Đi & Ở

Mong cho sự tử tế này sẽ là bất biến 24. 04. 14 - 4:37 pm

Bài và ảnh: Bích Hồng

 

Một người Hội An

Kêu thế này thì hơi lặt vặt, nhưng vì yêu Hội An thì phải lo…

Tôi đã tạo dựng cho mình một niềm tin rằng Hội An vẫn sẽ là “cứ điểm” cuối cùng của sự tử tế bất biến. Bởi ở đó đã có những người kỳ lạ. Một ông chủ sở hữu hàng ngàn cổ vật mở toang cửa cho cả nhân gian tự do ra vào chiêm ngưỡng. Đôi khi ông còn bỏ công pha trà, hầu chuyện du khách.

Có những bà chủ quán bán bánh, khách “lắt léo” đòi cơm, đòi rau, bà vẫn cười tươi dọn lên một mâm cơm gia đình chỉn chu, bởi bà biết trên đường lãng du người khách rất cần một lần được ăn món quen thuộc dưỡng sức.

Ở đâu, nếu không phải ở Hội An, đôi khi bạn được chăm sóc bất ngờ bởi những giàn hoa leo gầy dựng nên trước nhà chỉ để cho khách dừng chân nghỉ ngơi chút đỉnh giữa trưa nắng gắt.

Hàng ngàn chi tiết lặt vặt ấy đã bỏ cho Hội An những lá phiếu bầu chọn ở các tạp chí lớn trên thế giới, từ điểm đến hàng đầu châu Á đến một trong mười điểm đến hàng đầu thế giới năm 2012.

.

Giữa những tin tức tốt lành ấy, đôi khi tôi đã cố quên đi mùi khét từ những chiếc xe bán bánh dạo. Những chiếc bánh chiên phồng đáng yêu, quen thuộc của những con phố Tàu khắp châu Á. Nó gợi nhớ tuổi thơ hoặc kỷ niệm, nên nhiều người đã tôn vinh nó là món ăn vặt tuyệt vời nhất trên đường du lịch. Thỉnh thoảng ăn một cái cũng không ngại chuyện dầu chiên là thứ được thải ra từ các nhà hàng, là thứ dầu chiên đi chiên lại. Thứ mùi khét thoảng lên từ thói tập tành bắt nạt du khách, hét giá vài cái bánh nhỏ mấy chục ngàn đồng.

Mùi khét nồng từ tiếng gắt gỏng của mấy xe bán dạo hàng lưu niệm, ai muốn nghiêng ngó chụp ảnh kỷ niệm thì phải mua vòng đeo tay, đeo cổ với giá “chát”. Và ly nước mía, nước dừa đã bắt đầu đứng giá khó nghe, đắt hơn giải khát giữa đất Sài Gòn.

Ngày Hội An thực hiện “giờ trái đất”, cả thành phố chìm xuống để một dòng sông Hoài sáng rực bởi đèn hoa đăng lững lờ trôi trên mặt nước sóng sánh, tạo ra một cảnh tượng kỳ ảo hiếm có. Giá cứ giữ nguyên vẻ đẹp của con sông để không phải thấy cảnh mua bán đèn hoa đăng: khách Việt 10 ngàn đồng ba cái, còn khách Tây thì cứ đúng giá 1 đô Mỹ 1 ngọn đèn nhỏ.

Thỉnh thoảng lại vào Hội An uống cà phê, lại buồn buồn vì ông chủ bộ sưu tập đồ cổ nay đã sức cùng lực kiệt, không thấy ngồi ở cửa ngắm người qua đường. Bà chủ quán xào rau năm ngoái nay cũng đã cho thuê lại mặt bằng để nghỉ ngơi. Quán cũ của bà bây giờ trang trí theo kiểu để đón khách Tây, với một cái bảng giá để sẵn phía trước. Bảng giá ấy không ăn nhập gì với hai con mắt cửa bằng gỗ chạm trổ tinh xảo.

Nhiều người Hội An cũ đã đi rồi, chỉ mong sự tử tế họ gầy dựng hàng chục năm qua còn ở lại.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thông báo số 1 và 9 cái băn khoăn

Thông tin từ Cục Mỹ thuật–Nhiếp ảnh–Triển lãm và NGUYỄN THỊ HOÀI BÃO

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả