|
|
|
|||||||||||||
Trường pháiVề tranh lụa: vẽ làm sao để còn là lụa 21. 11. 14 - 4:23 pmLý Trực Dũng
Tôi có đọc bài tranh lụa của bạn Cứ Từ Từ và Lê Thúy. Nhiều thông tin hay và rất nhiều trăn trở. Tôi chỉ muốn trao đổi với các bạn yêu tranh lụa một chút về phần kỹ thuật vẽ và việc bảo quản tranh lụa. Tại sao tên tranh lụa? Tôi không biết ở Trung Quốc người ta có gọi là tranh lụa là tranh lụa hay không? Bạn nào biết xin giới thiệu. Ở Việt nam gọi tranh lụa. Tại sao? Trong khi người ta thường gọi tranh theo chất liệu màu như: tranh sơn dầu, tranh sơn mài, tranh sơn khắc… Còn tranh lụa? Cái khác biệt ở đây là tranh được vẽ trên lụa chứ không vẽ trên giấy, trên gỗ, trên canvas v.v… Lụa có nhiều loại, nhưng tựu trung khi nói đến lụa thì người ta nghĩ ngay đến thứ gì đó mềm, mượt mà, mỏng, óng ả, nhẹ tênh… Người Trung Quốc xưa dùng màu thảo mộc và đất đá để vẽ tranh lụa cốt để giữ được cái chất tuyệt vời của lụa từng gây “sốt” ở Trung cận Đông và châu Âu và họ đã dựng nên con đường tơ lụa huyền thoại. Nếu bây giờ dùng bột màu, acrylic, thậm chí sơn dầu… vẽ trên nền lụa, phủ hết thớ lụa thì không biết tranh như thế còn được gọi là tranh lụa nữa không? Tôi cho rằng quan trọng nhất, đã là tranh lụa thì phải giữ được cái chất óng ả mượt mà, mong manh của lụa. Màu vẽ Tôi đã thử khá nhiều màu nước kể cả loại rất đắt tiền của Anh, nhưng thấy hợp nhất vẫn là màu nước Leningrad, nhất là màu đen của nó, tuyệt vời, rất đằm. Cách vẽ Khô hay ướt, rửa nhiều lần? Tôi thích vẻ ở một độ ẩm cao. Vẽ phác qua rồi rửa, lại vẽ, rồi rửa… cứ thế nhiều lần cho đế khi được cái tranh mình thích. Cách vẽ này dễ tạo được độ loang rất đặc trưng của lụa cho tranh và vẽ được nét sắc khi cần tỉa chi tiết. Cái cách vẽ, rửa này còn có một cái lợi nữa: cứ một lần vẽ lại, ta có thời gian ngắm, ta dễ thấy cần sửa cái gì, nhấn cái gì… để có thể có được một bức tranh mình thích như đã nói trên. Tôi không biết các họa sĩ khác vẽ tranh lụa thế nào, còn tôi vẽ rất chậm, rất mất thời gian, phải rất kiên trì vì vội cũng chẳng được. Họa sĩ Trung hoa xưa và nay vẽ tranh xong đều phải bồi. Tôi không thích điều này vì lý do thẩm mỹ, nó làm giảm cái hấp dẫn của tranh. Có lần tôi đã trao đổi với một vị tiến sĩ mỹ thuật Trung Quốc nhân ông mang tranh lụa và tranh vẽ trên giấy sang triển lãm ở Berlin năm 1987. Trong số tranh triễn lãm đó có cả tranh lụa của bát quái Hàng Châu. Ông ta nói rằng họ không có cách nào khác ngoài việc phải bồi tranh lụa?! Có thật tranh lụa không bồi thì xấu, kém chất lượng hơn không? Không bồi thì nó nhờ nhờ, trông bạc nhược? Cái tranh “Gánh hàng hoa” của tôi không bồi và tôi không nghĩ nếu được bồi thì nó sẽ đẹp hơn. Lụa để vẽ Tôi đã vẽ tranh trên nhiều thứ lụa khác nhau mà tôi có được, từ nhiều loại lụa mỏng, dầy khác nhau của Trung Quốc dành cho người vẽ tranh lụa bán ở Đức mà tôi mua được, cho đến lụa Đà Nẵng, lụa có bán ở mấy cửa hàng họa phẩm Hà Nội… Có loại trắng ngà, có loại hơi vàng dệt rất thưa… Theo tôi, quan trọng là việc người vẽ cần biết phân tích và xử lý từng loại lụa khi vẽ, rồi phải thử…, để vẽ được trên thứ lụa mình có. Bảo quản tranh lụa ở Việt Nam Ở Trung Quốc, nhất là phía Bắc, họ không gặp vấn đề bảo quản tranh lụa. Ở Trung Quốc, tôi cũng được xem một số tranh lụa của các họa sĩ ở nhiều thế kỷ trước. Hồi ở Đức tôi không hề gặp vấn đề bảo quản tranh lụa và những người mua tranh lụa của tôi bên đó cũng không gặp vấn đề này. Lý do: Ở Trung Quốc và Đức độ ẩm không khí rất thấp, chỉ khoảng 40-50 %. Còn Việt nam? Độ ẩm ở Việt Nam vào loại cao nhất thế giới, nhất là ở miền Bắc, độ ẩm trung bình lên tới 80-85 %, có những ngày cá biệt độ ẩm lên tới 100 %. Việc bảo quản tranh sơn dầu trong điều kiện độ ẩm cao như vậy cũng đã là một vấn đề nan giải chứ đừng nói đến bảo quản tranh lụa. Rất nhiều tranh sơn dầu khi họa sĩ vừa vẽ xong màu sáng, trông rất hấp dẫn, nhưng chỉ độ một tháng sau trên bề mặt tranh đã thấy xỉn vì hơi nước. Không phải riêng tranh, ngay nhà mình ở mà không có các biện pháp thông thoáng thì cũng ẩm mốc. Theo tôi, độ ẩm không khí cao là thách thức lớn nhất cho việc bảo quản tranh lụa. Vì vậy mỗi người họa sĩ vẽ tranh lụa và người yêu thích tranh lụa sẽ phải tự tìm ra cho mình một cái cách riêng để bảo quản và thưởng ngoạn tranh của mình, không để tranh phải tiếp xúc với độ ẩm không khí cao hơn 50 % làm hỏng mất tranh. * Ghi chú: Tôi viết bài này trên FB ngày 17. 11. 2014 để trao đổi vói các bạn yêu tranh lụa. Các bạn ở Soi có đề nghị post bài này lên Soi và thêm vài ảnh tranh lụa nữa. Tôi đồng ý và có gửi thêm 5 cái tranh nữa, ngoài cái tranh “Gánh hàng hoa”, tất cả đều được vẽ từ trước 1989, chỉ muốn trao đổi là tranh lụa không bồi thì trông nó thế. Cám ơn Soi.
Ý kiến - Thảo luận
11:59
Thursday,12.11.2015
Đăng bởi:
Candid
11:59
Thursday,12.11.2015
Đăng bởi:
Candid
May quá, cám ơn bác Cứ Từ Từ. Để em nhịn ăn sáng mua về làm tư liệu.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp