Đi & Ở

Cường quốc thơ Việt Nam hãy coi chừng: thi thơ Abu Dhabi 02. 06. 14 - 6:10 am

Sáng Ánh

Tại các nước, cũng như tại ta, thường thì người ta lên đài thi hát, thi múa, thi nhảy và thi hoa hậu, người mẫu, hay là tỉ võ đủ loại, nhưng tại UAE (Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) thì lại có cuộc thi trên truyền hình đe dọa sự thống trị thế giới của cường quốc thơ  là Việt Nam.

UAE là tập họp của 7 tiểu vương quốc vùng Vịnh, với thủ đô hành chính là Abu Dhabi và thủ đô kinh tế là Dubai. Chủ tịch nước là vương Abu Dhabi, Thủ tướng là vương Dubai. Mà Dubai thì bấy lâu nay ai cũng biết, cái gì cũng to nhất và hào nhoáng nhất cho nên anh Hai Abu Dhabi có phần ghen tị. Hướng Abu Dhabi chọn để hơn người, hay chí ít là hơn cậu Ba Dubai, là về văn hóa và giáo dục. Abu Dhabi không có bể cá lớn nhất thế giới hay khu mua sắm lớn nhất thế giới, tòa nhà lớn nhất thế giới, hội pháo bông lớn nhất thế giới, đảo nhân tạo lớn nhất thế giới v.v… nhưng có chi nhánh bảo tàng Louvres, chi nhánh Đại học New York University, chi nhánh Cao đẳng thương mại Pháp (HEC) v.v. Tuy tất nhiên là văn hóa giáo dục vương quốc này cũng chẳng chừa cây thông Giáng sinh lủng lẳng hột xoàn hay xe con Audi bằng bạc .999 thay vì bằng thép. Và trong khi vương Dubai là nhà thơ duy nhất có tác phẩm mà hành tinh ta đọc được bằng phi thuyền thì Abu Dhabi tổ chức thi thơ trên truyền hình bằng chương trình Million’s Poet, đại loại kiểu The Voice nhưng mà ở đây là “The Rhyme”.

Mới đây nhà văn (Áo) Peter Handke vừa có hai đề nghị:

1.  trao giải Nobel văn chương cho nhà thơ (Lebanon-Syria) Adonis để ông này mua được căn hộ ước mơ tại Courbevoie (Pháp) và

2.  sau đó bỏ luôn cái giải vớ vẩn này (về phần văn chương)

Nói qua, Handke, nhà văn hàng đầu viết tiếng Đức, được coi là bị hụt giải vì ông ủng hộ nhiệt tình cựu Chủ tịch Serbia-Yugoslavia (và phạm nhân chiến tranh) Milosevic, và lúc Syria bắt đầu biến loạn thì nhà thơ hàng đầu viết tiếng Ả Rập Adonis phạm phải tội lên án nhà độc tài Assad một cách rất lừng khừng. Đây cũng có thể là lý do nhà thơ được nhiều lần đề cử này bị loại.

Nhưng nếu để sắm hộ tại Courbevoie thì Adonis nên dự thi Million’s Poet. Trong khi giá trị hiện kim của Nobel là 1.2 triệu USD thì giải nhất của Million’s Poet là 12.486 thùng dầu thô tức là 1.361.470 USD. Million’s Poet lại rộng rãi, chẳng khăng khăng lề phải của dư luận như là Hội đồng Nobel. Năm 2010, một nhà thơ nữ Saudi từng bị dọa giết về tội phỉ báng các lệnh của thày Hồi (fatwa) trong cuộc thi thơ này về hạng ba, tức là Thi Hậu thứ nhì hay Thi Hậu duyên dáng, đoạt thì cũng 816.000 USD (tức 7,486 thùng dầu thô, hay quy theo thời giá tại Saudi là 6.276.923 lít xăng để phượt trong sa mạc mà tìm hứng mệt nghỉ). Phải nói là UAE ở cạnh Saudi và tuy cùng là chế độ quân chủ, cùng là sa mạc và dầu hỏa, cùng là Ả Rập và Hồi giáo nhưng hay có xích mích chuyện mất gà, mày đàn áp phụ nữ thì tao cho nó giải Ba!

 

Hissa Hilal (Saudi), một thiếu phụ nội trợ và không có bằng lái xe con (Saudi cấm phụ nữ lái xe, cho nên chuyện bà lấy 6 triệu lít xăng là chuyện người viết này hư cấu), đoạt giải Ba của Million’s Poet 2010 vào lúc bà 43 tuổi.

 

Điều đáng ghi nhận là tuy phụ nữ như bà nói trên dự thi trùm kín mặt và nam nhi thì ít ai cạo râu, số khán giả theo dõi chương trình này vẫn kỷ lục vượt qua cả theo dõi bóng đá! Chẳng những thế, nếu Million’s Poet (Nhà thơ Đại gia?) dành riêng cho thể thi ca địa phương (Nabati) thì lại có 1 chương trình đua thơ khác, Prince of Poets (Hoàng tử Thi ca, tuy phụ nữ cũng được tham gia) và dành riêng cho thơ Ả Rập cổ điển được quần chúng cả thế giới Ả Rập hưởng ứng nhiệt tình không kém Ả Rập Idol.

Thế mới có câu, dầu hỏa thích đùa với khách thơ?

 

Nhà thơ Hisham al Gakh, (Ai Cập). Ông từng bỏ 1 kỳ thi để về Cairo biểu tình chống Mubarrak nhưng vẫn về nhì (có 136.000 USD thôi) Prince of Poets 2011. Tác phẩm của ông có bài mang tựa là, “Công trường Tahrir” chứ sao nữa.

 

Thái tử Abu Dhabi, vương Mohammad (trái) tiếp nhà thơ Saif Salem al Mansouri (UAE), giải nhất Million’s Poet 2013. Nhà thơ ứng khẩu: “Ngài thì đeo kính mô đen/ Còn thần lục bát leng teng lạc đà”

 

Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là nhà thơ Tamim al Barghouti (Palestine), Phó GSTS tại ĐH Georgetown (Hoa Kỳ), tuy ông chỉ về hạng 5 (27.200 USD) của Prince of Poets 2007.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Tản mạn chuyện tượng đài
và đài kỷ niệm

Bài & ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả