Tạp hóa - Xã hội

14. 7 – Đức gặp Argentina: Hai bộ óc bên một sân ngải cứu 13. 07. 14 - 2:33 pm

Bóng Tròn Xoe

2h sáng ngày 14. 7, trận chung kết World Cup 14 sẽ diễn ra giữa hai đội tuyển: Đức và Argentina.

Điểm lại đến phút này, đây quả là một World Cup khiến người ta phải nghĩ tới nhiều thứ trong đời, ngoài bóng đá. Từ những cuộc lật đổ ở vòng loại của những nền bóng đá “tưởng là nhỏ”, những sự ngã quỵ của những nền bóng đá “tưởng là to”; tới trật tự rồi cũng được thiết lập ở vòng bán kết, với những tay ngang tài ngang sức. Và chỉ trong vòng có mấy ngày, người xem World Cup bàng hoàng, khi phát hiện ứng viên hoa hậu Brazil dưới lớp váy áo samba hóa ra chỉ là một bà già rệu rã. Nhiều người hoang mang, thế bao nhiêu đội trong số các đội tham gia đây, nếu chẳng may mất đi một “nốt son” như Brazil đã mất Neymar, thì còn lại gì? Colombia mất đi James Rodriguez sẽ còn lại gì? Uruguay mất Suarez có còn nguy hiểm? Hà Lan mất Robben có còn lốc hay chỉ gió hiu hiu? Mỹ mất Dempsey còn là Mỹ không? Argentina mất Messi thì sẽ ra sao? Và Đức… Chà chà… Đức mất bất cứ ai thì hình như… không sao, Đức vẫn là… Đức!

Các cầu thủ Đức: Philipp Lahm (16), Thomas Müller (13), Sami Khedira (6), Benedikt Höwedes (4)


“Cả ngày sóng to” vs “dăm cơn sóng dữ”

Xem hai đội Đức và Argentina qua các trận, rõ ràng thấy đấu với Đức khó chịu hơn dù Đức không có Messi. Đội Đức như một con thú nhiều đầu, tuy không phải là ác thú nhưng nhiều đầu là đã mệt; kèm đầu nào cũng thấy phí thời gian, mà không kèm thì lại áy náy. Thí dụ như có điên mà cử người đi kèm riêng Klose, Muller, hay Gotzer, nhưng không kèm thì “chúng” dễ tác oai tác quái. Đấu với Đức là trong người ta đã có cái sự ngập ngừng,”kèm hay không kèm”, trong khi đó, Argentina cho đối phương một quyết tâm dứt khoát, ghi ra được bằng chữ rõ ràng: PHẢI VÔ HIỆU HÓA MESSI. Mà chuyện ấy chẳng khó, chỉ cần 2 tay hậu vệ quanh quẩn cứ như tháp tùng Messi khi chàng bách bộ hay phi nước đại trên sân là cũng gần như đủ. Khi nào chàng bứt lên nhanh quá thì ta ập lại, như một cái rọ người, quây lấy, một tí sau thể nào cũng thấy chàng lủi thủi bước ra, bóng thì đã bị phá ra biên chẳng hạn, mất hút.
 

Lionel Messi (10) bị Bostjan Cesar của đội tuyển Slovenia cản phá trong một trận giao hữu trước World Cup 14

Nếu nói đa phần việc tấn công của hai đội tuyển Đức và Argentina đều là những đợt sóng có lớp có lang, thì chiến thuật chung của đội tuyển Đức là “cả ngày sóng to”, còn chiến thuật của Argentina là “dăm cơn sóng dữ”. Đức đều đặn, dâng lên hạ xuống ổn định, mạnh mẽ, cứ thế cả thời gian thi đấu, cả diện tích sân, làm người ta bã cả người. “Sóng dữ” của Argentina lại chỉ có từng cơn, hoàn toàn phụ thuộc vào “tác nhân tạo sóng” Messi, vào một khu vực nhất định nào đó trên sân; mà Messi không phải là “thánh”, nên như đã nói, chỉ cần dùng 2, 3 anh hậu vệ trần tục là đủ hóa giải.

Hai bộ óc

Bên cạnh trận đấu về sức khỏe, kỹ năng, tài năng của các cầu thủ, trận chung kết này chính là trận tỉ thí giữa hai bộ óc của hai huấn luyện viên.

Vốn là một cầu thủ bóng đá làng nhàng có những kỹ năng tốt với bóng trong lúc tập luyện, huấn luyện viên Joachim Loew của đội Đức sống trong ngôi làng Freiburg nhỏ bé ở miền Nam nước Đức, với người vợ (cho đến nay là) duy nhất Daniela. Theo  tác giả Arnulf Boettcher, thú vui của Loew giản dị, là ở nhà “đọc một cuốn sách hay, rủ bạn bè đến chơi, hay đơn giản chỉ là nằm trên sofa với một ly vang đỏ, một đĩa spaghetti, xem một phim trinh thám trên T.V”. Rồi gì nữa? Rồi thỉnh thoảng lén vợ hút thuốc lá, và ăn kẹo ngọt. Mọi thứ đều chỉn chu, cả đến áo quần trên sân tập…

Joachim Loew

Đời sống muốn êm đềm và giản dị bao giờ cũng cần một công thức chặt chẽ. Loew có lẽ là như thế, nên khi được đặt vào vai trò huấn luyện viên, ông say mê việc đề ra chiến thuật – là thứ để tận dụng hết khả năng của những cá nhân tầm tầm (đặc sản của các đội tuyển) và để đảm bảo hiệu quả thi đấu. Cần một chiến thuật nào đó để triệt tiêu hết những so le khấp khểnh của các cầu thủ, cái ưu của người này sẽ lấp vào cái khuyết của người kia, để đội hình Đức dâng lên hạ xuống nhịp nhàng, dù có lúc công thức, nhưng không có thất bại ngoài dự kiến, như ta đã thấy qua các trận đấu.

Trái lại, huấn luyện viên đội Argentina, ông Alejandro Sabella, tuy trên sân, khi còn là tiền vệ, ông di chuyển lờ đờ đến nỗi bị gọi là Pachorra (nơi thì dịch là “con lười”, nơi gọi là “rùa biển”), nhưng lại có đời sống riêng phức tạp và sôi động.
 

Alejandro Sabella

Theo một bài báo của Uki Goni, sinh ra trong một gia đình thượng lưu ở khu Barrio Norte giàu có của thủ đô Buenos Aires, Sabella học luật rồi mới bỏ theo nghề đá bóng. Đam mê chính trị, ở tuổi thanh niên, Sabella là người ủng hộ nhiệt thành cựu Tổng thống Juan Perón (người đã cưới Evita làm vợ). Không còn nhu cầu hưởng thụ vật chất nữa, ngày ấy ông cùng các bạn bè cánh tả xông pha đến những khu ổ chuột để nói về sự bình đẳng phải có trong xã hội, để kêu gọi phân chia bớt tài sản cho người nghèo. Đời sống riêng cũng náo động hơn Loew, Sabella có lần lượt hai đời vợ và bốn người con. Thời gian rảnh, ông cũng nằm sofa xem truyền hình, nhưng ông không xem phim trinh thám mà theo dõi các cuộc tranh cãi chính trị hoặc phim tài liệu về lịch sử.

Quan điểm bình đẳng ngoài đời theo kiểu “xã hội chủ nghĩa” là thế, nhưng “máu tư sản quý tộc” vẫn thấm đẫm con người Sabella. Đội bóng của ông là một đội bóng “phục vụ một ông chủ Messi”. Vì Messi, Sabella sẵn sàng loại Carlos Tevez, dù Tevez tài năng, Tevez người hùng Juventus, Tevez được cổ động viên Argentina yêu mến, Tevez xuất thân từ Fort Apache – “có lẽ là khu ổ chuột bạo lực nhất, chích choác nhiều nhất của Argentina, đúng kiểu địa phương mà ngày trẻ Sabella vẫn thường lui tới giúp đỡ người nghèo” (Uki Goni).
 

Messi và Sabella

Chứng kiến lối đá của hai huấn luyện viên trong trận quyết tử sắp tới, có người nói đùa là xem lối đá “xã hội chủ nghĩa” (của Loew) đấu với lối đá “tư sản chủ nghĩa” (của Sabella); xem “công đoàn bóng đá” của Loew đấu với “đội gia nhân nhà Messi” của Sabella. Cái gì cũng phải đợi kết quả mới nói là hiệu quả hay không. Thắng thì người ta bốc tận mây xanh, nào là có con mắt xanh nhìn ra yếu tố cá nhân; thua thì người ta bảo chỉ biết đề cao cá nhân, quên đi sức mạnh tập thể.
 

Loew và Lahm

Phần tôi, ai thắng hay thua cũng được, cũng có bài học hay ho nào đó được rút ra. Nhưng với lối chơi của Đức, tôi biết chắc mình sẽ không có cảm giác bị phản bội như cái đội Brazil khốn kiếp kia. Nếu họ có thua thì đó là do hôm nay những cơn sóng dữ của Argentina quá dữ, áp đảo họ, khiến sự ổn định, tầm tầm của họ không trấn nổi.

Nhưng mà cứ dự đoán nhé, có sai thì cũng chỉ bị mắng lần chót: Đức thắng Argentina 2-1 sau 120 phút. Không đá phạt đền, đau tim lắm!

*

Kết quả: Đức thắng Argentina 1-0 ở hiệp phụ thứ hai và giành cúp vô địch.

 

Ý kiến - Thảo luận

0:14 Monday,14.7.2014 Đăng bởi:  hai3n3

Mong là bốn năm sau lại gặp lại bác Bóng Tròn Xoe, lần đầu ở việt nam được đọc một tip thể thao có thể gắn với nghệ thuật gần gũi đến như vậy, cảm ơn bác nhiều. 


...xem tiếp
0:14 Monday,14.7.2014 Đăng bởi:  hai3n3

Mong là bốn năm sau lại gặp lại bác Bóng Tròn Xoe, lần đầu ở việt nam được đọc một tip thể thao có thể gắn với nghệ thuật gần gũi đến như vậy, cảm ơn bác nhiều. 

 
21:32 Sunday,13.7.2014 Đăng bởi:  LIbero

Đoán toàn sai, nhưng mình vẫn thích đoán.
3-1 trong 120', Messi ghi một bàn và đoạt bóng Vàng, còn Đức...vô địch:)
 


...xem tiếp
21:32 Sunday,13.7.2014 Đăng bởi:  LIbero

Đoán toàn sai, nhưng mình vẫn thích đoán.
3-1 trong 120', Messi ghi một bàn và đoạt bóng Vàng, còn Đức...vô địch:)
 

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả