Lê.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vô cảm đến mức này thì bỏ xừ cái nền Mỹ thuật Việt

Bài của Hoàng Lan Anh từ Người Lao Động - Soi bình luận

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả