Khác

Nếu được làm lại Du Cư… 04. 04. 11 - 8:21 pm

SOI thực hiện

Một toàn cảnh lều tạm ở Bãi Giữa sông Hồng (Ảnh: Lê Anh Dũng, VNN). Ảnh trong triển lãm Du Cư

(SOI: Ngay sau khai mạc triển lãm, Soi có cuộc trao đổi với hai tác giả của Du cư trong thành phố quanh dự án này. Sáng mai là tọa đàm, từ rất sớm, 8h30, mong mọi người đến thật đông và có nhiều câu hỏi hay cho những người thực hiện dự án)

*

HỎI: Nếu nói vắn tắt trong hai dòng thì dự án này nhằm mục đích gì? Mục đích về nghệ thuật và mục đích gì khác?

TRẢ LỜI: Chỉ có mục đích nghệ thuật – dùng một hình thức nghệ thuật đương đại để chuyển tải một câu hỏi về hạnh phúc – định nghĩa lại cái nhà và thế nào là cuộc sống tự do hạnh phúc. Tình cờ nào đó thì nó liên quan đến vấn đề cộng đồng thôi. Vì đúng là những hộ dân đó rất được cộng đồng quan tâm nói chung. Hàng năm có tiêm chủng xuống tiêm cho trẻ con. Rồi sinh viên tình nguyện xuống đó dạy cho bọn trẻ con học, cho quần áo. Chính quyền cũng rất quan tâm nhiều mặt, Tết thì quyên góp rồi ra trao tặng quà Tết cho họ…v.v

H: Và cái câu hỏi về hạnh phúc, cụ thể là câu gì?

TL: Câu hỏi về hạnh phúc là: Có phải có cuộc sống vật chất giầu có, nhưng thiếu không gian tự do và gần gũi thiên nhiên, thì con người có được hạnh phúc không?

H: Còn câu trả lời của hai nghệ sĩ là gì? Có giống nhau không?

TL: Câu trả lời giống nhau: Nếu không có không gian tự do, nếu không gần gũi thiên nhiên, thì có lẽ không nhiều người hạnh phúc lắm đâu. Bởi vì ở nhà như cái chuồng (dù chuồng nhiều tỷ) và đi lại trong thành phố như mắc cạn trong cái bể cá sắp hết nước thì hạnh phúc làm sao nổi. Như ở kia, những người cắm lều phao ở sông, trông gương mặt họ có vẻ khổ đau nói chung (chắc là vì quá khứ giang hồ, đau khổ trước đó), nhưng từ khi họ sống ở đó, họ thư thái hơn hẳn. Và nói chuyện với họ rất thoải mái. Đời của mỗi người phải ra ở đó là những câu chuyện rất dài, rất hay…

Bố mẹ đi làm – Trẻ em Bãi Giữa tự chơi và tự sửa xe đạp (Ảnh: Vũ Lâm, báo Thời Nay) – Ảnh trong triển lãm Du Cư

 H: Và các anh định nghĩa thế nào là một cuộc sống tự do, hạnh phúc (cụ thể trong triển lãm này), có phải: thà ở nhà tranh còn hơn học trường Mỹ thuật?… Đùa thôi, chúng tôi hỏi tiếp đây: Anh nói tình cờ mà dự án này liên quan đến vấn đề cộng đồng… Chữ “tình cờ” nghe có vẻ mâu thuẫn, vì trong triển lãm có cả một loạt ảnh chụp công phu về cộng đồng này, chứng tỏ mọi người cũng đã phải lên ý tưởng kỹ, và cái cộng đồng này cũng đã được tăm tia từ lâu?

TL: Thực ra nói là tình cờ thì cũng không hẳn. Bởi sự quan tâm thông cảm đến đời sống nghèo khó của những người khác (không riêng gì những người ở ngoài bãi sông) đã nằm trong mối quan tâm thường xuyên của chúng tôi (hai tác giả) rồi (ghê chưa), hì. Chúng tôi đề cập đến đời sống của nhóm người ở bãi sông này là vì có lý do đặc biệt hơn. Họ tuy khổ nhưng mà sướng, theo cách chúng tôi cảm nhận đời sống của họ là như vậy.

Một căn nhà lều điển hình của người nghèo (Ảnh: Nguyễn Việt Hưng, báo Dân Trí) – Ảnh trong triển lãm Du Cư

 H: Như nãy giờ anh nói thì toàn là mục đích xã hội đấy chứ: đánh động về tiêu chí sống hạnh phúc. Nhưng một số người, trong đó có Soi, nói: “Đây không phải là dự án nghệ thuật, phần cái nhà. Phần bộ ảnh thì có nghệ thuật.” Anh nghĩ sao?

TL: Có thứ bạn cho là nghệ thuật, còn tôi cho là không, hoặc ngược lại. thì sao. Còn nghệ thuật thì bao dung tất cả chúng ta. Bạn thấy không nghệ thuật là vì sao?”

H: Không thấy tính nghệ thuật vì cảm giác rất thực của chúng tôi là giống như trong sân trường Mỹ thuật có cái chòi của công nhân xây dựng, dựng lên trong lúc đang xây các tòa nhà gần đó. Đâu là ranh giới giữa một bên là cái cảnh chúng ta vẫn hay gặp ấy, một bên là nghệ thuật? Khi làm chắc các anh cũng nghĩ đến điều đó chứ?

TL: À, đơn giản thôi ạ. Triển lãm của chúng tôi bày ở sân trường này là phương án thứ ba – hạ sách. Như ông Trần Lương phát biểu ở buổi khai mạc hôm qua: Thượng sách, nhét cái nhà vào một không gian khu biệt, hoàn toàn chủ động về xử lý. Nhưng phương án này không thực hiện được ở Việt Art, nơi trần nhà đủ cao để nhét vào, vì ông giám đốc Viet Art Centre không đồng ý cho phá cửa kính đi để di chuyển nhà vào, (ông ấy khuyên nên dỡ lều ra để đem vào). Họa sĩ Thành Chương cũng khuyên như vậy, nhưng cả hai chúng tôi đều muốn giữ trạng thái nguyên bản của cái nhà – lều đó. Điều đó làm chúng tôi mất công nhất.
Phương án hai, bày ở sân cỏ mặt trước bảo tàng mỹ thuật. Đây là trung sách, nhưng lại có cái hay là đặt vào đây thì cái lều hoàn toàn lạc lõng với bối cảnh xung quanh. Thích hợp nhất với ý đồ của chúng tôi, chỉ còn lo phần ánh sáng là xong. Nhưng ông giám đốc mới nhậm chức của bảo tàng e ngại vì nó lạ quá, nên ông cũng không đồng ý.
Khi di chuyển căn lều vào tới sân trường, nơi có rất nhiều cây cối, chúng tôi đã thấy trước sự thất bại về mặt chuyên môn tạo hình. Vì ý của chúng tôi là muốn cái lều phải lạc lõng hẳn đi với không gian xung quanh, giống như con cá bị vớt lên bờ vậy. Nó thật là vụng về và sắp chết đến nơi vì không thở được.
Ông Đào Châu Hải, xem cái lều ngay sáng hôm sau mới đưa vào, có nói vui: Tao thấy chúng mày hỏng to rồi, tao nhìn thấy cái lều chúng mày đưa vào thế chó nào mà lại rất “ăn” với cây cối và những cái nhà xây xung quanh, thế nên nom nó giống như là mọc lên ở đó lâu rồi.

Tác phẩm sắp đặt của Vũ Lâm và Nguyễn Hồng Phương

 H: Giả sử như nếu đặt được ở phương án thượng sách, hẳn các anh sẽ thấy hài lòng vì chất lượng nghệ thuật (theo các anh), hãy thử cho chúng tôi biết, như con mắt của anh thì dự án này tính nghệ thuật khi ấy nằm ở chỗ nào? Các anh mong chờ nó gây ra cảm giác gì ở người xem?

TL: Thứ nhất, sự thành công của một triển lãm rất là đa dạng đối với tác giả và công chúng. Có những triển lãm, tác giả thành công (ví dụ bán được nhiều, mời được nhiều người đến xem, báo chí, truyền hình đưa tên ông ta ỏm tỏi cả lên). Nhưng với tiến trình nghệ thuật và với khán giả số đông lại là thất bại (vì tác phẩm ông làm dở quá, trình kém, và chẳng động chạm được gì đến nỗi khổ và nỗi sướng của người khác).
Lại có những triển lãm, tác giả thất bại, (vì lại đem tranh về, chẳng bán được cái nào), nhưng với nghệ thuật lại là thành công, vì rất hay, rất mới, rất ít người hiểu, không được sự quan tâm số đông. Điều đó chỉ lịch sử nghệ thuật sau này đánh giá lại mới biết. Đại khái thế – có ba vế: tác giả – công chúng số đông – trình độ phát triển của cái cây nghệ thuật. Rất khó để cả ba vế này thành công cùng một lúc.
Còn với triển lãm này, chúng tôi cho rằng chúng tôi có được thành công là học thêm một kinh nghiệm về sự giao tiếp. Và người xem số đông cũng có vẻ thích vì họ đến xem liên tục và khá nhiều.
Nhưng thành công lớn nhất là sáng nay, ông chủ nhà đó đã tự động lên chơi, ông nói là sẽ dẫn từng người ở Bãi Giữa lên xem. Ông ấy thích “tác phẩm” này, nó có phần của ông ở trong đó. Nó có đời sống của từng người dân Bãi Giữa ở trong đó.

 H: Không, tôi không hỏi cái đó, tôi chỉ hỏi: khi làm xong anh thấy tác phẩm này là nghệ thuật, vậy nghệ thuật ở chỗ nào. Hai: khi làm xong, tác phẩm này gây ra cảm xúc gì ở anh, và khán giả có cảm xúc gì trước tác phẩm thì anh sẽ thích nhất? Thí dụ một nhà điêu khắc khi làm xong một tác phẩm thật kỳ vĩ thì sẽ thích ở khán giả có cảm giác choáng ngợp…

TL: Đó là nghệ thuật ở chỗ đấy, theo chúng tôi. Chúng tôi không cho rằng một tác phẩm dù “hoành tráng” đến mấy, nhưng cũng là không thành công nếu không gợi được hai điều: sự tò mò của con người nói chung, hai: thấy có thân phận của từng cá nhân đơn lẻ một, ở trong tác phẩm ấy. Còn tác phẩm to, lạ, cầu kỳ, quái đến mấy, nếu khi đưa ra không có hai điều nói trên phản hồi thì tự ông tác giả biết, sướng, thích mà thôi. Chúng tôi thì không có cảm giác muốn như vậy. Chúng tôi muốn người xem tò mò với tác phẩm chúng tôi đã làm, và họ thấy “có mình” ở trong đó. Càng nhiều người xem thấy “có mình” ở trong tác phẩm chúng tôi thì chúng tôi thấy sự thành công đó càng lớn, thấy sự thành công đó càng dày.

Một hình cảnh toàn cảnh Bãi Giữa sông Hồng mùa hè (Ảnh: Đinh Hữu Dư – thực tập sinh báo Nhân Dân) – Ảnh trong triển lãm Du Cư

 H: Nhưng lúc nãy anh cũng có nói là ba vế tác giả, công chúng, trình độ thường không đi cùng nhau, nên có những tác phẩm phải để lịch sử nghệ thuật sau này đánh giá mới đúng cơ mà? Có nghĩa là không nên quá tin vào số đông. Ngộ nhỡ họ không đến xem nhiều thì hai anh thấy tác phẩm mình là thất bại, là ít tính nghệ thuật à?

TL: Mỗi một tác phẩm hay một vấn đề nghệ thuật sinh ra ở thời điểm nào thì nó có lý do sinh ra ở thời điểm đó, trả lời cho những câu hỏi nhân sinh ở thời điểm đó đối với cá nhân và xã hội đó. Còn nếu câu hỏi và câu trả lời (trong thông điệp của một tác phẩm nêu ra) vẫn còn giá trị sau này và được lịch sử nghệ thuật ghi lại, thì đó là một điều may mắn mà thôi (khi đó thì hầu hết các tác giả cũng chết sạch rồi). Cũng cần nói thêm, là lịch sử thì cũng do một cá nhân nào đó viết ra, ghi lại mà thôi. Những bộ sử hay thường có một tác giả mà thôi, chứ không phải là một hội đồng các tác giả.
Người xem đến xem đông, cũng như một quyển sách in ra nhiều người đọc, thì tất nhiên là một điều mừng của tác giả (nó sẽ đem lại nhuận bút hoặc nhuận hư danh). Tuy nhiên, dù ít hay nhiều người đến xem, thì chúng tôi cũng không lấy đó làm buồn. Vì chúng tôi đã làm xong một việc khá vất vả. Vất vả không phải bởi phải bê vác nặng nề, (toàn thuê hết ấy mà). Vất vả bởi phải nghĩ đến nó liên tục, cho đến khi nó ra đời, mà không yên tâm làm được việc gì khác. Điều đó rất nặng nề, giống như là tương tư vậy.

 H: Nếu cho làm lại, ngoài việc để vào vị trí thượng sách, anh sẽ làm gì thêm, bỏ bớt cái gì?

 TL: Nếu tối ưu, để vào vị trí thượng sách, ai cũng chiều đãi và giúp mình thuận lợi cho công việc. thì chúng tôi sẽ làm đúng như phác thảo 3D ban đầu dự định đơn giản: một cái lều trên bệ gương, và xung quanh là mấy cái ghế đỏ.
Nếu như thế, thì nó sẽ thu hút ít hơn số người xem, và cũng ít hơn việc được đặt nhiều ý nghĩa “cộng đồng” lên tác phẩm. Tuy nhiên, nó sẽ nói được nhiều điều có vẻ quan trọng hơn về bản chất đời sống.
Ví dụ như Nam Cao nói rất ngắn gọn: Hạnh phúc là một manh chiếu hẹp, thằng này rét thì thằng kia sẽ ấm. Câu nói đó là một quy luật. 

H: Từ nãy đến giờ anh đã cho biết rất nhiều lí do khách quan để tác phẩm không được như ý. Thực ra trong bất cứ công việc nào thì không ai có thể đoan chắc được là thực hiện theo kê hoạch 100%. Cũng có thể phác thảo rất đẹp nhưng khi thực tế không được đẹp. Vì là nghệ thuật thị giác, nên ta phải đều chỉnh nó liên tục trong lúc làm. Liệu với bối cảnh mà anh cho là hạ sách ở không gian trường Mỹ thuật, đã có lúc nào các anh nghĩ đến việc điều chỉnh nó cho việc thực hiện ý tưởng của mình được trọn vẹn chưa? Nhất là vì bản chất sáng tạo của nó mà có thể đến phút cuối vẫn có thể thay đổi để tạo cảm giác tốt hơn cơ mà.

TL: Một tác phẩm installation art không phải là một bức tranh, vẽ xong và ký tên rồi thì không thể vẽ thêm nữa. Nó là một thứ ứng biến, có thể thay đổi thêm bớt ở những không gian khác nhau. Và ngay trong quá trình triển lãm (vài ngày), thì mỗi ngày cũng có thể thay đổi để tạo ra trạng thái khác nhau. Có thể nói một bức tranh như một bàn cờ, thì một trận bóng đá là một bàn cờ di động, các quân cờ tự biết đi chứ không chờ thằng đánh cờ nhón tay đặt chỗ này chỗ kia. Installation art bản chất là vậy, là một bàn cờ di động. Và thế thì nó mới hay, mới trở thành là một loại hình nghệ thuật tạo hình mới hẳn hoi, của thế kỷ trước và kéo đuôi dài sang thế kỷ này. Người vẽ tranh thì quá trình vẽ hay dở thay đổi liên tục thế nào thì tự họ biết mà thôi. Còn một cái Sắp đặt (gọi cho đúng thì là Lắp đặt mới phải) thì có nhiều kiểu lắp đặt khác nhau. Và có thể ghi lại được, người xem cũng chứng kiến được sự thay đổi đó, thậm chí người xem có thể tham gia vào, và đột nhiên tác phẩm có thể có những trạng thái hay ho đến bất ngờ (gọi là tương tác là vì vậy).
Chúng tôi vẫn đang điều chỉnh mỗi ngày đó chứ, và ghi lại bằng ảnh từng ngày một. Nếu triển lãm diễn ra 5 ngày, chúng tôi điều chỉnh cả 5 ngày. Nếu ông hiệu trưởng trường Mỹ thuật cho chúng tôi bày cái lều đó một năm thì chúng tôi cũng đủ tình cảm và ham muốn để có thể điều chỉnh tác phẩm đi đến tiệm cận sự hoàn hảo trong cả một năm.

Cảm ơn hai anh! 

Anh Lê Hồng Thao, sinh 1967 ở Phú Thọ, rời quê lang bạt từ tuổi thiếu niên. Năm 2001 gá nghĩa với một phụ nữ cùng cảnh ngộ hơn anh 10 tuổi rồi về sống ở Bãi Giữa. Do vợ luống tuổi hiếm muộn, hai vợ chồng lên chùa cầu tự được một vị sư đưa cho con búp bê và nói mang về nuôi giống như nuôi một đứa con nuôi may ra lại có con. Búp bê được vợ chồng anh Thao đặt tên là Lê Hồng Nhung. Hàng ngày bố mẹ ăn gì cũng chấm lên miệng búp bê coi như cho ăn, đêm đến cũng ru ngủ. Hàng ngày vợ đi nhặt rác nuôi chồng ốm đau, anh Thao ở nhà thường trò chuyện, bế ẵm búp bê tình cảm như đứa con thật. Thỉnh thoảng thời tiết ấm áp anh lại bế búp bê lên cầu Long Biên khiến nhiều người lạ lắm nghĩ Thao bị hâm. Tết đến, “Lê Hồng Nhung” cũng được bố mẹ bế đi chúc tết hàng xóm và cũng được mừng tuổi như những đứa trẻ khác. Được biết anh Thao đã mất do bệnh phổi quá nặng. (ảnh chụp từ 2004- chú thích của tác giả Lê Anh Dũng, VNN) – Ảnh trong triển lãm Du Cư

*

DU CƯ TRONG THÀNH PHỐ

Sắp đặt Tạo hình kèm ảnh
Của Nguyễn Hồng Phương – Vũ Lâm và năm nhiếp ảnh gia
Triển lãm tới 7. 4. 2011, tại sân trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam 42, Yết Kiêu, Hà Nội
Tọa đàm giữa các tác giả và khán giả: 8h30 sáng thứ Ba, 5. 4. 2011, tại Nhà bảo tàng trường Mỹ thuật 42 Yết Kiêu, Hà Nội
 

*

Bài liên quan:

– DU CƯ: Nhà phao nổi giữa sân trường Yết Kiêu
– DU CƯ tới đâu rồi?
– Khai mạc DU CƯ tại sân trường Mỹ thuật
– Nếu được làm lại Du Cư…
– DU CƯ: sự phô diễn?
– KVT – DU CƯ: một ý tưởng tuyệt vời
– Hôm ấy thật là đông vui!
– Bàng Nhất Linh: Mình thấy không ổn…

Ý kiến - Thảo luận

23:05 Tuesday,5.4.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Anh Trieulong oi, rõ ràng là dự án này làm ở sân trường mình là thất sách quá rồi, đúng không ạ (chú Trần lương bảo là "hạ sách"). Phải chi nó được thực hiên tại bãi sông, cư dân bãi và nghệ sĩ, đông đảo người xem có dịp gặp gỡ và giao lưu tâm sự với nhau về đời sống, về nghệ thuật vị nhân sinh?
...xem tiếp
23:05 Tuesday,5.4.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Anh Trieulong oi, rõ ràng là dự án này làm ở sân trường mình là thất sách quá rồi, đúng không ạ (chú Trần lương bảo là "hạ sách"). Phải chi nó được thực hiên tại bãi sông, cư dân bãi và nghệ sĩ, đông đảo người xem có dịp gặp gỡ và giao lưu tâm sự với nhau về đời sống, về nghệ thuật vị nhân sinh? 
13:28 Tuesday,5.4.2011 Đăng bởi:  trieulong
May quá sáng nay em lại lên dự thảo luận của hai anh được. Đúng là phải đứng trong trực diện thì mới mở mang thêm và có thấu hiểu nhất định về vấn đề. Nhiều người nói dự án nghệ thuật của hai anh thất bại hoàn toàn và hầu hết thời lượng buổi tọa đàm hôm nay không dành nói về nghệ thuật của tác phẩm đó mà chủ yếu dành nhiều thời gian bàn về phát tr
...xem tiếp
13:28 Tuesday,5.4.2011 Đăng bởi:  trieulong
May quá sáng nay em lại lên dự thảo luận của hai anh được. Đúng là phải đứng trong trực diện thì mới mở mang thêm và có thấu hiểu nhất định về vấn đề. Nhiều người nói dự án nghệ thuật của hai anh thất bại hoàn toàn và hầu hết thời lượng buổi tọa đàm hôm nay không dành nói về nghệ thuật của tác phẩm đó mà chủ yếu dành nhiều thời gian bàn về phát triển cộng đồng, vấn đề xã hội...
Vậy nếu bàn về vấn đề xã hội, phát triển cộng đồng ấy, giá mà 2/3 số dân đang sống ở bãi sông ấy có mặt trong buổi tọa đàm hôm nay để trao đổi gặp gỡ một cách trực diện có chăng hai anh sẽ thành công hơn ??? Nhưng tuyệt nhiên không có một người dân nơi xóm bãi và chỉ có chúng ta đưa ra, chúng ta đối thoại, chúng ta tự vấn... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả