Gẫm & Bình

Chia sẻ với bác Cứ Từ Từ mấy băn khoăn về vẽ tranh lụa 19. 09. 14 - 12:52 pm

Lê Thúy

 

“Lắng nghe gió”, lụa của Ma Lin (1180 – 1256), Trung Quốc

Cảm ơn bác Cứ Từ Từ, đọc xong bài viết của bác cháu có một số thắc mắc như sau ạ:

Như bác nói, khi vào bảo tàng xem tranh của cháu cũng rất tò mò vì không hiểu các cụ vẽ bằng loại lụa gì mà dày và khít thế, bề mặt rất mịn màng. Cũng có lần cháu mua thử lụa Hà Đông, loại này người ta dệt rất mịn, mầu trắng tinh, mặt lụa nhìn rất đẹp, nhưng khi vẽ lên rất không ổn, khi vẽ lụa không ăn mầu, các hình mảng dễ bị nhòe với nhau, muốn độ sắc nét tinh tế là rất khó, khi vẽ nhiều lớp mầu sẽ dễ bị trơ, không có sự đằm thắm vốn có của tranh lụa.

Lụa của anh Chuẩn thì rất thưa, lụa Hà Đông thì khó vẽ, cô Phương thì không nhập lụa từ Trung Quốc về, quả thật là rất nan giải ngay từ việc đầu tiên là chất liệu.

Điều thứ hai như bác kể ra là lụa, cũng là vấn đề cháu rất lo lắng. Cháu cũng nghĩ là cứ bồi gấy dó bóc dầy sẽ chắc chắn hơn, khi bồi xong cháu thấy là ổn, nhưng chỉ hai hôm sau khi khô do thấm hút độ ẩm với môi trường lại bị cong, và co kéo. cháu được các thầy bảo đấy là việc tất yếu, nên để khoảng một tuần các lớp hồ khô kiệt, lụa và giấy dó đàn hồi cùng nhau mới cắt ra khỏi saxi. Điều này không khắc phục được cong rộp mà chỉ hạn chế sự co kéo.

Và việc đáng lo ngại nhất là việc bảo quản tranh lụa về sau, ngay từ lúc bồi lụa chất lụa không chuẩn là lụa vẽ, chất giấy thì không đàn hồi như giấy dó của Trung Quốc vậy chẳng nhẽ lại không có phương pháp nào để bảo quản tranh hàng nghìn năm như họ. Vậy phương án không bồi có lẽ tốt hơn chăng, nếu không tìm được cách bảo quản lụa tốt thì hạn chế ảnh hưởng đến lụa vậy.

“Phu nhân, rồng, và phượng”, tranh lụa trong mộ cổ từ thời Chiến Quốc (476-221 TCN)

Còn về cách vẽ tranh lụa như thế nào thì cháu nghĩ là mỗi họa sĩ có một cách vẽ khác nhau. Cụ Chánh có cách vẽ của cụa Chánh, cụ Vân có cách vẽ lụa của cụ Vân, và các danh họa của Trung Quốc cũng có cách riêng của họ, các thế hệ sau có muốn bắt chước cũng không thể bắt chước được, nếu có chăng thì nên tìm hiểu được bản chất và các phương pháp của các cụ làm việc như thế nào để mỗi họa sĩ tự chọn cho mình được một cách vẽ riêng dựa trên nền truyền thông vốn có của dân tôc.

Trên đây là những ý kiến của cháu về bài viết của bác, còn đây là kinh nghiệm cháu chọn mầu cháu muốn chia sẻ, và nhờ các bạn góp ý thêm ạ

Mầu Lenigrad ưu điểm rất bám lụa, độ thấm hút cao, một khi đã vẽ xuống lụa là rất khó rửa đi. Đây là ưu điểm cũng chính là nhược điểm của mầu, nếu khi vẽ họa sĩ không tính trước chỉ nhuộm mảng phẳng thôi sẽ bị cứng và thiếu sinh khí, thiếu chất như bác Cứ Từ Từ đã nói. Trong mỗi mảng trong tranh họa sĩ phải chủ động về chất và bút pháp ngay từ đầu để có hiệu quả như mong muốn.

Mầu hai con ngựa hoặc mầu pentel có ưu điểm là có nhiều mầu hơn, mầu xanh đỏ, có nhiều độ hơn, rất thuận lợi cho họa sĩ dùng để thể hiện cảm biển mầu sắc trong tranh của mình, nhưng nhược điểm là rất dễ trôi mầu nên phải nhuộm nhiều lần, lúc bồi cũng phải để ý bởi rất dễ mất mầu.

Ngoài ra cháu có xử dụng thêm mầu acylic dùng để vẽ trên lụa và trên quần áo, được đóng thành các chai và bán trên Hàng Hòm. Ưu điểm cũng như mầu pentel có rất nhiều mầu, đặc biệt là các mầu phản quang rất rực rỡ, nếu dùng để vẽ thì sẽ hạn chế đi sự nhạt nhòa vốn có của lụa, vẽ là thấm luôn không phai, nhưng phải rất cẩn thận khi sử dụng không sẽ trở nên khô cứng; mầu này chỉ dùng một lần không cần phải nhuộm đi nhuộm lại.

Tranh lụa vẽ hổ ở thung lũng tùng của Wenzheng Dong, Trung Quốc

*

Đây là cmt cho bài “Về thân phận con sen, con vợ lẽ của tranh lụa trong làng hội họa Việt Nam” của Cứ Từ Từ. Soi xin đưa lên thành bài, đặt tên, và tìm hình minh họa.

Ý kiến - Thảo luận

21:27 Friday,19.9.2014 Đăng bởi:  Linh Cao
Mình chơi thân 15 năm nay với một gia đinhf hoạ sỹ. Anh vẽ sơn mài sơn dầu, chị lo nội chợ- đưa con đi học - và hàng ngày vẽ tranh lụa. Chính là nhà anh Trần Thành đã lên bài trên Soi, do anh Bùi Hoài Mai đưa. Chị Dung thích nấu ăn, chửi tục và trồng hoa. Mình chẳng thích gì bằng ngồi bên khuôn cửa hướng ra hồ Thanh Nhàn nhà anh chị, mắt nhoè dần vì đám cây hoa um tùm v
...xem tiếp
21:27 Friday,19.9.2014 Đăng bởi:  Linh Cao
Mình chơi thân 15 năm nay với một gia đinhf hoạ sỹ. Anh vẽ sơn mài sơn dầu, chị lo nội chợ- đưa con đi học - và hàng ngày vẽ tranh lụa. Chính là nhà anh Trần Thành đã lên bài trên Soi, do anh Bùi Hoài Mai đưa. Chị Dung thích nấu ăn, chửi tục và trồng hoa. Mình chẳng thích gì bằng ngồi bên khuôn cửa hướng ra hồ Thanh Nhàn nhà anh chị, mắt nhoè dần vì đám cây hoa um tùm và đám lụa căng phác thảo chị đang kỳ cọ vẽ. Mỗi bức tranh là một góc tâm hồn chị, đôn hậu và êm đềm. Mình được xem rửa- đi nét- nhuộm mầu- rồi lại rửa. Mình cũng được xem dán giấy dó, bồi- miết phẳng- chờ khô- rồi bóc ra... Nhân đọc các cmt của mọi người, mình cũng góp thêm một đôi nhận xét, về nghề.
Thứ nhất, trong bồi tranh lụa, hồ là tối thượng. Ngày xưa chạy bom Mỹ làng nghề chạy chum hồ trước chum gạo sau. Vì hồ đã được ngâm lâu thối inh ỏi và hết cả thối rồi, thì trong vắt toàn tinh của tinh của tinh gạo...tốt thôi rồi. Công thức pha chế thì mình tịt ngóm, nhưng đoan chắc hồ tốt sẽ làm lụa và dó dính vào nhau êm ru, đàn hồi, thấm thiết, nhất quyết bền lâu.
Thứ 2, thớ lụa thường co vào, nên khi bóc bồi ra khỏi tấm mica hoặc tấm ván phẳng, bao giờ tranh cũng cong tự nhiên vào trong phần lụa( có nghĩa là phần giays dó ở ngoài, đúng như khi ta cuốn tranh lụa cho vào ống). Điều này lý giải tranh lụa Tầu cổ- phần lớn là tranh trục, khi muốn xem mới rút khỏi ống trải ra và luôn đi kèm 2 thanh chặn 2 đầu nặng chịch bằng gỗ trắc chạm trổ thơ phú vân vi- mà nói rộng hơn là các loại tranh lụa cuộn cất đi, thuòng bền bỉ giữ mầu hơn là treo phanh phui ép trong khung kính. Lớp bồi cũng được thoải mái yên ả hơn, lớp lụa cũng được nâng niu ôm ấp hơn...
Với tranh lụa to đùng ngã ngửa vẽ mô-đéc sau này, mình nghĩ sẽ có nhiều cách để tạo hiệu ứng kính mờ, xem tranh qua sự mờ ảo của mầu và lụa, chứ không ai buồn ngắm mãi chút tươi thắm mặn mà kín đáo, hoặc vẻ đep chân quê nữa. Tự đề tài nó bó hẹp kỹ thuật, cho nên phải đúng tạng nào mới ra được một hoạ sỹ vẽ lụa. Chị Dung là thần tượng để mình ngắm, khi mất niềm tin vào những con người nghiệt ngã bon chen thái quá. Để tìm lại đúng chất tranh Việt, nhất thiết phải đi qua lụa .
Còn thì ai muốn lao vùn vụt ra với thế giới, thì cứ kệ họ thôi. Càng rộng chỗ hi hi 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả